Saturday, October 13, 2007
Sách
Đường về lòng người tha phuơng nhớ
Chiều dần dần mờ cô thôn vắng
Người yêu dấu ngàn đời thấu chăng
Ta nén đau thương gắng bước hoài
Thuyền chèo tới đâu chưa ngừng bến
Chiều thứ 7 nghe Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bảo hát. Giọng Ngọc Bảo có lúc nghe rất thích, có lúc cảm thấy khó chịu và sốt ruột. Chắc hẳn phải do tâm trạng phù hợp, cũng như nghe jazz không phải lúc nào nghe cũng được. Hôm nay thì nghe thấy thích.
Trên blog của Hiếu đang nói chuyện về sách. Hồi nhỏ tôi cũng rất thích sách. Nhà tôi vốn không có nhiều sách và mọi người trong nhà cũng không phải hay đọc. Trong 3 anh em trai thì tôi là người chịu khó đọc sách nhất. Trẻ con hồi đó nghèo và không có đồ chơi, nếu có thì toàn là những đồ chơi tự tạo không mất tiền mua (đồ chơi duy nhất mất tiền mua có lẽ là súng phun nước vào dịp Trung thu). Thế nên suốt hồi cấp 1 và cấp 2, tất cả tiền mừng tuổi của tôi là đều để vào việc mua sách. Gần như tất cả các cuốn sách truyện trong nhà đều từ những khoản tiền mừng tuổi và tiền ăn sáng (nếu có) đó. Nhưng khoảng cách giữa sách và văn học thực sự còn xa lắm- các sách tôi mua hồi đó là truyện cổ tích, rồi truyện phiêu lưu, truyện tình báo, truyện trinh thám này nọ, chứ hầu như không có các tác phẩm văn học lớn (lý do là chúng thường dầy và đắt, vượt quá khả năng mua sắm của tôi) mặc dù thỉnh thoảng cũng mượn được quyển này quyển kia từ các nhà hàng xóm.
Nhớ hồi cấp 2, bác hàng xóm nhà tôi có khá nhiều sách hay như của Dumas, Victor Hugo…Nhà bác có hai cô con gái trong đó có một cô bằng tuổi tôi nhưng vì học sớm một năm thành ra hơn tôi 2 lớp (vì không phải học lớp 9) thành ra nghiễm nhiên xưng chị với tôi. Với bản chất nhút nhát cộng thêm không chịu nhận người bằng tuổi là chị nên tôi thường tránh không nói chuyện với cô. Nhưng nhà cô lại có nhiều sách hay, thế là tôi thường cứ phải xúi thằng em trai đi mượn sách hộ. Em trai tôi thì lười đọc sách, mặc dù hồi nhỏ hai anh em vẫn thường rủ nhau đi bộ ra Hiệu sách nhân dân Từ Liêm, Hiệu sách nhân dân Giảng Võ để xem sách. Hồi đó sách chỉ được bày bán ở các hiệu sách nhân dân, mỗi phường hay vài phường có một hiệu sách. Đó là một thú vui khi đọc tên các cuốn sách, các tác giả, đôi khi hỏi cô bán sách cho xem lướt nội dung cuốn sách, đọc tóm tắt nội dung hay lướt qua lời giới thiệu cuốn sách (sách ngày xưa bao giờ cũng có lời giới thiệu, khác với bây giờ có cuốn có, có cuốn không). Nhưng hầu hết thời gian chỉ là để ngắm nghía, chọn lựa trước và tưởng tượng tới lúc mình có đủ tiền để quay trở lại mua những cuốn sách đó. Các bộ sách Tam Quốc, Đông chu liệt quốc, Tây du ký, Thủy Hử, Phong thần diễn nghĩa tôi đều mua vào những năm cuối cấp 2 ở hiệu sách Giảng Võ. Và thường để mua hết các bộ sách đó có khi mất cả năm, mỗi lần mua chỉ có đủ tiền mua 1 tập, 2 tập.
Đến khi cuối cấp 2 và đầu cấp 3 và đi xe đạp thường xuyên thì một địa chỉ mà tôi thường đến nữa (bên cạnh Hiệu sách Giảng Võ) là phố Nguyễn Xí- Tràng Tiền. Hiệu sách Quốc văn Tràng Tiền là một địa chỉ lớn lúc đó nhưng thường chỉ lúc nào có nhiều tiền rủng rỉnh thì mới vào đó chọn sách. Bình thường tôi hay lang thang ở Hiệu sách phố Nguyễn Xí- chỗ bây giờ là một Hiệu sách rất to mà tôi không nhớ tên- ở đó có quầy hàng sách giảm giá, và thỉnh thoảng có nhiều sách hay được bán với giá rẻ. Ví dụ tôi mua được hai bộ sách của Dumas là Bá tước Monte Christo và Hoàng hậu Mác-gô ở đây với giá rẻ bất ngờ chỉ bằng chừng 50% giá bìa.
Nhưng hồi học cấp 3 thì tôi cũng không còn đọc truyện mấy- hay đúng hơn là chuyển sang đọc truyện chưởng thuê ở ngoài hàng. Những bộ truyện chưởng đầu tiên đọc còn là sách photo từ hồi miền Nam cũ, đọc nhiều khi rất bực mình vì bị mất đi một số trang. Thực ra tôi bắt đầu đọc truyện chưởng từ hồi cấp 2 nhưng đó là các truyện chưởng nhái đội tên sửa chữa do các nhà xuất bản Tiền Giang, Hậu Giang gì gì đó in ra. Nhưng những cuốn truyện chưởng đó chỉ hấp dẫn ban đầu rồi sau đó chán dần và tôi không còn muốn đọc nữa. Nhưng khi bắt đầu đọc Kim Dung hồi cấp 3 thì lại khác. Truyện Kim Dung đưa tôi vào một thế giới, một không gian tưởng tượng mới kỳ bí và hấp dẫn. Tôi vẫn nhớ cảm giác đọc liền mấy tập Tiếu ngạo giang hồ trong một dịp cuối năm để kịp trả sách trước khi Tết đến cho khỏi “dông”. Những cảm giác dồn nén, hồi hộp, vui sướng và buồn bã cùng nhân vật, để đến khi đọc xong là một cảm giác vừa thỏa mãn, vừa bâng khuâng và hối tiếc khi sẽ không còn gặp lại, không còn tiếp tục hành trình cùng các nhân vật trong truyện nữa.
Đến khi lên Đại học thì tôi ít đọc truyện hẳn, mặc dù hồi đó có tiền học bổng khoảng 50.000 đồng một tháng. Có thể do tác động của môi trường xung quanh, khi quanh tôi gần như chẳng có ai đọc sách. Và cũng còn do những mối quan tâm khác nữa trong cuộc đời, khiến sách trở nên có một vị trí thứ yếu. Tiền học bổng lúc đó được dành để mua băng nhạc, để ngồi quán xá trong trường, và đôi khi là để uống bia. Mãi tới chừng năm thứ 3 Đại học, khi tôi bắt đầu làm thẻ thư viện Hà Nội thì tôi mới bắt đầu đọc sách trở lại, ban đầu là đọc sách kinh tế nhưng về sau chủ yếu là mượn truyện về để đọc. Sau này tới khi đi làm tôi vẫn có thẻ ở thư viện Hà Nội để thỉnh thoảng mượn sách. Nhưng rồi bận bịu việc nọ việc kia nên thường là tôi bị quá hạn trả sách nên cũng không mượn sách ở đó nữa. Lúc này có tiền hơn nên tôi cũng chịu khó mua sách hơn, mặc dù đã bắt đầu rơi vào tình trạng không đọc hết những gì mình mua.
Tới bây giờ thì tình trạng đó lại càng rõ. Sách mua nhiều khi chỉ vì thích mua chứ không phải vì cần, mà cũng biết trước rằng khi mua về mình sẽ không có thời gian để đọc nó. Trong nhà tôi giờ nhiều sách, mà tới khi về Việt Nam chắc chắn sẽ phải gửi đường biển, nhưng số sách mà thực sự đã đọc chỉ là thiểu số. Sách thư viện cũng vậy, mỗi lần đi thư viện là tha về một đống sách đủ thể loại nhưng nhiều cuốn không kịp đọc trước khi đem trả. Đôi khi lại chặ
c lưỡi bảo bao giờ về hưu sẽ đọc tiếp Joyce, Faulkner, Pynchon vậy. Khổng tử ngày xưa cũng 50 tuổi mới bắt đầu đọc Kinh Dịch mà.
Nhưng nhiều lúc vẫn thấy nhớ cái cảm giác háo hức hồi xưa khi mua được một cuốn sách mới, cảm giác đằm chìm trong cuốn sách như một sự khám phá. Và cả cái cảm giác khi một buổi chiều ảm đạm nào đó, nằm trên giường và lật trang sách mà không phải đắn đo hay nghĩ ngợi về một điều gì khác. Sự đủ đầy nhất của cuộc đời, phải chăng lại chính là ở tuổi thơ, ngay cả ở những tuổi thơ thiếu hụt. Liệu có phải khi người ta trưởng thành thì cuộc sống sẽ luôn mất đi một điều gì đấy không thể nào lấy lại được?.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment