Thursday, October 04, 2007

Entry for October 04, 2007

1. Ý kiến của một NCS gửi ông Nguyễn Thiện Nhân.
Đề án 20.000 tiến sỹ: Không khả thi và quá mạo hiểm?

Bài cũng không có gì thực sự đáng chú ý, cảm tính và không hề có số liệu gì minh họa hay diễn giải một cách thuyết phục ý kiến của mình. Có hai điểm đáng chú ý: thứ nhất là tác giả gọi ông Nhân là bác và xưng cháu, một việc thể hiện tư duy rất làng xã. Trong một thư kiến nghị ngỏ mà vẫn dùng cách xưng hô gia đình như thế thì ý kiến sao có sức nặng. Tại sao lại không thể gọi ông, xưng tôi chứ? Tuổi tác ở đây đâu có quan trọng gì.

Thứ hai là ý kiến của tác giả và gần đây của khá nhiều người trên báo chí yêu cầu những nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có công trình đăng trên tạp chí quốc tế. Ở châu Âu thế nào thì tôi không biết nhưng ở Mỹ, nghiên cứu sinh không cần phải có công trình trên tạp chí như là một điều kiện để bảo vệ luận án. Tất nhiên, nếu họ muốn xin việc tốt thì việc có publication trên các tạp chí có uy tín là một lợi thế rất lớn, nhưng để bảo vệ luận án thì việc này không cần thiết. Có hai lý do: thứ nhất, thời gian để đăng một bài trên tạp chí có khi mất hàng năm. Thứ hai là nếu bắt họ có bài đăng trên tạp chí nghiên cứu thì sẽ gây ra sức ép để họ gửi bài trên các tạp chí ít tiếng tăm, trong khi nếu họ nghiên cứu sâu hơn thì sẽ có thể đăng bài ở các tạp chí có uy tín sau đó.

Việc yêu cầu các nghiên cứu sinh ở Việt Nam phải có bài đăng ở tạp chí quốc tế trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ có lẽ hơi khó và hơi thiếu tính khả thi.

2. Báo Vietimes có vẻ sắp thành một An ninh thế giới thứ hai, hết bài về Hữu Ước lại tới phỏng vấn Nguyễn Như Phong. Chị Nguyễn Ngọc Tư có bảo là An Ninh thế giới loay hoay tìm bài để ca ngợi TBT. Giờ chắc ANTG đã tìm được nhà thầu phụ là Vietimes rồi nên mới chuyển công việc sang cho Vietimes của anh Tuấn Ha-vợt với anh Thiều văn sĩ.

Mục Người quan sát của Vietimes hay có các bài provocative một cách khá lố (lố từ bài mở đầu trở đi). Ví dụ bài mới nhất rất hùng hồn rằng “Vietnam Idol: Thần tượng… đất sét” nhưng cả bài chẳng phân tích được tại sao cô Vy lại là thần tượng đất sét cả. Ở đây bài viết này hoàn toàn không có ý gì, ngoài việc tìm cách bảo vệ chữ “thần tượng” như một cái gì đó thiêng liêng và không cho phép một cuộc thi hát được sử dụng cái chữ thiêng liêng đó. Thậm chí bạn “Người quan sát” còn lên tiếng nhân danh thế hệ đi trước, với một giọng điệu rất bề trên, trịnh thượng với sự suy thoái đạo đức của thế hệ trẻ: “Liệu chúng ta có lý do gì chính đáng để biện hộ cho sự suy thoái đạo đức đang ngày một dày lên của một bộ phận thanh niên? Hay chỉ biết cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho những thiếu sót của một xã hội hiện đại với đầy cám dỗ. Có lúc nào, chúng ta tự vấn lương tâm trên cương vị một thế hệ đi trước, những người từng trải và có kinh nghiệm, những người có trách nhiệm hướng dẫn và đào tạo thế hệ trẻ, chúng ta đã làm được gì để tôn vinh những giá trị chân chính, để chiến đấu với những giá trị ảo? “

Thế nào là giá trị chân chính, thế nào là giá trị ảo thì không thấy bạn ấy nói. Ca sĩ hát hay là giá trị chân hay giá trị ảo? Hồ Chí Minh? Bill Gates? Trịnh Công Sơn? Phạm Duy? Đặng Thùy Trâm? Cái nào chân, cái nào ảo, chân bao nhiêu phần, ảo bao nhiêu phần?

Lại còn câu này "Giải thưởng của cuộc thi “Thần tượng âm nhạc” đã có chủ. Thế nhưng, liệu giới trẻ đã có được một thần tượng thật sự cho mình?"

Thế tại sao giới trẻ VIệt Nam lại cần thần tượng? Và tại sao trách nhiệm tìm thần tượng cho giới trẻ ấy lại phải do các bạn thuộc “thế hệ đi trước, những người từng trải và có kinh nghiệm, những người có trách nhiệm hướng dẫn và đào tạo thế hệ trẻ,” chứ không phải là quá trình tự tìm kiếm- nếu điều này là cần thiết- của chính giới trẻ? Một thứ giọng điệu vừa lên lớp về đạo đức vừa mang tính cha chú, rất đặc sắc trong báo giới Việt Nam.

Thùng rỗng kêu to, nhưng thùng của bạn Người quan sát có làm bằng đất sét hay không thì không dám có kết luận.

No comments: