Friday, November 07, 2008

Entry for November 07, 2008

Bài tổng hợp rất hay của Bùi Dũng trên TuanVietnam trong chuyên mục Phát ngôn và hành động ấn tượng trong tuần. Chuyên mục này là một trong những mục đáng đọc nhất trên báo chí hiện nay.
“Lụt” phát ngôn hay "lụt" trách nhiệm?

Câu trả lời của ông Thảo này (xem ở dưới) xem ra ấn tượng không kém câu trả lời của ông Nghị. Ông làm chủ tịch thành phố kiểu gì mà không biết trả lời ra sao khi người ta hỏi về một dự án 100 triệu USD (sao tôi tưởng là 200 triệu USD chứ nhỉ). 100 triệu USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng thành phố với ông là vấn đề "chi tiết quá" đối với lãnh đạo thành phố, thế thì phải những dự án như thế nào mới đáng tầm để ông nắm thông tin về nó.

Câu sau của ông Thảo còn có phần vô trách nhiệm hơn. Ông không nói rõ là hai vấn đề gì không liên quan tới nhau nhưng người đọc sẽ hiểu rằng ông muốn nói tình trạng ngập lụt hiện nay và hiệu quả của dự án thoát nước là không liên quan với nhau. Đến đây thì không còn biết nói gì hơn. Thế hàng trăm triệu USD vay nước ngoài là rơm là rác hay sao mà người ta không cần quan tâm tới hiệu quả của dự án. Và người dân không được biết về hiệu quả của những đồng vốn họ đang đi vay (qua trung gian vay là Nhà nước và trung gian sử dụng là chính quyền Hà Nội do ông Thảo đứng đầu) và sẽ phải trả?.

Sau những phát biểu vô trách nhiệm của mình, các quan chức Hà Nội đều sửa chữa bằng cách tham gia chụp ảnh lội nước với nhân dân đăng báo. Nhưng việc họ quá năng đi xuống thị sát, thăm viếng "cơ sở", nói như lời của ông Khôi, Phó Chủ tịch thành phố là "
Tôi cảm giác lãnh đạo thành phố đi thị sát thực tế nhiều hơn công nhân thoát nước" chưa hẳn đã là việc tốt. Thiết tưởng sau 4-5 ngày, lãnh đạo Thành phố hẳn phải có những cái nhìn tổng quan về vấn đề ngập lụt rồi, không nhất thiết phải năng xuống cơ sở đội mũ cối, mang mỳ tôm úy lạo bà con. Việc đó thiếu gì ban ngành có thể làm được, hơn nữa nước uống là quan trọng hơn mỳ tôm, làm sao cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng ngập là điều cực kỳ quan trọng. Quá chú trọng việc quản lý theo kiểu vi mô sẽ dẫn tới sự thiếu khả năng nắm bắt tình hình chung, phối hợp chỉ đạo toàn cảnh. Người dân Hà Nội đâu cần thêm vài ông trông giống như công nhân thoát nước (nhưng bụng to hơn và đi xuồng có người kéo) đến mang mỳ tôm cho họ, họ cần có những chủ trương mạnh mẽ, quyết tâm, giúp đỡ họ một cách trực tiếp thiết thực. Ví dụ tăng cường vệ sinh phòng dịch, tiếp tế thực phẩm và nhất là nước sạch, chở miễn phí cho bà con ở một số vùng ngập lụt sâu như Tân Mai hay một số nơi ở ngoại thành... (đọc báo và blog thấy nói người dân ở đây phải trả cả 100.000 để đi thuyền qua vùng lụt vài ba trăm mét, bọc túi nilon sau khi đi vệ sinh xong ném ra ngoài nước, đã thế những người tự vận động mang rau đến bán cho những ốc đảo này còn bị trật tự viên cấm bán, thu hàng).

Với tình hình mưa dai dẳng trong vài ngày tới, có lẽ lãnh đạo Hà Nội nên giành quyền chủ động phối hợp, điều phối hoạt động phòng, chống, và khắc phục hậu quả cho Trung ương, cụ thể là Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW do ông Cao Đức Phát làm trưởng ban. Họ hẳn có kinh nghiệm trong việc điều phối hoạt động, khắc phục thiên tai hơn chính quyền Hà Nội, nơi từ xưa tới nay chỉ đi quyên góp cứu trợ chứ gần như chưa bao giờ phải trực tiếp đối mặt với thiên tai.

Trong các động thái đối phó sau lụt thì Bộ Y tế có vẻ sốt sắng. Ông Nguyễn Quốc Triệu khẳng định quyết tâm chống dịch bệnh sau lũ. Đây là một tín hiệu tích cực, phản ánh sự chủ động và hiểu rõ vấn đề. Nhưng dù sao đó mới chỉ là lời nói, còn thực tế không biết diễn ra như thế nào. Hy vọng ông Triệu và Cục phòng chống dịch bệnh cũng như Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường hết công suất để khử trùng nước, vệ sinh ngay những vùng sau khi lụt rút, cung cấp thuốc trị một số bệnh liên quan như tiêu chảy...cho người dân miễn phí để khắc phục khả năng bệnh dịch xảy ra.

Cũng nói thêm, cho dù vẫn tuyên bố là không có chủ trương "thoát lũ" nhưng người ta đã phải xả nước từ sông Nhuệ vào ruộng ở Hà Nam để cứu cho Hà Nội. Tự hỏi không biết những người nông dân ở Hà Nam có được đền bù thỏa đáng cho sự hy sinh, dù rằng có thể rất cần thiết, của họ không?


Trích:


"
- “Đừng hỏi tôi chi tiết quá!” – cũng là một “phát ngôn ấn tượng” nữa của quan chức, và ở đây là ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Thưa ông giai đoạn I (trị giá 100 triệu USD) của dự án thoát nước chúng ta đã triển khai được những hạng mục gì?”.

Câu hỏi tiếp: “Ông có nói, tất cả dự án thoát nước Hà Nội vay vốn nước ngoài, vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng này?”. Ông Thảo trả lời vẻn vẹn: “Hai vấn đề này không liên quan tới nhau” (VTC News, 3/11) "
...

Để “cứu” Hà Nội và đề phòng nguy cơ lại có thêm một trận mưa lớn kéo đến Hà Nội, tỉnh Hà Nam đã tiến hành bơm nước từ sông Nhuệ vào các cánh đồng của Hà Nam. Vì thế, hoa màu của Hà Nam chìm trong nước, thiệt hại của cây vụ đông khoảng 600 tỷ đồng.

Ông Phạm Bá Tảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, cho biết: “Từ khi tách tỉnh đến nay là hơn chục năm, đây là lần đầu tiên Hà Nam phải bơm nước từ sông vao đồng rồi lại thoát nước từ đồng ra biển. Tuy nhiên, để cứu Hà Nội thì cán bộ và nhân dân Hà Nam không suy tính gì, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thiệt hại, khó khăn”. (Thanh Niên, 6/
11)
"

No comments: