Friday, October 12, 2007

Báo chí

Một số sự kiện gần đây như vụ Từ Nữ Triệu Vương phỏng vấn Lê Thiếu Nhơn cho thấy có sự thiếu hụt trầm trọng trong cái gọi là văn hóa của các nhà báo khi phỏng vấn. Có rất nhiều người sau khi được phỏng vấn cảm thấy mình bị “đánh lừa”. Bằng cách cắt xén, thêm thắt, gài bẫy…, nhiều nhà báo đã cố tình gài để người trả lời phỏng vấn mắc bẫy, tạo ra các scandal, để rồi người ta có thân bại danh liệt vì chuyện đó thì cũng không sao, mà lại càng hả hê vì bài viết của mình gây chấn động hay mình đã gài được cho nó chết. Những sự việc đó thực chất là rất rẻ tiền, mang bản chất của báo lá cải nhưng lại rất phổ biến trong báo giới Việt Nam ở mọi tờ. Một hiện tượng khác nữa khi đọc các bài phỏng vấn còn là sự lanh chanh của người phỏng vấn, lấn lướt người trả lời, nhiều chỗ như hỏi cung, trong khi thực ra vai trò của người phỏng vấn phải là tạo điều kiện cho người trả lời và lấy người trả lời làm trung tâm. Ví dụ trong bài phỏng vấn này của Sơn Khê với Nguyễn Phan Hách trên Vietimes, tôi thử đếm thì số câu chữ của Sơn Khê (người phỏng vấn) chiếm tới 58% số câu chữ mà Nguyễn Phan Hách nói. Một cách ngẫu nhiên, tôi thử đếm từ bài phỏng vấn của Daniel Mermet với Noam Chomsky đăng trên tờ Diễn Đàn và đăng lại trên blog Dong A để so sánh. Số từ mà Mermet nói chỉ chiếm 11% số từ mà Chomsky nói.

Tôi nghĩ có nhiều phóng viên bước vào phỏng vấn với tâm lý như vào trận. Họ bài binh bố trận để người trả lời phỏng vấn nghĩ rằng đó là một cuộc phỏng vấn bình thường, nhưng thực ra trong đầu phóng viên đã có sẵn dàn ý, với mục tiêu nhằm “đánh” người trả lời. Người phương Đông có câu Binh bất yếm trá, thậm chí còn thần thánh câu đó như là đạo đức của chiến tranh, và rộng hơn là trong các mối quan hệ khác trong xã hội. Nhưng các nhà báo- chiến sĩ ấy quên rằng đạo đức của nhà báo không phải là ở tư cách chiến sĩ của họ, ở việc họ có tìm được chỗ sơ hở của người được viết bài để vùi dập và gây scandal hay không (mà sự vùi dập này nhiều khi để thỏa mãn các mâu thuẫn cá nhân). Đạo đức của nhà báo là ở chỗ nhận thức đúng vấn đề đáng viết và cần phải viết, và viết bài một cách trung thực và khách quan. Rất nhiều nhà báo ý thức được rằng mình có quyền lực (mà theo sách thì hình như được gọi là quyền lực thứ tư). Nhưng cũng khá nhiều người không hiểu thực sự ý nghĩa quyền lực mà mình có- đó không phải một thứ quyền lực tự thân mà là quyền lực mà xã hội trao cho họ để họ tìm hiểu và thông tin về sự thật cho công chúng. Những nhà báo lạm dụng quyền lực của mình cũng tồi tệ không khác các chính trị gia lạm dụng quyền lực mà xã hội giao cho để tham nhũng, hối lộ và bạo hành. Thậm chí có thể họ còn tồi tệ hơn vì họ sẽ góp phần làm tê liệt xã hội, khiến xã hội mất dần khả năng điều chỉnh để có thể tốt đẹp hơn. Nói như cụ Hồ nói “báo chí cách mạng là tai, là mắt của nhân dân” thì các nhà báo, những tờ báo lạm quyền, thao túng sự thật vì lợi ích bản thân hay những nhóm lợi ích nào đó, hoặc xu nịnh các quyền lực khác, cũng là đang góp phần mù hóa, điếc hóa nhân dân.

Phim Citizen Kane- bộ phim được đông đảo giới làm phim coi là vĩ đại nhất trong thế kỷ 20- kể về cuộc đời của một tỷ phú làm báo. Báo của ông là một báo lá cải và ông tự hào về điều đó. Nhưng dù là một tờ lá cải, tờ báo vẫn có linh hồn và triết lý của nó. Triết lý làm báo lá cải của Kane là gì. Kane đưa ra một tuyên ngôn cho tờ báo, và in nó rộng rãi trên trang nhất:

“Tôi sẽ cung cấp cho nhân dân trong thành phố một tờ tin hàng ngày. Tờ tin này sẽ đưa tất cả các tin tức một cách trung thực. Tôi sẽ cung cấp cho họ những tin tức trung thực một cách nhanh chóng, đơn giản và có tính giải trí. Và không có nhóm lợi ích nào được phép ảnh hưởng tới tính chân thực của tin tức. Tôi sẽ đấu tranh không mệt mỏi vì quyền công dân và quyền con người của họ”.


Cái tuyên ngôn của báo lá cải đó, xem ra chưa có tờ báo nào của Việt Nam thực sự làm được những gì tương tự (mà lý do chính, tất nhiên là vì chúng ta chưa có tự do báo chí). Và có lẽ cũng không nhiều nhà báo có thể tự hào là mình làm được thế, (trong phim thì đến bản thân Kane cũng không giữ được đến phút chót điều này). Trong giới báo chí nước ngoài thì đến tờ New York Times (tờ vẫn tự hào và được ca tụng là The best newspaper in the world) cũng xảy ra những vụ phóng viên gian dối và thiếu đạo đức nghề nghiệp. Nhưng như thế không có nghĩa là đánh đồng tất cả với nhau, New York Times cũng như Vietimes, hay Washington Post cũng không khác gì báo Bưu điện.

Tôi không biết các tờ báo ở Việt Nam có được một triết lý nào đó được phổ biến rộng rãi cho các phóng viên không. Cũng mong là các triết lý đó, nếu có, cũng không rẻ tiền và đung đưa với hoàn cảnh nhiều quá.



PS: Để tránh hiểu lầm (như đã xảy ra hichic), tôi xin nhấn mạnh là tôi rất rất tôn trọng nghề báo và công việc mà nhiều nhà báo đang làm ở Việt Nam. Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, báo chí có tác động rất tích cực tới xã hội, thậm chí có khả năng làm biến chuyển xã hội cả về mặt tư duy và hành động. Bài viết này chỉ là mong muốn để báo chí “cách mạng” ngày càng trở thành tai mắt của nhân dân, và các nhà báo ngày càng rèn luyện tài năng, nhân cách (và phẩm chất chính trị) thêm vững vàng.

No comments: