Bài trả lời của Trịnh Hữu Tuệ. Sau bài này không thấy Cao Xuân Hạo trả lời tiếp.
Trịnh Hữu Tuệ
Trả lời Cao Xuân Hạo
Trong bài "Vài lời nhân bài viết của Trịnh Hữu Tuệ", tác giả Cao Xuân Hạo nói:
Ở ta, sự dốt nát về ngôn ngữ...có một lý do tự nhiên: đó là sách và bài vở của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chưa bao giờ viết một câu nào về tiếng Việt...Lác đác trong sách của vài người...có viết về một vài sự thật không thể chối cãi của tiếng Việt, nhưng chẳng có ai thèm nghe, vì cái định kiến cho rằng tiếng Việt chính là tiếng Pháp được coi là một chân lý thiêng liêng hơn cả sự thật khoa học...Cho nên ông Trịnh Hữu Tuệ viết bài ấy là chuyện hoàn toàn hiểu được...
Thật sự tôi cũng không hiểu lắm cái câu cuối cùng này. Trong bài của mình, tôi đưa ra một số hiện tượng trong tiếng Việt và tìm cách giải thích chúng bằng lý thuyết ngôn ngữ. Những hiện tượng này, theo ý tôi, chính là những „sự thật không thể chối cãi được“ của tiếng Việt. Ví dụ, chúng ta không thể chối cãi được là nếu gọi Hưng và Sơn là họ, thì câu sách của nhau thì chắc chắn họ sẽ đọc sẽ mang nghĩa là Hưng chắc chắn sẽ đọc sách của Sơn và Sơn chắc chắn sẽ đọc sách của Hưng, còn câu sách của nhau thì chắc chắn vợ họ sẽ đọc không thể có nghĩa là vợ Sơn sẽ đọc sách của Hưng và vợ Hưng sẽ đọc sách của Sơn, mà chỉ có thể có nghĩa là vợ Sơn sẽ đọc sách của vợ Hưng và vợ Hưng sẽ đọc sách của vợ Sơn, còn câu vợ nhau sẽ đọc sách của họ thì không chấp nhận được. Tất cả những người Việt tôi từng hỏi đều nhất chí về những điểm này. Lý thuyết tôi dùng để giải thích hiện tượng này không chỉ giải thích được tiếng Việt, mà còn giải thích được những hiện tượng tương tự trong những thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Đây không phải là một điểm cộng, xét về mặt khoa học, hay sao?
Trong bài viết trên, cũng như trong nhiều bài viết khác của mình, Cao Xuân Hạo luôn xuất phát từ cái tiền giả định là tiếng Việt chắc chắn phải khác hẳn với tiếng Pháp và tiếng Anh. Tiền giả định này luôn đưa ông đến kết luận là bất cứ lý thuyết nào đúng cho tiếng Anh hay tiếng Pháp đều không đúng cho tiếng Việt. Vậy nên ông khẳng định một cách hết sức tự tin là "tiếng Việt ... không thể dùng bất kỳ cái gì của Chomsky được hết."
Có nhiều khả năng giải thích tại sao Cao Xuân Hạo lại có cái tiền giả định này. Khả năng thứ nhất liên quan đến tri thức luận (epistemology) của ông. Có thể Cao Xuân Hạo mang niềm tin hết sức thông thường là con người, khi mới sinh, là một tabula rasa về mặt ngôn ngữ, và tất cả kiến thức ngôn ngữ đều được học từ môi trường. Chỉ khi tất cả những gì ta biết về tiếng Việt đều được học từ môi trường thì tiếng Việt mới có thể khác hẳn tiếng Pháp. Lý do là như sau. Nếu một đứa trẻ không thể học được ngôn ngữ hoàn toàn từ môi trường, thì bắt buộc nó phải có cái gì đó sẵn trong đầu trước giúp nó đoán ra được ngôn ngữ cần học. Ta biết rằng một đứa trẻ có thể học bất kỳ thứ tiếng nào, tiếng Việt hay tiếng Pháp, một cách hoàn hảo. Vậy suy ra là cái mà đứa trẻ có sẵn trong đầu đó phải đủ phổ quát để giúp nó đoán ra cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, phải đúng cho cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Và sự thật là có những quy luật trong ngôn ngữ, ví dụ như quy luật nằm dưới hiện tượng nhắc đến trong đoạn văn trên, không ai có thể học được từ những dữ liệu trong môi trường. Về nguyên tắc, những quy luật này phải đúng cho mọi thứ tiếng, và từ trước đến nay thì chưa có lý do gì để tin là không phải như vậy.
Tiền giả định của Cao Xuân Hạo cũng có thể có một nguồn gốc xã hội học (sociological). Trong bản dịch cuộc nói chuyện giữa Jürgen Habermas và các nghệ sĩ và trí thức Bắc Kinh, dịch giả Trương Hồng Quang có nói trong phần giới thiệu rằng "...điều đáng ngạc nhiên là ngày nay, khi mà trong nội bộ những trí thức hàng đầu của Trung Quốc đang diễn ra các tìm tòi mới mẻ, những đối thoại mang tính cập nhật với phương Tây và các đại biểu tư tưởng, văn hoá quan trọng nhất của nó, trí thức Việt Nam dường như lại huy động mọi tinh hoa của mình để dựng nên những huyền thoại mới về dân tộc và phương Ðông..." Tôi chỉ có thể đồng ý và nói thêm vào rằng việc bảo tiếng Việt khác hẳn với tiếng Pháp, và câu bộ phim được tài trợ bởi PS không phải là tiếng Việt chỉ vì nó giống tiếng Pháp, [1] không nằm ngoài cái xu hướng chung của giới trí thức Việt nam mà các nhà ngôn ngữ học, cụ thể là giáo sư Cao Xuân Hạo, là một phần không phải không điển hình.
Nhưng tiền giả định của Cao Xuân Hạo cũng có thể có một lời giải thích tâm sinh học (psycho-biological). Có thể là ông đơn giản không hiểu Chomsky nói gì, và đã dùng lập luận "nếu ta không hiểu Chomsky nói gì thì có nghĩa là ta kém hoặc Chomsky nói sai, và ta không kém" để suy ra là Chomsky nói sai. [2] Điều này có thể khó tin đối với nhiều bạn đọc, nhưng có lẽ là sau bài này các bạn sẽ không thấy nó khó tin lắm nữa. Hãy xem Cao Xuân Hạo nói gì về Chomsky:
...Chomsky cho rằng trong một câu như Invisible God created the visible world, ở cấu trúc sâu có ba câu là 1. God is invisible; 2. God created the world; 3, The world is visible. Lời khẳng định này đã cho phép tất cả các nhà ngữ học không phải là môn đệ của Chomsky nói rằng ôn
g ta không hề quan tâm chút nào đến ngôn ngữ trong khi tự nhận mình là nhà ngôn ngữ học. Riêng ở đây, ông không thèm biết rằng ta chỉ có một câu duy nhất, còn những cái mà Chomsky gọi là câu tuyệt nhiên không phải là câu, mà là những ngữ đoạn (phrases...) ...Ba phần Invisible God; created the visible world và the visible world đều đã bị đẩy lùi vào hậu cảnh (backgrounded) và do đó không còn là câu nữa mà chỉ là những danh ngữ (noun phrases), hay những vị ngữ (verb phrases)...
Ví dụ Invisible God created the visible world được Chomsky dùng trong cuốn Language and Mind, trang 16-17, [3] khi ông nói về sự giống nhau giữa ngữ pháp triết học thế kỷ 17, cụ thể là Port Royal Grammar, và ngữ pháp tạo sinh (generative grammar) trong những năm 60-70. Tôi xin trích lại đoạn văn, tuy hơi dài nhưng đẹp và sáng sủa một cách tuyệt vời, của Chomsky:
It seems that one of the innovations of the Port-Royal Grammar of 1660... was its recognition of the importance of the notion of the phrase as a grammartical unit... a phrase corresponds to a complex idea and a sentence is subdivided into consecutive phrases, which are further subdivided into phrases...until the level of the word is reached. In this way we derive what might be called "surface structure" of the sentence in question... To use what became a standard example, the sentence "Invisible God created the visible world" contains the subject "invisible God" and the predicate "created the visible world," the latter contains the complex idea "the visible world" and the verb "created," and so on... According to the Port-Royal theory surface structure corresponds only to sound - to the corporeal aspect of language; but when the signal is produced, with its surface structure, there takes place a corresponding mental analysis into what we may call the deep structure, a formal structure that relates directly not to the sound but to the meaning. In the example just given, "Invisible God created the visible world," the deep structure consists of a system of three propositions, "that God is invisible," "that he created the world," "that the world is visible." The propositions that interrelate to form the deep structure are not, of course, asserted when the sentence is used to make a statement; if I say that a wise man is honest, I am not asserting that men are wise or honest, even though in the Port-Royal theory the propositions "a man is wise" and "a man is honest" enter into the deep structure. Rather, these propositions enter into the complex ideas that are present to the mind, though rarely articulated in the signal, when the sentence is uttered.
Ý của Chomsky rõ như ánh sáng ban ngày. Tất nhiên là ông thừa biết, và nhấn mạnh, rằng invisible God không phải là một câu, mà là một ngữ đoạn (phrase). Ngữ đoạn này tương ứng với một mệnh đề (proposition) trong cấu trúc sâu. Mệnh đề này không được tuyên bố (asserted), mà chỉ hiện hữu trong tâm chí (present to the mind) người sử dụng ngôn ngữ khi anh ta phát ngôn. Một mệnh đề present to the mind mà lại not asserted thì chính là một mệnh đề đã được backgrounded, không phải cái gì khác. Tóm lại, Chomsky nói đúng những gì mà Cao Xuân Hạo bảo ông "không thèm biết". Xin lưu ý là Language and Mind là một cuốn sách nhằm vào những người đọc bình thường, không phải các nhà ngôn ngữ học hay các triết gia. Việc Cao Xuân Hạo hiểu sai một đoạn văn đơn giản như thế này đủ để khiến ta nghi ngờ những gì ông nói về Chomsky liên quan đến những tác phẩm chuyên môn và khó hiểu hơn rất nhiều của tác giả này.
Khi nói về các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt nam, Cao Xuân Hạo nói:
...các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chưa bao giờ dành ra một phút để quan sát xem thử người Việt nói năng như thế nào... có những tác giả tuyên bố thẳng thừng rằng những câu như Bàn lau rồiTôi tên là Nam đều sai ngữ pháp và thậm chí vô văn hóa. Chẳng qua vì họ thấy không thể phân tích bằng ngữ pháp tiếng châu Âu được mà thôi... hay
Nếu ta coi đây là một ví dụ nhằm phê bình cung cách làm việc nói chung của các nhà ngôn ngữ học Việt nam, tức là tuyên bố những gì người Việt nói là sai chỉ vì chúng không hợp với lý thuyết mình biết, thì ta sẽ thấy rằng ngoại diên của khái niệm "các nhà ngôn ngữ học Việt nam" ở đây phải là một tập hợp gồm ít nhất, nếu không phải là duy nhất, một phần tử là chính giáo sư Cao Xuân Hạo. Trong bài "Về khái niệm quy tắc ngữ pháp", Cao Xuân Hạo đưa ra một quy tắc là trong một ngữ đoạn vị từ có bổ ngữ trực tiếp, bổ ngữ này chỉ có thể tách ra khỏi vị từ trung tâm bằng một trạng ngữ nếu nó là một danh ngữ được dánh dấu một cách hiển ngôn là không xác định. Xin bạn đọc đừng cuống, thậm chí xin bạn đọc hãy bình tĩnh mà làm quen với cái "quy tắc" này, vì rất có thể con của bạn sẽ phải học 300 quy tắc như thế này, nếu ước mơ của giáo sư Cao Xuân Hạo trở thành sự thật và cuốn sách 300 quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt do Tiểu ban Tiếng Việt trong nhà trường thuộc Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh đang soạn thảo được đưa vào nhà trường để dạy người Việt nói tiếng Việt cho đúng. Quay lại với quy tắc ở trên. Dựa vào nó, Cao Xuân Hạo đưa ra những câu mà ông tuyên bố là "sai" sau đây:
-
- Nó gửi cho mẹ bức thư ấy
- Họ tiếp tục giết trên biển Bắc cá voi xanh.
- Những người cứu hộ lôi ra từ đống đổ nát các nạn nhân.
- Họ cần biết sử dụng thành thạo la bàn.
Tất cả những người tôi đã từng hỏi đều nói rằng câu (1a) hoàn toàn ổn. Còn những câu (1b-d) thì chính Cao Xuân Hạo cũng phải bảo rằng "trên các phương tiện truyền thông đại chúng ta được nghe mỗi ngày vài chục câu kiểu như [vậy]..." Tóm lại, đây là những kiểu câu mà người Việt dùng thường xuyên. Ai cũng có thể thấy rằng chúng hoàn toàn ổn về mặt ngữ pháp, và nghe hoàn toàn tự nhiên nếu phát ngôn trong hoàn cảnh dụng ngữ phù hợp. Nhiệm vụ của người làm ngôn ngữ là giải thích cái khả năng cấu tạo và sử dụng những câu như vậy của
người Việt, không phải tuyên bố rằng "những câu như thế, phàm là người nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ đều không thể chấp nhận được" và nhận xét về những "người Việt" nói "những câu như thế" là "họ chưa bao giờ được học một cách hiển ngôn những quy tắc ngữ pháp hữu quan" và than phiền là nếu "cứ cái đà này", ý là nếu không mau dạy cho trẻ con 300 quy tắc ngữ pháp nói trên, thì "đến một lúc nào đấy không còn có thể xác lập một quy tắc ngữ pháp nào nữa, hay nói một cách khác, tiếng Viết không còn có ngữ pháp nữa – và điều đó cũng có nghĩa là trên thế gian này không còn có một cái gì đáng gọi là "tiếng Việt" nữa." [4]
Để kết thúc, tôi xin nói vài lời bắt nguồn từ ý thức rằng độc giả talawas phần lớn là người Việt nam. Tôi không hề có ý phủ nhận những thành quả về ngôn ngữ học của giáo sư Cao Xuân Hạo. Trong những nhà ngôn ngữ học Việt nam tôi đã từng được biết thì ông là một người xuất sắc. Tuy nhiên, điều đó không loại trừ khả năng ông không hiểu, hoặc hiểu nhầm, một số vấn đề, và có thể bị phê phán. Điều này chỉ có nghĩa là ông không khác gì những nhà khoa học khác. Những gì tôi viết phê bình ông, đối với một số người, có thể nghe hơi thiếu tôn trọng. Tôi thực sự không cố ý như vậy. Tôi chỉ muốn nói ra những gì mình tin là đúng một cách thẳng thắn và không quá nhạt nhẽo. Nếu có hơi "thiếu tôn trọng" thì cũng chỉ vì khả năng hạn chế của ngôn ngữ, nhất là tiếng Việt, trong việc diễn tả nội dung thuần túy và vô cảm, hoặc vì niềm tin sâu sắc của tôi là dù một nhà ngôn ngữ học có đáng được nể trọng đến đâu chăng nữa thì cũng không thể đáng được nể trọng hơn ngôn ngữ học.
© 2004 talawas
[1]Trong bài Vài lời về quy tắc ngữ pháp, Cao Xuân Hạo nói „Một câu văn "Tây" đến như Bô phim được tài trợ bởi PS mà còn có người coi là thứ "tiếng Việt trong sáng" thì ngày suy vi của tiếng Việt không còn xa lắm nữa.“
[2]Lập luận này, xét về mặt sinh học, mang lại lợi thế về tiến hóa, và chúng ta ai cũng thừa hưởng cái gien gây ra nó. Trong triết học, Niezsche đã nói nhiều câu mang ý này, ví dụ "...die Falschheit eines Urteils ist uns noch kein Einwand gegen ein Urteil... Die Frage ist, wieweit es lebenfördernd, lebenerhaltend, arterhaltend, vielleicht gar artzüchtend ist..." (Nietzsche, Jenseits von Gut und Böse, Nr. 4). Cám ơn Patrick Raszelenberg vì đã mang lại yên sĩ phi lý thuần cho tôi về Nietzsche.
[3]Cám ơn Trần Thuần vì đã chỉ ra đoạn văn này. Trần Thuần cũng như tôi, "nhớ mang máng đã đọc câu trích Invisible God created the visible world đâu đó". Nhưng anh hơn tôi ở chỗ là anh đã "truy ra nguồn gốc" được cái "đâu đó" ấy.
[4]Xem Cao Xuân Hạo, Vài lời về quy tắc ngữ pháp. Lập luận của Cao Xuân Hạo có vẻ như là nếu như ông không “xác lập” được “quy tắc” cho tiếng Việt thì có nghĩa là tiếng Việt không có ngữ pháp. Và nếu tôi hiểu đúng những gì Cao Xuân Hạo nói, thì nhiệm vụ của nhà ngôn ngữ học là quan sát xem người Việt nói năng như thế nào, dựa vào đó viết ra những quy tắc ngữ pháp hiển ngôn và dạy lại chúng cho người Việt để giúp họ tránh được những câu "sai" mà họ vẫn nói mỗi ngày hàng chục lần. Tôi xin để bạn đọc tự đánh giá mức độ lô-gích của những ý tưởng này.
Một bài không liên quan lắm nhưng cũng hơi liên quan. Bài này xuất hiện trước các cuộc tranh luận giữa hai người, sau khi Nguyễn Hoàng Sơn (núi vàng núi xanh) phê phán quan điểm của Cao Xuân Hạo về chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
19.2.2003
Trịnh Hữu Tuệ
Một vài nhận xét về việc Nguyễn Hoàng Sơn vs. Cao Xuân Hạo
Đọc bài "Dùng chữ quốc ngữ là một "tai hoạ" ư?" của Nguyễn Hoàng Sơn (VNQĐ tháng 6.2002, talawas 23.01.2003), trong đó tác giả phê bình những quan điểm của GS Cao Xuân Hạo về chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, ta thấy có hai điểm không ổn. Thứ nhất, GS Cao Xuân Hạo nói một đằng, Nguyễn Hoàng Sơn phê bình một nẻo. Thứ hai, Nguyễn Hoàng Sơn phê bình những cái hoàn toàn không đáng phê bình.
Hãy xem xét trường hợp thứ nhất. GS Cao Xuân Hạo nói rằng xét "trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt".[1] Tất nhiên ông nói như vậy là vì ông đã nghiên cứu cấu trúc âm vị học của tiếng Việt, so sánh nó với các thứ tiếng dùng chữ La-tinh khác. Kết quả nghiên cứu được trình bày đầy đủ trong một cuốn sách, được in bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, và trong cả các bài viết ở đây ở kia, muốn đọc là có ngay. Vậy nếu muốn phê bình Cao Xuân Hạo thì ta phải làm gì? Tất nhiên là ta phải đọc những gì ông viết về vấn đề này để rồi chỉ ra rằng kết luận trên của ông là vô lý, tức là chỉ ra rằng xét trên bình diện ngôn ngữ học, chữ quốc ngữ thích hợp với tiếng Việt. Một việc làm hết sức hiển nhiên. Nhưng Nguyễn Hoàng Sơn có làm như vậy không? Không! Thay vì đó, ông tuyên bố "chữ quốc ngữ là một hạnh ngộ của dân tộc ta, một động lực to l
ớn trên con đường canh tân đất nước". Ông đưa ra một loạt ví dụ các nhà nho tên tuổi đã ca ngợi chữ quốc ngữ ra sao, nói rằng "chính lòng yêu nước, thương nòi đã khiến ông cha ta nhanh tróng nhận ra thứ chữ mới là một lợi khí để chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, vấn hồi lại độc lập." Sau đó ông trách GS Cao Xuân Hạo đã "làm người đi học phân tâm, làm giảm lòng yêu và tự hào về chữ viết, rộng ra là văn hoá của dân tộc, lòng kính trọng với các bậc tiền bối". Về chữ Nôm cũng vậy. GS Cao Xuân Hạo nói rằng "theo một chuyên gia Hán Nôm...chữ Nôm khó hơn chữ Hán rất nhiều".[2] Một nhận xét mang tính khoa học, có thể dễ dàng phủ nhận bằng khoa học. Nhưng Nguyễn Hoàng Sơn đã không dùng khoa học để phản bác, mà chỉ nhắc nhở rằng"chính nhờ thứ chữ phức tạp ấy và những người không ngại mang tiếng nôm na mách qué chúng ta ngày nay mới có "Quốc âm thi tập" (Nguyễn Trãi)..., "Truyện Kiều (Nguyễn Du), thơ Xuân Hương, thơ Bà Huyện... để mà ngâm ngợi, tự hào và giới thiệu với bạn bè thế giới đấy", và lên án GS Cao Xuân Hạo nghĩ như vậy là "vô ơn với chữ Nôm và những người sáng tạo ra nó..." Ta có thể thấy rằng Nguyễn Hoàng Sơn đi lạc đề hoàn toàn. GS Cao Xuân Hạo nói trên cơ sở khoa học, Nguyễn Hoàng Sơn nói trên cơ sở chẳng hiểu là gì học nữa. Những gì Nguyễn Hoàng Sơn nói ngẫu nhiên đúng - tất nhiên là Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm rồi - và có thể có một giá trị hùng biện nào đấy trong một cuộc tranh luận khác, nhưng khi phạm vi bàn luận là ngôn ngữ học lý thuyết, thì chúng chẳng đúng cũng chẳng sai, và chẳng có bất kì một giá trị gì. Nguyễn Hoàng Sơn không hề chỉ ra được rằng GS Cao Xuân Hạo nói sai, ông chỉ lớn tiếng nhắc nhở rằng không được phép nói như vậy. Chúng ta không thể không nghĩ đến những lời lên án Galileo của nhà thờ châu Âu thời trung cổ.
Sự thiếu (khoa) học của Nguyễn Hoàng Sơn còn thể hiện ở một loạt những lời chỉ trích hết sức vô lý. Ví dụ, khi nhắc đến cuốn sách "Âm vị học và Tuyến tính", Nguyễn Hoàng Sơn nói rằng GS Cao Xuân Hạo đã "bỏ công viết một cuốn sách tiếng Pháp", rồi thêm vào một cách mỉa mai rằng "chắc là cho các ông Tây". Sự mỉa mai này hoàn toàn vô căn cứ. Thứ nhất, cuốn sách đó có cả bằng tiếng Việt. Thứ hai, lý do tại sao GS Cao Xuân Hạo viết bản đầu tiên bằng tiếng Pháp là hoàn toàn dễ hiểu. Ngôn ngữ học hiện đại, cũng như nhiều môn khoa học khác, được xây dựng trên những thứ tiếng châu Âu, trong đó có tiếng Pháp. Dịch toàn bộ số lượng khổng lồ những khái niệm khoa học ra tiếng Việt để viết một cuốn sách tiếng Việt mà vào thời đó chắc chỉ để cho một vài ông bạn đều biết tiếng Pháp đọc là một việc dở hơi! Khi thấy có nhu cầu, GS Cao Xuân Hạo cũng đã bỏ rất nhiều công dịch cuốn sách đó ra tiếng Việt. Ta tự hỏi bản tiếng Việt đối với Nguyễn Hoàng Sơn có dễ hiểu hơn bản tiếng Pháp không. Thứ ba, ngôn ngữ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá một công trình khoa học. Chỉ có người không bình thường về trí tuệ mới đi trách Newton đã viết bằng tiếng La-tinh chứ không phải tiếng Anh.
Khi GS Cao Xuân Hạo nhắc đến kết quả thí nghiệm của một nhóm học giả Mỹ về chứng alexia để củng cố ý kiến của mình, Nguyễn Hoàng Sơn chỉ trích rằng đây chỉ là một "thí nghiệm duy nhất... mà chắc GS cũng chỉ đọc trên báo, chưa được kiểm nghiệm". Lời chỉ trích này cho thấy Nguyễn Hoàng Sơn không có khái niệm gì về cách làm việc khoa học. Nếu mới chỉ có một thí nghiệm, hoặc ta chỉ biết về một thí nghiệm, thì việc trích kết quả của thí nghiệm ấy là hoàn toàn bình thường, chẳng việc gì ta phải đợi đến thí nghiệm thứ hai, thứ ba cả. Còn việc chỉ đọc trên báo mà chưa kiểm nghiệm thì gần như là điều tất nhiên. Chính vì thế nên mới có hàng nghìn tờ chuyên san khoa học, để mọi người có thể đọc mà không cần đến tận nơi kiểm nghiệm.
Nguyễn Hoàng Sơn nói "lý do CXH phản đối từ thuần Việt là vì nó... dễ hiểu quá, ông nói "từ thuần Việt dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó"! Trời đất ơi, cứ cái đà này chắc ông sẽ là người ủng hộ cho việc nói những câu thật cầu kì như các ông đồ gàn ngày xưa, mỗi câu là một điển cố, người nghe phải nát óc ra mới hiểu được thì mới là thông minh sâu sắc ư?" Hãy xem có đúng GS Cao Xuân Hạo ủng hộ "nói những câu thật cầu kì như các ông đồ gàn ngày xưa" không. Đoạn văn đầy đủ của GS Cao Xuân Hạo là, "Từ "thuần Việt" dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu "quá dễ" ấy có rất nhiều xác suất là lối "vọng văn sinh nghĩa" - tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. Trong nhiều ngành, trên thực tế đã có hàng ngàn thuật ngữ được hiểu như thế, chẳng hạn như tình thái, hàm nghĩa, ngữ dụng, sở chỉ, v.v. là những thuật ngữ có vẻ dễ hiểu đến nỗi ai cũng cho là mình hiểu rồi, cho nên không thấy cần đọc sách nữa. Chính tính chất trừu tượng, khó hiểu (?) của thuật ngữ Hán-Việt tránh được cho ta cái hiểm họa ấy." Ta có thể thấy ông hoàn toàn có lý trong trường hợp này. Chẳng phải vô cớ mà khái niệm chủ chốt trong lý thuyết thông tin được gọi là entropy, một từ mà thoạt đầu nhìn cả tây lẫn ta đều không ai hiểu. Cha đẻ của lý thuyết thông tin, Claude Shannon, đã phải dùng từ này vì "không ai hiểu nó là cái gì",[3] để ai muốn hiểu được nó thì phải tìm hiểu kỹ càng chứ đừng có đoán mò. Tóm lại, việc dùng những từ lạ, không hiểu được một cách thông thường trong khoa học là một việc hết sức bình thường. Nguyễn Hoàng Sơn một là không hiểu nổi điều này, hai là không hiểu nổi GS Cao Xuân Hạo muốn nói gì.
Một bài phê bình như bài của Nguyễn Hoàng Sơn, nếu không đọc với một thái độ canh chừng, xem xét kỹ quan điểm, lời nói của người bị phê bình, thì có thể dẫn đến những cái nhìn sai lạc. Nhưng nếu biết được rằng phần lớn những cái nó phê bình một là không tồn tại, hai là không đáng để mang ra phê bình, thì ta sẽ nhìn ra bài viết giá trị được bao nhiêu: rất ít.
© 2003 talawas
[1] Cao Xuân Hạo, "Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ". CXH còn nói thêm sau đó "trên bình diện thực tiễn, dùng chữ quốc ngữ...vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ La Tinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu".
[2] Cao Xuân Hạo, "Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?"
[3] Jerry Campbell, Grammatical Man, tr. 32.
No comments:
Post a Comment