Monday, November 03, 2008

Entry for November 03, 2008

Theo blog của bác Rau Đắng

"Những tưởng chỉ là câu chuyện tầm phào trên diễn đàn, ai dè xem tivi chương trình VTV, người dẫn chương trình hồn nhiên cho người xem thấy cảnh lụt lội tại Hà Nội và nói rằng “có thế này mới thông cảm với người dân vùng lũ (chắc là miền Trung, theo cách hiểu của người xem)...”.

Hóa ra không chỉ một ông Bí thư Hà Nội vô cảm mà còn có những nhà báo có thể phát biểu trên chương trình truyền hình của đài truyền hình quốc gia rằng Hà Nội có lũ lụt như thế "mới thông cảm với người dân vùng lũ". WTF. Bao nhiêu của cải mất đi, bao nhiêu người chết mà có những nhà báo, những biên tập viên vẫn có thể nói những câu nhẫn tâm như thế, một cách thản nhiên trước hàng chục triệu đồng bào cả nước? Bọn họ là ai để có quyền phán xét như thể cảnh lũ lụt như là cái gì đó có ích với người dân Hà Nội, khác nào răn dạy đạo đức đối với hàng triệu người Hà Nội cũ và mới đang chịu khổ vì mưa lũ? Những câu nói nhẫn tâm như hả hê, như vô cảm như thế thật khó tin lại có thể được phát ra từ đài truyền hình Trung Ương.

Nỗi khổ của một người cũng là một phần nỗi khổ của tất cả mọi người. Cái chết của một người do thiên tai là một tổn thất với xã hội, với cộng đồng cho dù người đó là ai, giàu hay nghèo, sống ở Hà Nội hay ở miền Trung. Sao lại có những kẻ có thể phát ngôn như thể dạy bảo rằng khổ như thế cũng chưa là gì, với những so sánh như nhân dân ngày xưa không dựa dẫm Nhà nước như nhân dân bây giờ, hay Hà Nội có như thế mới hiểu được vùng lũ khổ thế nào? Và không phải những câu nói vô cảm, lạnh tanh ấy phát ra từ quán nước, hay từ các diễn đàn nói đủ thứ chuyện, mà là từ miệng một quan chức đứng đầu Hà Nội, từ người dẫn chương trình truyền hình của VTV. Nếu những câu nói như thế là từ những người dân quê miền Trung, những người phải khổ cực chống cự với lũ, với bão hàng năm thì còn có thể hiểu được. Chứ từ mồm những phóng viên sa-lông, ngồi trong văn phòng VTV và dạy bảo người dân Hà Nội như vậy thì đúng là một lũ mất dạy.

Và đây là tác nghiệp của phóng viên VTV theo thông tin trên blog Nguyễn Quang Vinh:

"Lại nghe cô bé phát thanh viên VTV1 thông báo là phóng viên nhà đài do lũ to không ra đường quay được, may có người dân quay rồi gửi hình ảnh lũ qua Email. Thế là nổi điên lên. Tiên sư chúng mày nhà báo công tử, nhà báo phòng lạnh, nhà báo salông. Lũ có thế mà không đứa nào ra đường quay, ghi lại, chép lại, chia sẻ với nhân dân, chỉ đứng trên tầng thượng nhà đài mà rút ống kính xuống đường. "



+ Bổ sung: Bình luận trên blog Cáo về việc đài truyền hình đưa tin lũ lụt.


"Nếu chính quyền không có những động thái kịp thời, thì Đài Truyền hình quốc gia, Đài truyền hình Hà Nội là những cơ quan truyền thông có tầm ảnh hưởng nhanh và mạnh nhất phải liên tục cập nhập tình hình lụt, đưa ra những thông tin có ích hướng dẫn người dân về giao thông, y tế và các vấn đề phát sinh trong những ngày ngập nước. Phải tích cực đến từng ban ngành liên quan như lãnh đạo chính quyền, Giao thông công chính, Y tế, Khí tượng thủy văn, quân đội để phỏng vấn tại sao không có hành động nào tích cực để cứu giúp người dân thủ đô. Đó cũng giống như mình đưa ra những cú hích cho kẻ hèn cũng phải xắn tay xung trận vậy. VTV Phải đến tận nơi, đưa thông tin về những điểm ngập lụt, những tuyến phố đã thông để giúp dân di chuyển dễ dàng hơn, và cứu trợ dễ dàng hơn.

Còn nhớ năm 1999, biên tập viên Thanh Lâm đã khóc trên truyền hình khi đưa tin về cơn lũ miền Trung. Thông tin về lũ lụt dồn dập. Nào TW, nào các địa phương và nhân dân cả nước hướng về nơi ấy. Còn năm 2008 này thì sao? Phóng viên chỉ làm phóng sự người dân bắt cá trên đường. Sử dụng lại cảnh quay của người dân gửi qua email để phát chứ không chịu ra đường gì hết. Điều đó cho thấy đó là cách làm báo trì trệ của những kẻ làm báo salông-máy lạnh, những kẻ lười nhác trong sáng tạo và kém nhạy bén nghề nghiệp.

Không đòi hỏi VTV và HTV phải làm breaking-news như các hãng thông tấn lớn khi có sự kiện lớn, chỉ cần làm được như một hãng hàng không trong khu vực xử lý tình huống ngoài dự kiến thôi. Chắc ai cũng nhớ vụ 83 hành khách của Singapore airlines thiệt mạng cách đây mấy năm tại Đài Loan. Khi đó, Singapore airlines đã thiết lập ngay đường dây nóng 24/24 để cập nhật thông tin về sự kiện này cho giới truyền thông. Thông tin về sự kiện này được đưa tin liên tục, cập nhật liên tục và nhờ thế việc xử lý cũng dễ dàng hơn nhiều.

Cũng chả nói đâu xa, chỉ lấy ví dụ về một sự kiện thể thao nào đó Vietnam tham gia thôi, chúng ta sẽ được thông tin không thiếu khía cạnh nào của giải đấu, từ việc vận động viên có bị ốm không, đến những chuyện bên lề những chiếc huy chương. Vậy mà khi cả Hà Nội bị lụt thì thời lượng đưa tin không bằng một phần mấy chục của những bản tin thể thao ấy. Hóa ra là sự khó khăn, thậm chí là tính mạng của hàng triệu người dân chả quan trọng bằng mấy cái huy chương."



No comments: