Monday, October 29, 2007

Entry for October 29, 2007

1. Bài này đọc thú vị phết. Ở Việt Nam cũng có những người có tới 5 tấn sách!

Cũng khổ thân những người như ông nha sĩ kia, ky cóp sách cả đời đến khi chết thì cả kho tàng sách ấy được bán với giá 15 triệu- bằng giá thu phế liệu.

Thị trường sách cũ Sài Gòn có vẻ nhộn nhịp hơn ở Hà Nội rất nhiều.
Lang thang sách cũ


2. Lại thảm họa dịch thuật. Dã man, tàn khốc!.

“Máu” đã nhuộm đỏ cuốn “Những nền văn minh thế giới”

3. Bàn tròn về blog của VNN. Các ý kiến trả lời khá hay, nhất là các ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng. Dù không đồng ý với ý kiến của ông Dũng về vai trò lập pháp của Quốc hội trong bài mới đây của ông trên Tia Sáng nhưng có lẽ ông Dũng là một trong những người có tư duy sáng sủa và mạch lạc nhất trong giới chính trị gia Việt Nam hiện nay.

Trong bài có câu hỏi này của phóng viên VNN

"
Nhà báo Bình Minh: Về nhu cầu thu hút độc giả của blogger. Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, hiện tại có một xu hướng trong các nhà văn, nhất là nhà văn trẻ, là đưa các tác phẩm lên blog, thậm chí có những tuyên ngôn gây sốc, và kể cả chụp ảnh nude của mình để tạo ấn tượng thu hút. Ở góc độ nhà phê bình văn học, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?"


Tò mò quá, nhà văn nào mà chụp ảnh nude của mình trên blog thế, ai biết cho tớ link đi! (ơ nhưng mà cho link thì có bị tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy không nhỉ?)

Trong bài còn có ý kiến này của ông Phạm Xuân Nguyên mà tớ thấy không thể đồng tình
"
.. các blogger nên hiểu rằng, blog là một không gian ảo mình được cho không, nhưng như vậy là có người cho và khi anh không biết sử dụng một cách hữu ích không gian ấy thì sẽ bị lấy mất. Yahoo 360 cũng thế mà Vnblog cũng thế, vì nói như anh Joe, nó sẽ có những người quản trị, quản lý. Thực ra nếu phải trả tiền, lượng blogger sẽ rất thấp, không thể như bây giờ. Đừng vì được cho không mà quên mất những chuyện đó."


Thế ai là người "cho" ở đây? Chẳng nhẽ những người quản trị, quản lý của Yahoo hay Vnblog là những người "cho"? Yahoo (cũng như hầu hết các hãng khác) miễn phí dịch vụ blog không phải là để "cho" hay làm ơn với người sử dụng mà đó chỉ là một phần trong hoạt động kinh doanh của họ mà thôi. Ý này của ông Nguyên cũng hoàn toàn không sáng sủa trong câu khuyên cuối, không rõ ông khuyên các blogger điều gì? Là không được quên rằng bạn đang được Yahoo cho không? Hay không được quên là bạn còn đang viết được blog là vì người ta còn "cho" bạn viết và chưa bắt bạn phải đăng ký số CMT khi viết?

4. Báo Tuổi Trẻ càng ngày càng giống báo của Đoàn Thanh Niên:
Báo này mở cả diễn đàn về lối sống của giới trẻ, về quan hệ tình dục trước hôn nhân, đăng tới 7-8 bài. Việc mở diễn đàn như thế thì cũng tốt thôi nếu các bài được viết một cách nghiêm túc. Có điều là nếu đọc các ý kiến bạn đọc thì có thể thấy chúng đều được "chọn lọc" theo hướng phản đối quan hệ này, coi nó là "lệch lạc", là "buông thả". Việc chỉ đăng ý kiến một chiều như thế thì đâu có thể gọi là diễn đàn nhỉ. Cách "mần báo" này thực ra là rất phổ biến ở các báo Việt Nam, ví dụ như các ý kiến bạn đọc mục cafe giường của VNN hay ý kiến bạn đọc về việc nhà báo viết blog của báo Thanh Niên. Hình như các tòa soạn đều coi việc đó là bình thường, trong khi theo tôi, việc này vi phạm đạo đức báo chí, vì nó không phản ánh trung thực ý kiến của người đọc. Một tờ báo có thể sự dụng mục Editorial để nêu chính kiến của mình, chứ không được phép "mượn" ý kiến bạn đọc (thật hay giả) cho việc đó.
Về cái diễn đàn trao đổi này, cách hay nhất là Tuổi Trẻ nên mời hai columnist, một người viết ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân, một người viết phản đối, và đăng tải ý kiến bạn đọc một cách trung thực và khách quan (như cách mà các tờ báo có tên tuổi trên thế giới thường làm).
À mà theo số liệu thì tuổi bình quân quan hệ tình dục lần đầu của người Việt là 19,2. Tôi không rõ tuổi bình quân khi kết hôn của người Việt Nam là bao nhiêu nhưng chắc chắn là sau tuổi bình quân khi quan hệ tình dục lần đầu này không ít. Điều đó chứng tỏ là chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân là một thực tế phổ biến ở Việt Nam (cũng như ở tất cả các nước phát triển và một tỷ lệ lớn các nước đang phát triển khác). Có thể thảo luận về nó một cách lành mạnh như là một sự xung khắc giữa truyền thống Á đông và quá trình phương Tây hóa, nhưng nếu cứ đấm ngực mà kết luận là hỏng, suy đồi quá, hỏng hết phong hóa tổ tiên rồi thì hơi buồn cười (mà lại từ một tờ báo vẫn tự hào là đại diện cho lớp trẻ chứ không phải tờ Cựu chiến binh hay tờ Người cao tuổi).

No comments: