Thursday, November 20, 2008

Entry for November 20, 2008

Sự việc một quan chức cao cấp của sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất sứ quán bị một kênh truyền hình Nam Phi quay cảnh mua bán trái phép sừng tê giác là rất nghiêm trọng. Sự việc này ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự Việt Nam khi một quan chức hàng đầu của Việt Nam ở Nam Phi, có lẽ chỉ đứng sau đại sứ, bị "bắt quả tang" chiếu hình trước cả triệu người xem như thế.

Nói như lời của ông đại sứ Việt Nam tại Nam Phi: "“Chuyện này rất nghiêm trọng. Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. Quá nhục nhã.”

Vâng, đến người đại diện cao cấp nhất của Việt Nam ở Nam Phi còn cảm thấy quá nhục nhã khi lá cờ Tổ quốc bị gắn với hành vi buôn lậu như thế.

Nghiêm trọng hơn, báo Tuổi Trẻ cho biết: "Trước đó, tuần báo Mail & Guardian từng viết: “Các băng nhóm người Việt hiện đang tìm cách độc chiếm thị trường buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi trong những năm gần đây”.

Bằng cách nào mà những băng nhóm người Việt lại tìm cách độc chiếm một thị trường báu bở như thế ở Nam Phi, nơi các băng nhóm tội phạm hoành hành và tỷ lệ số vụ tội ác trên dân số vào hàng cao nhất thế giới? Theo Văn phòng Ma túy và Tội ác của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ các vụ tấn công và giết người ở Nam Phi tính trên dân số cao nhất thế giới. Và mặc dầu vậy, các băng nhóm tội phạm người Việt vẫn có thể len lỏi tới quốc gia ở tận cùng châu Phi đấy, nơi không hề có một cộng đồng người Việt định cư trước đấy làm chỗ dựa. Không những thế, những băng nhóm này còn thao túng thị trường buôn bán sừng tê giác béo bở với tham vọng độc chiếm thị trường này? Câu trả lời là ở đâu nếu không phải nhờ sự tiếp tay của các nhân viên ngoại giao, những người mà cảnh sát Nam Phi nói chung không có quyền khám xét và có thể vận chuyển đồ buôn lậu tương đối dễ dàng trên các chuyến bay từ lục địa đen tới thị trường châu Á: Việt Nam, Hongkong, Trung Quốc...

Theo BBC Vietnamese thì không những thế, còn có sự tiếp tay của sứ quán Việt Nam ở Nam Phi trong việc đưa người Việt sang Nam Phi, với danh nghĩa là làm ăn buôn bán, nhưng thực ra để buôn lậu sừng tê giác (và có lẽ cả những thứ khác mà chúng ta chưa được biết đến?). Trong vài năm gần đây đã có không ít vụ các công dân Việt Nam bị phát hiện buôn lậu sừng tê ở Nam Phi và khi nhập cảnh vào Việt Nam. Và các nhân viên sứ quán Việt Nam, với quyền ngoại giao bất khả xâm phạm, cũng dính líu trực tiếp. Năm 2006, Nguyễn Khánh Toàn, tùy viên thương mại Việt Nam tại Nam Phi bị gọi về nước vì buôn lậu 9 kg sừng tê, trị giá vài trăm nghìn USD. Thế nhưng khi về VN, người ta không biết ông Toàn bị xử lý như thế nào cả. Ông Toàn không phải ra tòa, và cũng không nghe thấy tin tức nào cho biết nếu như ông có bị đuổi việc. Năm 2007, một người Việt bị bắt quả tang mang 18 kg sừng tê bất hợp pháp tại Nam Phi. Chiếc xe của người Việt này sử dụng là xe của tham tán Phạm Công Dũng. Và trong vụ mới đây, kênh truyền hình Nam Phi ghi lại hình ảnh bà bí thư thứ nhất Mộc Anh tươi cười sau phi vụ mua sừng tê, và đối diện bên đường lại là chiếc xe của tham tán Dũng, bên cạnh là một người Việt đang đứng đợi hay trông chừng. Bà Mộc Anh tới nay đã bị gọi về nước. Có lẽ bà sẽ phải làm kiểm điểm và chắc không còn hy vọng trở thành đại sứ trong tương lai. Tham tán Dũng thì tới nay vẫn chưa hề hấn gì dù chiếc xe mang biển số ngoại giao của ông tung hoành trong các phi vụ buôn lậu.

Và đó là hình ảnh cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi. Rách rưới, thảm hại, có liên hệ mờ ám với các băng đảng người Việt. Bất chấp những hành vi phạm pháp và buôn lậu của một số nhân viên ngoại giao Việt Nam ở Nam Phi trong vài năm qua, Bộ Ngoại giao không hề có biện pháp xử lý mạnh tay với những người sai phạm. Phải mãi tới khi họ bị bắt quả tang, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì Bộ mới gọi họ về để "giải trình". Dường như có một sự dung túng ngấm ngầm với các nhân viên ngoại giao ở những nước như Nam Phi, cho rằng họ có thể buôn lậu để cải thiện thu nhập. Trong khi ở những nước như Mỹ, Canada hay châu Âu, các nhân viên ngoại giao có thể làm giàu nhanh chóng nhờ những khoản thu, tuy cũng bất hợp pháp nhưng vẫn "sạch sẽ" hơn như lệ phí visa, các khoản lót tay làm giấy tờ...nhờ cộng đồng người Việt đông đảo thì ở những nước ít có người Việt như châu Phi, có lẽ đã có một sự dung túng ngấm ngầm cho hành vi buôn lậu để "cải thiện thu nhập" các quan chức ngoại giao này. Tất nhiên tiền thu được hẳn sẽ phải được dùng bôi trơn cho bộ máy từ các sếp ở Hà Nội cho tới những cấp trên ở nước sở tại. Đấy là nói tới trường hợp giả sử ông đại sứ không buôn lậu, nhưng khi mà cả bí thư thứ nhất, tùy viên thương mại, tham tán thương mại đều tham gia buôn lậu thì ông đại sứ không tránh khỏi những trách nhiệm rất lớn. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông đại sứ cảm thấy "rất nhục nhã" vì sứ quán Việt Nam và lá cờ Việt Nam bị quay phim trong cảnh buôn lậu. Nhưng ông không nhắc tới ông đã làm gì trước việc các nhân viên dưới quyền ông buôn lậu, ngoài một cuộc họp cách đây 2 năm, trong đó ông đại sứ đề nghị các nhân viên dưới quyền ông không buôn lậu. Không thấy ông nhắc tới ông đã gửi báo cáo nào cho Bộ Ngoại giao hay xử lý các nhân viên dưới quyền như thế nào?

Cách đây mấy tháng, ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bị báo chí quay tới số vì (trích đoạn) câu nói "tôi cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam". Nhưng câu nói đầy đủ của ông là ông cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài. Đến bây giờ, lại thêm một người, lần này là một quan chức ngoại giao hàng đầu, phát biểu là "quá nhục nhã", khi hình ảnh đất nước bị hoen ố trong mắt người bản xứ do những người đại diện cho đất nước ở nước ngoài đi buôn lậu ngay trước cửa đại sứ quán, bị đài truyền hình nước sở tại quay lên TV cho người dân bản xứ biết.

Và sự nhục nhã không chỉ dừng ở đấy. Chính quyền Séc tuyên bố cấm cửa tất cả các công dân Việt Nam, ít nhấ
t cho tới cuối năm nay, vì sự lộng hành của các băng đảng người Việt tại nước này. Nói cách khác, trong mắt chính quyền Séc thì bất cứ công dân Việt Nam nào xin visa vào Séc đều là những tên tội phạm tiềm năng, và họ thà từ chối lầm những công dân Việt Nam lương thiện còn hơn mở cửa để một tên buôn lậu hay gangster người Việt vào nước họ. Hiện nay số người Việt ở Séc lên tới 45.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở nước này. Nhưng cộng đồng này rất tai tiếng bởi có nhiều người Việt Nam phạm pháp như làm hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, trồng cần sa...Đó có phải là một nỗi nhục của người mang hộ chiếu Việt Nam hay không?

Trong hầu hết, nếu không nói là tất cả các sự việc liên quan tới người Việt Nam phạm pháp ở nước ngoài, cách xử lý của chính quyền là bỏ mặc, là chờ nước ngoài xử lý còn Việt Nam chỉ xử lý chiếu lệ, về hành chính. Từ những nhân viên ngoại giao buôn lậu, ăn hối lộ, vòi vĩnh tiền kiều bào cho tới những phi công Việt Nam, tiếp viên hàng không buôn lậu, vận chuyển tiền trái phép..., cách xử lý luôn là bao che, chỉ khi không thể nào che giấu được nữa mới tiến hành xử lý hành chính. Đã có vài phi công Việt Nam bị Úc bỏ tù vì buôn lậu hàng triệu USD. Nhưng tôi chưa đọc báo thấy có tin nào nói phi công Việt Nam bị tòa án Việt Nam xử tù vì lý do tương tự (cũng có thể là có mà tôi không biết chăng?).

Nhưng khác với các phi công hay tiếp viên hàng không, với các nhân viên ngoại giao Việt Nam thì chính quyền sở tại không thể bỏ tù họ vì tội buôn lậu được. Nhiều lắm là họ chỉ có quyền trục xuất (một thủ tục rất hãn hữu mới xảy ra vì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới quan hệ ngoại giao hai nước), còn việc xử lý hình sự hoàn toàn phụ thuộc phía Việt Nam. Nhưng có thể chắc chắn rằng, sẽ lại tương tự như vụ tùy viên Khánh Toàn trước đây, bà Mộc Anh sẽ không phải ra tòa án nào cả. Cùng lắm bà sẽ phải viết tường trình và chi tiền tấn ra để lo lót với các "đồng chí chưa bị lộ". Không biết chừng, trong chuyến bay mới đây từ Nam Phi về Hà Nội theo lệnh triệu hồi của Bộ Ngoại giao, bà sẽ mang cả sừng tê (rất tốt cho tráng dương, tăng cường sinh lực) từ Nam Phi về để làm quà biếu các anh. Biết đâu, còn có cả kim cương nữa. Nam Phi là quốc gia số 1 thế giới về sản xuất kim cương cơ mà! Kim cương máu (blood diamond) thì vẫn cứ là kim cương.


Update: theo thông tin trên trang web Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi thì ông Phạm Công Dũng, chủ nhân của chiếc xe dính dáng tới những vụ buôn lậu, không phải là tham tán thương mại mà là tham tán lãnh sự. Trong hàng ngũ nhân viên đại sứ quán, ông là người đứng thứ hai sau Đại sứ Trần Duy Thi, tương đương với chức vụ phó đại sứ ở một số nước.

Bà Vũ Mộc Anh giữ chức Bí thư thứ nhất cùng với ông Hoàng Hữu Anh, như vậy vị trí của bà trong sứ quán (cùng với ông Hoàng Hữu Anh) chỉ sau hai ông Thi và Dũng.

Một sứ quán ở nước ngoài mà có tới hai quan chức đứng hàng thứ hai và thứ ba dính dáng tới buôn lậu thì thật khó chấp nhận.

Theo BBC thì trước vụ việc này đã có một tham tán thương mại tên là Trần Mạnh và một bí thư thứ nhất của sứ quán Việt Nam phải rời nhiệm sở vì dính tới buôn lậu sừng tê giác. Đặc biệt là cựu tham tán Trần Mạnh tuy không còn làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục ở lại Nam Phi và sử dụng hộ chiếu ngoại giao nhằm phục vụ cho công tác buôn lậu.

No comments: