Sunday, November 02, 2008

Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm

Bí thư Hà Nội: "Thiên tai thì không tính trước được"

Câu nói này nên được bình chọn là Phát ngôn ấn tượng nhất trong tuần, nếu không phải là trong tháng:
"tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm."

Hay thật, lãnh đạo Chính quyền đổ lỗi cho nhân dân là ỷ lại Nhà nước. Theo ông Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị thì có lẽ người dân không biết quý tính mạng, tài sản của mình mà trông chờ các quan chức Nhà nước như ông Nghị làm việc đó hộ họ? So với ngày xưa của ông Nghị là so với ngày xưa nào, so với cái thời Chính quyền thúc dân lao động tập thể, gánh đất đắp đê, lao mình xuống nước chống lũ theo tinh thần lao động XHCN trong khi các quan chức thì chễm chệ tổng kết phong trào?

Hơn nữa, lãnh đạo một thành phố hàng triệu dân kiểu gì mà có thể tuyên bố rằng "Thiên tai thì không tính trước"??? Tất nhiên không thể biết trước được một cách chính xác là thiên tai sẽ xảy ra như thế nào nhưng phải có dự trù trước những khả năng xảy ra thiên tai và cách thức khắc phục nếu thiên tai xảy ra chứ.

Theo ông Bí thư thì trách nhiệm của chính quyền trong ứng phó trước cơn lụt là "hòa cả làng."

"Bây giờ là vấn đề thiên tai, phải cùng cố gắng khắc phục. Nếu tại người thì còn phê bình kỷ luật người này người nọ, chứ còn do thiên tai thì chịu...."


Ông Nghị khẳng định "Lãnh đạo đều đi chỉ đạo hết. Không ai nghỉ ngơi" nhưng ngày 1/11, trong khi cơn mưa đang dữ dội hơn cả thì các lãnh đạo "đi chỉ đạo" bằng cách họp, và không phải họp vì vấn đề thiên tai, mà là họp để "tổng kết vấn đề tôn giáo". Trong khi nhân dân chống chọi với cơn lũ thì ông Nghị (hay ông Thảo) báo cáo việc ông đã "xử lý" vấn đề đất Tòa khâm thế nào, phát động chiến dịch truyền thông hạ bệ TGM Ngô Quang Kiệt ra sao, thành công như thế nào...Và tới chiều 1/11, ông Nghị mới khệ nệ đi ô tô kiểm tra các điểm ngập lụt (không hiểu sao ông lại dùng chữ "đi ô tô", chả lẽ để người dân không hiểu lầm rằng ông đi xe máy hay đi trực thăng, hay đi xuồng, hay đi ngựa?). Ngày 2/11, khi mưa đã tạnh*, ông mới đi ra ngoại thành chỉ đạo.

Ông Nghị bảo thiên tai thì "chịu", không thể phê bình kỷ luật người này người nọ. Thế tại sao sau cơn bão Katrina ở New Orleans, hàng loạt các cơ quan chính phủ Mỹ, các quan chức chính quyền, trong đó có cả tổng thống Bush bị phê phán nặng nề. 75% số người được hỏi cho rằng chính quyền thành phố New Orleans có lỗi trong việc ứng phó với cơn bão và giải quyết hậu quả sau cơn bão. Lãnh đạo Cơ quan cứu trợ Liên bang Michael Brown phải từ chức do áp lực bởi những phê bình của dư luận. Trong khi đấy, khi xảy ra vụ 11/9 thì uy tín của Giuliani, Thị trưởng New York lại tăng vọt nhờ những biện pháp khắc phục thảm họa hiệu quả của chính quyền thành phố này. Để so sánh gần hơn, sau thảm họa động đất ở Trung Quốc trong năm nay, uy tín của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tăng đáng kể trong dân chúng do việc ông này thường xuyên có mặt tại trung tâm thảm họa để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác cứu hộ và cứu trợ nhân dân.

Còn những đánh giá của người dân với sự ứng phó của chính quyền Hà Nội như thế nào? Liệu có báo nào đăng không? Khi thay vì thực hiện các biện pháp hiệu quả cứu trợ nhân dân, lãnh đạo thành phố họp về vấn đề tôn giáo trong ngày 1/11. Còn trước đó, ngày 31/10, họ làm gì, ở đâu thì ông Nghị "quên" không nói. Vnexpress hãy thử làm một cái poll xem nhân dân đánh giá thế nào về những gì chính quyền Hà Nội đã làm.

"Lãnh đạo đều đi chỉ đạo hết. Không ai nghỉ ngơi. Việc gì cũng phải tính đến hoàn cảnh thực tế. Có cái chậm một chút nhưng khả năng ứng phó cũng có lý do khách quan.

Bây giờ là vấn đề thiên tai, phải cùng cố gắng khắc phục. Nếu tại người thì còn phê bình kỷ luật người này người nọ, chứ còn do thiên tai thì chịu....

Sáng hôm qua (1/11), thành phố họp tổng kết vấn đề tôn giáo, chiều tôi đi ô tô kiểm tra các điểm ngập lụt trong nội thành, hôm nay đi ra ngoại thành. Từ chiều qua lãnh đạo thành phố đều đi kiểm tra hết."


Đây, nhân dân đang ỷ lại Nhà nước khi tự vận chuyển người và xe máy khỏi những nơi úng lụt bằng ngựa, trong khi chờ đợi xe cứu hộ của Nhà nước đến! Ngoài ra còn thuyền, còn bè mảng tự ghép.



* Theo thông tin mới được biết thì mưa chỉ ngớt trong sáng 2/11, nhưng sau đó lại tiếp tục dầm dề chiều tối 2/11 và cho tới thời điểm này (sáng 3/11 giờ VN).


Anh Hùng (Thanh Trì) làm phu khuân vác, tranh thủ mấy ngày mưa lớn kéo xe ngựa chở khách, mỗi lượt cả người và xe 80.000 đồng. (Ảnh VNN)


No comments: