Tuesday, November 04, 2008

Chúng tôi tin vào thay đổi

http://www.getreligion.org/wp-content/photos/small_obama_image.jpg



Trên TV đang chiếu cảnh một ông già da đen khóc, nước mắt chảy dòng trên hàng má nhăn nheo. Có lẽ ông đang nghĩ tới thời ông còn nhỏ, tới mục sư Martin Luther King, người từng có một mơ ước lớn lao về quyền bình đẳng giữa các màu da và đã hy sinh tính mạng mình cho mơ ước đó, tới, nhớ tới những năm 60 nơi miền Nam nước Mỹ là một cái ổ phân biệt chủng tộc khổng lồ, nơi người da đen không được học trong trường cho người da trắng, và phải nhường ghế cho người da trắng trên xe bus. Trong khi đấy, những người da đen đang nhảy múa bên cạnh những người da trắng để mừng chiến thắng của Obama. Hầu hết họ đều trẻ trung, khuôn mặt đầy sự phấn khích.

45 năm sau bài phát biểu của mục sư Luther King "Tôi có một mơ ước", nước Mỹ đã có vị tổng thống người da màu đầu tiên trong lịch sử của mình. Con trai của một người da đen Kenya và một phụ nữ da trắng nghèo ở bang Kansas hẻo lánh trở thành vị tổng thống thứ 44 trong lịch sử hơn 200 năm nền Cộng hòa Mỹ, và là người nhiều quyền lực nhất hành tinh. Nước Mỹ có nhiều sai lầm, dân tộc Mỹ cũng có rất nhiều tật xấu, lịch sử nước Mỹ cũng là lịch sử được xây dựng trên nỗi khổ đau và mất mát của không ít người. Nhưng dù thế nào cũng không thể phủ nhận rằng dân tộc Mỹ quả là một dân tộc vĩ đại, nơi mọi điều đều có thể, mọi giấc mơ đều có thể thành hiện thực. Nếu Luther King có sống lại, chắc ông cũng không thể tưởng tượng được rằng chỉ trong 45 năm, tệ phân biệt chủng tộc kinh khủng, được chấp nhận một cách công khai như thể là sự nghiễm nhiên, như "quy luật của muôn đời" trong thời ông sống giờ có rất ít ảnh hưởng tới đời sống đất nước này.

Tận trong sâu, hẳn rất nhiều người Mỹ vẫn mang những định kiến và phân biệt chủng tộc. Đôi khi, những phản ứng có phần phân biệt chủng tộc chỉ là cơ chế tự phòng ngự để bảo vệ mình. Lấy ví dụ, nếu đi bộ qua một nhóm người da đen hay gặp vài người da đen đi trên đường vắng vào buổi tối, tôi sẽ có cảm giác mất an toàn hơn nhiều so với gặp một nhóm người da trắng. Nhưng hôm nay, rất nhiều người Mỹ đã có thể gạt qua những định kiến chủng tộc của mình, nỗi sợ hãi bản năng từ sâu thẳm với những gì khác mình, để bầu một người da màu thành Tổng thống Mỹ. Đó chẳng phải là một điều kỳ diệu sao?

Trông người lại nghĩ tới ta. Đến bao giờ, người dân Việt Nam mới có thể trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Đến bao giờ người dân mới cảm thấy hồ hởi, ăn mừng khi ứng cử viên mình ủng hộ giành chiến thắng với niềm phấn khích không khác gì khi đội bóng Việt Nam thắng đội Thái Lan? Hoặc là ủ ê khi "gà" của mình thất bại như khi bị Thái Lan cho 3-0 trên sân nhà.

Ngày đó hẳn còn xa. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ vẫn phải chấp nhận những nhà lãnh đạo dạy bảo chúng ta, than phiền về nhân dân và chúng ta thậm chí không thể nói lên một cách công khai
trên các phương tiện thông tin đại chúng nỗi phẫn nộ hay sự phản đối của mình trước những phát biểu lạnh lùng của họ.

Và mặc dù không hẳn là có cảm tình cá nhân với Obama (mặc dù tôi vẫn ưa thích ông hơn so với McCain) nhưng cũng xin nói chúc mừng Obama, chúc mừng một giấc mơ Mỹ, và hãy hy vọng vào những giấc mơ Việt.

Hay nói như Obama và những người ủng hộ ông: Chúng tôi tin vào thay đổi (Change we believe in)

1 comment:

Anonymous said...

Wow that was strange. I just wrote an very long comment but
after I clicked submit my comment didn't show up. Grrrr... well I'm not writing all that over again.
Anyway, just wanted to say fantastic blog!
Check out my weblog :: epl latest transfer news premier league