"Dừng mọi cuộc họp, tập trung giúp dân khắc phục hậu quả"
Dù sao ông Nghị cũng đã xin lỗi, một việc rất hiếm đối với một nhà lãnh đạo ở cấp cao như ông. Ông cũng mặc áo mưa, đội mũ cối ra chụp ảnh với bà con vùng lụt. Về việc này, ông có chậm hơn ông Thảo một bước vì ông Thảo đã có ảnh chụp đội mũ cối từ hôm 2/11 ở trạm bơm Yên Sở.
Tại sao ông Nghị lại phải xin lỗi? Khi mà trên tất cả các báo chí chính thức người ta không đọc được một bài viết nào của nhà báo hay nhân dân yêu cầu ông Nghị xin lỗi hay bày tỏ sự bức xúc trước phát ngôn của ông Nghị. Ông Nghị (và có thể các cấp lãnh đạo khác) hẳn phải nhận được sự phản hồi về nỗi bức xúc của người dân từ các kênh phi chính thức như blog, forum...Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc thấy trên blog của nhiều nhà báo (mà người ta có thể dễ dàng xác định được danh tính thực của họ ngoài đời) những dòng bức xúc trước phát biểu của ông Nghị, một quan chức ở hàng Top 10 của Đảng. Điều này cho thấy dư luận blogger càng ngày càng có vai trò quan trọng như một kênh thông tin, phát biểu đáng chú ý, thay cho báo chí luôn phải đứng bên lề bên phải. Không chỉ người dân thường đọc blog mà những dư luận blog còn được phản hồi lên các "quan", thậm chí là các "quan" ở tầng bậc cao nhất trong hệ thống chính trị. Tôi tin rằng A25 hay/và một cơ quan nào đó- ví dụ cái cục gì quản lý truyền thông Internet- có trách nhiệm sẽ tổng hợp thông tin từ blog, đánh dấu các blog có mức ảnh hưởng cao, và mức độ "chệch" tư tưởng của các blog này...và truyền đạt lại dư luận trên các blog lên "trên". Những ý kiến phản biện xã hội trên các blog do đó sẽ có giá trị không nhỏ để tạo ra một sự thay đổi, dù ở mức độ nhỏ, của hệ thống ù lì. Nhưng mặt khác, ông Nghị cũng từng là một cựu nhà báo, và là lãnh đạo Ban Tư tưởng-Văn hóa TW nên có lẽ ông cũng "nhạy cảm" với các thông tin chính thức và phi chính thức hơn các vị lãnh đạo khác chăng?
Và hôm nay, chúng ta có lời xin lỗi của một Ủy viên Bộ Chính trị trước những áp lực từ dư luận kông chính thức chứ không phải từ báo chí. Đó chẳng phải một sự lạ lùng chỉ có trong kỷ nguyên Internet hay sao. Nếu tôi nhớ không lầm thì từ thời Hồ Chí Minh xin lỗi vụ Cải cách ruộng đất, chưa thấy quan chức nào cỡ Ủy viên Bộ Chính trị đứng lên xin lỗi nhân dân vì cái gì, bất chấp vô số sai lầm trong Cải tạo Công thương, Nhân văn giai phẩm, Cải tạo tư sản, chính sách ngoại kiều, tập thể hóa, hợp tác hóa, chính sách hòa hợp dân tộc, xây dựng vùng kinh tế mới, cải tạo nhân viên chế độ Sài Gòn...
Tại sao ông Nghị phải xin lỗi? Tôi nghĩ đó là cả hai áp lực: từ phía dư luận người dân và từ phía những quan chức khác trong bộ máy lãnh đạo. Dù sao cũng rất hoan nghênh lời xin lỗi của ông Nghị và mong rằng các quan chức khác trong bộ máy lãnh đạo, một khi mắc sai lầm-dù là trong lời nói hay việc làm- cũng lên tiếng xin lỗi nhân dân như thế. Hay tốt hơn, nếu sai lầm nghiêm trọng, họ cần từ chức như Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, vị quan chức đầu tiên và tới giờ này là duy nhất, từ chức. Những trường hợp như thế sẽ tạo ra một văn hóa chính trị trong đó các quan chức chịu trách nhiệm cá nhân trước những phát biểu hay việc làm của mình.
Câu hỏi thứ hai: Tại sao VNN lại phải nhận thiếu sót với ông Nghị vì đã đăng nguyên câu nói của ông mà không biên tập lại cho nhẹ nhàng, dịu dàng, tình cảm hơn?. Câu trả lời cũng dễ hiểu. Vì VNN sợ (như chúng ta đều sợ). Và ông Nghị cũng rộng rãi khi nói rằng ông không bắt lỗi VNN "Tôi không muốn nói rằng báo chí có lỗi". Kể cũng thú vị, nhà báo nhận lỗi với quan chức vì đã đưa tin đúng như những gì quan chức nói, chứ không xào xáo lại cho nó mỹ miều, dễ nghe hơn.
Thực ra trên quan hệ cá nhân, nhà báo có thể làm việc đó, tức là xin lỗi quan chức, nếu thấy rằng việc mình làm đã ảnh hưởng tới uy tín của quan chức một cách không thỏa đáng hoặc để các quan hệ trong tương lai đỡ khó xử hơn. Nhưng việc nhà báo tường thuật lời nhận lỗi của mình và lời không bắt lỗi của ông Nghị trên báo chí lại là một cái gì đó rất...trớ trêu, chỉ có ở nền báo chí XHCN của chúng ta. Cứ như thể rằng nhà báo muốn ghi lại giấy trắng mực đen rằng đấy nhé, Bí thư Nghị đã nói là không bắt lỗi rồi nhé, để phòng thân cho tương lai. Nhưng các bạn VNN vẫn nên cẩn thận là hơn vì ông Nghị nói là "Vào lúc này, tôi không muốn nói rằng báo chí có lỗi", nghĩa là chỉ "Vào lúc này" thôi. Sau này thì không biết!
Thêm một ý nữa: người đứng ra "nhận thiếu sót" là Vương Hà, nhưng người viết bài có câu để ông Nghị phải "xin lỗi" lại là Lê Nhung. Hai người này có phải một hay không thì không rõ.
Trích:
"Cha ông ta đã đúc kết: thủy, hoả, đạo, tặc. Trong bốn thứ ấy,
việc đối phó với lũ lụt là khó khăn nhất, thiệt hại cũng lớn nhất. Để góp phần khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại, ông có nêu lên bài học lớn nhất là phải huy động sức dân tại chỗ; đồng thời cũng từ thực tế tại nơi ông đang kiểm tra, chỉ đạo, ông cũng nói lên sự lo lắng trước hiện tượng có những người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại?
Vâng, đúng là tôi cảm thấy sức dân tại chỗ cần phải được huy động tốt hơn, bởi phạm vi thiên tai lần này rất rộng, cho nên không thể nơi này trông chờ nơi khác. Dù vậy, tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán. Tôi đã nói lên sự lo lắng, bức xúc của mình vào lúc người dân cũng đang vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi người sẽ được mọi người nhận xét, đánh giá thông qua cả việc làm và lời nói, và nhất là việc làm trên thực tế. Tôi nói điều này vừa để xin lỗi, vừa để nói lên niềm tin nơi mọi người.
Được ông thổ lộ từ đáy lòng mình những lời như thế, cánh nhà báo chúng tôi cũng cảm thấy có phần thiếu sót. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng và phải chỉ đạo nhiều việc tại hiện trường…
Vào lúc này, tôi không muốn nói rằng báo chí có lỗi. Tôi muốn cùng với báo chí, cùng với mọi người hãy làm những việc cụ thể gì đó để góp phần hạn chế, để chia sẻ về những thiệt hại, mất mát của người dân. Tôi nghĩ, đó là cách tốt nhất mà mọi người đang mong muốn ở chúng ta trong lúc này."
Không hẳn là liên quan, copy đoạn này trên blog bạn Kỳ Nam: “ I Am Reminded Everyday, I Am Not A Perfect Man, I Will Not Be A Perfect President. But I can promise you this, I will always tell you what I think and where I stand. I will always be honest with you about the challenges we face. I will listen to you when we disagree. And most importantly I will open the doors of government and ask you to be involved in your democracy again.”
- Barack Obama October 29, 2008
"Tôi luôn được nhắc nhở mỗi ngày rằng tôi không phải là một người hoàn hảo, tôi sẽ không là một vị tổng thống hoàn hảo. Nhưng tôi có thể hứa với bạn rằng: Tôi sẽ luôn nói với bạn điều tôi nghĩ và quan điểm của mình. Tôi sẽ luôn trung thực với bạn về những thử thách của chúng ta. Tôi sẽ lắng nghe bạn khi chúng ta bất đồng. Và quan trọng hơn tất cả, tôi sẽ mở những cánh cửa của chính phủ và thỉnh cầu sự tham gia trở lại của bạn vào nền dân chủ của chúng ta.""
Btw, ai nghĩ rằng dân chủ Mỹ siêu việt hơn dân chủ Việt thì hay giấc mơ Mỹ đẹp hơn giấc mơ Việt thì cần xem lại. Nước Mỹ tới năm 2008 mới có nhà lãnh đạo cao nhất là người thiểu số. Việt Nam có nhà lãnh đạo cao nhất là người thiểu số từ cách đây 7-8 năm cơ.
+ PS: Hóa ra VNN đã sửa từ việc xin lỗi ông Bí thư và bạn đọc thành nhận thiếu sót.
Bản gốc ở đây:
"- Được ông thổ lộ từ đáy lòng mình những lời như thế, chúng tôi cảm thấy cũng có phần thiếu sót và cũng muốn được xin lỗi ông cùng bạn đọc. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã đường đột phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng. Chúng tôi cũng quá vội vàng…"
Và bản đã sửa ở đây:
"- Được ông thổ lộ từ đáy lòng mình những lời như thế, cánh nhà báo chúng tôi cũng cảm thấy có phần thiếu sót. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng và phải chỉ đạo nhiều việc tại hiện trường…"
Wednesday, November 05, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment