Friday, November 14, 2008

Entry for November 14, 2008

Đối thoại với trí thức không cần treo bảng

Tôi thấy bài này bốc thơm Thủ tướng một cách khá vô duyên, (cũng nói thêm là nhìn chung, tôi đánh giá khá cao Thủ tướng Dũng, mặc dù tôi cảm thấy ông có phần hơi bị hạn chế bởi những lực cản hữu hình và vô hình trong một bộ máy cồng kềnh và luôn e sợ các thay đổi).

Câu hỏi của Lê Bộ Lĩnh, nếu không nhầm thì là Viện phó Viện Kinh tế Thế giới.

"Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) nêu câu hỏi rằng, trước nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trí thức trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp và gửi nhiều ý kiến. Thủ tướng có kế hoạch đối thoại với các nhà khoa học và trí thức không? Thủ tướng nói rằng không biết đại biểu định nghĩa trí thức như thế nào, còn “ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức”...

Một câu trả lời rất đáng chú ý của Thủ tướng: “Những người làm việc chung quanh tôi đều là tiến sĩ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hằng ngày. Treo khẩu hiệu đối thoại với trí thức thì hình thức quá”"


Theo tôi, ở đây Thủ tướng đã hiểu sai câu hỏi của ông Lĩnh và hiểu sai cả ý nghĩa của từ "đối thoại" mà ông Lĩnh nêu ra. Ông Lĩnh hỏi về việc đối thoại chứ không phải việc Thủ tướng nghe ý kiến của những người giúp việc, các chuyên viên bên cạnh ông, để đề ra các quyết sách. Việc nghe ý kiến của những chuyên gia chỉ là sự cố vấn, trao đổi của những người dưới quyền hay giúp việc cho Thủ tướng. Đó không phải là "đối thoại với trí thức" như câu hỏi ông Lĩnh đặt ra.

Ý thứ hai Thủ tướng hiểu sai là từ "trí thức". Từ "trí thức" dùng trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ một ông giáo làng cách đây 30 năm hẳn cũng được gọi là "trí thức", hay bây giờ người ta cũng có thể gọi một cử nhân đại học là "trí thức". Theo nghĩa này, trí thức là người có học, và nghĩa này thường được hiểu theo bối cảnh giai cấp trong những cụm từ như "tầng lớp trí thức", "trí thức tiểu tư sản"...

Nhưng trong cách hiểu mà đại biểu Lĩnh nêu ra thì "trí thức" không phải chỉ là người có học vị. Từ "trí thức" bản thân có hai chữ "trí" và "thức", nghĩa là người vừa có học vấn (trí), lại vừa có trách nhiệm "thức tỉnh" công chúng. Hiểu theo nghĩa này, người trí thức không chỉ đơn thuần là nhà chuyên môn trong một lĩnh vực hẹp nhất định mà là người có thể và thường xuyên đóng góp ý kiến cho chính quyền hay tác đông tới dư luận trong các vấn đề quốc gia đại sự. Cách hiểu của Thủ tướng khi trả lời câu hỏi này đồng nghĩa "trí thức" với người có học, và ông cho rằng việc ông làm việc, nói chuyện, lắng nghe ý kiến của các tiến sĩ, kỹ sư giúp việc cho ông cũng là "đối thoại với trí thức". Chứ còn tất nhiên xung quanh Thủ tướng đều là người có học vị cả, ít nhất cũng phải tốt nghiệp Đại học rồi (dù cũng có thể là đại học tại chức).

Trí thức có thể là người độc lập ý kiến với lãnh đạo. Lấy ví dụ có nhiều trí thức ngoài Đảng, ở trong nước hay nước ngoài, không làm việc cho Chính phủ hay cố vấn cho Thủ tướng. Họ cũng hoàn toàn có thể có những đóng góp về quan điểm, chính sách cho Chính phủ. Nhưng nếu Thủ tướng không đối thoại với họ thì Chính phủ sẽ không thể biết đến tiếng nói của họ. Trong khi đó, những người giúp việc, hiến kế ở xung quanh Thủ tướng có thể là những người giỏi giang, có học vị đầy mình, nhưng họ cũng bị ràng buộc bởi những quyền lợi và cả góc nhìn của họ. Nói như thế không có nghĩa là những ý kiến của họ không quan trọng mà là nó không đủ, không thể lấy việc Thủ tướng làm việc với bộ sậu là tiến sĩ, kỹ sư hàng ngày, để rồi cho rằng như vậy là Thủ tướng đang đối thoại với trí thức được.


No comments: