Sunday, November 30, 2008

Entry for November 30, 2008

Có người bạn tớ ở nước ngoài muốn hỏi thông tin cụ thể về làng trẻ em Hòa Bình (Hà Nội). Cụ thể là các thông tin cơ bản liên quan tới làng này như thành lập bao giờ, có bao nhiêu trẻ, bao nhiêu trẻ nhiễm chất độc da cam, có thể giúp đỡ thế nào...Tìm trên Net thì không thấy có mấy thông tin cụ thể về làng này.
Nếu bạn nào có thông tin thì cho biết giúp, cảm ơn nhiều.
Từ việc này, có lẽ những cơ sở từ thiện ở Việt Nam như các làng SOS, Hòa Bình...cũng cần có trang web
để giới thiệu về mình. Thử google thấy trang web của làng Hòa Bình là txpeacevillage.org.vn nhưng đã die.

Entry for November 30, 2008

Vụ khủng bố vừa qua ở Ấn Độ cho thấy tình trạng an ninh của nước này thật thảm hại. Chỉ có 10 tên khủng bố trẻ măng, chia thành các nhóm 2 người dùng súng và lựu đạn mà giết ít nhất 174 người, trong đó có hàng chục cảnh sát, thậm chí cả người đứng đầu lực lượng chống khủng bố Mumbai.

Cả một thành phố 18 triệu dân, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, mà không hề có lực lượng SWAT hay commando.
Và không thể nói là Mumbai chưa từng biết tới khủng bố vì năm nào cũng có những vụ khủng bố xảy ra, chủ yếu là đánh bom tàu hỏa hay nơi công cộng, làm hàng chục hay hàng trăm người chết. Thế nhưng cảnh sát thành phố này chỉ được trang bị bằng gậy ba-toong hay súng trường từ thế chiến thứ 1 (theo AP), cho dù trong những năm gần đây, Ấn Độ đang nổi lên như một cường quốc kinh tế và công nghệ trên thế giới! Ở nhà ga trung tâm, chỉ 2 tên khủng bố thoải mái vãi đạn vào hàng trăm người cho dù hơn 60 cảnh sát đang làm nhiệm vụ ở nhà ga này.

Phải mất 10 giờ để lực lượng Commando từ New Dehli đến được Mumbai và ngay cả lực lượng này, được chuyên dùng để bảo vệ các yếu nhân ở New Dehli, cũng không được trang bị đầy đủ, không có cả kính hồng ngoại để nhìn được ban đêm hay các thiết bị cảm nhiệt để xác định được vị trí bọn khủng bố và con tin. Và phải mất 2 ngày trời, lực lượng commando mới tiêu diệt được các cứ điểm khủng bố cho dù tại mỗi cứ điểm cũng chỉ có vài tên khủng bố.

Với vụ khủng bố này, có lẽ uy tín của Obama sẽ lại lên cao hơn. Chính sách đối ngoại của Obama là cứng rắn với Pakistan. Và như những tin tức đầu tiên cho biết thì tên khủng bố duy nhất bị bắt sống khai là người Pakistan và được tập huấn trên đất Pakistan.

Entry for November 30, 2008

Đọc cái này buồn cười phết. Bài viết nói về công của ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước với Nhịp cầu ngoại giao Việt-Mỹ. Nhưng đọc cả bài chẳng thấy nói gì tới những đóng góp của ông Anh khi ông làm nguyên thủ mà chỉ đề cập tới việc ông xóa bỏ "định kiến" bằng cách đồng ý cho con gái giáo sư Nguyễn Huy Phan lấy Việt kiều Mỹ (cái này không biết tác giả có liên hệ với đám cưới gần đây của ái nữ Thủ tướng không) và cho con trai đi học Harvard.

Kể ra, đóng góp cho nhịp cầu ngoại giao Việt-Mỹ bằng cách cho con đi học Harvard cũng là một đóng góp lớn lao. Sau tấm gương hy sinh của bác Anh, nghe nói nhiều bác khác cũng "dũng cảm" cho con đi Mỹ học. Hình như con trai Thủ tướng Dũng cũng làm luận án TS ở Mỹ thì phải, nhưng hình như không phải Harvard.


Lạ là một bài viết về lịch sử, đề cập tới cựu nguyên thủ mà không hề có ngày tháng gì, ví dụ những chi tiết như ông Nguyễn Huy Phan sang Mỹ vào năm nào, con ông lấy Việt kiều năm nào, con ông Lê Đức Anh đi học ở Mỹ năm nào không hề được nhắc tới. Ca ngợi một người vì những đóng góp của người đó trong giai đoạn quan hệ Việt-Mỹ căng thẳng, mà không hề nhắc tới thời điểm cụ thể thì bài viết còn giá trị gì?

Đại tướng Lê Đức Anh với nhịp cầu quan hệ Việt - Mỹ

"Thế là sau 140 năm quan hệ Việt - Mỹ bị gián đoạn, giờ được nối lại bởi một người dám đứng mũi chịu sào, tái thiết chiếc cầu đó - Đại tướng Lê Đức Anh - để quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển, hợp tác toàn diện một cách tốt đẹp như ngày hôm nay."

Trong bài còn có đoạn này:

"Để loại bỏ dị ứng và xoá đi những mặc cảm với Mỹ, lúc này con trai Đại tướng Lê Đức Anh là Lê Hà đang công tác ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư thi đỗ Đại học Harvard ở Mỹ. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư hỏi Đại tướng Lê Đức Anh: ""Có cho cháu Hà đi không?" Đại tướng Lê Đức Anh nói: ""Cứ cho cháu đi để bớt dị ứng với Mỹ, vì dư luận thấy con Chủ tịch nước còn đi Mỹ học có làm sao đâu, huống hồ là mình"".

Thực tế sang bên ấy, cháu Hà học vào loại giỏi, nhưng khi về nước công tác vẫn gặp một số trục trặc..."


Như vậy chữ "cháu Hà" trong câu dưới là câu nhà báo Ánh Hồng viết, không phải lời của ông Anh. Chẳng nhẽ nhà báo Ánh Hồng lớn tuổi thế, cũng phải cỡ tuổi như ông Anh mới có thể gọi con ông Anh là cháu?

Saturday, November 29, 2008

Entry for November 29, 2008

1. Theo bầu chọn của tạp chí Gramophone, dàn nhạc hay nhất thế giới là dàn nhạc của Hà Lan: Royal Concertgebouw of Amsterdam. Vị trí thứ 2, 3, 4 thuộc về các dàn nhạc danh tiếng: Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic và London Symphony Orchestra. Trong khi đó New York Philharmonic chỉ đứng thứ 12, sau các dàn nhạc khác cũng của Mỹ: Chicago Symphony Orchestra (5), Cleveland Orchestra (7), Los Angeles Philharmonic (8) và Boston Symphony Orchestra (11).

1 Royal Concertgebouw Orchestra

2 Berlin Philharmonic Orchestra

3 Vienna Philharmonic Orchestra

4 London Symphony Orchestra

5 Chicago Symphony Orchestra

6 Bavarian Radio Symphony

7 Cleveland Orchestra

8 Los Angeles Philharmonic

9 Budapest Festival Orchestra

10 Dresden Staatskapelle

11 Boston Symphony Orchestra

12 New York Philharmonic

13 San Francisco Symphony

14 Mariinsky Theatre Orchestra

15 Russian National Orchestra

16 Leningrad Philharmonic

17 Leipzig Gewandhaus Orchestra

18 Metropolitan Opera Orchestra

19 Saito Kinen Symphony Orchestra

20 Czech Philharmonic


2. Hitler gặp phải vấn đề với Windows Vista. Video trên Youtube.

the words of the prophets are written on the subway walls

Wal-Mart Employee Trampled to Death

Wal-Mart đã sắp thành thánh địa Méc-ca ở Mỹ?

Ở Mec-ca, năm nào đều có người chết vì dẫm lên nhau, tranh đoạt nhau để tới gần các thánh tích của Đấng Tiên Tri.

Ở một trung tâm Wal-Mart tại New York năm nay, một người làm công 34 tuổi của Wal-Mart cũng bị những người đi mua sắm dẫm chết khi họ chen lấn xô đẩy mua hàng giảm giá trong ngày thứ Sáu sau lễ Tạ Ơn (còn gọi là ngày Black Friday).
Vào ngày này, gần như tất cả các cửa hàng trên nước Mỹ đều giảm giá đặc biệt, và người ta thường xếp hàng từ nửa đêm và tờ mờ sáng để đến khi cửa hàng mở cửa là ồ ạt vào mua. Ước tính có khoảng 2000 người tràn vào cửa hàng Wal-Mart khi cửa hàng này mở cửa vào 5h sáng thứ Sáu- đám đông bắt đầu tụ tập trước cửa Wal-Mart từ 9h tối hôm thứ Năm.

Bình thường việc xếp hàng này diễn ra khá trật tự, nhưng năm nay sự cố đã xảy ra khi những người mua hàng chen nhau dẫn tới cái chết của một nhân viên làm công của Wal-Mart khi cửa hàng này mở cửa. Cũng nói thêm là Wal-Mart là hệ thống cửa hàng bán đổ rẻ tiền lớn nhất nước Mỹ và có lẽ là lớn nhất thế giới. Nhân viên ở đây hầu hết là người da đen và người nhập cư, được trả lương rẻ mạt ở mức tối thiểu và rất nhiều người không có bảo hiểm. Người mua hàng cũng là đối tượng có thu nhập thấp, đa phần là dân da đen, dân Hispanic, dân nhập cư, sinh viên nghèo, người thất nghiệp...

Ở Mec-ca, người ta chết vì mong tới gần đấng linh thiêng.

Ở New York, người ta chết vì tranh nhau mua hàng giá rẻ trong dịp lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), trong một thế giới mà các nhà tiên tri xuất hiện trên các tấm biển quảng cáo và trên TV.

Nền văn minh Mỹ là nền văn minh cuồng lên vì tiêu thụ, lúc nào cũng hối thúc người ta tiêu tiền, tạo mọi phương tiện để ai cũng có thể tiêu tiền. Tính trung bình, một người Mỹ nợ thế giới 19.000 USD, một gia đình Mỹ nợ các công ty thẻ tín dụng 8000 USD. Người ta dẫm lên nhau để kiếm tiền, và còn dẫm lên nhau để tiêu tiền.

Và khi người đàn ông 34 tuổi kia bị ngã, làn sóng người vẫn tiếp tục dồn dập lao qua, đè lên anh ta để mua kịp hàng giảm giá. Các nhân viên của Wal-Mart muốn ra cứu anh ta cũng không thể tiếp cận được vì bị người mua hàng xô đẩy. Và khi Wal-Mart thông báo yêu cầu người mua hàng rời khỏi cửa hàng vì có nhân viên bị chết, nhiều người mua hàng phản đối cho rằng họ đã phải xếp hàng từ đêm hôm trước. Và họ vẫn tiếp tục mua sắm.

Nhìn một khía cạnh khác, việc người ta chen nhau mua đồ giảm giá như thế ở Wal-Mart, nơi bán đồ rẻ tiền, cấp thấp một cách thường xuyên có thể là một tín hiệu về sự bi quan kinh tế của người Mỹ trong thời điểm hiện nay. Với số người nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp lên tới kỷ lục trong 16 năm qua, thì việc mua được vài món đồ giảm giá 30-40% so với ngày thường hẳn rất quan trọng với những người thu nhập thấp.

And in the naked light I saw
Ten thousand people, maybe more.
People talking without speaking,
People hearing without listening,
People writing songs that voices never share
And no one deared
Disturb the sound of silence.....

And the people bowed and prayed
To the neon God they made.
And the sign flashed out its warning,
In the words that it was forming.
And the signs said, the words of the prophets
Are written on the subway walls
And tenement halls.
And whisperd in the sounds of silence.

(Sound of Silence)

Chiều hôm qua, tôi cũng đi Wal-Mart, nhưng lúc đó thì vắng teo vì các deal giảm giá lớn (30-60%) cũng hết rồi.

Raymond Feliciano catches up on some sleep after waiting in line from midnight to 4 a.m. at the Wal-Mart in Niles, Ill., Friday, Nov. 28, 2008. (AP Photo/Paul Beaty)

Raymond Feliciano tranh thủ chợp mắt sau khi phải xếp hàng từ đêm hôm thứ 5 cho tới 4h sáng thứ 6 tại một cửa hàng của Wal-Mart. (ảnh Vnexpress từ AP).


+ Báo Tuổi Trẻ đưa tin thiếu chính xác.

Tuổi Trẻ: "Cùng ngày, hai người thiệt mạng do tranh nhau mua hàng tại bang California."

NY Times: "At a Toys “R” Us store in Palm Desert, Calif., two men were shot to death in a dispute, but local officials said the cause was unclear. And the company released a statement saying the deaths were not related to Black Friday shopping."

Tuổi Trẻ: "Cũng theo nguồn tin cảnh sát, có khoảng 20.000 người đã chạy ào vào siêu thị trong giờ đầu tiên mở cửa.

NY Times: "By 4:55, with no police officers in sight, the crowd of more than 2,000 had become a rabble, and could be held back no longer. "



Thursday, November 27, 2008

Entry for November 27, 2008

http://www.koreanmovie.com/kmovie_movies/photo/1201876925189.jpg


Chaser (2008) là một phim thriller rất đáng xem của điện ảnh Hàn Quốc năm nay. Nhân vật chính của phim, Jung Ho, là một cựu cảnh sát bị thải hồi và hành nghề ma cô dắt gái. Rồi đến một ngày kia, anh ta nhận ra rằng các cô gái điếm mà anh ta chăn dắt đều lần lượt biến mất, với các khoản nợ chưa trả hết cho Jung Ho. Và tất cả họ đều biến mất sau cuộc gọi của một khách làng chơi. Và bắt đầu quá trình truy đuổi kẻ khiến tất cả các cô gái biến mất. Trong khi đó, những đồng đội cũ của Jung Ho tại Sở Cảnh sát Seoul cũng vào cuộc. Và bắt đầu quá trình đuổi bắt giữa Jung Ho, cảnh sát, gã khách hàng bí ẩn, và cô gái điếm Mi-Jin.

Bộ phim có diễn biến rất kịch tính. Không phải là một phim thể loại mystery bởi ngay từ đầu, người xem đã biết kẻ sát nhân là ai. Không chỉ đề cập tới những án mạng, phim có vạch ra những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật Hàn Quốc, sự phản kháng và không tin tưởng vào những người chịu trách nhiệm bảo vệ trật tự trị an cho xã hội. Hình như đây là một đặc điểm xuyên suốt trong điện ảnh Hàn Quốc, với tính chất phản kháng quyền hành (anti-authority). Có lẽ đây là kết quả của những mâu thuẫn xã hội trong lòng một xã hội dựa trên thứ bậc và quyền hành, và bóp nghẹt nền dân chủ trong một thời gian dài.


Và tất nhiên, cũng giống như đa phần các phim thriller khác của Hàn Quốc, trong Chaser có rất nhiều máu và những cảnh quay rất kinh dị, cụ thể là cảnh tên giết người hàng loạt dùng một cái dùi để thực hiện công việc của mình.



img


Entry for November 27, 2008

Cũng lạ. Đêm hôm thứ 3, xem phim "A Wednesday" (Một ngày thứ tư) xung quanh chuyện khủng bố và chống khủng bố ở Mumbai.

Một ngày sau, đúng thứ 4, xảy ra vụ khủng bố thảm khốc ở Mumbai. Tới giờ đã có tới 125 người chết, hơn 300 người bị thương. Và hơn 1 ngày sau vụ tấn công, vẫn còn vài chục người bị bắt làm con tin trong khách sạn.


Một ngày thứ tư đẫm máu.

Wednesday, November 26, 2008

Entry for November 26, 2008

Bài này viết cho báo từ đầu tháng 9 nhưng xem ra tới giờ tình hình ở Thái Lan vẫn chưa có gì biến chuyển. Tháng 9, PAD biểu tình đòi hạ bệ Samak, tháng 11 đối tượng của họ là Somchai.


Sóng gió Thái Lan

Trong hai tuần qua, chính trị Thái Lan trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Nếu ai từng đến Thái Lan hẳn có cảm giác đây là một đất nước hiền hòa, nơi có những người dân luôn thân thiện và có nụ cười dễ mến, với những ngôi chùa cổ kính tỏa ánh sáng màu vàng giữa nền trời trong xanh. Thái Lan cũng nổi tiếng là đất nước có nền chính trị và ngoại giao khôn ngoan. Trong thời kỳ xâm chiếm thuộc địa của thực dân phương Tây, ngoài Nhật Bản và Trung Quốc thì Thái Lan là nước duy nhất giữ được độc lập ở châu Á-Thái Bình Dương, nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo ở giữa Pháp, Anh và Nhật. Trong suốt ba thập niên từ 1950 tới 1970, trong khi cả khu vực Đông Nam Á sôi sục với những cuộc chiến tranh khốc liệt ở Đông Dương, nội chiến và bạo động ở Malaysia, ở Philippines, ở Indonesia… thì nền chính trị Thái Lan vẫn khá phẳng lặng, dưới nền quân trị lập hiến mà người đứng đầu về mặt hình thức là quốc vương Bhumibol Adulyadej. Từ năm 1932 tới năm 1973, nước này nằm dưới sự cai trị của các tướng lĩnh. Cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên năm 1973 tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng đã khiến chế độ độc tài quân sự ở nước này bị sụp đổ và mở đường cho việc Thái Lan bước vào nền dân chủ. Nhưng dù tương đối hòa bình so với các nước khác cùng khu vực nhưng nền chính trị Thái Lan lại mắc một căn bệnh trầm trọng: đó là bệnh đảo chính của giới quân sự. Nếu tính từ năm 1932 tới nay thì đã có 18 cuộc đảo chính do giới quân sự Thái Lan tiến hành.

Trong khi đó, những mâu thuẫn trong lòng đất nước này ngày càng trở nên gay gắt. Ở miền Nam Thái Lan, nơi giáp biên giới Malaysia và có tỷ lệ dân số theo Hồi giáo cao, xảy ra nhiều cuộc nổi dậy và khủng bố của người Hồi giáo. Từ năm 2004 tới nay, ước tính đã có 2700 người thiệt mạng do xung đột giữa chính quyền Thái Lan và lực lượng ly khai Hồi giáo ở miền Nam nước này. Chính quyền Thái Lan cáo buộc hệ thống các nhà hàng bán mỳ Tom yum ở Malaysia (mà chủ nhân đa phần là người Thái theo đạo Hồi) đứng đằng sau tài trợ cho lực lượng chống đối, nhưng phía Malaysia phủ nhận cáo buộc này của Thái Lan.

Thực ra mâu thuẫn khiến bạo lực xảy ra ở miền Nam Thái Lan không đơn thuần là lý do tôn giáo mà còn cả lý do kinh tế. Ba tỉnh miền Nam Thái Lan nơi hay xảy ra bạo động cũng là những tỉnh nghèo nhất nước này. Trên một góc độ khác, mâu thuẫn kinh tế giữa thành thị và nông thôn Thái Lan là nguồn gốc chủ yếu của những bất ổn trong nội bộ nước này thời gian gần đây. Khoảng 50% dân số Thái Lan sống bằng nông nghiệp, thế nhưng nông nghiệp Thái Lan chỉ đóng góp khoảng 11% GDP. Trong thập niên 1990, trước khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ 1997, Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ 9-10% mỗi năm, nhưng hầu hết tăng trưởng xảy ra tại các khu vực chế biến, du lịch và bất động sản, và nhờ vào đầu tư nước ngoài.

Kết quả là những thành tích tăng trưởng kinh tế của Thái Lan hầu hết đều rơi vào tay cư dân đô thị. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới 2008 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đói ở đô thị tại Thái Lan giảm nhanh hơn ở nông thôn tới 3,7 lần từ năm 1970 tới năm 1999. Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao, khiến Thái Lan trở thành một trong những nước có chênh lệch thu nhập thành thị-nông thôn cao nhất châu Á. Cứ 10 người nghèo ở Thái Lan thì có tới 9 người sống ở nông thôn. Trong khi 1/10 dân số giàu nhất Thái Lan- và hầu hết ở thành thị- có thu nhập bằng 1/3 tổng thu nhập toàn quốc thì 1/10 dân số nghèo nhất Thái Lan (hầu hết đều ở nông thôn) chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu nhập. Bất bình đẳng lại càng trở nên gay gắt trong vài năm gần đây. Trong hai năm 2005 và 2006, sản lượng nông nghiệp nước này giảm 10%, khiến đời sống người dân nông thôn ngày càng khốn đốn hơn. Sự bất bình đẳng đó là nguyên nhân những bất mãn âm ĩ trong dân cư nông thôn, dự báo những đám cháy có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Thế nhưng quyền lực chính trị ở Thái Lan hầu hết đều nằm trong tay cư dân đô thị. Năm 2001, nhà tỷ phú viễn thông Thaksin Shinawatra, lãnh tụ đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai), tranh cử với những hứa hẹn ưu tiên phát triển nông thôn và hỗ trợ người nghèo như hoãn nợ ba năm cho nông dân, hỗ trợ tín dụng 1 triệu Bạt Thái (gần 30.000 USD) cho tất cả các làng và đảm bảo y tế toàn diện cho người dân. Nhờ những chương trình này, ông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành ở các vùng nông thôn, và thắng cử năm 2001. Năm 2005, ông Thaksin lại tái đắc cử lần nữa vẫn nhờ sự ủng hộ của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, chính phủ của ông Thaksin không nhận được sự ủng hộ của giới trung lưu, thượng lưu và công nhân ở đô thị, và cũng không được quân đội- lực lượng vốn có truyền thống ảnh hưởng sâu sắc tới chính trị Thái Lan- ủng hộ. Ông Thaksin cũng bị các đảng đối lập tố cáo là tham nhũng, lạm quyền, mua phiếu bầu và vi phạm nhân quyền. Tháng 9/2006, một nhóm các tướng lĩnh tiến hành đảo chính đối với chính phủ của Tổng thống Thaksin, giải tán đảng Người Thái yêu người Thái và thông qua Hiến pháp mới vào năm 2007.

Sau khi đảng Người Thái yêu người Thái bị giải tán, nhiều người ủng hộ ông Thaksin thành lập đảng mới, lấy tên Đảng Quyền lực Nhân dân do ông Samak Sundaravej lãnh đạo. Trong cuộc bầu cử tháng 12/2007, đảng Quyền lực Nhân dân trúng cử và ông Samak trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan. Và một lần nữa, chính trường Thái Lan lại náo động.

Ngày 26/8/2008, hàng ngàn người ủng hộ đảng đối lập, Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) biểu tình và chiếm giữ Dinh Chính phủ Thái Lan tại Bangkok, đòi chính phủ của ông Samak Sundravej phải từ chức. Ngày 2/9, một nhóm ủng hộ chính phủ, trong đó có nhiều người từ các vùng nông thôn kéo ra thủ đô, đã xung đột với những người ủng hộ PAD trong một trận chiến trên đường phố khiến ít nhất một người thiệt mạng. Lực lượng PAD cáo buộc chính phủ của ông Samak chỉ là bình phong cho cựu T
hủ tướng Thaksin và đòi cấm đảng của ông Samak hoạt động. Thậm chí PAD còn đòi sửa đổi luật bầu cử, để 70% các đại biểu quốc hội sẽ do chỉ định chứ không phải được bầu, viện lý lẽ rằng dân cư nông thôn nhiều nơi còn tăm tối, không đủ trình độ để đi bầu! Hầu hết những người ủng hộ PAD đều thuộc giới trung lưu hay thượng lưu ở đô thị.

Mặc dù tên của PAD là Liên minh Dân chủ Nhân dân nhưng không phải họ ủng hộ nền dân chủ thực sự. Lãnh tụ PAD Sondhi Limthongkul phát biểu với báo Time (Mỹ): “Ở phương Tây, dân chủ được coi là hệ thống tốt nhất. Nhưng ở Thái Lan, chúng tôi chỉ có cái vòng luẩn quẩn những nhà lãnh đạo tham nhũng, ham quyền cố vị. Hệ thống này không hữu hiệu ở đây.” Hay như lời một người ủng hộ PAD nói với báo Time “Nếu dân chủ đưa lại Samak, tôi không cần dân chủ. Chúng tôi sẽ tìm ra cách khác”.

Có một “cách khác” từng được đưa ra năm 2006, khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Thaksin và cấm đảng của ông này hoạt động. Nhưng trong năm 2008, quân đội tuyên bố sẽ không đảo chính. Thật may mắn, phe đối lập đã tìm ra một điểm yếu của ông Samak, đó là sở thích nấu ăn của ông. Ông Samak từng nhiều năm tham gia dạy nấu ăn trên truyền hình, bên cạnh việc làm chính trị gia. Khi lên làm Thủ tướng, ông vẫn tham gia dạy nấu ăn trong bốn buổi diễn và nhận số tiền thù lao 2400 đô-la Mỹ, mà không hay biết (hay không quan tâm) rằng theo Hiến pháp mới được chính phủ quân sự đưa ra năm 2007, Thủ tướng bị nghiêm cấm làm thuê cho các tổ chức, cá nhân khác. Và ngày 9/9 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã buộc ông Samak Sundaravej phải từ chức Thủ tướng, viện lẽ rằng việc dạy nấu ăn của ông trên truyền hình là vi hiến.

Dù chính phủ của ông Samak sụp đổ nhưng tới thời điểm này, PAD vẫn chưa muốn ngừng các hoạt động biểu tình của họ, cho tới khi có vị Thủ tướng mới “hợp nhãn” họ. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan hiện tạm dịu xuống nhưng những mâu thuẫn nội tại trong nền chính trị nước này vẫn hết sức gay gắt. Tiềm ẩn trong đấy là sự xung khắc giữa tầng lớp trung lưu-thượng lưu ở đô thị với dân nghèo ở nông thôn. Chừng nào Thái Lan còn chưa giải quyết được thích đáng, hài hòa sự phát triển giữa đô thị với nông thôn, giữa đời sống của nông dân và giới trung lưu ở thành phố thì những bất ổn của nước này, dẫu có tạm lắng xuống, vẫn luôn sẵn sàng trào lên bất cứ lúc nào và nghiến ngấu hết những thành quả kinh tế-xã hội mà nước này từng có được.

Entry for November 26, 2008

Chính ra bang Minnesota, Mỹ, tuy là một bang thưa thớt dân cư (5 triệu) và trẻ (gia nhập nước Mỹ năm 1858, là bang thứ 32 ở Mỹ) nhưng có những đóng góp rất đáng kể về mặt văn hóa ở nước này.

Về văn học: tác phẩm văn học Mỹ lớn nhất thế kỷ 20 do một người Minnesota viết: The Great Gatsby của Francis Scott Fitzgerald. Ngoài ra còn có Sinclair Lewis, người Mỹ đầu tiên được giải Nobel Văn học.

Về âm nhạc: nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng nhất, thành công nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 là một người Minnesota: Bob Dylan.

Về điện ảnh: cái này thì kém hơn, nhưng cũng có anh em nhà Coen, nằm trong số những đạo diễn xuất sắc nhất hiện còn sống. Terry Gilliam, người giàu sáng tạo nhất và là người Mỹ duy nhất trong nhóm Monty Python, tác giả của loạt phim hài Monty Python rất nổi tiếng.

Về báo chí có Thomas Friedman, tác giả best-seller nổi tiếng, từng ba lần được giải Pulitzer cho các tác phẩm báo chí.

Có thể nói linh hồn của văn hóa Midwest chính là ở Minnesota. Ở vùng Midwest, Chicago nổi tiếng nhất nhưng Chicago là một thế giới khác, với một nền văn hóa đặc trưng (văn hóa Chicago) khác hẳn các nơi khác ở Midwest, kể cả trong bang Illinois. Văn hóa Midwest mang đặc trưng của văn hóa Tin lành, coi trọng giá trị gia đình và tôn giáo (người Midwest đi nhà thờ thường xuyên nhất nước Mỹ). Nhưng nhìn chung Midwest tuy có thiên hướng bảo thủ nhưng không bảo thủ nặng nề như các nhóm bảo thủ ở những vùng khác, có lẽ bởi Midwest khá thuần về mặt chủng tộc, đa số dân cư đều là người da trắng, với tỷ lệ lớn là con cháu người Bắc Âu và Đức (đều theo Tin lành), không chịu áp lực các xung đột tôn giáo, màu da, hay giai cấp nặng nề như ở một số vùng khác (đặc biệt là miền Nam). Tỷ lệ dân cư theo Công giáo, Do Thái giáo và các nhóm người châu Á, người da đen, người Hispanic tương đối ít, chưa đủ khiến văn hóa vùng này thay đổi.

Nói chung có thể chia văn hóa Mỹ thành bốn vùng văn hóa: vùng New England, là nơi lập quốc của người Mỹ có văn hóa khá giống châu Âu, cụ thể là giống Anh quốc, nơi xuất phát của đa số cư dân ở đây; Miền Tây: là nơi khai phá, văn hóa có thiên hướng du mục, ồn ào, với sự pha trộn của đủ thứ dân da trắng, Á, da đỏ, Hispanic...California là bang tràn trề ánh nắng, sôi động, và dân chủ nhất nước Mỹ. Nhà văn đại diện cho miền này là Steinbeck; Miền Nam bảo thủ, có sự phân biệt giai cấp, và màu da nặng nề, nhiều vấn đề về xã hội, và là mảnh đất màu mỡ cho các tác phẩm văn học khai thác những vấn đề này (dòng văn học Southern Literature rất nổi tiếng với Faulkner là người đại diện xuất sắc nhất, ngoài ra còn Tennessee Williams, Tony Morisson và nhiều người khác); Miền Trung Tây có cư dân đa phần ảnh hưởng văn hóa Tin Lành từ Đức và Bắc Âu, bảo thủ một cách dè dặt, coi trọng các giá trị gia đình, tin Chúa, tự lực, lòng tốt và cần cù lao động.

Tuesday, November 25, 2008

Entry for November 25, 2008

Các quyết định bổ nhiệm các vị trí điều hành kinh tế của Obama cho thấy ông thực sự là một người có đầu óc thực tiễn. Trong hoàn cảnh nước Mỹ gặp suy thoái kinh tế như hiện nay thì việc người đứng đầu có óc thực tiễn là tối cần thiết.

Các vị trí đứng đầu về quản lý kinh tế đều được giao cho những người rất có uy tín. Bộ trưởng Tài chính sẽ là Timothy Franz Geithner, chủ tịch Fed New York hiện nay. Geithner từng làm Thứ trưởng Bộ Tài chính
dưới thời Rubin và Lawrence Summers, và làm ở IMF. Ông có rất nhiều kinh nghiệm về cả chính sách tài khóa, tiền tệ, cũng như ứng phó với khủng hoảng tài chính trên thế giới. Không những thế, ông còn được đánh giá rất cao về năng lực. Geithner có bằng Thạc sĩ về kinh tế quốc tế và Đông Á học tại trường ĐH John Hopkins.

Vị trí chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia, cơ quan điều phối chính sách của Chính phủ Mỹ, thuộc về cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers. Summers là một trong những bộ óc tài giỏi nhất trong kinh tế học, cả về phương diện lý thuyết và chính sách. Ông sinh ra trong một gia đình toàn các giáo sư kinh tế, cả bố và mẹ đều là giáo sư kinh tế, còn hai ông bác ông là hai nhà kinh tế được giải Nobel và có lẽ là hai trong số vài nhà kinh tế vĩ đại nhất thế kỷ 20: Paul SamuelsonKenneth Arrow).

Laurence Summers thành đạt rất sớm, mới 28 tuổi đã thành giáo sư Harvard và là giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Harvard. Ông từng được giải John Bates Clark Medal (giải thưởng quan trọng nhất về kinh tế học ở Mỹ, được coi là giải tiền Nobel vì rất nhiều người được giải này sau đó cũng nhận giải Nobel) và tới nay vẫn là một trong những tác giả được trích dẫn nhiều nhất. Trong lĩnh vực chính sách, ông từng làm Kinh tế gia trưởng của World Bank, và Bộ trưởng Tài chính dưới thời Clinton. Ông cũng từng làm Hiệu trưởng Harvard trước khi phải từ chức vì một câu nói gây tranh cãi (cho rằng phụ nữ ít có năng lực bẩm sinh trong nghiên cứu khoa học và kỹ thuật so với nam giới).

Vị trí Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (đóng vai trò cố vấn kinh tế cho Tổng thống, tương tự như Ban Cố vấn Thủ tướng đã bị giải thể ở Việt Nam) được Obama giành cho Christina Romer, giáo sư trường Berkeley. Bà này là một nhà kinh tế khá nổi tiếng, có chồng là David Romer cũng là một nhà kinh tế nổi tiếng (David Romer là tác giả cuốn giáo trình sau đại học khá thông dụng Advanced Macroeconomics). Đáng chú ý là Christina Romer có khá nhiều nghiên cứu về cuộc Đại Suy thoái (Great Depression) ở Mỹ. Mục từ Great Depression trên từ điển bách khoa Britannica do bà này viết. Cũng nói thêm là đương kim chủ tịch Fed Bernanke hiện nay cũng từng có nhiều nghiên cứu về thời Đại Suy thoái ở Mỹ.

Với đội ngũ điều hành và cố vấn kinh tế bài bản này, hy vọng nước Mỹ sẽ sớm vượt qua khủng hoảng.


Sunday, November 23, 2008

Entry for November 23, 2008

Prayer

Rabindranath Tagore

Let me not pray to be sheltered from dangers
but to be fearless in facing them.
Let me not beg for the stilling of my pain
but for the heart to conquer it.
Let me not look for allies in life's battlefield
but to my own strength.
Let me not crave in anxious fear to be saved
but hope for patience to win my freedom.


Cầu nguyện


Tôi không cầu nguyện cho hiểm nguy đừng đến
Nhưng cầu lòng dũng cảm khi đối mặt hiểm nguy.

Tôi không cầu mong nỗi đau câm nín
Nhưng mong mình can đảm chiến thắng nỗi đau.

Tôi không tìm kiếm đồng minh trên chiến trận cuộc đời
Nhưng tìm kiếm sức mạnh bản thân tôi.

Tôi không khao khát mình sẽ được ai cứu thoát
Nhưng hy vọng mình sẽ kiên nhẫn để giành lấy tự do.


***

Beggarly Heart

When the heart is hard and parched up,
come upon me with a shower of mercy.

When grace is lost from life,
come with a burst of song.

When tumultuous work raises its din on all sides shutting me out from
beyond, come to me, my lord of silence, with thy peace and rest.

When my beggarly heart sits crouched, shut up in a corner,
break open the door, my king, and come with the ceremony of a king.

When desire blinds the mind with delusion and dust, O thou holy one,
thou wakeful, come with thy light and thy thunder


Trái tim cầu xin

Khi trái tim tôi cứng rắn và héo khô
Hãy đến bên tôi bằng mưa rào ân đức.

Khi cuộc đời đánh mất nét duyên
Hãy đến bên tôi bằng một bài ca bất chợt.

Khi công việc ầm ĩ khiến tôi câm điếc,
Hãy đến bên tôi bằng nghỉ ngơi và bình yên.

Khi ở góc tối, trái tim tôi quỳ gối cầu xin,
Hãy mở cảnh cửa và đến bên tôi bằng nghi thức của bậc đế vương.

Khi ham muốn làm mờ trí óc tôi, với bao ảo tưởng và bụi bặm,
Hỡi đấng thiêng liêng,
Xin hãy đến bên tôi bằng ánh sáng và sấm sét của Người


***

Give Me Strength

This is my prayer to thee, my lord---strike,
strike at the root of penury in my heart.
Give me the strength lightly to bear my joys and sorrows.
Give me the strength to make my love fruitful in service.
Give me the strength never to disown the poor or bend my knees before insolent might.
Give me the strength to raise my mind high above daily trifles.
And give me the strength to surrender my strength to thy will with love.


Hãy trao tôi sức mạnh

Đây là lời cầu nguyện của tôi tới Người-Thượng đế của tôi
Hãy đánh gục những mầm mống của nỗi khốn cùng trong tim tôi.
Hãy trao tôi sức mạnh để chịu đựng niềm vui và nỗi đau.
Hãy trao tôi sức mạnh để khiến tình yêu tôi sinh sôi trong phụng sự.
Hãy trao tôi sức mạnh để không bao giờ tôi chối bỏ người nghèo hay quỳ gối trước bạo quyền láo xược.
Hãy trao tôi sức mạnh để tâm trí tôi vượt trên những vặt vãnh hàng ngày.
Và hãy trao tôi sức mạnh để tôi hiến dâng sức mạnh mình cho ý chí của Người với tình yêu.


***

Brink of Eternity

In desperate hope I go and search for her
in all the corners of my room;
I find her not.

My house is small
and what once has gone from it can never be regained.

But infinite is thy mansion, my lord,
and seeking her I have to come to thy door.

I stand under the golden canopy of thine evening sky
and I lift my eager eyes to thy face.

I have come to the brink of eternity from which nothing can vanish
---no hope, no happiness, no vision of a face seen through tears.

Oh, dip my emptied life into that ocean,
plunge it into the deepest fullness.
Let me for once feel that lost sweet touch
in the allness of the universe.


Bến bờ của vĩnh hằng

Trong hy vọng tận cùng tôi tìm kiếm nàng
Ở mọi góc trong phòng;
Nhưng tôi không tìm thấy.

Căn nhà tôi bé nhỏ
Và những gì từ đó ra đi sẽ không bao giờ trở lại.
Nhưng tòa nhà của người, Thượng đế ơi, là vô tận
Trong khi tìm nàng, tôi đến trước cửa Người.

Tôi đứng dưới vòm vàng của khung trời hoàng hôn
Và tôi ngước mắt mong nhìn thấy mặt Người.

Tôi đã đến bến bờ của vĩnh hằng, nơi không gì biến mất
Dẫu đó là hy vọng, niềm hạnh phúc,
hay bóng dáng một khuôn mặt nhìn thấy trong nước mắt.

Người hãy nhấn chìm cuộc đời trống rộng của tôi vào đại dương mênh mông đấy,
Hãy quẳng nó tới đáy cùng sâu nhất.
Nhưng hãy để cho tôi, chỉ một lần thôi, cảm thấy cái vuốt ve ngọt ngào đã mất
Trong vũ trụ đầy ắp, vô biên.

Saturday, November 22, 2008

Entry for November 22, 2008

Bực mình với các "đồng chí" hải quan Việt Nam ở cửa khẩu Nội Bài quá :(.

Tôi gửi 1 kiện sách về VN (toàn sách tiếng Anh, không có sách "phản động" nào), nhưng khi mở ra thấy toàn sách tiếng Anh, các "đồng chí" liền đòi giấy phép của Sở Văn hóa. Đến sản phẩm văn hóa chúng nó còn hoạnh họe như thế thì làm sao đất nước còn khá được.

Bạn nào có kinh nghiệm và từng gặp rắc rối tương tự làm ơn cho tôi thông tin và cách giải quyết. Có thể gửi PM nếu cần thiết. Xin cảm ơn.

Entry for November 22, 2008

Chúc mừng ông Đinh Đức Lập! Tinh thần "đại đoàn kết" giữa cậu cháu nhà ông Lập là rất đáng biểu dương. Công luận là cái thá gì!

Mẫu tin này từ Viet-studies.info

  • Tin mới nhất về báo Đại Đoàn Kết: Viet-studies vừa nhận được tin:"Bất chấp sự không đồng ý của Ban Tuyên huấn TW và Bộ 4T, chiều 21/11/2008, ông Vũ Trọng Kim, UVTW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQVN (người cũng từng bị kỷ luật tại TW Đoàn) vẫn ký quyết định bổ nhiệm Đinh Đức Lập (cháu gọi Kim bằng cậu) làm Phó TBT, quyền TBT báo ĐĐK, người sử dụng bằng giả này sẽ nhận nhiệm vụ kể từ ngày 1/12/2008. Bên cạnh đó ông Kim còn bổ nhiệm ông Bùi Thương Toàn, người từng bị tố cáo là lập quỹ đen tại báo ĐĐK dưới thời TBT Lê Quang Trang làm Phó TBT"

Friday, November 21, 2008

Entry for November 21, 2008

Thế mà ông này tốt nghiệp trường đại học danh tiếng nhất Liên Xô cũ, là tiến sĩ (không biết trong nước hay nước ngoài) và phó TGĐ Đài truyền hình quốc gia. Ăn nói thì câu sau đá câu trước, không biết thẹn.

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam:

"Entry đã xóa, như vậy ít ra bản thân anh Tuấn đã cảm thấy có sự thiếu chính xác, không được hay cho lắm. Chúng tôi đọc và không hài lòng, đã gọi điện thoại cho hiệu trưởng Trường chuyên Bắc Giang và hiệu trưởng yêu cầu anh Tuấn gỡ xuống.

Lẽ ra nếu có thắc mắc, anh Tuấn cứ liên hệ với ban giám đốc Đài, chúng tôi sẽ mời anh xem lại băng gốc và đến trường quay để xem tường tận các quy trình thực hiện chứ không nên phản ứng như thế. "

1. Làm sao ông Tuấn có thể nói việc anh Tuấn xóa entry đó vì anh ta cảm thấy có sự thiếu chính xác khi chính VTV đã gọi điện thoại cho hiệu trưởng trường anh Tuấn để dùng áp lực của cấp trên bắt anh ta dỡ entry xuống. Có khác nào một anh chàng hiếp dâm một cô gái rồi nói rằng cô ấy để mình hiếp dâm như thế tức là bản thân cô ấy tự nguyện. Ông Tuấn nhơn nhơn khẳng định mình đã gây sức ép về mặt hành chính để ép anh Tuấn dỡ entry xuống, chứ không phải giải thích cho anh Tuấn hiểu nếu như VTV không sai và không hề cảm thấy việc đó có gì sai trái. Không những thế VTV còn yêu cầu anh Tuấn xin lỗi cho dù không hề giải thích gì trực tiếp với anh ta. Chưa bàn tới chuyện anh Tuấn đúng sai thế nào, VTV đúng sai ra sao thì thái độ giải quyết sự cố của VTV không khác gì họ là bố người ta.

2. VTV cho rằng thay vì viết trên blog để xả tức, anh Tuấn nên liên hệ với BGĐ VTV để thắc mắc (hehe, không biết một giáo viên phổ thông tỉnh lẻ như anh Tuấn xin gặp ông Vũ Văn Hiến, Ủy viên TW Đảng, TGĐ VTV hay ông Trần Đăng Tuấn, phó TGĐ VTV có dễ không nhỉ?). Việc anh Tuấn không khiếu nại trực tiếp với VTV cho thấy anh ta không tin vào VTV và anh lựa chọn viết trên blog để thể hiện tình cảm và quan điểm của mình.

VTV yêu cầu anh Tuấn nên liên hệ với VTV khi khiếu nại. Thế còn VTV, họ giải quyết sự cố thế nào? Họ có liên hệ trực tiếp với người có khúc mắc không? Không. Họ gọi điện cho Hiệu trưởng trường chuyên Bắc Giang và sau cuộc nói chuyện điện thoại này, Hiệu trưởng yêu cầu anh Tuấn dỡ entry xuống. Nghĩa là VTV không có nhu cầu đối thoại, không có nhu cầu giải thích nếu anh Tuấn hiểu sai mà chỉ quan tâm tới việc dùng thế lực của mình để kiểm duyệt blog anh Tuấn, gây sức ép hành chính với cấp trên anh Tuấn để anh này phải dỡ entry thắc mắc với VTV. Và khi anh này dỡ rồi thì họ lại bảo vì anh ta thấy sai nên mới dỡ!

VTV không bao giờ có sai lầm, không bao giờ xin lỗi. Chỉ có những người nào cho rằng VTV mắc lỗi mới cần phải xin lỗi.

Thursday, November 20, 2008

Entry for November 20, 2008

Sự việc một quan chức cao cấp của sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất sứ quán bị một kênh truyền hình Nam Phi quay cảnh mua bán trái phép sừng tê giác là rất nghiêm trọng. Sự việc này ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự Việt Nam khi một quan chức hàng đầu của Việt Nam ở Nam Phi, có lẽ chỉ đứng sau đại sứ, bị "bắt quả tang" chiếu hình trước cả triệu người xem như thế.

Nói như lời của ông đại sứ Việt Nam tại Nam Phi: "“Chuyện này rất nghiêm trọng. Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. Quá nhục nhã.”

Vâng, đến người đại diện cao cấp nhất của Việt Nam ở Nam Phi còn cảm thấy quá nhục nhã khi lá cờ Tổ quốc bị gắn với hành vi buôn lậu như thế.

Nghiêm trọng hơn, báo Tuổi Trẻ cho biết: "Trước đó, tuần báo Mail & Guardian từng viết: “Các băng nhóm người Việt hiện đang tìm cách độc chiếm thị trường buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi trong những năm gần đây”.

Bằng cách nào mà những băng nhóm người Việt lại tìm cách độc chiếm một thị trường báu bở như thế ở Nam Phi, nơi các băng nhóm tội phạm hoành hành và tỷ lệ số vụ tội ác trên dân số vào hàng cao nhất thế giới? Theo Văn phòng Ma túy và Tội ác của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ các vụ tấn công và giết người ở Nam Phi tính trên dân số cao nhất thế giới. Và mặc dầu vậy, các băng nhóm tội phạm người Việt vẫn có thể len lỏi tới quốc gia ở tận cùng châu Phi đấy, nơi không hề có một cộng đồng người Việt định cư trước đấy làm chỗ dựa. Không những thế, những băng nhóm này còn thao túng thị trường buôn bán sừng tê giác béo bở với tham vọng độc chiếm thị trường này? Câu trả lời là ở đâu nếu không phải nhờ sự tiếp tay của các nhân viên ngoại giao, những người mà cảnh sát Nam Phi nói chung không có quyền khám xét và có thể vận chuyển đồ buôn lậu tương đối dễ dàng trên các chuyến bay từ lục địa đen tới thị trường châu Á: Việt Nam, Hongkong, Trung Quốc...

Theo BBC Vietnamese thì không những thế, còn có sự tiếp tay của sứ quán Việt Nam ở Nam Phi trong việc đưa người Việt sang Nam Phi, với danh nghĩa là làm ăn buôn bán, nhưng thực ra để buôn lậu sừng tê giác (và có lẽ cả những thứ khác mà chúng ta chưa được biết đến?). Trong vài năm gần đây đã có không ít vụ các công dân Việt Nam bị phát hiện buôn lậu sừng tê ở Nam Phi và khi nhập cảnh vào Việt Nam. Và các nhân viên sứ quán Việt Nam, với quyền ngoại giao bất khả xâm phạm, cũng dính líu trực tiếp. Năm 2006, Nguyễn Khánh Toàn, tùy viên thương mại Việt Nam tại Nam Phi bị gọi về nước vì buôn lậu 9 kg sừng tê, trị giá vài trăm nghìn USD. Thế nhưng khi về VN, người ta không biết ông Toàn bị xử lý như thế nào cả. Ông Toàn không phải ra tòa, và cũng không nghe thấy tin tức nào cho biết nếu như ông có bị đuổi việc. Năm 2007, một người Việt bị bắt quả tang mang 18 kg sừng tê bất hợp pháp tại Nam Phi. Chiếc xe của người Việt này sử dụng là xe của tham tán Phạm Công Dũng. Và trong vụ mới đây, kênh truyền hình Nam Phi ghi lại hình ảnh bà bí thư thứ nhất Mộc Anh tươi cười sau phi vụ mua sừng tê, và đối diện bên đường lại là chiếc xe của tham tán Dũng, bên cạnh là một người Việt đang đứng đợi hay trông chừng. Bà Mộc Anh tới nay đã bị gọi về nước. Có lẽ bà sẽ phải làm kiểm điểm và chắc không còn hy vọng trở thành đại sứ trong tương lai. Tham tán Dũng thì tới nay vẫn chưa hề hấn gì dù chiếc xe mang biển số ngoại giao của ông tung hoành trong các phi vụ buôn lậu.

Và đó là hình ảnh cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi. Rách rưới, thảm hại, có liên hệ mờ ám với các băng đảng người Việt. Bất chấp những hành vi phạm pháp và buôn lậu của một số nhân viên ngoại giao Việt Nam ở Nam Phi trong vài năm qua, Bộ Ngoại giao không hề có biện pháp xử lý mạnh tay với những người sai phạm. Phải mãi tới khi họ bị bắt quả tang, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì Bộ mới gọi họ về để "giải trình". Dường như có một sự dung túng ngấm ngầm với các nhân viên ngoại giao ở những nước như Nam Phi, cho rằng họ có thể buôn lậu để cải thiện thu nhập. Trong khi ở những nước như Mỹ, Canada hay châu Âu, các nhân viên ngoại giao có thể làm giàu nhanh chóng nhờ những khoản thu, tuy cũng bất hợp pháp nhưng vẫn "sạch sẽ" hơn như lệ phí visa, các khoản lót tay làm giấy tờ...nhờ cộng đồng người Việt đông đảo thì ở những nước ít có người Việt như châu Phi, có lẽ đã có một sự dung túng ngấm ngầm cho hành vi buôn lậu để "cải thiện thu nhập" các quan chức ngoại giao này. Tất nhiên tiền thu được hẳn sẽ phải được dùng bôi trơn cho bộ máy từ các sếp ở Hà Nội cho tới những cấp trên ở nước sở tại. Đấy là nói tới trường hợp giả sử ông đại sứ không buôn lậu, nhưng khi mà cả bí thư thứ nhất, tùy viên thương mại, tham tán thương mại đều tham gia buôn lậu thì ông đại sứ không tránh khỏi những trách nhiệm rất lớn. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông đại sứ cảm thấy "rất nhục nhã" vì sứ quán Việt Nam và lá cờ Việt Nam bị quay phim trong cảnh buôn lậu. Nhưng ông không nhắc tới ông đã làm gì trước việc các nhân viên dưới quyền ông buôn lậu, ngoài một cuộc họp cách đây 2 năm, trong đó ông đại sứ đề nghị các nhân viên dưới quyền ông không buôn lậu. Không thấy ông nhắc tới ông đã gửi báo cáo nào cho Bộ Ngoại giao hay xử lý các nhân viên dưới quyền như thế nào?

Cách đây mấy tháng, ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bị báo chí quay tới số vì (trích đoạn) câu nói "tôi cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam". Nhưng câu nói đầy đủ của ông là ông cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài. Đến bây giờ, lại thêm một người, lần này là một quan chức ngoại giao hàng đầu, phát biểu là "quá nhục nhã", khi hình ảnh đất nước bị hoen ố trong mắt người bản xứ do những người đại diện cho đất nước ở nước ngoài đi buôn lậu ngay trước cửa đại sứ quán, bị đài truyền hình nước sở tại quay lên TV cho người dân bản xứ biết.

Và sự nhục nhã không chỉ dừng ở đấy. Chính quyền Séc tuyên bố cấm cửa tất cả các công dân Việt Nam, ít nhấ
t cho tới cuối năm nay, vì sự lộng hành của các băng đảng người Việt tại nước này. Nói cách khác, trong mắt chính quyền Séc thì bất cứ công dân Việt Nam nào xin visa vào Séc đều là những tên tội phạm tiềm năng, và họ thà từ chối lầm những công dân Việt Nam lương thiện còn hơn mở cửa để một tên buôn lậu hay gangster người Việt vào nước họ. Hiện nay số người Việt ở Séc lên tới 45.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở nước này. Nhưng cộng đồng này rất tai tiếng bởi có nhiều người Việt Nam phạm pháp như làm hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, trồng cần sa...Đó có phải là một nỗi nhục của người mang hộ chiếu Việt Nam hay không?

Trong hầu hết, nếu không nói là tất cả các sự việc liên quan tới người Việt Nam phạm pháp ở nước ngoài, cách xử lý của chính quyền là bỏ mặc, là chờ nước ngoài xử lý còn Việt Nam chỉ xử lý chiếu lệ, về hành chính. Từ những nhân viên ngoại giao buôn lậu, ăn hối lộ, vòi vĩnh tiền kiều bào cho tới những phi công Việt Nam, tiếp viên hàng không buôn lậu, vận chuyển tiền trái phép..., cách xử lý luôn là bao che, chỉ khi không thể nào che giấu được nữa mới tiến hành xử lý hành chính. Đã có vài phi công Việt Nam bị Úc bỏ tù vì buôn lậu hàng triệu USD. Nhưng tôi chưa đọc báo thấy có tin nào nói phi công Việt Nam bị tòa án Việt Nam xử tù vì lý do tương tự (cũng có thể là có mà tôi không biết chăng?).

Nhưng khác với các phi công hay tiếp viên hàng không, với các nhân viên ngoại giao Việt Nam thì chính quyền sở tại không thể bỏ tù họ vì tội buôn lậu được. Nhiều lắm là họ chỉ có quyền trục xuất (một thủ tục rất hãn hữu mới xảy ra vì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới quan hệ ngoại giao hai nước), còn việc xử lý hình sự hoàn toàn phụ thuộc phía Việt Nam. Nhưng có thể chắc chắn rằng, sẽ lại tương tự như vụ tùy viên Khánh Toàn trước đây, bà Mộc Anh sẽ không phải ra tòa án nào cả. Cùng lắm bà sẽ phải viết tường trình và chi tiền tấn ra để lo lót với các "đồng chí chưa bị lộ". Không biết chừng, trong chuyến bay mới đây từ Nam Phi về Hà Nội theo lệnh triệu hồi của Bộ Ngoại giao, bà sẽ mang cả sừng tê (rất tốt cho tráng dương, tăng cường sinh lực) từ Nam Phi về để làm quà biếu các anh. Biết đâu, còn có cả kim cương nữa. Nam Phi là quốc gia số 1 thế giới về sản xuất kim cương cơ mà! Kim cương máu (blood diamond) thì vẫn cứ là kim cương.


Update: theo thông tin trên trang web Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi thì ông Phạm Công Dũng, chủ nhân của chiếc xe dính dáng tới những vụ buôn lậu, không phải là tham tán thương mại mà là tham tán lãnh sự. Trong hàng ngũ nhân viên đại sứ quán, ông là người đứng thứ hai sau Đại sứ Trần Duy Thi, tương đương với chức vụ phó đại sứ ở một số nước.

Bà Vũ Mộc Anh giữ chức Bí thư thứ nhất cùng với ông Hoàng Hữu Anh, như vậy vị trí của bà trong sứ quán (cùng với ông Hoàng Hữu Anh) chỉ sau hai ông Thi và Dũng.

Một sứ quán ở nước ngoài mà có tới hai quan chức đứng hàng thứ hai và thứ ba dính dáng tới buôn lậu thì thật khó chấp nhận.

Theo BBC thì trước vụ việc này đã có một tham tán thương mại tên là Trần Mạnh và một bí thư thứ nhất của sứ quán Việt Nam phải rời nhiệm sở vì dính tới buôn lậu sừng tê giác. Đặc biệt là cựu tham tán Trần Mạnh tuy không còn làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục ở lại Nam Phi và sử dụng hộ chiếu ngoại giao nhằm phục vụ cho công tác buôn lậu.

Wednesday, November 19, 2008

Entry for November 19, 2008

Một trong những cái dở nhất của blog Yahoo đó là không có tính năng chọn chế độ cho mỗi post. Với mốt số dịch vụ blog có thể chọn chế độ để hiện thị post cho public, cho nhóm "bạn bè", hay chỉ cho riêng mình, ở Yahoo 360 không có tính năng này. Trong khi đấy, Yahoo 360 Plus lại có được tính năng này.

Thành ra viết blog để public có cái không thoải mái là khó viết về những gì có tính cá nhân vì người đọc có thể là những người rất khác nhau, đa phần đều không quen biết và vì thế không thể sử dụng blog như một công cụ diễn đạt và giao tiếp, trao đổi mang tính cá nhân được. Để comment ở chế độ public cũng có cái khó chịu tương tự, là nhiều khi nhận phải những comment chửi bới (ít thôi) hay vô duyên (nhiều hơn).


Thế nhưng nếu duy trì hai blog khác nhau, một cái để public để bàn về những vấn đề có ít tính cá nhân, một cái để chỉ cho Friends trong đó người viết có thể viết một cách thoải mái hơn thì sẽ hơi mất công, nhất là nếu dùng Yahoo thì lại còn phải sign in, sign out.


Không những thế, Yahoo 360 có nhiều lỗi, không còn nhận được hỗ trợ của hãng. Đến giờ đã không thể post nhạc hay video lên được nữa.
Hay có khi sẽ chuyển sang 360 Plus nhỉ? Các dịch vụ khác như wordpress hay blogspot thì không hỗ trợ liên kết mạng lưới. Nhưng cũng lười thay đổi. Nhưng ghét 360 Plus ở chỗ giao diện xấu và kém thân thiện.

Trước mắt, tôi sẽ để comment là friends of friends.


Tuesday, November 18, 2008

Làng Mai- Bát Nhã

Theo trang phusaonline.free.fr thì công văn này được một vị Thượng tọa ở Tu viện Bát Nhã đọc trước mấy trăm người, đồng thời dán ở trong Tu viện.

Đồng thời cũng có tin gần 400 tăng ni Làng Mai bị buộc phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã trong vòng 48 tiếng.

Nếu có bạn nào biết cho hỏi thêm về Tu viện Bát Nhã này? Tu viện này tồn tại lâu chưa, và trước khi đệ tử Làng Mai đến Tu viện thì Tu viện này do ai quản lý, tu tập theo đường lối nào? Vị Viện trưởng Tu Viện Thích Đức Nghi có liên quan nào với thầy Thích Nhất Hạnh hay không?

Vụ này có thể ban đầu chỉ là xung khắc giữa các tu sĩ Làng Mai và những người cố cựu ở tu viện Bát Nhã. Nhưng với công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ thì xem ra vụ này không đơn giản chỉ là xung đột giữa các vị tu sĩ với nhau. Có thể hiểu đây như là sự trục xuất các tu sĩ Làng Mai, đệ tử thầy Thích Nhất Hạnh, vốn không thuộc tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, khỏi các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.

Tất nhiên, cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng công văn này là giả. Nhưng theo tường thuật của một số người thì có sự việc một vị Thượng tọa ở Viện Bát Nhã đọc công văn này và dán nó ở trong viện. Cho nên rất ít có khả năng là giả.



http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_5/Batnha1/BTGCP1.jpg

http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_5/Batnha1/BTGCP2.jpg


Entry for November 18, 2008

Một tin liên quan tới ngành Việt Nam học và văn học. Giáo sư Huỳnh Sanh Thông ở Đại học Yale, người đưa Truyện Kiều tới nước Mỹ, mới qua đời.

Huỳnh Sanh Thông là một dịch giả nổi tiếng, người đã chọn dịch ra tiếng Anh các cuốn An Anthology of Vietnamese Poetry (Hợp tuyển thi ca Việt Nam) và The Tale of Kieu (Truyện Kiều). Ông cũng dịch sang tiếng Anh một tập thơ của Nguyễn Chí Thiện có tên là Flowers from Hell. Cuốn này sau đó được Giải thưởng Thơ quốc tế tại Rotterdam.



Entry for November 18, 2008

Ơ thế không ai chúc mừng mình à. Ngày xưa mình cũng từng là giáo viên đấy.

Đọc blog của nhiều bạn thấy nhắc tới thầy cô giáo cũ
với nhiều kỷ niệm. Nói chung, mình chẳng có mấy kỷ niệm với các thầy cô giáo cũ. Vì là học trò ngoan, học khá nên hay được các thầy cô giáo quý, nhất là các cô giáo, hầu hết đều quý mình, chẳng hiểu tại sao. Các thầy giáo thì có vẻ bình thường, không quý, không ghét hoặc cũng có thể là hơi hơi ghét.

Đến khi làm giáo viên thì không rõ học sinh quý hay ghét mình, hehe.

Tóm lại cái entry này rất nhạt nhẽo, nghĩ mãi không ra kỷ niệm gì đáng nhớ trong cuộc đời mấy chục năm đi học.

Không biết sắp tới sẽ làm nghề gì đây, hay lại quay lại với nghề gõ đầu học trò?. Nhưng cũng chán nghề giáo viên rồi.

+ Nếu nói kỷ niệm thầy cô thì mình nhớ tới 1 lần hồi lớp 6 hay 7 bị cảm đột ngột ở lớp được đưa lên văn phòng, được các thầy cô bôi dầu gió, và cử một bạn gần nhà về báo cho mẹ biết. Nhớ lúc đó có cảm giác khá lạ lẫm, khi ngồi nghe các thầy cô giáo tán chuyện ở văn phòng nhà trường, cảm thấy họ cũng là những người bình thường như những người lớn mình biết.

Để nhớ xem, nói chung thời đi học trong sổ liên lạc cuối năm thường hay có các lời phê kiểu như: ngoan, học khá (hoặc giỏi), được các bạn quý, nhưng còn ít tham gia các hoạt động tập thể, ít chan hòa với bè bạn...

Monday, November 17, 2008

Thơ Rumi 2

Petals

Even when you tear its petals off one after another,
the rose keeps laughing and doesn't bend in pain.
"Why should I be afflicted because of a thorn?
It is the thorn which taught me how to laugh."
Whatever you lost through fate,
be certain that it saved you from pain.
A Sheikh was asked: "What is Sufism?"
He said: "To feel joy in the heart when sorrow appears."


Những cánh hoa

Ngay cả khi bạn ngắt từng cánh hoa,
bông hồng vẫn mỉm cười
nó không gập mình trong đau đớn.
"Tại sao tôi phải đau vì một chiếc gai?
Chính chiếc gai dạy tôi cách cất tiếng cười."
Với những gì số phận lấy đi của bạn
Hãy tin rằng bạn được giải thoát khỏi nỗi đau
Có người hỏi: "Đạo (Sufism) là gì?"
Nhà hiền triết trả lời:
"Cảm thấy hạnh phúc trong tim
khi khổ đau hiện đến."

***

A moment of happiness

A moment of happiness,
you and I sitting on the verandah,
apparently two, but one in soul, you and I.
We feel the flowing water of life here,
you and I, with the garden's beauty
and the birds singing.

The stars will be watching us,
and we will show them
what it is to be a thin crescent moon.


Khoảnh khắc hạnh phúc

Khoảnh khắc hạnh phúc,
Em và tôi ngồi trước hàng hiên
hai người nhưng tâm hồn chỉ một
Tôi và em.

Chúng ta cảm thấy dòng suối cuộc đời tuôn chảy
em và tôi, giữa khu vườn xinh tươi
và những con chim đang hót lời tình tự.

Những vì sao sẽ ngắm nhìn chúng ta,
và mình sẽ cho chúng thấy
thế nào là trăng non

****

You and I unselfed

You and I unselfed, will be together,
indifferent to idle speculation, you and I.
The parrots of heaven will be cracking sugar
as we laugh together, you and I.

In one form upon this earth,
and in another form in a timeless sweet land.


Em và anh, không đơn độc

Em và anh, không đơn độc
mình sẽ ở bên nhau
mặc kệ những xì xào thừa thãi,
em và anh.

Lũ vẹt thiên đường sẽ mổ vỡ những viên đường
trong khi chúng mình cười bên nhau, em và anh.

Trong một hình hài trên mặt đất,
và một hình hài khác,
ở một nơi vĩnh cửu ngọt ngào


****

O Love

O Love, O pure deep Love, be here, be now,
Be all – worlds dissolve into your
stainless endless radiance,
Frail living leaves burn with your brighter
than cold stares –
Make me your servant, your breath, your core.


Ôi Tình Yêu

Ôi Tình Yêu, Tình Yêu trong trắng đậm sâu,
hãy đến nơi đây, lúc này,
Hãy là tất cả-
hãy để muôn ngàn thế giới nhòa tan
bởi hào quang rực rỡ vĩnh cửu của em
hãy để những chiếc lá mỏng manh bùng cháy
trước ánh nhìn bừng sáng của em
và hãy để anh thành tù nhân,
dưới hơi thở em,
và những sâu kín trong em.

***

Love is reckless

Love is reckless; not reason.
Reason seeks a profit.
Love comes on strong,
consuming herself, unabashed.

Yet, in the midst of suffering,
Love proceeds like a millstone,
hard surfaced and straightforward.

Having died of self-interest,
she risks everything and asks for nothing.
Love gambles away every gift God bestows.

Without cause God gave us Being;
without cause, give it back again.


Tình yêu bất cẩn

Tình yêu bất cẩn; không cần tới lý trí
Lý trí tìm kiếm lợi ích
Tình yêu mù quáng
tự ngấu nghiến bản thân, chẳng hề nao núng.

Thế nhưng giữa những khổ đau
Tình yêu hiên ngang bước đến
như tảng đá cối xay
cứng cáp và thẳng tiến.

Không còn lòng vị kỷ,
tình yêu hy sinh tất cả, chẳng đòi hỏi điều gì
Đánh bạc mọi món quà Thượng đế trao cho.

Không cần lý do, Thượng đế trao chúng ta Sinh Tồn
Không cần lý do, tình yêu đem trả lại

Entry for November 17, 2008

Obama có thể phải bỏ sử dụng e-mail, điện thoại di động

Các bạn Mỹ đôi khi hơi paranoid với những khái niệm như dân chủ với minh bạch thông tin. Xem ra Tổng thống Mỹ cũng không có đời sống riêng tư lắm, khi ngay cả việc sử dụng email cũng có thể bị xem là vi phạm luật pháp.

"Trước khi chạy đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama đã bỏ hút thuốc lá nhưng hiện tại ông đang phải đối mặt với việc từ bỏ một thói quen khác, không sử dụng e-mail.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử có khả năng phải từ bỏ việc dùng e-mail bởi Luật minh bạch sẽ công khai việc trao đổi thông tin của ông tới công chúng, các phụ tá của ông cho tờ Thời báo New York biết...

Cả cựu Tổng thống Bill Clinton và đương kim Tổng thống George W. Bush đều không sử dụng e-mail trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhưng không giống như ông Obama, họ không thích dùng điện thoại BlackBerry....

Theo luật Mỹ, các thư điện tử của tổng thống sẽ bị kiểm tra vì mục đích an ninh. Các chuyên gia cho rằng luôn có nguy cơ liên lạc kỹ thuật số bị tấn công. Cũng có một khả năng khác rằng nếu mang theo điện thoại, vị trí của của tổng thống có thể bị theo dõi."

2. Đọc cái này hơi buồn cười.
Tranh cãi quanh vụ kem Tràng Tiền bất ngờ ngừng bán

"
Việc một thương hiệu ẩm thực 50 năm tuổi của Hà Nội đóng cửa liên tiếp trong 5 ngày đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người thậm chí còn lo ngại đây có thể là dấu hiệu cho thấy thương hiệu Kem Tràng Tiền có khả năng biến mất, thay vào hình ảnh cửa hàng kem cũ kỹ hiện tại sẽ là khách sạn, hay tòa nhà thương mại, bởi giá đất cho thuê ở khu vực này hiện cao nhất nhì thủ đô."

Chẳng biết bây giờ thế nào chứ cách đây vài năm, chỗ này
thì nhốn nháo người xếp hàng mua kem, rồi que kem vứt bừa cả ra đường sau khi ăn xong.
Kem Tràng Tiền có đóng cửa hay không cũng đâu có gì quan trọng mà "xôn xao dư luận". Có mỗi chuyện một cửa hàng kem đóng cửa 5 ngày mà xôn xao báo chí, lên cả chương trình Thời sự trên TV.


Kem Tràng Tiền có ngon không? Hồi bé thì đúng là tôi thấy nó ngon, đơn giản vì chẳng mấy khi được ăn kem, và nếu so sánh kem Tràng Tiền với những que kem tư nhân hay các cơ quan tự gia công sản xuất mà tôi hay ăn thì tất nhiên kem Tràng Tiền ngon hơn, giá cả cũng không đắt hơn nhiều lắm nên cũng có thể coi là điểm sáng trong văn hóa ẩm thực thời bao cấp.
Nhưng sau này có dịp ăn lại, tôi chẳng thấy nó ngon gì cho lắm, tất nhiên so với giá cả thì như thế cũng là không tệ. Nhưng rút cục cũng chỉ là một cửa hàng kem, chứ có gì đặc biệt đâu mà các báo phải thi nhau giật tít rồi rầu rĩ tiếc thương.


Saturday, November 15, 2008

Thơ Rumi

Rumi

(Ba Tư, Afghanistan)

1207 – 1273

Nhà thơ nổi tiếng nhất trong thế giới Hồi giáo. Ở Mỹ, Rumi cũng là nhà thơ viết bằng tiếng nước ngoài được dịch nhiều nhất và đọc nhiều nhất.

The Lovers

The Lovers
will drink wine night and day.
They will drink until they can
tear away the veils of intellect and
melt away the layers of shame and modesty.
When in Love,
body, mind, heart and soul don't even exist.
Become this,
fall in Love,
and you will not be separated again


Những người yêu nhau

Những người yêu nhau
Sẽ uống rượu trong đêm và ngày
Họ sẽ uống tới khi họ có thể
xé rách tấm mạng của trí tuệ
làm tan chảy những tầng bậc
của nỗi hổ thẹn và thói khiêm nhường.

Khi Yêu,
thân thể và trí óc, trái tim và linh hồn
không tồn tại.

Trở thành một điều,
Yêu,
và bạn sẽ không thể bị chia rời.


****

Only You

Only you
I choose among the entire world.
Is it fair of you
letting me be unhappy?

My heart is a pen in your hand.
It is all up to you
to write me happy or sad.

I see only what you reveal
and live as you say.
All my feelings have the color
you desire to paint.

From the beginning to the end,
no one but you.

Please make my future
better than the past.

When you hide I change
to a Godless person,
and when you appear,
I find my faith.

Don't expect to find
any more in me
than what you give.

Don't search for
hidden pockets because
I've shown you that
all I have is all you gave.


Chỉ có em

Chỉ có em
Anh chọn em giữa muôn trùng thế giới
Em có công bằng không
khi em để anh buồn?

Trái tim anh là cây bút trong tay em
Và chỉ em mới viết được cho anh
Nỗi khổ đau hay niềm hạnh phúc

Anh nhìn thấy những gì em cho anh thấy
Anh sống như lời em nói.
Và cảm xúc của anh
mang màu sắc của những gì em muốn vẽ.

Từ khởi đầu tới khi kết thúc,
không ai khác, chỉ em.

Em yêu ơi, hãy làm tương lai anh
đẹp hơn là quá khứ.

Khi em chạy trốn,
anh không còn tin vào Thượng đế,
khi em trở lại,
anh tìm thấy đức tin.

Đừng mong thấy trong anh,
điều gì quý giá hơn
những gì em trao tặng.

Đừng mong thấy những của cái giấu chìm
anh đã cho em thấy
tất cả những gì anh có
đều là những thứ em đã trao anh.


***

There is a candle in your heart...

There is a candle in your heart,
ready to be kindled.
There is a void in your soul,
ready to be filled.
You feel it, don't you?
You feel the separation
from the Beloved.
Invite Him to fill you up,
embrace the fire.
Remind those who tell you otherwise that
Love
comes to you of its own accord,
and the yearning for it
cannot be learned in any school.


Có một ngón nến trong tim em

Có một ngọn nến trong tim em
cần được thắp.
Có một khoảng trống trong linh hồn em
cần được lấp.
Em có cảm thấy không?
Em có cảm thấy mình xa rời Đấng Yêu Thương.
Hãy mời Người lấp kín trong em,
hãy ôm lấy ngọn lửa.
Và hãy nhắc nhở tất cả những ai nghi ngờ
rằng Tình Yêu
tự tìm đến với người
và nỗi khát khao nó
không thể học được tại bất cứ nơi đâu.


***

Look at Love...

Look at Love...
how it tangles
with the one fallen in love

look at spirit
how it fuses with earth
giving it new life

why are you so busy
with this or that or good or bad
pay attention to how things blend

why talk about all
the known and the unknown
see how unknown merges into the known

why think separately
of this life and the next
when one is born from the last

look at your heart and tongue
one feels but deaf and dumb
the other speaks in words and signs

look at water and fire
earth and wind
enemies and friends all at once

the wolf and the lamb
the lion and the deer
far away yet together

look at the unity of this
spring and winter
manifested in the equinox

you too must mingle my friends
since the earth and the sky
are mingled just for you and me

be like sugarcane
sweet yet silent
don't get mixed up with bitter words

my beloved grows
right out of my own heart
how much more union can there be


Hãy nhìn Tình Yêu

Hãy nhìn Tình Yêu
hãy nhìn cách nó quấn chặt
người đang yêu

Hãy nhìn tinh thần
hãy nhìn cách nó hợp nhất với đất
để tạo ra sự sống

Sao bạn phải bận rộn
với việc này việc khác
điều xấu và điều tốt
hãy để tâm tới cách mọi vật hòa cùng

Sao bạn lại phải nói
về hữu tri và vô tri
hãy quan sát
khi hữu tri hòa quyện vô tri

Đừng nghĩ mọi thứ tách rời
giữa cuộc đời này và cuộc đời kế đến,
khi tất cả chúng ta
đều sinh ra từ kiếp đã qua.

Hãy nhìn vào tim và lưỡi của mình
một thứ câm và điếc
một thứ nói ra ký hiệu, ngôn từ

Hãy nhìn lửa và nước
gió và đất
chúng vừa là kẻ thù vừa là bè bạn

Sói và cừu
sư tử và hươu
xa nhau và gần gũi

hãy nhìn vào sự hòa quyện
mùa xuân và mùa đông
gặp gỡ nhau tại lúc xuân phân

và bạn cũng hòa chung
bởi lẽ trời và đất
hòa chung nhau cho tôi và cho bạn

hãy giống như cây mía
ngọt ngào và yên lặng
không hòa lẫn những lời nói đắng cay

tình yêu của tôi
từ trái tim tôi để đến
và sẽ còn hòa quyện
với bao thứ trên đời

Friday, November 14, 2008

Entry for November 14, 2008

Đối thoại với trí thức không cần treo bảng

Tôi thấy bài này bốc thơm Thủ tướng một cách khá vô duyên, (cũng nói thêm là nhìn chung, tôi đánh giá khá cao Thủ tướng Dũng, mặc dù tôi cảm thấy ông có phần hơi bị hạn chế bởi những lực cản hữu hình và vô hình trong một bộ máy cồng kềnh và luôn e sợ các thay đổi).

Câu hỏi của Lê Bộ Lĩnh, nếu không nhầm thì là Viện phó Viện Kinh tế Thế giới.

"Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) nêu câu hỏi rằng, trước nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trí thức trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp và gửi nhiều ý kiến. Thủ tướng có kế hoạch đối thoại với các nhà khoa học và trí thức không? Thủ tướng nói rằng không biết đại biểu định nghĩa trí thức như thế nào, còn “ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức”...

Một câu trả lời rất đáng chú ý của Thủ tướng: “Những người làm việc chung quanh tôi đều là tiến sĩ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hằng ngày. Treo khẩu hiệu đối thoại với trí thức thì hình thức quá”"


Theo tôi, ở đây Thủ tướng đã hiểu sai câu hỏi của ông Lĩnh và hiểu sai cả ý nghĩa của từ "đối thoại" mà ông Lĩnh nêu ra. Ông Lĩnh hỏi về việc đối thoại chứ không phải việc Thủ tướng nghe ý kiến của những người giúp việc, các chuyên viên bên cạnh ông, để đề ra các quyết sách. Việc nghe ý kiến của những chuyên gia chỉ là sự cố vấn, trao đổi của những người dưới quyền hay giúp việc cho Thủ tướng. Đó không phải là "đối thoại với trí thức" như câu hỏi ông Lĩnh đặt ra.

Ý thứ hai Thủ tướng hiểu sai là từ "trí thức". Từ "trí thức" dùng trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ một ông giáo làng cách đây 30 năm hẳn cũng được gọi là "trí thức", hay bây giờ người ta cũng có thể gọi một cử nhân đại học là "trí thức". Theo nghĩa này, trí thức là người có học, và nghĩa này thường được hiểu theo bối cảnh giai cấp trong những cụm từ như "tầng lớp trí thức", "trí thức tiểu tư sản"...

Nhưng trong cách hiểu mà đại biểu Lĩnh nêu ra thì "trí thức" không phải chỉ là người có học vị. Từ "trí thức" bản thân có hai chữ "trí" và "thức", nghĩa là người vừa có học vấn (trí), lại vừa có trách nhiệm "thức tỉnh" công chúng. Hiểu theo nghĩa này, người trí thức không chỉ đơn thuần là nhà chuyên môn trong một lĩnh vực hẹp nhất định mà là người có thể và thường xuyên đóng góp ý kiến cho chính quyền hay tác đông tới dư luận trong các vấn đề quốc gia đại sự. Cách hiểu của Thủ tướng khi trả lời câu hỏi này đồng nghĩa "trí thức" với người có học, và ông cho rằng việc ông làm việc, nói chuyện, lắng nghe ý kiến của các tiến sĩ, kỹ sư giúp việc cho ông cũng là "đối thoại với trí thức". Chứ còn tất nhiên xung quanh Thủ tướng đều là người có học vị cả, ít nhất cũng phải tốt nghiệp Đại học rồi (dù cũng có thể là đại học tại chức).

Trí thức có thể là người độc lập ý kiến với lãnh đạo. Lấy ví dụ có nhiều trí thức ngoài Đảng, ở trong nước hay nước ngoài, không làm việc cho Chính phủ hay cố vấn cho Thủ tướng. Họ cũng hoàn toàn có thể có những đóng góp về quan điểm, chính sách cho Chính phủ. Nhưng nếu Thủ tướng không đối thoại với họ thì Chính phủ sẽ không thể biết đến tiếng nói của họ. Trong khi đó, những người giúp việc, hiến kế ở xung quanh Thủ tướng có thể là những người giỏi giang, có học vị đầy mình, nhưng họ cũng bị ràng buộc bởi những quyền lợi và cả góc nhìn của họ. Nói như thế không có nghĩa là những ý kiến của họ không quan trọng mà là nó không đủ, không thể lấy việc Thủ tướng làm việc với bộ sậu là tiến sĩ, kỹ sư hàng ngày, để rồi cho rằng như vậy là Thủ tướng đang đối thoại với trí thức được.


Entry for November 14, 2008

Cái giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm nay đểu nhỉ, quyết định trao giải xong, tất cả đều im bặt, từ báo chí tới nhà phê bình không ai thèm bình luận xem các tác phẩm được giải như thế nào.
Ba cuốn văn xuôi được giải thì một tập truyện ngắn về đề tài miền núi, hai tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cũ rích.

Thậm chí vào hẳn trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam, tôi cũng không tìm ra thông tin gì về các giải thưởng năm nay của Hội này.

Trong ba tác giả được giải có tên Nguyễn Chí Trung. Không biết Nguyễn Chí Trung này có phải là Nguyễn Chí Trung mà theo Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải đem ví với Mao Trạch Đông, Pol Pot... Có bạn nào biết thì cho hỏi có đúng thế không.

Câu này trong Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh như sau:

"Chúng ta thuộc lứa người bị bỏ phí cả một thời trai trẻ để học theo một cái lý thuyết vớ vẩn, chả nghĩ ra được cái gì, chẳng làm ra được cái gì trong giới hạn của chủ nghĩa Mác - Lê - một thứ triết học của người cầm quyền. Mà có hiểu Mác - Lê thực đâu. Toàn nghe lãnh tụ nói và nói theo. Trong cái khung của một ý thức hệ, còn ai nghĩ ra được cái gì nữa. Chủ nghĩa Mác thành ra một thứ tôn giáo. Tin mà không hiểu. Bao người hy sinh vì cái lý thuyết vớ vẩn ấy. Chủ nghĩa xã hội toàn đẻ ra những con người quái gở như Mao Trạch Đông, Staline, Pônpốt, rồi Nguyễn Chí Trung..., toàn lũ điên "."

[lời Nguyễn Khải]

Như vậy, sau giải thưởng khá bất ngờ năm 2007 trao cho tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, một giải thưởng mang lại nhiều ấn tượng tốt trong người đọc thì năm nay giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam lại trở về với truyền thống "đi lề phải". Ba tác phẩm được trao giải không hề gây ra một xôn xao nào, dù là nhỏ, trong báo giới và người đọc và dường như bị quên lãng ngay khi trao giải. Thật khác với năm ngoái khi Đinh Lễ có những lúc đã cháy hàng tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng.

Hội nhà văn Việt Nam năm nay cũng không tìm ra giải cho thơ và phê bình. Nói chung Hội này tư cách ngày càng kém, từ những ì xèo quanh bài của Văn Chinh viết về ông thầy cũ Nguyễn Đăng Mạnh trên web Hội, bài chửi bới Nguyễn Đăng Mạnh theo đúng nghĩa đen của một vị nào núp danh dưới cái tên Hà Bình Trọng đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ của Hội, cho tới các om xòm quanh vụ kết nạp thành viên mùa nước lụt, móc máy nhau giữa các trang web trannhuong.com., lethieunhon.com và Hoinhavanvietnam.vn.

+ PS: Haha, đọc thêm ở đây thì có ý kiến của nhà văn Xuân Đức như sau:

"Năm nay, ba tác phẩm Hội đồng văn xuôi đề xuất đều bị nốc ao, ngược lại ba tác phẩm đoạt giải thì bản thân tôi chưa hề nhìn thấy bìa sách. Có thể BCH đã xét chuẩn vì ba cuốn ấy hay hơn ba cuốn chúng tôi trình. Nhưng vấn đề là : làm sao có 3 tác phẩm văn xuôi đoạt giải của Hội mà Hội đồng văn xuôi lại không hề được đọc qua ? Vậy thì cái Hội đồng này gọi là hội đồng gì ?"

Đúng là trò hề!. Giải thưởng văn xuôi mà Hội đồng văn xuôi của Hội nhà văn còn không được đọc qua. Thế thì còn để cái Hội đồng ấy làm cái gì?. Hay đổi tên giải thưởng Hội nhà văn thành giải thưởng Hữu Thỉnh?

Entry for November 14, 2008

1. Bài phân tích về ngập lụt đô thị này của Nguyễn An Nguyên hay.

Ngập lụt đô thị và quản trị khủng hoảng

2. Đọc báo chí giờ thấy phát ớn lên vì tần suất chữ "Bỗng nhiên muốn...". Sao mà các nhà báo thiếu trí tưởng tượng và nhạt nhẽo trong việc sử dụng từ ngữ thế.

3. Hic, cái này gọi là ba miền cùng chia sẻ. Thời tiết các năm gần đây có những biến động rất bất thường, có thể do thay đổi khí hậu toàn cầu. Với tình trạng này xem ra trong tương lai, các thảm họa hồng thủy hoàn toàn có thể xảy ra với quy mô lớn. Bình thường, mùa này có phải mùa mưa đâu nhỉ? Ít nhất là ở Hà Nội, sang tháng 11 là đầu đông, là "mùa vắng những cơn mưa". Tại sao năm nay tới giữa tháng 11 mà có những cơn nước lớn như thế ở khắp cả nước?


Hệ thống thoát nước của đồng bằng sông Hồng quá tải

Thành phố Tuy Hoà chìm trong biển nước

TP.HCM:Ngày thứ 2 của đỉnh triều lịch sử, đường cũng như sông



Thursday, November 13, 2008

Entry for November 13, 2008

Bài này có nhiều ý hay. Ông Nhân cần tham khảo bài này.

ĐH trong top 200 thế giới: Nhiệm vụ bất khả thi

....

"Từ năm 2000 - 2005, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc tăng 18,5% mỗi năm. Từ năm 1996 đến 2005, đầu tư cho lĩnh vực này tăng từ 0,57% lên 1,35% trong tổng số GDP. Năm 2006, Trung Quốc chi cho nghiên cứu và phát triển đứng thứ 2 thế giới. Trong 10 năm kể từ 1995, số báo cáo khoa học thường niên của nước này tăng lên từ 9.061 tới 41.596. Nhưng hiện tại, Trung Quốc chưa có trường nào trong top 200 dù đã "góp"18 trường top 500 như Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nam Kinh...
...

Vậy theo phán đoán của ông, bao giờ Việt Nam cái đích "top 200" ?
Theo tôi, có lẽ đến năm 2060 hoặc muộn hơn. Giả sử thực hiện ngay lập tức theo mức đầu tư của Trung Quốc và Hàn Quốc thì cũng không thể đạt kết quả xếp hạng trong top 200 của ĐH Giao thông vào năm 2020. Một mục tiêu thiết thực hơn, tuy rằng khó, là lọt vào top 500 của ĐH Giao thông vào năm 2025 hoặc 2030. Trong bảng xếp hạng của ĐH Giao thông hiện tại, có một số nước như Mexico, Brazil, Ấn Độ. Ấn Độ có GDP tính theo đầu người ở mức của VN. Nước này đã tập trung nguồn lực cho một số nhỏ các trường ĐH chất lượng cao."




Entry for November 13, 2008

Có vẻ như những năm gần đây, các nhà văn di cư ngày càng có vị trí cao trong văn giới châu Âu, đoạt được nhiều giải thưởng.

Năm nay cả hai giải thưởng danh giá của châu Âu là giải Booker của Anh và giải Goncourt của Pháp đều vào tay hai nhà văn châu Á. Aravind Adiga, người mang hai quốc tịch Ấn Độ và Úc, giành được giải Booker cho tiểu thuyết đầu tay White Tiger Atiq Rahimi, người Afghanistan lưu vong ở Pháp, giành được giải Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay Syngue Sabour.
Đáng chú ý là cả hai tiểu thuyết đoạt giải đều là các tiểu thuyết đầu tay của hai tác giả này.

Thêm nữa, giải thưởng văn học nhiều tiền nhất thế giới- 100.000 bảng Anh-giải IMPAC Dublin, cũng được trao cho một nhà văn lưu vong quốc tịch Canada và gốc Lebanon, Rawi Hage. Tác phẩm của ông này có tên là De Niro's Game, cũng là tiểu thuyết đầu tay của ông, và kể về cuộc sống ở Lebanon trong nội chiến.

Nhà văn người Úc gốc Việt và sinh ra ở Việt Nam, Nam Le, cũng giành được một giải thưởng quan trọng, giải Dylan Thomas, cho tập truyện ngắn đầu tay The Boat, của anh. Giải thưởng này của Nam Le trị giá 60.000 bảng Anh, có lẽ chỉ kém giải IMPAC Dublin về số tiền được nhận (giải Booker được 10.000 bảng, giải Goncourt được 10 Euro). Nam Le còn được National Book Foundation, nơi trao giải National Book Award của Mỹ, xếp vào danh sách 5 cây bút triển vọng nhất ở lứa tuổi dưới 35.

Đây quả là tin đáng khích lệ với các cây bút trẻ khi mà những người giành được các giải thưởng quan trọng nhất đa phần đều ở trong lứa tuổi 30-40 và họ nhận được giải thưởng cho các tác phẩm đầu tay của họ.

img

Ảnh Nam Le

Entry for November 13, 2008

img

Đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu chất vấn Thủ tướng. Ảnh: TTXVN.

Trong các phát biểu của Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng có một số vấn đề tôi quan tâm mà không tìm được các báo cáo cụ thể.

1. Bộ trưởng Tài chính nói các DNNN vẫn làm ăn có lãi nhưng không thấy ông nói mức lãi cụ thể thế nào. Tìm trên website Bộ Tài chính không thấy báo cáo nào về vấn đề này.

2. Thủ tướng nói nông dân vẫn có lãi 60% nhưng cũng không tìm được báo cáo hay nghiên cứu nào làm cơ sở cho việc tính toán này.


3. Có một vấn đề mà chính phủ sẽ phải đối mặt, đó là tình trạng công chức có năng lực bỏ việc ở cơ quan nhà nước.
Ở những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...việc trở thành công chức Nhà nước là một sự kiện danh giá và chỉ những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp các trường danh tiếng mới có cơ hội vào làm việc ở các bộ ngành những nước này, cho dù lương công chức hầu như luôn thấp hơn so với lương ở khu vực tư nhân. Ngay cả ở Mỹ, việc làm việc ở các cơ quan nhà nước vẫn được đánh giá cao và nhiều người sẵn sàng từ bỏ công việc lương cao ở khối tư nhân để có cơ hội làm việc tại Bộ Tài chính, Fed, Bộ Tư Pháp, Bộ Nông nghiệp...Còn ở Việt Nam, có một làn sóng các công chức có năng lực, nhất là công chức trẻ bỏ việc tại NHNN, và các bộ để làm ở khối tư nhân. Đáng chú ý là những công chức bỏ việc này có nhiều người có trình độ, được tu nghiệp ở nước ngoài. Trong các trường Đại học cũng có hiện tượng tương tự, nhiều người đi du học bằng học bổng Ngân sách hoặc tìm cách ở lại nước ngoài sau khi học xong, hoặc chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân, hay phi chính phủ ở trong nước sau khi học xong. Đó là những gì Chính phủ, và trực tiếp là Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan, phải đề ra biện pháp giải quyết. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng những người quản lý công là những người kém trình độ nhất.

Wednesday, November 12, 2008

Thiền và Quốc hội

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200811/original/images1657756_nguyenquoctrieu3.jpg


Ông Nguyễn Quốc Triệu dạo này đang đọc sách Thiền hay sao thế? Phát biểu ở Quốc hội chứ cứ đang trả bài trước sư phụ trong chùa.

Sư phụ: "Thiện là gì? Ác là gì? Thiện với ác lấy gì tường minh? tranh đấu với nhau thế nào? Con lấy ví dụ ta nghe?"

Nguyễn Quốc Triệu: "
Câu chuyện về an toàn thực phẩm là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, chưa biết hồi kết đến bao giờ. Ông Thích Ca 2.552 năm đã kêu gọi từ bi. Chúa Jesus cũng thế thôi, đến chủ nghĩa Mác - Lênin cũng kêu gọi đấu tranh giữa thiện và ác, bây giờ vẫn phải tiếp tục. Tức là anh làm tiêu cực, là hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đó là cái ác, cái thiện là chúng ta phải bảo vệ nhân dân."

An toàn thực phẩm: Bộ Y tế chỉ gác mâm cơm

Nhìn lại ảnh ông thấy cũng có phần giống chú Tễu. Thảo nào thích kể chuyện tếu.

Nói thêm về chuyện an toàn thực phẩm, ở Mỹ có Cơ quan thực phẩm và thuốc Mỹ (U.S. Food and Drug Administration- FDA) trực thuộc Bộ Y tế, chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm, thuốc men, mỹ phẩm, thiết bị y tế...

Ở Việt Nam thì các bộ chồng chéo nhau, riêng quản lý an toàn thực phẩm mà có đến ba bộ Nông, Công, Y cùng quản, dẫn đến chẳng bộ nào chịu trách nhiệm. Và ông Bộ trưởng Y tế chỉ nhận việc gác mâm cơm. Dẫn tới việc chỉ một câu hỏi đơn giản của đại biểu Quốc hội về vấn đề an toàn thực phẩm mà ba vị Bộ trưởng cùng đăng đàn giải trình nhưng theo Vnexpress, vẫn "không làm sáng tỏ được câu hỏi của bà Mai". Ngay cả việc ai là người chịu trách nhiệm chính, họ vẫn không biết là ai và Bộ trưởng Y tế phải xin khất là sẽ trả lời bằng văn bản. Không rõ cái văn bản đó có cần tới chữ ký của ba ông Bộ trưởng nữa hay không?

Một nền hành chính cồng kềnh, quá nhiều cơ quan chồng chéo quản lý một vấn đề và khi có sự cố xảy ra thì những cơ quan này sẽ đổ lỗi cho nhau, không có ai chịu nhận trách nhiệm cả (vì quả thực, mỗi cơ quan đều có một phần trách nhiệm trong đó). Đó cũng là lý do khi đăng đàn, chỉ mới thấy ông Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm chính trong việc dự báo sai dẫn tới ngừng xuất khẩu gạo về mình trong khi các ông Bộ khác, nếu nhiều nhặn thì sẽ cũng chỉ xin nhận trách nhiệm "một phần" (lời ông Bộ trưởng Công thương). Cái gì cũng một phần, miếng ăn các vị cũng phải sẻ cho nhau mỗi người một ít, nên trách nhiệm, nếu có nhận thì cũng chỉ một phần thôi. Và sẽ còn phải cãi nhau chán, công văn này đi qua, văn bản kia đi lại, để xem ai nhận phần to, ai nhận phần nhỏ trong cái mớ bòng bong có tên là "trách nhiệm". Cho dù cái "trách nhiệm" ấy chỉ là một thứ trách nhiệm tinh thần và rất ít khả năng dẫn tới các trách nhiệm hành chính của các vị.

PS1: Kể ra ông Triệu tấu hài ở Quốc hội có mua vui được vài tiếng cười trong các đại biểu QH nhưng chứng tỏ trình độ cao cấp chính trị của ông có vấn đề. Không ai nói chủ nghĩa Marx-Lenin là đấu tranh giữa thiện với ác cả, ông Triệu đã hoàn toàn quên rằng tính giai cấp, chứ không phải đạo đức, là nền tảng của chủ nghĩa này. Không những thế, ông còn so sánh chủ nghĩa Marx-Lenin với tôn giáo, trong khi đó Marx từng nói "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân".

PS2: Bộ trưởng Y tế nói rằng an toàn thực phẩm là câu chuyện thiện ác "
chưa biết hồi kết đến bao giờ". Ông còn xin Quốc hội giúp đỡ Bộ Y tế (và hai bộ nữa, và các UBND địa phương nữa) trong cuộc chiến đấu gay go quyết liệt giữa Thiện và Ác, Ánh Sáng và Bóng Tối, Harry Potter và You-Know-Who này.

Thế nên nhân dân cứ việc tiếp tục phải ăn uống thực phẩm không an toàn dài dài vì "chưa biết hồi kết đến bao giờ". Tất nhiên nếu gặp phải một số rủi ro trong cuộc chiến thực phẩm thì nhân dân có thể biết đến hồi kết sớm hơn dự kiến. Biết làm thế nào được. In Mr. Trieu, we trust.

Entry for November 12, 2008

Nói chung Quốc hội phải cải tổ, cứ quanh quanh vào chuyện bắt Bộ trưởng nhận trách nhiệm thì cũng để làm gì. Quốc hội ngày càng xa rời nhân dân. Đến nỗi, tôi vào hẳn hai forum khá nổi trên mạng (nhưng có quan điểm rất khác nhau) là tathy và x-cafe đều không thấy có topic nào bàn về họp Quốc hội.

Chờ xem sắp tới có đại biểu nào hỏi về PMU Đông Tây với Huỳnh Ngọc Sĩ không. Một vụ án liên quan tới 2,6 triệu USD tiền hối lộ, nếu không có đại biểu nào hỏi thì thật là khó hiểu.

Số tiền 2,6 triệu USD thực ra không phải quá lớn và ai cũng biết tham nhũng ở VN xảy ra ở mức độ kinh khủng thế nào. Nhưng cách thức xử lý vụ này sẽ cho thấy tính khả tín của chính quyền ở mức độ nào. Việc bịt miệng báo chí (tới hôm nay chưa thấy báo nào ở VN đưa tin về việc này) và không hề điều tra kể cả sau khi những người đưa hối lộ ở Nhật nhận tội cho thấy chính quyền bất chấp công luận, đưa ra một tín hiệu rất xấu về độ khả tín của chính quyền. Không những thế, chính quyền còn bưng bít thông tin, không công khai các kết luận thanh tra của mình với các sai phạm ở PMU Đông Tây. Những hành động này gây rất nhiều phản cảm trong dư luận, nhất là khi sự việc lại diễn ra ngay sau phiên xử các nhà báo liên quan tới vụ đánh bạc (?) PMU18, mà đa số dư luận trong và ngoài nước coi như một vụ phản đòn đối với các nỗ lực chống tham nhũng. Cho tới tận thời điểm này, án điểm PMU18 vẫn chỉ dừng lại ở một vụ đánh bạc 700 ngàn USD và sẽ chẳng có ai biết được các viên chức PMU18 lấy đâu ra tiền mà đánh bạc tới gần triệu USD như thế.

Đó là chính quyền và 600 tờ báo. Còn nếu hơn 400 đại biểu Quốc hội cũng không có ai chất vấn về vụ tham nhũng PMU Đông Tây và PMU18 thì thật đáng thất vọng cho Quốc hội. Cho dù tất cả đều hiểu rằng nếu chất vấn cũng chỉ là "chất vấn"!

UPDATE:
Báo Tuổi Trẻ đưa tin hôm nay:

Trích:

"
Chiều 12-11, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Trương Văn Lắm - người phát ngôn của UBND TP.HCM - để nghe ý kiến chính thức của UBND TP về thông tin trên các báo nước ngoài rằng các quan chức PCI đã khai trước tòa đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Ông Lắm cho biết UBND TP chưa thể có ý kiến gì xung quanh diễn biến mới này, vụ việc đã được trung ương giao cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an xác minh và đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.


Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với PV Tuổi Trẻ, một vị lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an (C37) cho biết cơ quan điều tra mới chỉ nắm tình hình và tiếp cận một số tài liệu, hồ sơ liên quan đến dự án đại lộ đông - tây chứ chưa làm việc với ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Trả lời câu hỏi sau khi bốn quan chức PCI khai trước tòa án Nhật đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, động thái sắp tới của cơ quan điều tra là gì, ông này cho biết phải chờ ý kiến chỉ đạo ở trên"

Như vậy, ít nhất đã có tờ Tuổi Trẻ lên tiếng!

Thật mỉa mai khi mà người Nhật đã cử người sang tận Việt Nam để làm việc điều tra, theo lời GS Trần Văn Thọ ở Tokyo thì "người Nhật bàng hoàng về vụ PCI", chính phủ Nhật đề nghị với chính phủ Việt Nam thành lập Ủy ban hỗn hợp giám sát ODA Nhật Bản- một việc chưa từng có trong lịch sử viện trợ của nước này. Và trong khi đấy, cơ quan điều tra Việt Nam hoàn toàn im lặng, mới chỉ "nắm tính hình", thậm chí họ còn không buồn làm việc với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, người bị cáo buộc nhận hối lộ. Ô hay, thế họ "nắm tình hình" kiểu gì !!!

Trong khi đó theo phát biểu của Lê Dũng ngày 14/10 thì từ tháng 8/2008, khi phái đoàn Nhật sang làm việc, phía Việt Nam đã hứa hẹn với họ rằng "
các vụ việc hối lộ liên quan đến các dự án ODA, bao gồm cả vụ việc nghi vấn này, sẽ được nghiêm túc điều tra và làm sáng tỏ các chi tiết của vụ việc."

Và trong 3 tháng, người ta "nghiêm túc điều tra" bằng cách không cần tiếp xúc tới đối tượng bị điều tra, và án binh bất động "chờ lệnh trên".

Theo GS Thọ trên BBC: "
Thành ra nếu Ủy ban hỗn hợp Nhật Việt ra đời thì đây là một sự kiện không mấy danh dự cho Việt Nam. Do đó, tốt nhất là Việt Nam phải chủ động cho thấy mình sẽ sẵn sàng chuẩn bị cơ chế để phòng chống hiện tượng tiêu cực trong ODA nói riêng và tệ nạn tham nhũng nói chung."

Nhưng tôi nghĩ việc thành lập Ủy ban này là cần thiết. Danh dự của Việt Nam không nằm ở chỗ người Nhật có nghĩ rằng Việt Nam tham nhũng hay không, mà nằm ở chỗ Việt Nam quyết tâm chống tham nhũng thế nào. Cái danh dự hão để làm gì khi người dân thường sẽ phải gò lưng làm lụng để trả tiền hối lộ cho ông Sĩ và đồng bọn? Nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng, đó mới chính là cách thích hợp để lấy lại danh dự cho người Việt Nam.

Tuesday, November 11, 2008

Quốc hội

Bài trả lời phỏng vấn thẳng thắn của ông Cư Hòa Vần, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam. Các câu hỏi của phóng viên Pháp luật TPHCM (không nêu tên) cũng hay.

Thực chất hoạt động chất vấn ở QH cũng chỉ là cho vui, tạo ra một không khí dân chủ nửa vời, các bộ trưởng lên bục đăng đàn, giả bộ nhận khuyết điểm hay xin rút kinh nghiệm để vui lòng đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thì giả bộ gay gắt, chất vấn nhiệt tình các Bộ trưởng để vui lòng cử tri. Các bộ trưởng, ông nào trả lời hay, tỏ ra nhận trách nhiệm và có khiếu ăn nói tốt thì được khen. Ông nào ăn nói vụng hay "ngoan cố" không chịu nhận trách nhiệm lại còn bướng thì bị chê. Nhưng rút cục vẫn thế thôi.

Gọi nó là nhạt như báo Pháp luật TP HCM và ông Vần thì cũng đúng là nhạt, nhưng chính xác hơn thì đó là sự qua quýt, dân chủ giả hiệu, mỗi năm bắt các bộ trưởng đăng đàn trả lời vài bận như một thứ nghĩa vụ cho xong, để chứng tỏ rằng nền dân chủ vẫn hoạt động và hơn 400 đại biểu Quốc hội vẫn đang làm việc, giám sát chính quyền.

Cái chức năng chính của Quốc hội là soạn luật thì chẳng thấy đâu. Quốc hội cũng chả có quyền gì đối với thành viên Chính phủ, ngoài quyền "hỏi".

Ở Mỹ, hoạt động giám sát chính quyền của Quốc hội chủ yếu thông qua các Ủy ban chuyên trách. Có chừng 200 Ủy ban hay Tiểu ban về đủ mọi thứ vấn đề trong Quốc hội Mỹ. Các ủy ban này có quyền gọi các quan chức chính quyền ra điều trần trước Quốc hội về một vấn đề gì trong nước hay quốc tế. Không chỉ quan chức mà họ có thề mời các công dân, hay thậm chí là người nước ngoài ra giải trình. Hoạt động chính của Quốc hội là làm luật và thông qua ngân sách, chính sách. Các Ủy ban còn có trách nhiệm nghiên cứu, đề ra giải pháp, soạn thảo luật, giám sát hoạt động cơ quan công quyền, điều tra các sai phạm của các cơ quan công quyền...Quốc hội Mỹ từng luận tội Tổng thống Mỹ. Ở Việt Nam, quyền của Quốc hội nhiều lắm là quyền "phê bình" và cũng chỉ dừng lại ở mức độ phê bình Bộ trưởng thôi. Cấp cao hơn thì phê bình nếu có sẽ do TW Đảng và Bộ Chính trị.

Xem ra họp Quốc hội xem ra không khác mấy show trên truyền hình, thi xem ai trả lời câu hỏi ứng xử hay nhất, khéo nhất. Chất vấn xong thì các đại biểu lên xe hay máy bay trở về địa phương. Hết chuyện. Đó là chưa kể những công việc đình trệ ở nhiều địa phương do các đại biểu quốc hội kiêm nhiệm là những quan chức chính quyền địa phương bận ra Hà Nội vài tuần để họp Quốc hội.

Nhưng dù sao như thế cũng tốt, báo chí còn có cái mà đăng. Nhân dân cũng được dịp một năm đôi bận thấy các Bộ trưởng uy nghi tai to mặt lớn bị "hỏi bài".

Dù cũng chẳng ích gì.


Chất vấn tại nghị trường: Bộ trưởng nhận trách nhiệm là...xong!

" Thưa ông, hoạt động chất vấn ở QH đã tiến hành qua nhiều kỳ họp nhưng có dư luận cho rằng hoạt động này ngày càng nhạt dần, ông nghĩ sao?


+ Tôi cho dư luận này là đúng. Khi Chính phủ trả lời chất vấn, lúc đầu thì ai cũng hào hứng vì các vấn đề được đặt ra đều nóng bỏng, bức xúc. Thế nhưng qua nhiều kỳ họp, người ta thấy rằng các nội dung cứ lặp đi lặp lại. Các bộ trưởng cứ trả lời, cứ hứa nhưng QH cũng không kiểm tra sát sao xem hứa thế thì làm được đến đâu. Bộ trưởng khi trả lời cũng ít khi nói rõ trách nhiệm cá nhân, đưa ra giải pháp và thời hạn giải quyết vấn đề nên có nhiều việc cử tri thấy nản lòng.

Theo ông, hoạt động chất vấn chưa thực sự làm cử tri hài lòng thì trách nhiệm thuộc về Quốc hội hay Chính phủ?
....
Cử tri mong những gì bộ trưởng làm chưa hết trách nhiệm hoặc làm sai thì phải nhận trách nhiệm và thực tế là các bộ trưởng cũng rất hay nói “Tôi xin nhận trách nhiệm”. Nhưng cử tri vẫn không hài lòng, theo ông thì tại sao?


+ Bởi vì ông cứ nói rằng “Tôi chịu trách nhiệm” nhưng cử tri không biết rằng ông chịu trách nhiệm cái gì, thế nào và đến mức nào. Các bộ trưởng cứ nói chịu trách nhiệm chung chung như thế thì nói xong là thôi, nói là để vỗ về cho cử tri yên lòng thôi.

Tôi cho rằng bộ trưởng muốn làm dân hài lòng thì phải thực hiện lời hứa cho nghiêm túc chứ không phải cứ trả lời chất vấn, nhận trách nhiệm cho xong chuyện. Cạnh đó thì các cơ quan của QH phải giám sát đến nơi đến chốn. Thủ tướng phải tỏ thái độ "