Friday, November 07, 2008

Entry for November 06, 2008

Bài này của TS. Phạm Duy Nghĩa trên Tuổi Trẻ hay và thẳng thắn. TS. Phạm Duy Nghĩa là Phó Giáo sư ở khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Tuy nhiên tôi không đồng ý với cụm từ "những người có sứ mệnh phản biện chính sách" trong câu này của TS. Nghĩa: "To đẹp mà không hiện đại, hoành tráng mà không văn minh, lỗi ấy thuộc về người có quyền quy hoạch thành phố, lỗi ấy cũng thuộc về giới trí thức và những người có sứ mệnh phản biện chính sách."

Tôi không nghĩ có một nhóm người nào mang "sứ mệnh" phản biện chính sách cả. Phản biện chính sách, hay ủng hộ chính sách thực ra là hai mặt như nhau. Một người phản biện chính sách sai lầm cũng hoàn toàn có thể là một người ủng hộ chính sách đúng đắn. Không có một nhóm người nào được trao cho cái đặc quyền hay sứ mệnh phản biện chính sách cả. Phản biện chính sách cũng không phải là một thứ "sứ mệnh" mà cần xem như một phản ứng tích cực của công dân và bất cứ ai cũng có thể làm công việc này. Ví dụ đợt vừa rồi chính sách ngực lép không đi xe của Bộ Y tế nhận được sự phản biện từ đông đảo người dân và những trí thức cả trong và ngoài nước (ví dụ là các phản biện rất nghiêm túc và có tính khoa học của GS. Nguyễn Văn Tuấn ở Úc), khiến cho Bộ này cuối cùng phải xin bỏ chính sách và bị Thủ tướng phê bình. Trong khi trước đó, Bộ này đã tổ chức vô số hội thảo, lấy ý kiến vô số cơ quan Nhà nước, tỉnh thành khắp cả nước nhưng hình như chẳng có ai trong số hằng hà sa số các cơ quan này "phản biện" chính sách phản khoa học, giả khoa học đó của Bộ cả.

Ở đây tác giả không nói rõ những người có sứ mệnh phản biện chính sách là ai, có lẽ ý tác giả là những người chuyên trách như đại diện HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội chăng? Vì tác giả viết rằng "lỗi ấy cũng thuộc về giới trí thức và những người có sứ mệnh phản biện chính sách."
Dù sao, tôi cũng không thích chữ "sứ mệnh". Không có gì là sứ mệnh cả, chỉ có nhiệm vụ và trách nhiệm. Trách nhiệm của một trí thức là nói ra điều gì mình cho là đúng, và không nói ra những gì mà thâm tâm mình cho là sai. Nhiệm vụ và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp là đứng trên quyền lợi của nhân dân, của cử tri bầu ra họ, để phản biện các chính sách và cần hơn thế nữa, đưa ra những luật pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Vấn đề như GS. Nghĩa chỉ ra là người trí thức, hay cần nói rộng hơn, là những người hiểu biết- và người hiểu biết có thể không nhất thiết phải là trí thức- cần lên tiếng nói. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để những người có quyền lực lắng nghe tiếng nói "phản biện". Chúng ta hẳn còn nhớ là trước khi sát nhập Nội-Tây, đã có không ít tiếng nói phản biện từ giới trí thức, các nhà chuyên môn lẫn người dân thường về những bất cập của việc sát nhập này, và ngay cả nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn. Nhưng kết quả thế nào thì tất cả đều biết và hơn 90% số đại biểu Quốc Hội sau rốt đều tán thành sát nhập sau một chỉ thị của Đảng yêu cầu các đại biểu QH là đảng viên phải bỏ phiếu tán thành- một sự can thiệp thô bạo vào hoạt động của cơ quan lập pháp dân cử. Hay trong vấn đề xây dựng Hà Nội, theo giáo sư Liêm ở Đại học Xây dựng thì những bất cập trong vấn đề cấp thoát nước của Hà Nội đã được các nhà chuyên môn đề cập tới nhưng bị các nhà lãnh đạo bỏ lơ, trong khi theo đuổi việc mở rộng thành phố to hơn, cao hơn, trong cơn sốt bất động sản quay cuồng.

Vẫn biết rằng tiếng nói phản biện của trí thức hay những nhà chuyên môn là tương đối ít có giá trị trong một thể chế nơi quyền bầu cử của người dân có sự hạn chế lớn nhưng dẫu vậy, những tiếng nói đó vẫn là cần thiết. Ít nhất bằng việc nhiều người trí thức lên tiếng phản biện chính sách thì Đảng sẽ hiểu ra rằng trí thức không chỉ là "đội ngũ" nhằm "hiến kế" cho Đảng (những từ ngữ đầy tính mỉa mai nhưng vẫn tràn đầy trong các văn kiện Đảng, báo chí Đảng) mà là những người có ý kiến độc lập và dám phát biểu những ý kiến đó một cách công khai.
Việc đó cũng sẽ giúp cải thiện hình ảnh người trí thức trong mắt người dân, tăng thêm sự tin cậy vào họ từ nhân dân, và xóa nhòa dần ấn tượng về giới trí thức như những người nhu nhược, yếu đuối, không dám có ý kiến riêng. Cũng nói thêm cái hình ảnh về giới trí thức như thế rất được Đảng cổ vũ, thậm chí còn đưa vào sách giáo khoa nhấn mạnh tính dao động, hoang mang, gió chiều nào xoay chiều ấy của trí thức (ai đọc sách Lịch sử Đảng là có thể thấy ngay những nhận định này. Thật là một thứ mỉa mai khi người ta nhồi sọ giới trí thức tương lai khi họ đang ngồi trong trường Đại học bằng tư tưởng chính thống cho rằng họ là một lũ vô dụng, hoang mang, dao động, cần được Đảng dẫn dắt).

Nhưng số trí thức dám phát biểu ý kiến riêng một cách công khai trên báo chí như thế ở Việt Nam, chắc hiện nay có thể đếm trên đầu ngón tay mất!.

Sau Cơn Mưa

"TT - Chưa động đất, không hỏa hoạn, mới chỉ vài cơn mưa, thủ đô đã ngập chìm trong nước. Lụt rồi cũng qua, song cảm giác lo âu sẽ còn ở lại với hàng triệu người dân Hà Nội.


Chính quyền sinh ra để làm gì, nếu không vì sự bình an của người dân. Sau cơn mưa lụt, dẹp yên tàn tích, sẽ tới một lúc người ta phải truy xét trách nhiệm của chính quyền, của giới truyền thông và của tất cả những người có trách nhiệm xây dựng, phản biện mọi chính sách ở địa phương.

Người dân đóng thuế nuôi chính quyền những mong con em đến lớp được an toàn, đêm tối có ngọn đèn để thắp, lúc mưa gió có chỗ khô ráo để trú ngụ. Không bảo đảm được những điều ấy, dù tưng bừng tượng đài văn miếu, chín
h quyền còn nặng nợ với nhân dân.


Tưởng rằng thời buổi văn minh, bất đắc dĩ phải ngoi ngóp trong mưa lũ, người ta mong quá những lời chỉ dẫn, cứu giúp tìm đường. Cả giới truyền thông chậm chạp phản ứng, chúng ta nợ nhân dân thói quen phục vụ những thông tin bình dị. Lụt ở phố nào, tránh từ đâu, nơi nào người cơ nhỡ có thể tá túc, ai cứu giúp khi xe cộ chết máy giữa đường... đã quen với chuyện cao xa trên trời dưới biển, giới truyền thông ngờ nghệch với những dịch vụ đưa tin thô sơ nhất vì lẽ sống hằng giờ của người dân. Ráo riết săn tin hoa hậu, loạn trí người xem với đủ loại game show, đó có phải những thứ chính yếu nhất mà người dân mong đợi?


Khi nhiều khu phố cũ đã khô ráo khá nhanh sau cơn mưa, cư dân nhiều khu đô thị mới vẫn huyên náo bắt cá trên đường cao tốc. To đẹp mà không hiện đại, hoành tráng mà không văn minh, lỗi ấy thuộc về người có quyền quy hoạch thành phố, lỗi ấy cũng thuộc về giới trí thức và những người có sứ mệnh phản biện chính sách. Quá lệ thuộc vào người có quyền, chúng ta ít khi dám nghĩ khác, có nghĩ khác đôi khi cũng không dám nói, có dám nói đôi khi cũng không nói hết. Vì lẽ ấy những đô thị mới cứ phăm phăm mọc lên, thiếu những cảnh tỉnh xã hội, thiếu cả sự phản biện và giám sát của người dân.


Những ai đã nhìn những tập quy hoạch Hà Nội mà người Pháp để lại sau năm 1954, những ai đã sống những ngày Hà Nội thanh bình sau thống nhất đất nước mới thấy những gì chúng ta đang chứng kiến thật ngột ngạt, dở dang. Hà Nội đã ít dần màu xanh, đã hiếm dần khí sạch, sau cơn mưa lũ, có lẽ phải làm thật nhiều việc thì Hà Nội mới đẹp trở lại trong ánh mắt người dân.

PHẠM DUY NGHĨA"

No comments: