Saturday, October 27, 2007

Entry for October 27, 2007

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy tin giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam được trao cho Đoàn Minh Phượng với tiểu thuyết “Và khi tro bụi” và Hữu Việt với tập thơ dịch “Khúc hát trái tim” hầu như bị bỏ qua trên báo chí. Báo Tuổi Trẻ đưa tin với năm sáu dòng ngắn ngủi. Báo Thanh Niên và Lao Động thậm chí còn chưa đưa tin trong mục Văn hóa. Vnexpress đưa tin dài hơn Tuổi Trẻ nhưng cũng không bình luận gì. Chỉ duy nhất có VNN là có bài phỏng vấn Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn và Thể thao văn hóa có bài bình luận về sự kiện này (đăng lại trên phongdiep.net).

Ấy thế mà như tôi hiểu, giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam là giải quan trọng nhất về văn học. Trước kia, giải này từng được trao cho các tác phẩm đánh dấu những biến chuyển của văn học Việt Nam như Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma…Nếu so với sự kiện ầm ĩ xung quanh giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội mà các báo cũng tốn không ít giấy mực thì giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam lần này yên ắng tới không ngờ. Chẳng nhẽ phải có scandal, có dè bỉu và và cạnh khóe (như Lê Thiếu Nhơn với Vàng Anh) thì báo chí mới “hăng say” vào cuộc? Khai thác tối đa các mâu thuẫn vẫn là thế mạnh của báo chí và của cách mạng, và do đó, tất nhiên là của báo chí cách mạng. Trong khi đó, các sự kiện văn hóa như hoa hậu thể thao 2007, hoa hậu châu Á 2008, hoa hậu Trái đất 2007 hay tin bài về Britney Spears trả tiền để không phải ra toà, Natalie Portman và cảnh quay nóng, Orlando Bloom và Miranda Kerr: Cặp đôi mới? thì báo nào cũng đưa trong mục “Văn hóa” của mình.

Ở các nước phát triển, các giải thưởng văn học quốc gia như National Book Award của Mỹ, Booker của Anh…nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Báo chí liên tục đưa tin, bài, bình luận, điểm sách… về các cuốn sách được vào sơ khảo, chung khảo các giải thưởng này trong suốt cả quá trình. Đó là các sự kiện văn hóa quan trọng, đánh giá những thành tựu đạt được trong nền văn học đương đại của đất nước đó. Ngay từ một cuốn sách được công bố đoạt giải, số lượng phát hành cuốn sách đó lập tức tăng vọt (tất nhiên là vẫn không so sánh được với các cuốn best-seller như tiểu thuyết mới của Stephen King nhưng sẽ là best-seller của dòng sách văn học). Ngay ở Trung Quốc, bên cạnh các giải thưởng văn học quốc gia thì gần đây cũng có cuộc bình chọn trên mạng các nhà văn Trung Quốc đương đại với rất nhiều người tham gia. Còn ở Việt Nam? Các phóng viên, biên tập viên văn hóa còn bận rộn đưa tin về hoa hậu Thể thao, hay dịch tin về vụ scandal mới nhất của Britney Spears. (Nói thế thì cũng không công bằng lắm, có một số tờ báo chuyên về văn hóa cũng chịu khó đưa tin về các giải thưởng văn học ở nước ngoài lắm, vả cả các giai thoại về đời tư của nhiều nhà văn mà tác phẩm chưa bao giờ được dịch ra tiếng Việt).

Thế còn các nhà phê bình văn học? Tại sao chúng ta không mấy khi thấy họ lên tiếng về các cuốn sách được giải thưởng văn học, hay các cuốn sách được dư luận quan tâm trong thời gian qua? Có thể do họ còn bận rộn điểm sách theo đơn đặt hàng của các công ty sách (nói cách khác là làm công việc của nhân viên marketing), như có lần họ tâm sự trên báo. Hoặc cũng có thể, như một nhà “phê bình văn học của tôi” từng nói (ngụ ý) họ không mấy quan tâm tới các nhà văn nội địa. Dù gì thì gì, phê bình (một cách thực sự) về Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Ngọc Tư hay Thuận cũng không “sang trọng” và an toàn như khi viết về Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn hay Quách Kính Minh (và Dan Brown!).

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc được trên báo các bài ca thán về “văn hóa đọc” của người trẻ. Rằng thanh thiếu niên bây giờ lười đọc quá, hay nếu đọc thì chỉ đọc truyện tranh: theo một khảo sát của báo Lao động thì một người Việt trung bình đọc 2,8 cuốn sách mỗi năm trong đó 60% là truyện tranh, nhưng tôi nghĩ có khi con số này cũng là cao quá. Nhiều người lên tiếng báo động quá đến nỗi các bạn Hội đồng Anh phải tổ chức hội thảo, mời cả chuyên gia về văn hóa đọc sang để giới thiệu điểm cơ bản nhất về đọc sách và phê bình sách cho độc giả và nhà phê bình Việt Nam. Nhưng cũng chỉ được vài bữa thì bị các cơ quan hữu trách về văn hóa cho dừng lại, chắc vì sợ văn hóa đọc người Việt phát triển lệch lạc theo kinh tế thị trường không định hướng (XHCN)?

Văn hóa đọc của người Việt Nam cũng có thể có những vấn đề. Nhưng tôi nghĩ nếu như chính các nhà phê bình văn học, các biên tập viên- phóng viên văn hóa của các tờ báo lớn mà cũng lười đọc hoặc/và lười viết nữa thì việc trách nhân dân lười đọc, hay không có văn hóa đọc có phải là công bằng không?

PS: Nhưng lại nghĩ lại, có khi không phải các nhà phê bình hay các nhà văn thờ ơ với các tác phẩm đoạt giải thưởng, mà là họ không tin tưởng vào các giải thưởng với rất nhiều bê bối trong quá khứ này, cũng không tin tưởng vào cái hội nhà văn hơi giống cái hội ngồi chiếu trên, sắn thủ lợn trong sân đình chứ không phải một hội nghề nghiệp đúng nghĩa. Dù thế nào, sự thờ ơ (một cách ảm đạm) này cũng phản ánh sự thiếu lành mạnh (và một cái gì đó cynical) trong đời sống văn học Việt Nam.

No comments: