Wednesday, October 31, 2007

Entry for October 31, 2007

Vietnam’s economic progress costly for households

HANOI: Vietnam’s blistering economic growth is attracting foreign investors, but the boom is proving costly for households, which face big rises in the price of basic products such as rice.
Consumer prices rose 9.34% year-on-year this month, after an 8.8% increase in September, according to the general statistics office (GSO).
Inflation was worrying Hanoi, which aimed to keep the rate below the growth in gross domestic product. Vietnam’s economy grew by 8.16% in the first nine months of the year.
The alarm bells grew louder this week as the national assembly seized on the issue, with prime minister Nguyen Tan Dung saying: “We want a higher economic growth and a lower inflation rate.”
The price of food, which formed more than 40% of the basket of goods used to calculate Vietnam’s inflation rate, rose 13.94% this month. The cost of rice and other grains alone increased by 15.98%.
“Global rice prices are high and global rice prices stay high as long as oil prices are high, because farmers need to buy fertiliser and fertiliser is a by-product of natural gas,” Jonathan Pincus, economist with the UN Development Programme (UNDP), said.
Vietnam joined the World Trade Organisation last January, and was opening its markets up to the world.
Dao Viet Dung of the Asian Development Bank warned this means “it is also more open to external shocks like the increase in oil prices ... resulting in the increase of pressure on prices.”
He also pointed to the property fever gripping Vietnam, from northern Hanoi to the southern economic centre of Ho Chi Minh City, the former Saigon.
The price of construction materials such as steel and cement rose by 11.72% this month.
Economists say pressure was increased by the huge inflow of foreign direct investment and the increasing use of credit (up 25% last year and 35% by middle of this year, according to the World Bank), both for consumption and business lending.
“It’s not good for the poor at all and it’s probably one of the reasons why the government was so keen to keep inflation under control,” Pincus said. – AFP

Các tỷ phú Trung Quốc


Nhân đọc bài bác của bác Osin, thử tìm hiểu thêm về những người giàu nhất Trung Quốc. Có hai list về những tỷ phú Trung Quốc. List thứ nhất là list 40 tỷ phú của tạp chí Forbes. Tạp chí Forbes hàng năm vẫn lập danh sách các tỷ phú trên thế giới. Các năm gần đây đã có sự thay đổi trong cơ cấu các nước trong list của Forbes khi ngày càng có nhiều người từ các nước đang phát triển có mặt trong list này. Trong list 100 mới nhất của Forbes cho năm 2007 thì một tỷ phú Mexico ở vị trí thứ 2 và một tỷ phú Ấn Độ ở vị trí thứ 5. Trong list này không có tỷ phú Trung Quốc nào. Tuy nhiên, trong list mới đây của Forbes cho 40 tỷ phú Trung Quốc thì người giàu nhất Trung Quốc, cô Yang Huiyan 26 tuổi, có hơn 16 tỷ đôla, nếu xếp trong list của Forbes thì có lẽ sẽ vào khoảng 20-25 gì đó.

Ngoài list của Forbes còn có một list do một công ty Trung Quốc Huron thực hiện. Theo công ty này thì trong năm 2007, Trung Quốc có 106 tỷ phú đôla, so với 14 tỷ phú năm 2006.

Sở dĩ năm 2007, Trung Quốc có số lượng tỷ phú tăng vọt có lẽ chủ yếu nhờ thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm qua. Quan sát cả hai list của Forbes và Huron thì có rất nhiều tỷ phú kinh doanh bất động sản.

Nếu so sánh với Mỹ thì các tỷ phú Trung Quốc còn có phần giàu có hơn. Tất cả 40 tỷ phú Trung Quốc đều là tỷ phú tiền đô. Tài sản trung bình của 800 người giàu nhất Trung Quốc trị giá lên tới 459 triệu đôla. Số người này, chỉ chiếm chưa đầy 1 phần triệu dân số Trung Quốc, nhưng lại sở hữu tài sản bằng 16% GDP của nước này.

Thêm nữa, quan hệ chính trị đóng vai trò rất quan trọng với các tỷ phú này. Có thể nói rất nhiều các tỷ phú Trung Quốc là các nhà tư bản đỏ. Có tới 1/3 số tỷ phú Trung Quốc là đảng viên cộng sản. Ngoài ra còn rất nhiều người là con cháu các các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc, Rong Yiren, từng làm phó chủ tịch nước này, trước khi chuyển sang làm kinh doanh. Còn nhớ trước ĐH 10, ở Việt Nam người ta cũng từng tranh luận là có cho đảng viên làm kinh tế không, rằng để đảng viên kinh doanh thì có phải là bóc lột không. Nhưng chắc chắn là nếu không cho đảng viên kinh doanh thì sẽ có rất nhiều người bỏ Đảng mất.

Ở Việt Nam hiện nay không biết đã có tỷ phú tiền đô chưa nhỉ? Nếu chưa có thì cũng có thể chắc rằng chỉ trong vòng vài năm nữa sẽ có những tỷ phú tiền đô, và nhiều người khác với số tài sản hàng trăm triệu đô. Và rất có thể là sẽ có rất nhiều trong số này là các nhà “tư bản đỏ”- đảng viên cộng sản hay có quan hệ mật thiết với giới chính trị gia. Hiện tượng chủ nghĩa tư bản thân hữu này xem ra khó tránh.

Về phát triển

Tại sao các nước giàu lại giàu còn các nước nghèo lại nghèo? Tại sao cách mạng khoa học kỹ thuật lại xảy ra ở Anh chứ không phải ở Trung Quốc mặc dù theo một số nhà nghiên cứu thì Trung Quốc trong thế kỷ 17-18 đã có nhiều yếu tố tương tự như nước Anh để có thể có cách mạng khoa học kỹ thuật.

Douglass North, nhà kinh tế lịch sử được giải Nobel năm 1993, trả lời là “thể chế”. Chính các thể chế, mà quan trọng nhất là quyền sở hữu tư nhân, đã là yếu tố thúc đẩy cách mạng công nghiệp ở Anh và châu Âu.

Một nhà lịch sử kinh tế khác là David Landes, tác giả cuốn “The wealth and the poverty of nations” thì cho rằng việc này do kết quả của nhiều yếu tố: khí hậu, văn hóa…trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh yếu tố văn hóa: người châu Âu chăm chỉ, đầu óc cởi mở, có tư tưởng dân chủ, kiên nhẫn…, do đó họ có những phẩm chất phù hợp với chủ nghĩa tư bản và với sự phát triển của khoa học- công nghệ. Việc nhấn mạnh yếu tố văn hóa cho thấy Landes có phần nào đi theo con đường của Max Weber trước đây- Weber cho rằng tinh thần đạo Tin lành với sự nhấn mạnh các giá trị như cần cù, cởi mở, trách nhiệm cá nhân…là yếu tố giúp chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh chóng ở châu Âu và Mỹ.

Trong khi đó thì Jared Diamond, tác giả cuốn best-seller “Súng, vi trùng và thép” thì gắng tìm nguyên nhân sâu xa hơn và ông cho rằng điều kiện khí hậu- địa lý là yếu tố then chốt. Do địa hình đặc thù của mình mà châu Âu-Á có số loài động vật, thực vật được thuần hóa phong phú, nhờ đó có thể chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp mang lại thặng dư lương thực và nhờ thặng dư này sẽ giúp cho việc phân công hóa lao động, bộ máy chính quyền, công nghệ…nhờ đó giúp châu Âu chinh phục được các dân tộc khác. Tuy nhiên cách giải thích này của Jared Diamond gặp khó khăn trong việc giải thích tại sao châu Âu, chứ không phải châu Á, lại phát triển và chinh phục. Để giải thích cho điểm này, Jared Diamond cho rằng địa hình châu Á với các sông ngòi lớn, các đồng bằng rộng lớn phù hợp cho sự ra đời của các đế quốc trong khi địa hình châu Âu lại thích hợp hơn với các quốc gia nhỏ. Chính vì nền chính trị gồm nhiều quốc gia nhỏ cùng chung sống, tạo thuận lợi cho sự cạnh tranh chính trị giữa các quốc gia, thúc đẩy giao thương và do đó khiến châu Âu dần dần vượt trội hơn châu Á.

Gần đây nhất, nhà kinh tế học Gregory Clark trong cuốn sách Farewell to Alms, đưa ra một lý thuyết khá là provocative. Theo ông, cách mạng công nghiệp xảy ra chẳng qua vì sự sống sót của người giàu (survival of the richest). Clark cho rằng các nước phương Đông gặp phải một cái bẫy Malthus- do dân số gia tăng quá nhiều và lương thực không thể gia tăng theo cùng tốc độ dẫn tới nghèo đói và không có tích lũy. Dựa vào một số số liệu, Clark cho rằng ở phương Đông, tầng lớp quý tộc tuy sinh con cái nhiều hơn dân nghèo nhưng không nhiều hơn là bao do đó mô hình xã hội trở nên khá là ổn định (kiểu con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa). Ngược lại, ở Anh, giới thượng lưu sinh con đẻ cái rất nhiều. Thêm vào đó, điều kiện vệ sinh rất kém ở châu Âu (cùng với tật lười tắm kinh khủng của người châu Âu- hàng tháng mới tắm một lần) khiến cho rất nhiều người, chủ yếu là người nghèo chết do bệnh dịch, điển hình là các trận đại dịch như đại dịch hạch từng giết 1/3 dân số châu Âu. Chính vì các dịch bệnh này nên chỉ có người giàu là còn sót lại, và khác với châu Á, người châu Âu ngày nay đều là con cháu người giàu trong quá khứ. Cùng với sự thay đổi thành phần dân cư là sự thay đổi cả thói quen sống, những người còn sống mang theo nhiều phẩm chất của giới trung lưu như chịu khó làm việc, kiên nhẫn, có tính sáng tạo, thông minh…Có thể nói là giả thuyết của Clark có nhiều đặc điểm của thuyết Darwin xã hội. Nhưng nếu các số liệu của Clark mà chính xác thì đây thực sự là một điều khá ngạc nhiên khi mà giới thượng lưu theo chế độ một vợ một chồng ở châu Âu lại sinh ra nhiều con hơn giới thượng lưu đa thê ở châu Á. Clark cũng nói thêm là trong các thế kỷ 17-18, trong khi ở châu Á, phụ nữ nông dân thường lập gia đình sớm thì ở châu Âu, họ lập gia đình muộn và có một tỷ lệ không ít là không có gia đình, và điều này tác động không nhỏ tới cơ cấu sinh đẻ theo tầng lớp xã hội.

Các số liệu của Clark khá thú vị: ví dụ như người dân Anh đầu thế kỷ 19 (thời của Oliver Twist với David Copperfied) có chế độ dinh dưỡng không khá hơn gì người tiền sử, hay chiều cao của các dân tộc trên thế giới hầu như không thay đổi trong cả 2000 năm cho tới trước cách mạng công nghiệp. Nhưng giả thuyết của ông cho rằng sự thay đổi hành vi con người (do thay đổi các cá thể còn tồn tại) là nguyên nhân dẫn tới sự thịnh vượng của châu Âu có vẻ không thuyết phục và mang tính suy đoán. Đó là chưa kể các ngụ ý có thể của giải thuyết với thời đại ngày nay. Nếu lý luận như Clark rằng bí quyết của tăng trưởng kinh tế là ở chỗ những người tồn tại là những người giàu có thì giáo dục hay nỗ lực viện trợ, giúp đỡ các nước nghèo vươn lên sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Giải pháp chắc chỉ có hạn chế sinh đẻ với người nghèo và khuyến khích người giàu sinh con. Kể ra một giải pháp gần như thế đã từng được chính phủ của bà Indira Ghandi thực hiện ở Ấn Độ khi cảnh sát dưới quyền bà từng cưỡng bức triệt sản hàng ngàn người nghèo ở đô thị- một trong những hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở Ấn Độ.

Monday, October 29, 2007

Entry for October 29, 2007

1. Bài này đọc thú vị phết. Ở Việt Nam cũng có những người có tới 5 tấn sách!

Cũng khổ thân những người như ông nha sĩ kia, ky cóp sách cả đời đến khi chết thì cả kho tàng sách ấy được bán với giá 15 triệu- bằng giá thu phế liệu.

Thị trường sách cũ Sài Gòn có vẻ nhộn nhịp hơn ở Hà Nội rất nhiều.
Lang thang sách cũ


2. Lại thảm họa dịch thuật. Dã man, tàn khốc!.

“Máu” đã nhuộm đỏ cuốn “Những nền văn minh thế giới”

3. Bàn tròn về blog của VNN. Các ý kiến trả lời khá hay, nhất là các ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng. Dù không đồng ý với ý kiến của ông Dũng về vai trò lập pháp của Quốc hội trong bài mới đây của ông trên Tia Sáng nhưng có lẽ ông Dũng là một trong những người có tư duy sáng sủa và mạch lạc nhất trong giới chính trị gia Việt Nam hiện nay.

Trong bài có câu hỏi này của phóng viên VNN

"
Nhà báo Bình Minh: Về nhu cầu thu hút độc giả của blogger. Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, hiện tại có một xu hướng trong các nhà văn, nhất là nhà văn trẻ, là đưa các tác phẩm lên blog, thậm chí có những tuyên ngôn gây sốc, và kể cả chụp ảnh nude của mình để tạo ấn tượng thu hút. Ở góc độ nhà phê bình văn học, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?"


Tò mò quá, nhà văn nào mà chụp ảnh nude của mình trên blog thế, ai biết cho tớ link đi! (ơ nhưng mà cho link thì có bị tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy không nhỉ?)

Trong bài còn có ý kiến này của ông Phạm Xuân Nguyên mà tớ thấy không thể đồng tình
"
.. các blogger nên hiểu rằng, blog là một không gian ảo mình được cho không, nhưng như vậy là có người cho và khi anh không biết sử dụng một cách hữu ích không gian ấy thì sẽ bị lấy mất. Yahoo 360 cũng thế mà Vnblog cũng thế, vì nói như anh Joe, nó sẽ có những người quản trị, quản lý. Thực ra nếu phải trả tiền, lượng blogger sẽ rất thấp, không thể như bây giờ. Đừng vì được cho không mà quên mất những chuyện đó."


Thế ai là người "cho" ở đây? Chẳng nhẽ những người quản trị, quản lý của Yahoo hay Vnblog là những người "cho"? Yahoo (cũng như hầu hết các hãng khác) miễn phí dịch vụ blog không phải là để "cho" hay làm ơn với người sử dụng mà đó chỉ là một phần trong hoạt động kinh doanh của họ mà thôi. Ý này của ông Nguyên cũng hoàn toàn không sáng sủa trong câu khuyên cuối, không rõ ông khuyên các blogger điều gì? Là không được quên rằng bạn đang được Yahoo cho không? Hay không được quên là bạn còn đang viết được blog là vì người ta còn "cho" bạn viết và chưa bắt bạn phải đăng ký số CMT khi viết?

4. Báo Tuổi Trẻ càng ngày càng giống báo của Đoàn Thanh Niên:
Báo này mở cả diễn đàn về lối sống của giới trẻ, về quan hệ tình dục trước hôn nhân, đăng tới 7-8 bài. Việc mở diễn đàn như thế thì cũng tốt thôi nếu các bài được viết một cách nghiêm túc. Có điều là nếu đọc các ý kiến bạn đọc thì có thể thấy chúng đều được "chọn lọc" theo hướng phản đối quan hệ này, coi nó là "lệch lạc", là "buông thả". Việc chỉ đăng ý kiến một chiều như thế thì đâu có thể gọi là diễn đàn nhỉ. Cách "mần báo" này thực ra là rất phổ biến ở các báo Việt Nam, ví dụ như các ý kiến bạn đọc mục cafe giường của VNN hay ý kiến bạn đọc về việc nhà báo viết blog của báo Thanh Niên. Hình như các tòa soạn đều coi việc đó là bình thường, trong khi theo tôi, việc này vi phạm đạo đức báo chí, vì nó không phản ánh trung thực ý kiến của người đọc. Một tờ báo có thể sự dụng mục Editorial để nêu chính kiến của mình, chứ không được phép "mượn" ý kiến bạn đọc (thật hay giả) cho việc đó.
Về cái diễn đàn trao đổi này, cách hay nhất là Tuổi Trẻ nên mời hai columnist, một người viết ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân, một người viết phản đối, và đăng tải ý kiến bạn đọc một cách trung thực và khách quan (như cách mà các tờ báo có tên tuổi trên thế giới thường làm).
À mà theo số liệu thì tuổi bình quân quan hệ tình dục lần đầu của người Việt là 19,2. Tôi không rõ tuổi bình quân khi kết hôn của người Việt Nam là bao nhiêu nhưng chắc chắn là sau tuổi bình quân khi quan hệ tình dục lần đầu này không ít. Điều đó chứng tỏ là chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân là một thực tế phổ biến ở Việt Nam (cũng như ở tất cả các nước phát triển và một tỷ lệ lớn các nước đang phát triển khác). Có thể thảo luận về nó một cách lành mạnh như là một sự xung khắc giữa truyền thống Á đông và quá trình phương Tây hóa, nhưng nếu cứ đấm ngực mà kết luận là hỏng, suy đồi quá, hỏng hết phong hóa tổ tiên rồi thì hơi buồn cười (mà lại từ một tờ báo vẫn tự hào là đại diện cho lớp trẻ chứ không phải tờ Cựu chiến binh hay tờ Người cao tuổi).

Người vọng phu trong lúc gió mưa

Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng,
Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.
Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
Những người mang mệnh biệt ly
(Hòn Vọng Phu- Lê Thương)


Bài hát này tớ nghĩ có lẽ là bài trường ca nhạc Việt hay nhất.

Nhớ có lần trong một post tớ có nói là ở Việt Nam, không có tragic hero theo đúng nghĩa, nếu có thì chỉ có phụ nữ đóng vai trò này. Chị 2 4 6 cũng có một post rất hay về vấn đề này.

Các tragic heroines thì ở Việt Nam chắc không thiếu: từ Mỵ Châu cho tới người con gái Nam Xương, Thúy Kiều.

Nàng Tô Thị cũng là một tragic heroine như thế. Chuyện nàng Tô Thị có gì đó giống với bi kịch Oedipus của Hy Lạp (bi kịch này có thể là tác phẩm đỉnh cao nhất của văn hóa Hy-La sau Homer).

Cả chuyện Tô Thị và Oedipus đều có sự trêu đùa của số phận dẫn tới sự loạn luân trong gia đình. Nhưng nhân vật bi kịch của Hy Lạp là đàn ông. Anh ta cũng tự trừng phạt mình.

Còn nàng Tô Thị? Trong câu chuyện Tô Thị thì nhân vật bi kịch trung tâm là phụ nữ. Bi kịch của nàng không dừng ở chỗ loạn luân. Đó còn là bi kịch của nàng Penelope không bao giờ thấy lại được Odyssey. Đó còn là bi kịch của sự ngây thơ, của sự không biết.

Bi kịch nào là đau buồn hơn? Của Oedipus, của cặp anh em trong Lôi Vũ hay của Tô Thị? Có phải Tô Thị và sự ngây thơ của nàng phản ánh một tâm thức của người Việt, một cái gì đó rất khác với tư duy của người Hy Lạp. Oedipus quyết tâm tìm ra sự thật, và khi tìm ra, anh ta tự chọc mắt mình để tự trừng phạt. Chồng Tô Thị tình cờ tìm ra sự thật và anh ta chọn cách bỏ đi không trở về để trốn chạy nỗi tủi hổ của mình và tránh cho vợ cả nỗi đau khổ về sự thật phũ phàng. Hai cách hành xử khác nhau của hai người đàn ông ở hai nền văn hóa khác nhau.


Còn Tô Thị? Nàng vẫn là người đàn bà ngây thơ, phạm tội với những quy ước đạo đức của xã hội loài người mà không biết là mình phạm tội. Hình như một điểm chung trong khá nhiều nhân vật bi kịch nữ Việt Nam là sự ngây thơ. Bi kịch của họ là bi kịch do người khác gây nên. Điều này rất khác với các bi kịch phương Tây trong đó những nhân vật bi kịch đóng vai trò chủ động, và hành động của họ đưa lại bi kịch cho họ một cách trực tiếp hay gián tiếp (Macbeth, vua Lear…).


yfla.wrap("This multimedia content requires Flash version 9 and above.", "Upgrade Now.", "http:\/\/www.adobe.com\/shockwave\/download\/download.cgi?P1_Prod_Version=ShockwaveFlash", "
Get this widget | Track details | \t\teSnips Social DNA ");To view this multimedia content, please enable Javascript.

Entry for October 29, 2007

Đọc bài này của bác Quốc buồn cười thế chứ:

“Hiện nay, tình dục vẫn là cấm kỵ với giới trẻ, nên họ tìm không gian ảo như blog để thỏa mãn.”

Nói như bác Quốc thế này thì blog chắc chả khác gì chợ tình Thanh Xuân, đúng hơn là chả khác gì một thứ hàng hóa thay thế cho chợ tình Thanh Xuân.

Tuy nhiên, cũng có thể mở rộng vấn đề từ câu này của bác Quốc. Không phải chỉ tình dục là cấm kỵ với giới trẻ (mà thật ra điều này từ rất lâu đã không còn đúng lắm, nhất là với các thanh niên ở đô thị) mà có nhiều thứ khác ở xã hội Việt Nam mới thực sự là cấm kỵ với giới trẻ (và cả giới không trẻ), nên blog phát triển như là một hình thức diễn đạt-giao lưu thay thế, vượt ra các ràng buộc gò bó và xơ cứng của xã hội hiện nay.

Nói chung, mấy bác già già như bác Quốc đã không hiểu giới trẻ lắm và cũng không phải người nghiên cứu về họ thì cũng không nên phát biểu (dựa trên những định kiến sẵn có) của mình về giới trẻ. Đến mình giờ cũng chẳng dám phát biểu khái quát điều gì về những người kém mình 10 tuổi nữa là các bác già U60.

Saturday, October 27, 2007

Entry for October 27, 2007

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy tin giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam được trao cho Đoàn Minh Phượng với tiểu thuyết “Và khi tro bụi” và Hữu Việt với tập thơ dịch “Khúc hát trái tim” hầu như bị bỏ qua trên báo chí. Báo Tuổi Trẻ đưa tin với năm sáu dòng ngắn ngủi. Báo Thanh Niên và Lao Động thậm chí còn chưa đưa tin trong mục Văn hóa. Vnexpress đưa tin dài hơn Tuổi Trẻ nhưng cũng không bình luận gì. Chỉ duy nhất có VNN là có bài phỏng vấn Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn và Thể thao văn hóa có bài bình luận về sự kiện này (đăng lại trên phongdiep.net).

Ấy thế mà như tôi hiểu, giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam là giải quan trọng nhất về văn học. Trước kia, giải này từng được trao cho các tác phẩm đánh dấu những biến chuyển của văn học Việt Nam như Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma…Nếu so với sự kiện ầm ĩ xung quanh giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội mà các báo cũng tốn không ít giấy mực thì giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam lần này yên ắng tới không ngờ. Chẳng nhẽ phải có scandal, có dè bỉu và và cạnh khóe (như Lê Thiếu Nhơn với Vàng Anh) thì báo chí mới “hăng say” vào cuộc? Khai thác tối đa các mâu thuẫn vẫn là thế mạnh của báo chí và của cách mạng, và do đó, tất nhiên là của báo chí cách mạng. Trong khi đó, các sự kiện văn hóa như hoa hậu thể thao 2007, hoa hậu châu Á 2008, hoa hậu Trái đất 2007 hay tin bài về Britney Spears trả tiền để không phải ra toà, Natalie Portman và cảnh quay nóng, Orlando Bloom và Miranda Kerr: Cặp đôi mới? thì báo nào cũng đưa trong mục “Văn hóa” của mình.

Ở các nước phát triển, các giải thưởng văn học quốc gia như National Book Award của Mỹ, Booker của Anh…nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Báo chí liên tục đưa tin, bài, bình luận, điểm sách… về các cuốn sách được vào sơ khảo, chung khảo các giải thưởng này trong suốt cả quá trình. Đó là các sự kiện văn hóa quan trọng, đánh giá những thành tựu đạt được trong nền văn học đương đại của đất nước đó. Ngay từ một cuốn sách được công bố đoạt giải, số lượng phát hành cuốn sách đó lập tức tăng vọt (tất nhiên là vẫn không so sánh được với các cuốn best-seller như tiểu thuyết mới của Stephen King nhưng sẽ là best-seller của dòng sách văn học). Ngay ở Trung Quốc, bên cạnh các giải thưởng văn học quốc gia thì gần đây cũng có cuộc bình chọn trên mạng các nhà văn Trung Quốc đương đại với rất nhiều người tham gia. Còn ở Việt Nam? Các phóng viên, biên tập viên văn hóa còn bận rộn đưa tin về hoa hậu Thể thao, hay dịch tin về vụ scandal mới nhất của Britney Spears. (Nói thế thì cũng không công bằng lắm, có một số tờ báo chuyên về văn hóa cũng chịu khó đưa tin về các giải thưởng văn học ở nước ngoài lắm, vả cả các giai thoại về đời tư của nhiều nhà văn mà tác phẩm chưa bao giờ được dịch ra tiếng Việt).

Thế còn các nhà phê bình văn học? Tại sao chúng ta không mấy khi thấy họ lên tiếng về các cuốn sách được giải thưởng văn học, hay các cuốn sách được dư luận quan tâm trong thời gian qua? Có thể do họ còn bận rộn điểm sách theo đơn đặt hàng của các công ty sách (nói cách khác là làm công việc của nhân viên marketing), như có lần họ tâm sự trên báo. Hoặc cũng có thể, như một nhà “phê bình văn học của tôi” từng nói (ngụ ý) họ không mấy quan tâm tới các nhà văn nội địa. Dù gì thì gì, phê bình (một cách thực sự) về Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Ngọc Tư hay Thuận cũng không “sang trọng” và an toàn như khi viết về Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn hay Quách Kính Minh (và Dan Brown!).

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc được trên báo các bài ca thán về “văn hóa đọc” của người trẻ. Rằng thanh thiếu niên bây giờ lười đọc quá, hay nếu đọc thì chỉ đọc truyện tranh: theo một khảo sát của báo Lao động thì một người Việt trung bình đọc 2,8 cuốn sách mỗi năm trong đó 60% là truyện tranh, nhưng tôi nghĩ có khi con số này cũng là cao quá. Nhiều người lên tiếng báo động quá đến nỗi các bạn Hội đồng Anh phải tổ chức hội thảo, mời cả chuyên gia về văn hóa đọc sang để giới thiệu điểm cơ bản nhất về đọc sách và phê bình sách cho độc giả và nhà phê bình Việt Nam. Nhưng cũng chỉ được vài bữa thì bị các cơ quan hữu trách về văn hóa cho dừng lại, chắc vì sợ văn hóa đọc người Việt phát triển lệch lạc theo kinh tế thị trường không định hướng (XHCN)?

Văn hóa đọc của người Việt Nam cũng có thể có những vấn đề. Nhưng tôi nghĩ nếu như chính các nhà phê bình văn học, các biên tập viên- phóng viên văn hóa của các tờ báo lớn mà cũng lười đọc hoặc/và lười viết nữa thì việc trách nhân dân lười đọc, hay không có văn hóa đọc có phải là công bằng không?

PS: Nhưng lại nghĩ lại, có khi không phải các nhà phê bình hay các nhà văn thờ ơ với các tác phẩm đoạt giải thưởng, mà là họ không tin tưởng vào các giải thưởng với rất nhiều bê bối trong quá khứ này, cũng không tin tưởng vào cái hội nhà văn hơi giống cái hội ngồi chiếu trên, sắn thủ lợn trong sân đình chứ không phải một hội nghề nghiệp đúng nghĩa. Dù thế nào, sự thờ ơ (một cách ảm đạm) này cũng phản ánh sự thiếu lành mạnh (và một cái gì đó cynical) trong đời sống văn học Việt Nam.

Friday, October 26, 2007

Entry for October 26, 2007

Còn ai với ai

Trịnh Công Sơn

Không có em còn tôi với ai
Không có em lạnh giá đường vui
Không có em ngồi đứng nơi này
Không có em còn aiai

Em đã đi chìm khuất đã theo
Em đã đi ngọn gió quạnh hiu
Không có em đường cũ tiêu điều
Em đã xa lìa trong nỗi đau

Em đi biền biệt muôn trùng quá
Từng cơn gió và từng cơn gió
Em đi gió lạnh đến xa bờ
Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ
À a ơi... i a

Không có em đường xa quá xa
Em đã thôi cười giữa chiều mưa
Em đã đi đời có đâu ngờ
Mang trái tim mùa xuân héo khô

Không có em buồn vui với ai
Không có em lụa gấm nhạt phai
Ai đã chia người mãi xa người
Ai giết đi tình đang lứa đôi.

yfla.wrap("This multimedia content requires Flash version 9 and above.", "Upgrade Now.", "http:\/\/www.adobe.com\/shockwave\/download\/download.cgi?P1_Prod_Version=ShockwaveFlash", "
Get this widget | Track details | \t\teSnips Social DNA ");To view this multimedia content, please enable Javascript.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2007 và ...

1. Hội nhà văn VN trao 2 giải thưởng văn học 2007

"Tiểu thuyết "Và khi tro bụi" của nhà văn Việt kiều Đoàn Minh Phượng cùng tập thơ "Khúc hát trái tim" (nguyên tác Heart Songs) của nhà thơ thần đồng Mỹ Mattie J.T.Stepanek do Hữu Việt dịch được Hội nhà văn VN trao giải thưởng năm 2007."

Chúc mừng chị Đoàn Minh Phượng đã có được giải thưởng quan trọng nhất của văn học Việt Nam
trong năm. Tiểu thuyết của chị đoạt giải là rất xứng đáng!

2. Ba bài viết giới thiệu về Nobel Kinh tế năm nay bằng tiếng Việt.

Bài của GS. Trần Hữu Dũng

Bài của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, báo Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Bài của Dự Trần & Khoa Trần, nhóm Minh Biện (có bàn tới hiện tượng Vàng Anh)

3. Trên các blog có khá nhiều bài hay
Hai bài của bác Nghe chửa. Bác Nghe chửa bình luận đọc vừa hài hước, vừa thâm thúy.
Đêm xuân một khắc ngàn vàng
Sức sống văn hóa Việt?

Bài của bác Dong A bàn về "diễn biến hòa bình" và việc "giải Mỹ hóa". Bác Dong A là người có tư tưởng (theo tôi nghĩ) hơi bảo thủ nhưng rất đáng nể về tri thức, và sự kỹ lưỡng khi viết bài. Vấn đề bác đặt ra trong bài này cũng hay: đó là làm thế nào để "giải Mỹ hóa"? Nhưng có những câu hỏi khác cũng nên đặt ra là có cần thiết phải giải Mỹ hóa như một chính sách của nhà nước không? Nếu có thì sự "giải Mỹ hóa" đó là trên cơ sở chính trị hay văn hóa?

Diễn biến hòa bình.


4. AP và hàng loạt các báo nước ngoài đưa tin về vụ Thùy Linh. Bài của AP có nhiều nhận định rất sai lầm, và chỉ đề nhằm cũng cố định kiến có sẵn của phóng viên AP về xã hội Việt Nam (và các xã hội chưa Âu hóa triệt để khác). Nhưng blog tớ đã có hơi nhiều bài về Thùy Linh rồi (tới mức BBC Vietnamese để link blog mình là blog có nhiều bài liên quan tới vụ Vàng Anh- khiến một số bạn tưởng vào xem có link phim hay có chuyện "thâm cung bí sử" phải thất vọng) nên tớ cũng không muốn ném đá bài của AP (như bạn T khuyên) nữa.

Thursday, October 25, 2007

Entry for October 25, 2007

Quanh chuyện công an khởi tố 4 anh chị đưa video 16 phút của Thùy Linh lên mạng và đang điều tra hơn chục người liên quan.

Thử nghĩ về khía cạnh pháp luật của vụ việc. Công an khởi tố 4 sinh viên với tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, như vậy theo quan điểm của Công an thì video tự quay của Hoàng Thùy Linh và Vũ Hoàng Việt (suýt đánh nhầm tên mình – thế nào mà tên hai bạn này đều có hai chữ giống mình) là văn hóa phẩm đồi trụy.

Trong Bộ Luật hình sự có quy định tội sản xuất, tàng trữ và lưu truyền văn hóa phẩm đồi trụy. Và nếu như theo quan điểm của Công An Hà Nội rằng video Thùy Linh là văn hóa phẩm đồi trụy thì những người sản xuất băng này (Thùy Linh và Hoàng Việt) đều phạm tội cả. Chưa kể cả hai (nhất là Hoàng Việt) còn phạm tôi tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy (trên máy tính và trên điện thoại).

Vậy việc khởi tố 4 sinh viên này và bắt giữ hơn chục người, trong khi lại bỏ qua Thùy Linh và Hoàng Việt mà không có bất kỳ lý do gì được đưa ra có phải là hợp lý không?

Chỉ có một khả năng duy nhất cho phép khởi tố 4 sinh viên kia mà không khởi tố Thùy Linh/ Hoàng Việt và những người liên quan khác (Nguyễn Xuân Hiển, Tạ Quang Phú…) đó là khi phim nằm trong tay Thùy Linh, Hoàng Việt, Xuân Hiển, Quang Phú thì nó chưa phải là văn hóa phẩm đồi trụy nhưng khi nó lên trên Net thì nó mới thành đồi trụy. Nhưng lý do đó cũng thật ngớ ngẩn.

Để không khởi tố Hoàng Việt/Thùy Linh (cũng như trước kia không khởi tố Thanh Tòng/Yến Vy) về tội sản xuất tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy thì phải coi video Thùy Linh không phải là văn hóa phẩm đồi trụy và chỉ là sản phẩm có tính riêng tư. Nhưng nếu vậy thì việc các sinh viên kia đưa một sản phẩm có tính riêng tư của người khác lên trên Internet mà không có sự đồng ý của chủ nhân sẽ chỉ là một hành động xâm phạm quyền riêng tư người khác chứ không phạm tội hình sự. Thùy Linh/Hoàng Việt có thể kiện họ theo Luật dân sự chứ công an không có quyền bắt họ như là các tội phạm.

Như vậy, đứng ở góc độ nào thì việc công an Hà Nội khởi tố vụ án 4 người kia cũng là một việc làm đầy mâu thuẫn. Để xem sắp tới họ sẽ xử lý mâu thuẫn này ra sao?

Wednesday, October 24, 2007

Trong dòng sông của Heraclitus


Trong dòng sông của Heraclitus

Wisława Szymborska

Người dịch: Thái Linh


Trong dòng sông của Heraclitus
Con cá bắt cá
con cá cắt con cá bằng một con cá sắc
con cá xây con cá, con cá ở trong con cá
con cá chạy trốn khỏi con cá bị bao vây.

Trong dòng sông của Heraclitus
con cá yêu con cá
Đôi mắt em- nó nói- sáng như cá trên trời
Cùng em đến vùng biển chung tôi muốn được bơi
ôi, em xinh đẹp nhất trong đàn cá.

Trong dòng sông của Heraclitus
con cá nghĩ ra một con cá siêu cá
con cá quỳ gối trước con cá, con cá hát cho con cá nghe
cầu xin con cá để được bơi thật nhẹ.

Trong dòng sông của Heraclitus
tôi con cá độc đáo, tôi con cá khác biệt
(dẫu chỉ khác với cá cây hay cá đá)
Đôi khi tôi viết ra những con cá nhỏ
với lớp vẩy bạc long lanh, ngắn đến nỗi người ta cứ ngỡ
đó chỉ là bóng đêm đang bối rối chớp mi.

Nguyên tác ở đây: http://www.poezja.org/index.php?akcja=wierszeznanych&ude=60

Entry for October 24, 2007

Ngày 22/10 vừa rồi, tổng thống Pháp Sarkozy yêu cầu các trường học ở Pháp đọc cho học sinh bức thư gửi cho gia đình của Guy Môquet, liệt sĩ Cộng sản 17 tuổi, bị phát xít Đức xử tử trong thế chiến thứ Hai.


Quyết định này gây ra các phản ứng trái ngược nhau của dư luận. Về mặt cá nhân, tôi thấy đây là một quyết định vô lý. Nó phản ánh tâm lý bất ổn của nước Pháp trước lối sống “thiếu lý tưởng” của thế hệ trẻ. Hẳn nhiều người cũng biết các vụ lộn xộn ở khu ngoại ô và trong trường đại học ở nước Pháp trong vài năm qua. Sự bất bình của sinh viên với các chính sách giáo dục ở Pháp khiến nhiều người đã ví nước Pháp thời điểm hiện nay với nước Pháp năm 1968, khi phong trào phản kháng của sinh viên dữ dội nhất trong lịch sử nước này. Với việc yêu cầu các trường học đọc thư của Môquet, hẳn Sarkozy muốn khơi gợi trong thế hệ trẻ Pháp tinh thần yêu nước, và tinh thần trách nhiệm với đất nước. Cũng có những người cho rằng vị Tổng thống cánh hữu Sarkozy muốn lợi dụng hình ảnh một liệt sĩ cộng sản cho con đường chính trị của mình, bằng cách cải thiện hình ảnh mình trong mắt cánh tả và thanh niên Pháp. Nhưng dù động cơ thế nào thì việc áp dụng một biện pháp lỗi thời như thế trong trường học bằng một sắc lệnh của Tổng thống phải chăng là một sự can thiệp quá đáng và không cần thiết?. Sự hy sinh của người yêu nước Môquet là một điều thực sự có ý nghĩa với nước Pháp, nhưng bắt tất cả các trường phải đọc bức thư anh gửi riêng cho gia đình anh, bắt tất cả các học sinh phải nghe bức thư này của anh thì tôi nghĩ không phải là một việc hay.

Từ việc nước Pháp, thử nghĩ tới một kịch bản tương tự, khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu tất cả các trường phổ thông phải đọc một đoạn nào đó trong Nhật ký liệt sỹ Đặng Thùy Trâm cho học sinh nghe trong ngày khai giảng. Liệu việc đó có nên không? Tôi nghĩ là không nên. Thế hệ trẻ cần tiếp xúc với những ký ức của chiến tranh, những tấm gương của các liệt sĩ và những người yêu nước một cách tự nguyện, chứ không phải bị ép buộc. Tôi vẫn nghĩ là khi người ta sinh ra và lớn lên ở một mảnh đất nào đó thì lòng yêu nước cũng là một cái gì đó tự nhiên, và cái nhu cầu tự tìm hiểu bản thân mình và cộng đồng mình đang sống sẽ khiến người ta muốn biết hơn về quá khứ của dân tộc mình. Hiện tượng nhật ký Đặng Thùy Trâm trở thành best-seller lớn nhất từ trước tới nay cũng cho thấy điều này. Biến nó thành một cái gì đó mang tính nghĩa vụ, hay một công cụ tuyên truyền sẽ là điều gì đó hạ thấp ý nghĩa sự hy sinh của các liệt sỹ.

Trở lại với Guy Môquet, từ blog bác Dong A (và link tới báo Diễn Đàn), tôi được biết trong số 26 người bị phát xít Đức xử bắn cùng với Guy Môquet có một người Việt Nam có tên là Huỳnh Khương An. Cũng như Guy Môquet, Huỳnh Khương An là đảng viên đảng Cộng sản Pháp và là một người yêu nước. Nhưng bất hạnh hơn Guy Môquet, Huỳnh Khương An không được chết cho Tổ quốc của mình. Huỳnh Khương An chết vì anh là cộng sản và chống phát xít. Nhưng tôi tin là cũng như hầu hết những người cộng sản Việt Nam giai đoạn đó, lòng yêu nước đã đưa anh tới với chủ nghĩa cộng sản. Cũng như Guy Môquet, trước khi chết, anh có gửi bức thư tới những người thân yêu của mình. Nội dung bức thư anh gửi cho vợ mình như sau:

« Hãy can đảm lên, em yêu của anh. Đây chắc là lần cuối cùng anh viết cho em. Ngày hôm nay, anh sẽ lìa đời. Anh và các bạn, khoảng hai mươi đồng chí, đang bị tạm giam trong một gian nhà trống, sẵn sàng hy sinh trong tư thế dũng cảm và nhân cách. Em sẽ không hổ thẹn vì anh. Em sẽ cần rất nhiều dũng cảm để sống, nhiều hơn là anh cần để chết. Nhưng nhất định em phải sống. Bởi vì con, đứa con trai bé nhỏ của chúng ta ; khi nào gặp lại con, em hãy hôn nó cho anh, thật chặt. Từ nay, em phải sống bằng kỉ niệm, những kỉ niệm tươi đẹp của chúng ta, năm năm trời hạnh phúc ta đã sống với nhau. Vĩnh biệt, em yêu ».


Còn đây là bức thư của Guy Môchet (bản dịch tiếng Anh):

“My darling Mummy, my adored brother, my much loved Daddy, I am going to die! What I ask of you, especially you Mummy, is to be brave. I am, and I want to be, as brave as all those who have gone before me. Of course, I would have preferred to live. But what I wish with all my heart is that my death serves a purpose. I didn’t have time to embrace Jean. I embraced my two brothers Roger and Rino. As for my real brother, I cannot embrace him, alas! I hope all my clothes will be sent back to you. They might be of use to Serge, I trust he will be proud to wear them one day. To you, my Daddy to whom I have given many worries, as well as to my Mummy, I say goodbye for the last time. Know that I did my best to follow the path that you laid out for me. A last adieu to all my friends, to my brother whom I love very much. May he study hard to become a man later on. Seventeen and a half years, my life has been short, I have no regrets, if only that of leaving you all. I am going to die with Tintin, Michels. Mummy, what I ask you, what I want you to promise me, is to be brave and to overcome your sorrow. I cannot put any more. I am leaving you all, Mummy, Serge, Daddy, I embrace you with all my child’s heart. Be brave! Your Guy who loves you.”

Tuesday, October 23, 2007

Entry for October 23, 2007

Đôi bờ

Quang Dũng


Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai ?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ ta chăng ?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh đất Tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm nay sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau

Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?

Entry for October 23, 2007

Hãy thừa nhận đi, bạn ghét nghệ thuật đương đại!

Bài viết này cực đoan khi cho nghệ thuật đương đại là đồ rởm. Vietimes dịch khá trôi chảy nhưng lại không ghi tên tác giả và tên nguồn là một điều khó chấp nhận.


Sau chiến dịch tấn công các nhà xuất bản và biên tập viên, Vietimes đang mở chiến dịch đòi đóng cửa tất cả các trung tâm môi giới hôn nhân. Tuy nhiên, chỉ kêu gọi như thế thì có ích gì, cái chính là phải đưa ra giải pháp vì nếu cấm các trung tâm môi giới thì sẽ có các trung tâm môi giới chui thôi.

Giải pháp nào để ngăn chặn blog đen, blog bẩn?

Bài xã luận này của VNN rất chuối, câu cú lủng củng và còn sai về ngữ pháp (xã luận của một tờ báo lớn mà như thế thì hơi tệ).

Xã luận này nêu lập trường của VNN về việc “nhà báo viết blog”:

“Bạn đọc Báo Thanh niên còn phản ánh một số nhà báo đã biến blog thành một công cụ báo chí (viết bài bình luận chính trị, xuyên tạc tùy tiện về công việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, về đời tư của các chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân và công dân, đồng thời tìm cách quảng bá, tập hợp, thu hút bạn đọc với số lượng lớn).”


Và đoạn dưới đòi các nhà báo, nhà văn viết blog phải công khai tên:

“Phải chăng để công khai nhận trách nhiệm, trước hết, các nhà báo, nhà văn, những người được quần chúng mến mộ làm blog nên công khai danh tính như các blog của: Dương Trung Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Kim Hạnh, Vũ Mạnh Cường; Nguyễn Thế Thịnh…”


Nếu tớ không lầm thì có không ít phóng viên VNN viết blog và nhiều người cũng không để tên mình trong profile (như hầu hết các blogger khác, công nhận mình ngoan, không phải nhà báo mà cũng công khai danh tính). Thêm nữa, nếu chính xác thì blog của anh Vũ Mạnh Cường có tên là VMC và của ông Dương Trung Quốc có tên là Quốc Xưa Nay, tức là nó không khác gì blog của Huy Đức lấy tên là Osin hay của Đức Hiển với tên Bố Cu Hưng mà Thanh Niên (và giờ là VNN) ngầm phê phán.

Với lại việc các nhà báo biến blog thành công cụ báo chí thì có làm sao??? Chẳng nhẽ là nhà báo thì không có quyền được viết bài trên blog của mình như là một bài báo? Còn việc VNN kết luận một số nhà báo nào đó viết “xuyên tạc” thì cần có dẫn chứng cụ thể vì nói như thế cũng rất có thể là vu khống.


Nói chung về tờ VNN này tớ thấy rất lộn xộn: các tư tưởng cấp tiến, bảo thủ chen chúc nhau, chẳng biết tờ này có định hướng thực sự là gì? Làm báo nghiêm túc hay lá cải, cấp tiến hay phản cấp tiến? Chẳng hạn hôm trước báo này vừa đăng nguyên xi bài của VTV với bài của Đức Hiển kêu gọi đùm bọc thương yêu Vàng Anh thì hôm sau lại đăng mấy bài mắng mỏ chương trình trên VTV về Vàng Anh và cảnh báo suy đồi đạo đức…Chất lượng các bài viết cũng thế, có bài hay, có bài như rác thải (nhưng người Việt được cái cũng yêu rác, gần đây cũng nhập về vô khối rác từ nước ngoài).

Vai trò lập pháp của chính phủ?

Bài này của Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chính phủ cần đảm nhiệm công việc soạn thảo luật còn Quốc hội thì chỉ thẩm định luật thôi. Nhưng như thế thì làm sao có thể coi Quốc hội là cơ quan lập pháp được nhỉ? Các lập luận của ông Dũng có nhiều điểm không chặt chẽ lắm (nhất là ở luận điểm đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân nên không nên soạn luật!) nhưng thôi, có vặn lại cũng chẳng để làm gì. Có điều không thấy ông Dũng nêu kinh nghiệm các nước khác xem ở nước ngoài thì có những nơi nào Chính phủ đảm nhiệm vai trò soạn luật và nơi nào thì vai trò đó là của Quốc hội. Ở Việt Nam, các văn bản dưới luật đều do Chính phủ soạn thảo và các văn bản này chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống kinh tế-xã hội. Nếu các luật cũng do Chính phủ soạn tiếp nữa thì có gì đảm bảo được rằng Quốc hội không gì khác ngoài Quốc hội gật? Vai trò đại diện cho nhân dân rốt cục chỉ dừng lại ở việc một năm đôi ba bận vặn vẹo mấy ông bộ trưởng dăm câu ba điều thôi sao? Mà nếu thế thì cũng nên sửa, không gọi Quốc hội là cơ quan lập pháp mà phải gọi Quốc hội là cơ quan thẩm định pháp thôi.


Có thể vào thời điểm hiện nay và với cơ cấu Quốc hội như hiện nay thì khả năng lập pháp của Quốc hội còn yếu, nhưng cần thấy đó là một hướng đi phù hợp, tránh việc để toàn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều rơi vào tay một nhánh chính quyền duy nhất là Chính phủ (hiện nay lãnh đạo các cơ quan tư pháp cũng đều là thành viên của Chính phủ tức là cũng ở dưới quyền hành pháp).

Tớ nghĩ Quốc hội nên gia tăng số đại biểu chuyên trách và tăng cường vai trò của các tiểu ban trực thuộc Quốc hội như các cơ quan soạn thảo luật. Tất nhiên vai trò soạn thảo luật này có thể có sự tham gia của các nhân sự trực thuộc Chính phủ (trong các ban soạn thảo luật của Quốc hội) nhưng Quốc hội vẫn cần nắm vai trò đầu mối và chịu trách nhiệm.

Monday, October 22, 2007

Tiếng Việt - chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán


Bài của Hà Văn Thùy, đọc trên blog bạn grass.
Bài gốc ở đây.
Bài này có khá nhiều vấn đề với các lập luận gây nhầm lẫn. Tác giả khẳng định tiếng Việt là chủ thể tạo ra ngôn ngữ Hán. Cần hiểu tiếng Việt ở đây là tiếng Việt cổ.
Nhiều nhận định trong bài của ông Thùy không nêu rõ nguồn hoặc dựa trên các nguồn có độ tin cậy thấp, và đa số chỉ là võ đoán.
Ví dụ ông nhận định về nguồn gốc của dân tộc Việt
” Những thành tựu mới nhất và đáng tin cậy của công nghệ gene xác nhận rằng, người hiện đại Homo sapiens từ Trung Đông đã theo con đường phương nam tới Việt Nam vào khoảng 60-70.000 năm trước. Nghỉ lại đây trong vòng 10.000 năm, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hoà huyết tạo ra dân cư Đông Nam Á, là các chủng Indonesien, Melanesia, Vedoid, Negritoid. Khoảng 40.000 năm trước, người từ Đông Nam Á đi lên khai phá đất Trung Hoa (2). Cho đến thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Đông Nam Á Bách Việt có nhân số khoảng 54% nhân loại, chiếm lĩnh toàn vùng duyên hải Đông Á và xây dựng nền văn minh lúa nước tiến bộ nhất thế giới. (3) “



Link nguồn (3) là không đáng tin cậy. Link (2) tớ thấy ở đây

Nếu đọc link này thì thấy nhóm tác giả đưa ra các kết luận sau:
- Người Đông Á có xuất phát từ người hiện đại ở châu Phi (theo tớ hiểu tức là nhóm homosapien di cư từ khoảng 50-60.000 năm trước chứ không phải là con cháu của người Asiatic gồm hóa thạch người vượn Bắc Kinh)
- Người Nam Trung Quốc có thể là con cháu của người Đông Nam Á (cư trú ở Đông Dương và Thái Lan hiện nay). Rất có thể một bộ phận người Bắc Trung Quốc cũng là con cháu nhóm người di cư từ Đông Nam Á.

Trong bài không thấy tác giả nêu ra các số năm cụ thể như bài của ông Thùy.

Ở đoạn dưới ông Thùy đánh đồng gọi tất cả các sắc dân Đông Nam Á sinh sống ở Đông Nam Á và ở nam Trung Quốc là Bách Việt hay Việt. Ví dụ trong đoạn này

“Khoảng 2600 năm TCN, những bộ lạc Mongoloid từ Tây Bắc Trung Quốc tràn qua Hoàng Hà xâm chiếm đất đai của người Bách Việt. Một bộ phận Bách Việt bị dồn xuống phía nam sông Dương Tử. Sau đó do bị lấn chiếm tiếp, đã trở lại Việt Nam và Đông Nam Á, lập nên nhà nước Văn Lang và các nước trong khu vực: Lào, Thái, Campuchea, Mianma, Mã Lai, Indonesia…”



Tên Bách Việt chỉ được người Trung Quốc sử dụng trong thời Chiến Quốc (khoảng thế kỷ 6-3 TCN) để chỉ tập hợp các bộ lạc- quốc gia cư trú ở phía Nam sông Dương Tử. Ông Thùy sử dụng cái tên được dùng vào giai đoạn sau để chỉ tất cả các cư dân Austro-Asiatic như thế thì không thỏa đáng. Với cách gọi này của ông Thùy thì tất cả cư dân Đông Nam Á như người Thái Lan, người Indonesia, người Malaysia cho tới người Hmong, Tày, Dao, Nùng đều là người Việt hết. Cũng cần nói là từ Bách Việt chỉ là một từ phiếm chỉ (= một đống bộ lạc Việt) và từ Việt cũng tương tự các từ Hồ, Di, Địch mà người Trung Quốc gọi để phân biệt dân “man di” với họ (Tương tự, người La Mã xưa gọi những người sinh sống ở Anh là Celt mà chẳng cần biết người Celt có gì giống nhau không.) Cái tên chung đó không có nghĩa là Bách Việt có sự thống nhất về mặt chủng tộc hay ngôn ngữ. Các dân tộc con cháu của Bách Việt đã nói bằng nhiều thứ tiếng thuộc các họ khác nhau: người Việt, Khmer, Mon nói tiếng Mon-Khmer thuộc họ Austro-Asiastic, người Thái nói tiếng Thái thuộc họ Tai-Kadan và người Hmong nói tiếng thuộc họ Hmong-Mien. Không biết ông Thùy nói tiếng Việt là chủ thể của tiếng Hán là muốn nhắc tới tiếng Việt nào trong các thứ tiếng “Việt” cổ kia?

Ở đoạn dưới, ông Thùy cũng hoàn toàn tự luận trong việc phong cho người Lạc Việt là lãnh đạo cộng đồng Bách Việt khi viết “Là tộc người giữ vị trí lãnh đạo cộng đồng Bách Việt nông nghiệp về xã hội và ngôn ngữ, người Lạc Việt có vốn ngôn ngữ phong phú vượt trội so với người thiểu số Hán Mông Cổ”. Ngay cả tới thời Hán, người Bách Việt vẫn còn rất nhiều vương quốc độc lập, nổi bật trong số đó là Nam Việt, Mân Việt, Đông Âu, Tây Âu…chứ không có chuyện người Lạc Việt lãnh đạo cộng đồng Bách Việt trong khi Bách Việt sinh sống trên một địa bàn rộng lớn như vậy - chỉ trừ trong huyền thoại Lạc Long Quân thì mới có chuyện Lạc Long Quân làm vua cả xứ Xích Quỷ, kéo dài từ hồ Động Đình cho tới tỉnh Thanh Hóa. Nếu ông Thùy chứng minh được là có một ông Lạc Long Quân thật làm vua nước Xích Quỷ thật thì thôi, chẳng cần phải sử dụng bằng chứng genes với Kinh Thi, Kinh Dịch ra làm gì nữa.

Thêm nữa, sự tiếp xúc sớm nhất giữa người Lạc Việt với người Hán chỉ có thể xảy ra vào thời Tần, tức là sau thời Khổng Tử biên soạn, san định Thi, Thư, Dịch mà ông Thùy lấy làm ví dụ cho sự ảnh hưởng của tiếng Việt tới tiếng Hán chừng hơn 400 năm. Tất nhiên, ông Thùy cũng có thể kể chuyện sứ giả Việt Thường dâng chim trĩ thời Chu và cứ giả thiết là Việt Thường chính là Văn Lang thì cũng khó có chuyện ông sứ giả dâng chim trĩ, không biết nói tiếng Tàu ấy lại có ảnh hưởng sâu rộng tới ngôn ngữ Hán như thế.


Tiếp đó, ông Thùy Ä‘Æ°a ra má»™t số ví dụ trong văn tịch cổ chữ Hán có dùng cấu trúc ngữ pháp tÆ°Æ¡ng tá»± tiếng Việt (chính trÆ°á»›c phụ sau- ví dụ nói Thần Nông, chứ không phải Nông Thần, Nữ Oa chứ không phải Oa Nữ). Từ các ví dụ này ông kết luận chữ Hán mượn từ chữ Việt cổ. Tôi không biết chữ Hán nên không dám bàn. NhÆ°ng tôi nghÄ© trong quá trình giao thoa thì các ngôn ngữ vẫn có sá»± cọ sát, vay mượn của nhau, thế thì việc tiếng Hán (thuá»™c họ Hán- Tạng) mượn má»™t số từ ngữ từ tiếng của các ngôn ngữ khác cÅ©ng không có gì là lạ. Chỉ có Ä‘iều đừng gọi đó là tiếng Việt và coi đó là di sản của người Lạc Việt. Ở Trung Quốc hiện nay ngoài tiếng Quan thoại còn có tiếng Ngô, tiếng Quảng, tiếng tiếng Tiều được cho là di sản của người Bách Việt khi xÆ°a (bao gồm các vÆ°Æ¡ng quốc Ngô, Việt và các nÆ°á»›c khác). Các thứ tiếng này tuy hiện nay được xếp vào nhóm Hán- Tạng nhÆ°ng có ráº
¥t nhiều khác biệt so vá»›i tiếng Quan Thoại và được cho là xuất phát từ tiếng bản xứ các vùng này (địa bàn các quốc gia Ngô, Nam Việt, Mân Việt thời cổ đại). Vá»›i tiếng Quảng (Cantonese), người Trung Quốc còn gọi là tiếng Việt do coi đây là tiếng của nÆ°á»›c Nam Việt khi xÆ°a. Nếu người Hán có mượn thì là mượn của các thứ tiếng nguyên thủy tiền thân của các ngôn ngữ này, chứ không phải là của tiếng Việt. Và ngược lại, các ngôn ngữ đó cÅ©ng vay mượn lại chữ Hán và trở thành tiếng Ngô, Quảng, Tiều hiện đại (chính vì sá»± vay mượn đó mà các ngôn ngữ này giờ đây được xếp vào nhóm Hán-Tạng trong khi tiếng Việt Nam vẫn ở nhóm Mon-Khmer).

Việc người Hán thời cổ đại mượn phần nào tiếng hay cả huyền thoại của các dân tộc phương Nam (Sở, Ngô, Việt…) trong quá trình giao thoa văn hóa là hoàn toàn có thể. Nhất là trong lĩnh vực huyền thoại, các huyền thoại như Thần Nông hay Nữ Oa đúng là dễ mang dấu ấn của người phương Nam trồng lúa nước và chịu ảnh hưởng nhiều của mẫu hệ hơn là người Hán-Tạng phương Bắc du mục và theo chế độ phụ hệ triệt để. Nhưng không vì thế mà đánh đồng rằng đó là tiếng Việt, với một sự ngầm hiểu (sai lầm) rằng các dân tộc Bách Việt là một thể thống nhất, dùng chung một thứ tiếng và có đời sống cộng đồng chung. Với cách lập luận của ông Thùy thì chúng ta hoàn toàn có thể thay câu “Tiếng Việt - chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán” bằng câu “Tiếng Indonesia- chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán” hay “Tiếng Khmer-- chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán” mà chẳng hề hấn gì.

PS:

Lại nói về chủ nghĩa sôvanh văn hóa. Có lần tớ thử search về dân tộc Chăm, thấy có link trang web của một bạn người Chăm đang làm nghiên cứu sinh ở Úc. Trong link đó, bạn ấy viết về lịch sử người Chăm và đặt nghi vấn về một tộc người có tên là Cham people ở …Albania là có phải là người Chăm hay không. Quả là một sự ngây thơ hay duy ý chí quá mức khi mà chỉ cần bằng vài động tác google, bạn đó lẽ ra có thể xác định được ngay rằng cái tên Cham cho tộc thiểu số ở Albania đó chỉ là một sự trùng hợp tình cờ và không có bất cứ liên hệ nào giữa người Cham ở Albania và người Chăm ở Việt Nam, Campuchia cả. Xem ra trong trường hợp này thì trí tưởng tượng của bạn NCS người Chăm đó còn bay cao, bay xa hơn ông Hà Văn Thùy và nhiều người cùng chí hướng.

Entry for October 22, 2007

1. Bài này của bạn Felix về một bộ phim tài liệu của Trung Quốc về một cuộc bầu cử lớp trưởng trong một trường tiểu học.
Nhớ hồi xưa xem Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên cũng có chuyện trẻ em tranh cử lớp trưởng.
Thực hành dân chủ

2. Trên Vnthuquan đã có bản dịch cuốn Điệp viên hoàn hảo rồi, nhanh thật! Nhưng bản dịch này có vẻ mắc nhiều lỗi như bác Nghe chửa chỉ ra trên blog.


3. “Dân chủ”- Không có nghĩa là mọi thứ đều được phép làm!

Sao mình dị ứng với cái từ “cộng đồng blog” hiện nay rất hay được nhắc tới trên báo chí thế? Tại sao lại cứ phải là “cộng đồng”? Cách gọi đó tạo ra ấn tượng như thể blog là một thứ cộng đồng, có ý chí, nguyện vọng chung. Tại sao không gọi cộng đồng website Việt Nam, cộng đồng email Việt, cộng đồng Internet Việt, cộng đồng báo mạng Việt mà lại cứ “cộng đồng blog”? Có phải đó là một cách tư duy theo truyền thống làng xã?

Trong bài này tác giả viết “Australia có phố Kingcross ở Sydney và Mỹ có phố 42 ở New York ( tất nhiên khu phố 42 bây giờ đã khác xưa ). Trên những con phố này là một thế giới làm không ít người mới đến sợ hãi. Ai đã đến hai con phố nói trên sẽ thấy ở đó là những cửa hiệu bán tạp chí, băng đĩa và dụng cụ tình dục, những khu múa thóat y, những cô gái bán dâm, tụ điểm mua bán ma tuý, cửa hàng hoa tươi, cửa hàng bán quần áo và đồ lưu niệm, các cửa hàng sách, các nghệ sĩ không chuyên chơi nhạc, các hoạ sĩ đứng vẽ, các linh mục giảng kinh, các thành viên của những đảng phái khác nhau phát tờ rơi tuyên truyền cho một chiến dịch nào đó…Nghĩa là trong hai khu phố này có tất cả những gì của một thế giới thu nhỏ.”

Tớ không biết gì về phố 42, nhưng ở Mỹ, mại dâm và ma túy đều là phạm pháp và duy nhất chỉ có Las Vegas là cho phép một cách hạn chế hoạt động mại dâm có quản lý. Hơn nữa, ví dụ này của tác giả để so sánh với blog là một sự khập khiễng. Blog không phải là chỗ để “xả” và đứng ngoài pháp luật như tác giả ngầm so sánh.

Một điểm nữa mà tớ để ý thấy là hầu hết các bài báo viết về blog đều đứng trên lập trường của những người muốn quản lý blog. Những câu hỏi mà các báo đặt ra như Quản lý blog- nên hay không hay Quản lý blog như thế nào đều là các câu hỏi mà chính quyền phải trả lời. Việc này thể hiện một tư duy ngầm là báo chí là tiếng nói của chính quyền, hay báo chí đặt ra các vấn đề để chính quyền giải quyết, tức là rất authority-oriented.

Nhận xét thêm là bài báo này trên Vietimes rất lộn xộn, giữa tiêu đề và nội dung chẳng ăn nhập gì với nhau.


Entry for October 22, 2007

Bài này trong phim Fallen Angels (người khác hát)

Yazoo Only You


Looking from a window above is
like a story of love
can you hear me?
Came back only yesterday
we're moving father away
want you near me?
All I needed was the love you gave
all I needed for another day

And all I ever knew - only you.

Sometimes when I think of her name
when it's only a game
and I need you
Listen to the words that you say
it's getting harder to stay when I see you.
All I needed was the love you gave
all I needed for another day
All I needed was the love you gave
all I needed for another day

This is gonna take a long time
and I wonder what's mine can
you take no more
Wonder if you'll understand

It's just the touch of your hand
behind the closed door.
All I needed was the love you gave
all I needed for another day

yfla.wrap("This multimedia content requires Flash version 9 and above.", "Upgrade Now.", "http:\/\/www.adobe.com\/shockwave\/download\/download.cgi?P1_Prod_Version=ShockwaveFlash", "");To view this multimedia content, please enable Javascript.

Linh tinh

Lâu lắm mới lại xem phim, dạo này khó cảm thấy đủ kiên nhẫn để xem liên tục hết một bộ phim.

Xem Fallen Angels của Vương Gia Vệ, rất thích nhạc và không khí trong phim. Phim này có thể coi là phần kế của Chungking Express. Nhưng Chungking Express nhẹ nhàng hơn, còn phim này buồn và khi xem có cảm giác mất mát. Như vậy là cũng đã xem gần hết phim của ông này, chỉ còn cái Happy Together (về gay nên không hứng xem lắm) và phim mới ra My Bluberry Nights.


Xem Ratatouille, không thấy thực sự thích như nhiều người, mặc dù đúng là hình ảnh đẹp và nội dung sáng tạo. Nhưng mình vốn ghét và sợ chuột nên vẫn cảm thấy hơi kinh kinh khi xem cả đàn chuột lổm ngổm trong hang hay trong bếp. Nội dung thì vẫn quanh quanh giống như bài hát của Backstreet Boys: I don’t care who you are, what you do, where you’re from, as long as...you can cook.

Xem phim này tự nhiên lại nhớ tới ông già James Watson từng được giải Nobel về công trình phát hiện ra cấu trúc vòng xoắn của DNA, mấy hôm trước phát biểu là bi quan về tương lai châu Phi vì các kiểm tra trí tuệ đều cho thấy họ khác người da trắng. Ông này cũng từng có các phát biểu bạt mạng không kém trong quá khứ như cho là phụ nữ có quyền phá thai nếu tìm thấy là thai nhi có mang gene của người đồng tính, hay cho là người da đen và da sẫm màu thì có nhu cầu tình dục mạnh mẽ hơn người da trắng. Ông ta cũng có vẻ là người theo thuyết Darwin cực đoan khi cho rằng genes quyết định tất, ví dụ cho rằng sự ngốc nghếch cũng là do genes.

Tất nhiên là với những phát biểu này thì ông ta bị phê phán mạnh mẽ. Nhưng chắc rằng trong số những người phê phán ông ta như thế, không ít người cũng có ý nghĩ tương tự. Nhà nhân chủng học Jared Diamond từng nhận xét là đa số người phương Tây tuy không nói ra nhưng đều ngầm cho rằng họ thông minh hơn các sắc tộc khác. Chỉ có điều là sau khi các học thuyết giả-khoa học cho rằng người da trắng và cụ thể nữa là người Aryan ưu việt hơn các dân tộc khác đã được sử dụng làm cơ sở cho chủ nghĩa quốc xã thì giờ đây những phát biểu như của James Watson đều bị coi là phân biệt chủng tộc.

Cũng nói về IQ có một công trình của một nhóm tác giả Mỹ về IQ của các sắc tộc, được xuất bản khoảng 20 năm trước trong một cuốn sách dày gần 1000 trang có tên là The Bell Curve. Theo The Bell Curve, chỉ số IQ được đo lường của các sắc dân ở Mỹ theo thứ tự từ cao xuống thấp là người gốc Á, người da trắng Caucasian, người gốc Hispanic và cuối cùng là người da đen. Cũng chú ý là thứ tự này tương tự như kết quả thi SAT của học sinh cuối cấp 3 ở Mỹ, và cũng tương tự như thang bậc thu nhập trung bình của các sắc dân ở Mỹ. Nghiên cứu này cũng bị nhiều nhà nghiên cứu cho là giả khoa học. Nổi tiếng nhất trong số những người phê bình The Bell Curve là nhà cổ sinh học Stephen Jay Gould- ông này đã viết hẳn một cuốn sách (được giải thưởng Pulitzer). Nhiều nghiên cứu đã bác bỏ kết quả của nhóm The Bell Curve, chẳng hạn như có nghiên cứu cho thấy khoảng cách giữa IQ của người da đen và da trắng đã thu hẹp rất lớn trong thế kỷ 20 và không còn khác nhau nữa, sau khi đã loại trừ các yếu tố môi trường xã hội. Hoặc có nhà bình luận nhận định rằng nếu như ngày nay, người Do Thái đạt được kết quả rất cao trong các test về độ thông minh thì hồi đầu thế kỷ 20, khi họ mới sang Mỹ, các kết quả của họ lại thấp hơn đáng kể so với người Mỹ bản xứ.

Cũng về IQ còn có một cuốn sách của hai giáo sư về tâm lý học và chính trị học, tìm tương quan giữa IQ và các quốc gia. Các kết quả cũng bị nhiều người phê phán là thiếu vững chắc về mặt khoa học. Theo nghiên cứu này thì dẫn đầu IQ là 4 lãnh thổ Đông Á: Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Nước Mỹ chỉ đứng thứ 23 trong 81 nước (Anh thứ 15 và Pháp 21). Trong 16 nước cuối bảng thì 15 nước thuộc châu Phi.

Tuy nhiên cần chú ý là IQ không chỉ phụ thuộc vào genes mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố văn hóa- tâm lý-xã hội khác, kể cả động lực của người được điều tra. Người điều tra cũng sẽ dễ tìm cách khiến mình phù hợp vào cái stereotype về họ hơn. Như thế, một người Do Thái hay một người Á Đông có thể sẽ nỗ lực khi làm các test này hơn một người da đen. Với một người da đen thì việc thành công trên sân bóng rổ hay football sẽ có nhiều ý nghĩa với họ và đạt được sự ghi nhận của cộng đồng họ nhiều hơn là thành công trong lớp học.

Có một thí nghiệm nho nhỏ của một cô giáo tiểu học ở một trường tiểu học toàn da trắng thời kỳ phong trào dân quyền những năm 60 ở bang Indiana, Mỹ như thế này: tại lớp học, cô giáo chia học sinh thành hai nhóm, nhóm mắt xanh và nhóm mắt nâu. Cô giáo bảo với học sinh là những người mắt xanh có khả năng trí tuệ cao hơn và dành những ưu tiên cho nhóm này. Kết quả là nhóm mắt xanh trở thành nhóm áp đảo, và các trẻ em mắt xanh có nhiều hành động bắt nạt các bạn mắt nâu. Đồng thời kết quả học và khả năng nhận thức của nhóm mắt xanh cũng khá hơn so với nhóm mắt nâu. Sau một thời gian ngắn, cô giáo lại đổi vị trí hai nhóm này bằng cách nói ngược lại là trẻ em mắt nâu mới thực sự là ưu việt hơn trẻ mắt xanh. Và vai trò hai nhóm lại đổi ngược, nhóm mắt nâu trở thành nhóm được ưu tiên, áp chế ngược lại, bắt nạt nhóm mắt xanh và đạt được các kết quả học tập tốt hơn nhóm mắt xanh. Cũng cần nhớ là màu mắt từng được coi là một cơ sở cho chính sách
chủng tộc của Đức quốc xã: trong các trại tập trung, những người có mắt nâu thường bị đối xử nghiệt ngã và dễ bị giết hơn người mắt xanh.

Đang đọc cuốn Lucifer’s Effect của Phil Zimbardo về thí nghiệm nhà tù Stanford do Zimbardo tiến hành. Thí nghiệm này rất thú vị (nhưng cũng rất gần với khả năng phi đạo đức trong thí nghiệm) về sự tha hóa của con người trong điều kiện nhà tù. Một cậu sinh viên 18 tuổi xuất thân trong một gia đình trí thức trở thành một thứ hung thần trong nhà tù thí nghiệm với biệt danh “John Wayne”. Nhưng trong số tù nhân cũng có những người vẫn giữ được phẩm chất của mình khi bị hạ nhục với cách ứng phó theo tinh thần Ghandi. Thí nghiệm này có tính hiện thực rất cao, nhưng cũng phải nói là nó có nhiều hạn chế, do khả năng can thiệp vào hướng kết quả của người làm thí nghiệm (vai trò của Zimbardo không phải là trung tính, khách quan khi ông vừa là người quan sát vừa là “Chúa ngục”. Bản thân ông cũng trải qua quá trình biến đổi tâm lý và tính cách trong cái môi trường nhà tù đó). Những hạn chế này có lẽ cũng là hạn chế chung của khá nhiều thí nghiệm tâm lý xã hội, nhất là khi chúng được dùng để khẳng định một luận điểm đã được nghĩ tới từ trước. Tuy nhiên, với giả thuyết rằng đây là một nhà tù khắc nghiệt, Giám đốc nhà tù thiếu trách nhiệm và các cai tù được trông đợi là phải cứng rắn với tù nhân thì những tình huống xảy ra rất có tính hiện thực (và dự báo). Tóm lại là nhà tù thật là kinh khủng (hình như Foucalt có viết gì đó về nhà tù, để lúc nào đọc xem sao). Còn bản chất con người? Trong thí nghiệm của Zimbardo, các cai ngục và tù nhân được chọn ngẫu nhiên từ một số sinh viên. Nhưng hành vi của họ nhanh chóng được định hình bởi vai trò họ đảm nhận. Giống như Bob Dylan từng viết trong một bài hát của ông:
“Sometimes I think this whole world
Is one big prison yard.
Some of us are prisoners
The rest of us are guards.”

Giữ được nhân phẩm và lòng nhân đạo trong điều kiện nhà tù (hay những cái tương tự thế), dù là ở vị trí kẻ áp bức hay người bị áp bức đều khó cả.


- Blog public và nhiều người đọc có một hạn chế là khó viết được cái gì riêng tư, hay chỉ cho một ít bạn bè đọc. Blog mình càng ngày càng có dấu hiệu giống báo tường. Hay bắt chước bạn Phanxine (và bạn Lilia) thỉnh thoảng đóng blog lại?.

PS: Có bài này có vẻ hay hay "Language Is a Human Instinct"

Sunday, October 21, 2007

Entry for October 21, 2007

Cho một buổi chiều buồn ngủ

I like Chopin

Gazebo

Remember that piano
So delightful unusual
That classic sensation
Sentimental confusion

Used to say
I like Chopin
Love me now and again

Rainy days never say goodbye
To desire when we are together
Rainy days growing in your eyes
Tell me where's my way

Imagine your face
In a sunshine reflection
A vision of blue skies
Forever distractions

Used to say
I like Chopin
Love me now and again

Rainy days never say goodbye
To desire when we are together
Rainy days growing in your eyes
Tell me where's my way


yfla.wrap("This multimedia content requires Flash version 9 and above.", "Upgrade Now.", "http:\/\/www.adobe.com\/shockwave\/download\/download.cgi?P1_Prod_Version=ShockwaveFlash", "
Get this widget | Track details | \t\teSnips Social DNA ");To view this multimedia content, please enable Javascript.

Saturday, October 20, 2007

Người Việt duy tình?

Bài phỏng vấn này của ông Vương Trí Nhàn hay. Ông Vương Trí Nhàn vẫn luôn sắc sảo, thẳng thắn và rành mạch trong tư duy. Nói chung tớ đồng ý với hầu hết những gì ông nói.

Trong một post về vụ Vàng Anh trên blog bạn Paris by 9, một bạn phóng viên của báo Tuổi trẻ có nói rằng khác với phương Tây, nơi báo chí thường duy lý, báo chí Việt Nam cần phải duy tình. Tớ phản đối quan điểm đó và cho rằng báo chí Việt Nam về cơ bản chả duy gì cả (và có một số thì duy những cái không trong sáng lắm), nhưng cái báo chí Việt Nam rất thiếu, đó là một sự duy lý lành mạnh, thực chất cũng không có gì khác ngoài việc đó là một thái độ làm việc chuyên nghiệp, dựa trên lý trí, và lấy khách thể làm trung tâm. Theo ông Nhàn, cái thái độ của người Việt được gọi là “duy tình” ấy chẳng qua chỉ thể hiện sự bồng bột và thói quen tư duy bằng xúc cảm nhất thời.

Trích một đoạn ông Nhàn nói về sự kém duy lý và kém duy ý chí của người Việt “Cả sự kém duy lý (vận dụng đến cùng trí tuệ) và kém duy ý chí (sự thôi thúc của tham vọng) đều góp phần kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Kém lý trí dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình rút lại là đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, nhất là trong xã hội hiện đại.”

Nhìn vào vụ Vàng Anh và cách ứng xử từ báo chí cho tới xã hội, chúng ta thấy rất rõ vấn

đề này trong cách tư duy của người Việt khi họ để xúc cảm lấn át quá nhiều tới tư duy. Trong những bài báo hỷ nộ ái ố của các tờ báo về vụ này mà tớ đọc, chỉ thấy duy nhất có bài báo của Huy Đức và Trần Lệ Thùy là vượt ra được những xúc cảm dù là yêu hay ghét, bênh hay chống, để bình luận với một khoảng cách cần thiết như là về một hiện tượng trong đời sống văn hóa. Và không chỉ trong báo chí, nếu đọc trên các blog chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều phán xét hay tranh luận về đạo đức.

Một đoạn khác ông Nhàn nói về tính cách của người Việt:


“Người Việt ít đặt vấn đề dụng công nghiên cứu cái gì cho sâu, cho kỹ. Chúng ta tự cho phép sống theo thói quen, nếu như có nói đến các lý thuyết, các định hướng nọ kia thì chủ yếu là đi thừa hưởng các kết quả nghiên cứu từ các dân tộc khác. Thêm nữa, chỉ treo lý thuyết lên gọi là có, chứ vẫn sống theo cách của mình.”

Ông Nhàn cũng nói việc việc Việt Nam vẫn tự hào là hiếu học, thông minh, có sức chịu đựng… hoàn toàn là một sự tự ve vuốt bản thân. Nói chung những nhận định này của ông Nhàn cũng không hẳn là mới, người ta vẫn nhắc tới chúng theo cách này hay cách khác (trong quán bia hay trên các forum chẳng hạn) nhưng phát biểu của ông Nhàn vẫn rất đáng chú ý vì đó là phát biểu của một nhà nghiên cứu văn hóa sắc sảo và được đăng tải một cách chính thống.


Có một điểm có vẻ mới là nhận định của ông “Nhìn vào nhiều mặt đời sống, tôi cảm thấy so với trước chiến tranh, có một bước lùi. Con người ít tham vọng hơn, dễ dãi với mình hơn mà lại buông thả hơn.”. Tuy nhiên ông chưa khai triển rõ ràng ý này của ông nên cũng không rõ ý ông lắm.

Để chờ phần sau xem ông Nhàn nói gì thêm.

Một tin không hoàn toàn liên quan đưa trên SGTT: Theo nghiên cứu của Research International về sự tập trung của thanh thiếu niên thì Việt Nam xếp cuối bảng trong 8 nước châu Á về độ tập trung trong công việc và học hành. Chỉ có 8% là tập trung trong giờ học và 28% là tập trung được trong công việc hàng ngày.

Bên cạnh sự nhàm chán và thiếu sáng tạo của chương trình giáo dục ở Việt Nam thì có lẽ còn một nguyên nhân nằm ở tính cách con người Việt, chúng ta dễ xuề xòa và không thực sự cố gắng trong mọi việc. Sự thiếu tập trung này khi đi học ở nước ngoài hẳn nhiều người sẽ thấy. Như tớ đi học cảm thấy mình rất khó tập trung trong giờ học trong khi khả năng tập trung của các bạn nước ngoài có vẻ tốt hơn hẳn.


“Kết quả đo lường “Chỉ số tập trung Wrigley” do Research International vừa công bố, được thực hiện trên 3.048 người từ 15- 22 tuổi ở 8 nước châu Á với bảng câu hỏi dài gần 15 phút đã cho thấy: chỉ 28% trong hơn 300 người được phỏng vấn ở Việt Nam có thể tập trung hoàn toàn trong những hoạt động hàng ngày, 72% còn lại cho biết họ cảm thấy khó khăn khi phải tập trung vào các việc như học hành và ngay cả trong giao tiếp… Công trình nghiên cứu này cũng cho thấy rằng đối với thanh thiếu niên Việt Nam, chỉ 8% cảm thấy không bị xao lãng trong giờ học. Đây là tỷ lệ thấp nhất ở các nước châu Á. “

The world according to 4T

Đọc bài này buồn cười quá. Nhiều quan chức Việt Nam công nhận có khả năng hài hước cao dã man. Mà hình như chính Radio Free Asia cũng bị tường lửa ở Việt Nam.

Ông Cục trưởng Lượng cho rằng ở Việt Nam “có thể tiếp cận thông tin toàn thế giới, không có một sự ngăn cản nào”. Nhưng khi phóng viên hỏi là người dân ở Việt Nam không thể tiếp cận được các trang web về dân chủ và nhân quyền thì ông Lượng bảo là chính quyền không ai ngăn cấm mà do “người dân có trình độ internet không tốt”!. Tóm lại là do nhân dân trình độ kém, không biết cách vượt tường lửa thôi chứ có cấm đoán gì đâu. Để minh chứng cho lập luận lỗi là tại nhân dân dốt, ông Lượng bảo ông vẫn vào đọc được RFA có sao đâu. Ông Lượng cũng cho là “ở Việt Nam thì người dân rất thoả mãn về những thông tin mà hiện nay họ nhận được” và “công chúng Việt Nam thì thấy báo chí hiện nay ở Việt Nam rất là tự do. Người ta có tiếp cận mọi nguồn thông tin cả trong nước và quốc tế”. Không biết ông nghĩ gì về những biện pháp quản lý báo chí và sắp tới là quản lý blog do chính bộ ông thực hiện?

Khi được hỏi về việc tổ chức Phóng viên không biên giới xếp tự do báo chí ở Việt Nam đứng thứ 162 trên 169 quốc gia thì ông Lượng bảo là tổ chức này lẽ ra nên lấy ý kiến “của đại đa số nhân dân Việt Nam để người ta đánh giá khách quan hơn” (tức là tổ chức trưng cầu dân ý?). Ông cũng khẳng định “ở Việt Nam không ai có quyền kiểm duyệt báo chí, tạp chí và tác phẩm”. Hóa ra ở Việt Nam không có kiểm duyệt -trong khi ở Mỹ, ví dụ vẫn có kiểm duyệt gián tiếp tác phẩm điện ảnh bằng cách phân loại rating phim- chứng tỏ rõ ràng Việt Nam còn có tự do báo chí và tự do văn hóa hơn Mỹ.

Tóm lại, ý của ông Cục trưởng Cục Báo chí của Bộ 4T là Việt Nam có tự do báo chí hoàn toàn, và chẳng qua do nhân dân có trình độ Internet kém tắm nên mới tự hạn chế tự do của mình thôi. Ngụ ý của ông hẳn là nhân dân nên nâng cao trình độ Internet để có thể biết cách vượt tường lửa như ông?

Dù sao, việc một quan chức quản lý báo chí ở Việt Nam chịu trả lời phỏng vấn của một trang web bị coi là “phản động” và bị chặn tường lửa ở Việt Nam cũng là một sự hơi lạ. Tất nhiên khi trả lời, ông Lượng cũng biết trước rằng hầu hết các công dân Việt Nam, những người “có thể tiếp cận mọi nguồn thông tin cả trong nước và quốc tế” sẽ không thể đọc được bài phỏng vấn của ông ở một trang web hải ngoại và bị chặn tường lửa.

Copy nguyên văn bài trả lời phỏng vấn của ông Lượng (các lỗi typo của RFA khá nhiều).

Tự do Báo chí ở Việt Nam theo giải thích của Bộ Truyền thông-Thông tin

2007.10.19

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF vừa công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do báo chí trên tòan thế giới. Theo thứ tự xếp hạng trong bảng phúc trình vừa nêu thì Việt Nam đứng thứ 162 trên 169 quốc gia được khảo sát.

Trong một chương trình trước, Đài chúng tôi giới thiệu đến quí thính giả bài phỏng vấn ông Jep Julliard, phụ trách Phòng nghiên cứu của RFS, về phúc trình năm nay của tổ chức mà ông đưa ra.

Hôm nay, biên tập viên Gia Minh nêu vấn đề liên quan với người đứng đầu Cục Báo chí thuộc Bộ Truyền thông-Thông tin của Việt Nam là ông Hòang Hữu Lượng. Trước hết ông đưa ra đánh giá về sự hội nhập của báo chí Việt Nam hiện nay:

Ông Hoàng Hữu Lượng: Hiện nay trên thế giới có loại hình báo chí gì thì Việt Nam đang có loại báo chí đó. Việt Nam hôm nay đang có cả báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử và những thông tin khác trên internet. Báo chí ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh.

Hiện nay chúng tôi có tới hơn 800 tờ báo rồi, rồi đài phát thanh truyền hình phát triển mạnh, đặc biệt là internet thì Việt Nam mới hoà mạng từ năm 1997. Hiện nay thì cái tốc độ phát triển của Việt Nam rất nhanh và thông tin trên mạng thì gần như toàn dân được tiếp cận với toàn bộ thông tin của toàn thế giới.

Gia Minh: Đối với những chuẩn mực về báo chí quốc tế thì như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Hữu Lượng: Chuẩn mực báo chí quốc tế thì nước nào cũng thế thôi. Báo chí có chuẩn mực chung là thông tin trung thực và khách quan. Báo chí Việt Nam cũng đang làm rất đúng điều đó, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội trong nước và cả quốc tế.

Sinh hoạt báo chí ở Việt Nam

Gia Minh: Nhưng, thưa ông, vẫn có những đánh giá là ở Việt Nam như ông nói là có đầy đủ các loại hình và người dân thì có thể tiếp cận các nguồn thông tin, nhưng thực tế vẫn có những nguồn thông tin mà người dân không được tiếp cận, thưa ông ạ.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi cho rằng đánh giá đấy là đánh giá không khách quan. Nếu ông ở Việt Nam thì ông thấy là có thể tiếp cận thông tin toàn thế giới, không có một sự ngăn cản nào.

Gia Minh: Nhưng có nh
ững người ở Việt Nam nói rằng có những trang web chứa những thông tin về những vấn đề như dân chủ và nhân quyền thì họ vẫn không thể tiếp cận được, thưa ông Cục Trưởng.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi nghĩ rằng là không ai ngăn cản chuyện đó cả. Bất cứ một người nào có trình độ internet thì họ có thể tiếp cận được. Tôi nghĩ rằng đấy là những người đó có thể do trình độ internet không tốt nên không mở đước các cái đó thôi. Tôi nghĩ rằng là không có một sự ngăn cấm nào.

Gia Minh: Chỉ mới trong tuần nay thôi Hội Phóng Viên Không Biên Giới RSF có ra một bản phúc trình năm 2007 đánh giá Việt Nam về vấn đề tự do thông tin đã xếp Việt Nam hạng 162 trên 169 quốc gia được khảo sát. Khi nghe thông tin đó thì ông có ý kiến ra sao?

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi nghĩ việc xếp đấy là việc của người ta, còn thì với công chúng Việt Nam thì họ đánh giá khác. Công chúng Việt Nam thì thấy báo chí hiện nay ở Việt Nam rất là tự do. Người ta có tiếp cận mọi nguồn thông tin cả trong nước và quốc tế.

Gia Minh: Khi ngưòi ta đưa ra xếp hạng như vậy thì họ cũng có cơ sở của họ đấy chứ ạ? Nếu như ông gặp họ thì ông có lập luận như thế nào trước cái đánh giá của họ, thưa ông?

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi nghĩ ràng là phải ở Việt Nam thì mới đánh giá được thông tin Việt Nam. Cũng như tôi bây giờ tôi đánh giá về thông tin của Mỹ thì chắc chắn là tôi không đánh giá một cách xác thực được. Cơ bản hãy cứ đến Việt Nam và đánh giá thông tin của Việt Nam thì các bạn mới thấy được.

Gia Minh: Đối với tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đó thưa ông, thì sau khi họ có những đánh giá như vậy rồi thì Cục Báo Chí sẽ có một lúc nào đó ông mời tổ chức đó đến Việt Nam không?

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi gần như chưa được tiếp xúc với tổ chức này nên tôi không biết cách đánh giá của họ như thế nào. Và tôi nghĩ rằng là cách đánh giá của họ nên lấy ý kiến ở ngay nhân dân Việt Nam, của đại đa số nhân dân Việt Nam để người ta đánh giá khách quan hơn.

Thông tin chính trị, nhạy cảm?

Gia Minh: Nói chuyện với ông thì tôi cũng xin giới thiệu với ông rằng chúng tôi là của Đài RFA thì đối với trang mạng của đài chúng tôi rất nhiều người ở Việt Nam nói rằng họ không thể truy cập được vì bị tường lửa đó, thưa ông.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Không có đâu. Tôi vẫn nói với anh rằng chắc trình độ Inernet của những người truy cập thôi chứ còn mọi người như tôi vẫn truy cập hằng ngày rất nhiều mạng thông tin của thế giớí.

Gia Minh: Bản thân ông có vào trang web của RFA không ạ?

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi cũng không vào thường xuyên bởi có quá nhiều, nhưng tôi đọc rất nhiều thông tin của CNN, của BBC. Tôi quan tâm đến những gì mà tôi thường quan tâm thôi chứ không phải vào tất cả được. Thời gian không cho phép mình vào hết các trang trong ngày. Bởi vì ngay trong báo chí Việt Nam thì chúng tôi đọc báo chí Việt Nam cũng rất nhiều rồi.

Bạn nghĩ gì về sinh hoạt báo chí tại Việt Nam? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Gia Minh: Có nhiều người họ cũng đã đến Việt Nam rồi thưa ông. Họ nói rằng những thông tin nào mà chính quyền cho là không nhạy cảm thì vẫn được đăng, nhưng những loại thông tin mang tính nhạy cảm như nói về vấn đề chính trị, nói về những vấn đề người dân bất đồng ý kiến thì lại bị ngăn trở.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi cho rằng đấy là nhận xét không chính xác và có phần xuyên tạc. Thường ở Việt Nam thì người dân rất thoả mãn về những thông tin mà hiện nay họ nhận được.

Gia Minh: Đối với các nhà báo, những người hành nghề báo chí đó thưa ông, thì không phải tất cả mọi thông tin họ đều được đưa lên mặt báo.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Không ai cấm họ điều đó cả. Việt Nam có luật rồi và họ cứ theo cái đó họ làm. Không ai ngăn cản điều đó. Ở Việt Nam không ai có quyền kiển duyệt báo chí, tạp chí và tác phẩm.

Gia Minh: Ông thì xác nhận như vậy, nhưng đối với nhiều người lâu nay họ vẫn thấy hiện tượng đó vẫn còn và người ta vẫn nêu ra điều đó, thưa ông.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Tôi cho rằng đấy là những nhận xét thì đấy là quyền của mỗi người. Còn đấy là nhận xét của cá nhân tôi. Cũng như tôi khẳng định rằng đấy của nhân dân Việt NamNam để tìm hiểu. chứ không phải. Chúng tôi cũng sẵn sàng mở rộng cửa mời tất cả các báo đến Việt

Gia Minh: Ông có nói mở rộng cửa mà đối với chẳng hạn như Đài RFA chúng tôi thì đã nhiều lần nộp đơn xin phép về tham gia một số sự kiện lớn ở Việt Nam, nhưng sau khi nộp đơn thì vẫn không được trả lời đó thưa ông.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Đấy là cÅ©ng nhÆ° khi tôi, người Việt Nam xin vào Mỹ chẳng hạn thì không phải ai Mỹ cÅ©ng chấp nhận cho người ta Ä‘i qua Mỹ. Rất nhiều người Việt Nam xin thị thá»±c vào Mỹ cÅ
©ng không được. Đấy là việc của cÆ¡ quan khác. Tôi hoàn toàn không biết.

Gia Minh: Cảm ơn ông Cục Trưởng cho cuộc nói chuyện vừa rồi.

Ông Hoàng Hữu Lượng: Rất cảm ơn anh.