Friday, October 12, 2007

Entry for October 12, 2007

Từ hôm qua, có một sự kiện làm xôn xao giới blogger lấn át cả sự kiện Trà- Chanh là sự kiện video quay cảnh làm tình của diễn viên chính trong phim Nhật ký Vàng Anh lên mạng.
Tất nhiên là tôi chưa xem phim này nhưng cũng vài lần nhìn thấy ảnh của cô bé này ở đâu đó. Quanh sự kiện này cũng có những lời đồn đại và các ý kiến không giống nhau. Có người bảo cô ấy và bạn trai quay cảnh này và bị bạn trai hay ai đó đưa lên mạng. Cũng có người (tuy thiểu số) thì cho là cô bé có ý thức về việc đưa đoạn phim lên mạng (như một kiểu PR tương tự Paris Hilton).
Bình luận về vấn đề này thế nào?
Trước hết, Thùy Linh 19 tuổi tức là đã qua tuổi thành niên. Nếu cô dưới 18 tuổi chẳng hạn thì đoạn băng đó sẽ là khiêu dâm trẻ em và theo thông lệ quốc tế thì ngay cả người xem khiêu dâm trẻ em cũng đã là vi phạm pháp luật.
Nếu người đưa đoạn phim lên mạng là Thùy Linh hay là bạn trai cô thì theo luật các nước phương Tây sẽ chẳng có ai vi phạm pháp luật (Thùy Linh có thể kiện bạn trai cô nhưng đó sẽ là trên cơ sở dân sự trong mối quan hệ giữa hai người). Nhưng nếu theo luật Việt Nam thì người phổ biến phim trên mạng (kể cả khi người đó là Thùy Linh) cũng là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hãy bỏ qua các khía cạnh pháp luật vì trên thực tế trong tất cả các đoạn băng được tung lên mạng trước kia của các celeb Việt Nam, không có ai bị ra tòa vì nó cả.

Giờ xét theo khía cạnh văn hóa-xã hội hay tâm lý.

Bên cạnh nhiều người nhiếc móc Thùy Linh là sống sa đọa, buông thả, thì cũng có nhiều người tỏ ra thông cảm, động viên khuyến khích cô, rồi trách báo chí làm ầm ĩ lên. Nhưng theo tôi, việc báo chí đưa tin là việc cần thiết, nhiệm vụ của báo chí là đưa tin và của báo chí lá cải là đưa tin lá cải. Bởi vì công chúng vẫn có nhu cầu ăn cải, và cải của những người nổi tiếng là món ăn ưa chuộng của công chúng thì tất nhiên báo chí phải đưa tin. Vấn đề từ phía báo chí ở đây chính là lựa chọn đưa tin hay không và đưa tin ở mức độ nào sẽ phản ánh việc tờ báo đó định vị thị trường thế nào và xác định mình có lá cải hay không, và lá cải tới mức độ nào. Sự rao giảng đạo đức của một số người hay một số tờ báo khi đưa tin lá cải một cách sung sướng như thế là rất lố bịch. Nhưng việc chính quyền yêu cầu báo chí không làm to chuyện này (như tôi nghe nói) cũng lố bịch.

Và ngay cả việc thương xót cô Thùy Linh hay coi cô là nạn nhân của báo chí, của công chúng cũng buòn cười không kém. Hình ảnh một celeb là "nạn nhân" của công chúng làm tôi nhớ tới phim Sunset Boulevard. Thùy Linh là một celeb và tất nhiên đời tư của celeb sẽ bị soi mói. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ vì công chúng bàn tán hay báo chí đưa tin về video của Thùy Linh nhưng lại coi chuyện đoạn video của Paris Hilton được phổ biến trên mạng là bình thường? Hai sự việc này có gì khác nhau? Tất nhiên bạn có thể bảo là Paris Hilton vốn là người trơ trẽn còn Thùy Linh nói chung là ngoan hiền nhưng đó hoàn toàn là cảm nhận chủ quan của bạn.

Về quan điểm của tôi: tôi không đánh giá đạo đức của Thùy Linh cũng không thương xót gì cô ấy khi vụ việc này xảy ra. Cô ấy đã đủ tuổi thành niên, là một celebrity và phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, cả về mặt cá nhân và mặt nghề nghiệp. Nói thực thì tôi cũng có một chút thương cảm với cô ấy (do có thể rủi ro tự nhiên có một vụ scandal ngoài ý muốn) nhưng như thế thì không khác mấy với sự thương hại, và cảm xúc thương hại với những người không may tốt nhất là nên giữ cho mình mà thôi.

Nói như vậy không phải không có những sự quá lố từ phía công chúng Việt trong vụ này. Việc người ta xem phim này không có gì đáng để phàn nàn. Nhưng sự lan tràn quá mức về chuyện này trên mạng cũng vượt qua những ranh giới cần thiết. Có thể nó phản ánh tâm lý khoái trá của không ít người khi có một ai đó nổi tiếng bị ngã ngựa. Càng phản cảm hơn nữa khi tôi đọc là ở những cơ quan, người ta cũng bàn tán về chuyện này trong giờ làm việc, thậm chí còn túm tụm nhau, cả nam lẫn nữ để xem phim này trên máy tính ở cơ quan, rồi bình phẩm, cười ré... Hành vi đó trên thực tế đã vượt qua ngưỡng của sự tò mò, mà trở thành cái gì đó gần với sự cưỡng dâm tập thể. Thử hình dung nếu ở phương Tây, người ta cũng túm tụm xem video sex của Paris Hilton như thế tại công ty? That's so sick.

Ở một đất nước mà người ta vẫn phê phán như là thiếu đạo đức khi trai gái làm tình trước hôn nhân, hay thậm chí khi họ làm tình bằng nhiều hơn là một tư thế thì các công chức lại có thể túm tụm xem video sex một cách hồn nhiên và đoàn kết tại văn phòng. Còn gì lố bịch và đáng ngán hơn?

Hôm qua, có tin đồn là Thùy Linh đã tự tử và đang cấp cứu ở bệnh viện Saint Paul. Khi đó có một người bạn nói với tôi: Đấy, thế là anh cũng góp phần vào việc cô ấy tự tử đấy. Ý bạn là qua việc tôi quan tâm tới đoạn video này, tôi gia nhập vào cơn sốt của công chúng- và cơn sốt đó góp phần khiến Thùy Linh phải tự tử. Lúc đó, tôi cũng ngẫm nghĩ xem nếu quả Thùy Linh tự tử chết, mình có cảm thấy guilty không, và tôi có trách nhiệm nào, dù là rất nhỏ, trong cái chết của cô ấy không.

Về lý trí, tôi nghĩ là không. Nhưng quả thực, nếu điều đó xảy ra thì tôi vẫn có một sự áy náy, gợn lòng nào đó.

No comments: