Monday, November 03, 2008

Entry for November 03, 2008

Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Hà Nội chậm chạp trong giúp dân'

"Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, việc tiêu úng cho Hà Nội là vấn đề cấp bách. Bộ trưởng cho biết, trên đường đi họp Chính phủ hồi cuối tháng, ông cũng bị mắc kẹt mất 2 tiếng đồng hồ. "Hà Nội tính thiệt hại 3.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ là cây, cá... Hình dung, một thành phố thủ đô, dừng hoạt động một ngày, thiệt hại biết bao tiền?".
"Hà Nội phải bố trí lực lượng canh phòng, hướng dẫn cho dân, hỗ trợ dân qua lại, chứ không chỉ thông báo trên TV rằng chỗ ấy ngập không nên đi qua. Đáng lẽ Hà Nội phải đưa xe cao cầu ra đó, để nếu người dân hoặc xe cứu thương cần đi qua thì phải chở, nếu không, ai đó chẳng may nhồi máu cơ tim, chắc là chết", Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương nói.""

Như vậy con số ước tính thiệt hại 3000 tỷ của Hà Nội mới chỉ là thiệt hại về hoa màu, tức là thiệt hại trong ngành nông nghiệp, có lẽ chủ yếu của Hà Nội 2. Thiệt hại của khu vực đô thị ở thành phố lớn thứ nhì Việt Nam (tính theo diện tích đô thị) là bao nhiêu, hiện chưa có ước tính, nhưng tôi nghĩ nó không thể ít hơn tổn thất về nông nghiệp.

Ông Bộ trưởng NN Cao Đức Phát, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão TW nói rất có lý khi cho rằng cần phải bố trí lực lượng canh phòng, hướng dẫn dân đi lại, cần đưa xe cao cầu để cứu hộ nhân dân ở những nơi ngập lụt. Chỉ có điều tại sao đến giờ ông mới phát biểu như thế khi nước đang rút, chứ không phải trong 2 ngày đầu khi lụt xảy ra? Khi bão lụt xảy ra ở Nam Bộ, ở miền Trung thì vai trò của Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão TW là rất quan trọng (nếu những gì người ta hay thấy trên TV trong các phóng sự về bão lũ là đúng). Dù sao, những người làm trong ban này chắc hẳn có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý, cứu hộ thiên tai ở một đất nước năm nào cũng xảy ra bão lụt, khi thì ở miền núi phía Bắc, khi thì ở miền Trung, khi ở miền Tây...Thế nhưng khi lụt xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì vai trò của Ban này rất lu mờ ở Hà Nội. Chính quyền TW gần như không động tay chân gì trong những ngày mưa dữ dội, còn chính quyền địa phương thì chỉ đi thị sát vào chiều ngày thứ hai xảy ra lụt, và hoàn toàn thụ động trong việc đối phó (tất cả các lãnh đạo Hà Nội đều đi tham quan "chỉ đạo" ở trạm bơm Yên Sở, như thể e ngại rằng nếu mình không đi thăm Yên Sở thì sau này không được tính công "cứu" Thủ đô, "quyết tử" cho Thủ đô quyết sinh).

Dường như xảy ra một tình trạng cha chung không ai khóc khi xảy ra thiên tai ở thủ đô. Cơ quan Chống lụt bão cấp TW e ngại không tham gia trực tiếp chỉ đạo chống lụt, có lẽ bởi vì Hà Nội quá "to", Bí thư Hà Nội còn là Ủy viên Bộ Chính Trị, nên ông Phát không dám "chỉ đạo" chăng?.

Trong khi đó, chính quyền địa phương thì bối rối, thiếu kinh nghiệm và hoàn toàn không có cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động giữa các ban ngành khi bão lũ xảy ra. Kết quả là Hà Nội rơi vào tình trạng lỗ đen trong ít nhất là hai ngày 31/10 và 1/11, và người dân ở nhiều nơi bị bỏ mặc, không thông tin, không cứu trợ, cắt điện, mất nước, sống trong những ốc đảo giữa lòng thành phố.

Có thể đọc về ký sự những ngày này ở trên nhiều blog, forum, đáng chú ý theo tôi có bài này của Nhị Linh và bài của Nguyễn Trương Quý trên BBC (hai bác này đều nổi tiếng, hẳn không phải giới thiệu nhiều). Mãi tới ngày thứ ba xảy ra lũ lụt, trên báo chí mới bắt đầu có thông báo về những điểm úng ngập ở thủ đô. Còn những biện pháp mà ông Phát đề cập như cử người hướng dẫn, canh phòng, cho xe cao cầu cứu hộ dân thì đến giờ cũng không có (và hẳn sẽ không có, trừ khi đê sông Nhuệ vỡ và tình trạng tái lụt xuất hiện trở lại)*.

Và các vị lãnh đạo đổ lỗi cho nhau, nhưng không ai nhận lỗi về mình. Bộ trưởng Phát cho rằng Hà Nội chậm chạp trong giúp dân nhưng ông không giải thích tại sao với cương vị là Trưởng ban Phòng chống Lụt bão Trung Ương, ông đã không thực hiện công việc tổ chức phòng chống, khắc phục hậu quả lụt ở Hà Nội mà để mặc cho chính quyền Hà Nội. Về phần mình, ông Bí thư Hà Nội thì cho rằng
“Chính quyền đã xử lý tích cực, kịp thời, không có chuyện chậm chạp hay lúng túng". Việc thiếu một cơ chế phối hợp hành động trong xử lý thiên tai ở Hà Nội là (một trong những) nguyên nhân cho tình trạng lúng túng, hình thức, vô hiệu trong cách ứng phó trận lụt vừa qua.

Trong khi đó, đê sông Nhuệ có nguy cơ vỡ.
Trong khi đó, thành phố Hà Nội đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh sau mùa lụt.



img

(Ảnh: VNN)


* Theo tin mới từ VNN thì ngày 4/11, đã có xe cứu hộ miễn phí ở khu vực bến xe phía Nam.

No comments: