Williams Easterly, giáo sư kinh tế trường New York University có bài trên tạp chí Foreign Policy số tháng 7-8/2007, trong đó ông ví von chính sách phát triển cho các nước nghèo như một hệ tư tưởng tương tự chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít trước đây.
“The failed ideologies of the last century have come to an end. But a new one has risen to take their place. It is the ideology of Development—and it promises a solution to all the world’s ills. But like Communism, Fascism, and the others before it, Developmentalism is a dangerous and deadly failure .”
Các lý thuyết phát triển (development theories) có lịch sử khoảng chừng 50 năm, sau khi thế chiến thứ Hai kết thúc và với sự ra đời của các tổ chức kinh tế quốc tế như World Bank và IMF. Các lý thuyết này nhằm tìm ra câu trả lời tại sao các nước lại tăng trưởng và phát triển, và làm thế nào các nước nghèo có thể tăng trưởng và phát triển. Trong bài viết của mình, Easterly gọi các lý thuyết này bằng cái tên Developmentalism- chủ nghĩa phát triển.
Theo Easterly, chủ nghĩa phát triển cũng giống như các chủ nghĩa có tính quyết định luận khác- nó hứa hẹn một câu trả lời chung cho mọi vấn đề của xã hội, từ dân chủ, nghèo đói cho tới bạo lực. Nó gắng tìm một công thức chung có thể áp dụng cho mọi nơi, mọi lúc. Và nó cũng có những nhà thờ và các viên tư tế của nó- đó là các thiết chế tài chính quốc tế IMF, World Bank, UN. Thế nhưng các cố gắng của các thể chế này và của chủ nghĩa phát triển đều thất bại trong hàng chục năm qua. Các công thức cho phát triển cũng thay đổi xoành xoạch như từ tăng tiết kiệm, cho tới mở cửa thị trường và tự do hóa, cho tới giáo dục và đầu tư hạ tầng, cho tới quản trị (governance) và toàn cầu hóa…Easterly cho rằng những trường hợp thành công như Trung Quốc hay Việt Nam đều không phải từ việc nghe lời các thể chế quốc tế trong khi đó có nhiều ví dụ về thất bại kinh tế xuất phát từ việc nghe theo lời khuyên của các thể chế này. Những phê phán này của Easterly về các thất bại của các thể chế quốc tế cũng tương tự như của Stiglitz, cựu kinh tế trưởng của World Bank, hay Dani Rodrik của trường Harvard trong nhiều bài viết. Nhưng khác với Stiglitz là người chủ trương nâng cao vị thế của các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa và vẫn tin tưởng vào các chính sách phát triển và vào vai trò của các tổ chức quốc tế, Easterly hoàn toàn sổ toẹt các chính sách phát triển. Ông giễu cợt Jefrey Sachs, một trong những người chủ xướng chương trình phát triển của Liên hợp quốc và kêu gọi tăng viện trợ cho các nước nghèo, là một viên thầy thuốc đã thất bại trong liệu pháp sốc kinh tế ở Nga và Đông Âu, giờ quay sang hứa hẹn liều thuốc chữa bách bệnh cho các nước nghèo “He [Sachs] is now recycling his theories of overnight shock therapy, which failed so miserably in Russia, into promises of overnight global poverty reduction. “Africa’s problems,” he has said, “are … solvable with practical and proven technologies.”
Easterly cũng giễu cợt Thomas Friedman, tác giả cuốn Thế giới phẳng là ngây thơ, hùng hồn một cách ngớ ngẩn (Thomas Friedman thì đúng là ngây thơ thật rồi).
Vậy quan điểm của Easterly là gì? Easterly có quan điểm khá gần với những người theo trường phái libertarian, tức là hãy để thị trường quyết định. Easterly trích lời Anne Krueger, cựu phó Chủ tịch IMF và là một trong các nhà kinh tế bảo thủ nhất rằng trong lịch sử, phát triển ở các nước giàu “tự nó xảy ra”. Ông so sánh thu nhập người dân châu Phi hiện nay tương tự thu nhập người Mỹ năm 1776 và cho rằng nước Mỹ chẳng cần chính sách phát triển nào, chẳng có tổ chức quốc tế nào đứng ra khuyên nhủ, tư vấn hay viện trợ mà vẫn trở nên thịnh vượng. Điều quan trọng, theo Easterly, là làm cho các nước nghèo tự do hơn, và làm cho các cá thể ở các nước này có quyền tự do lựa chọn. Tự do sẽ tạo ra phát triển do quá trình rút kinh nghiệm từ các sai lầm, trong khi ngược lại các chính sách phát triển sẽ ràng buộc tự do và dẫn tới các lệch lạc. Còn viện trợ cũng như tư vấn chính sác của các tổ chức quốc tế- có thể hiểu là không cần thiết, theo Easterly.
Các quan điểm của Easterly cực đoan nhưng thực ra theo tôi, nó tiêu biểu cho suy nghĩ của khá nhiều nhà kinh tế ở các nước phát triển. Kinh tế phát triển, với tính chất như một bộ môn riêng biệt, ngày càng bị nghi ngờ về tính hữu ích của nó trong mắt của nhiều nhà kinh tế dòng chủ lưu (mainstream).
Những lập luận của Easterly khá hùng hồn và nhiều mỉa mai, nhưng không phải là chắc chắn. Ví dụ như việc Easterly so sánh nước Mỹ năm 1776 và châu Phi ngày nay mà không thấy rằng giữa nước Mỹ 1776 và châu Phi có quá nhiều khác biệt về dân số, đất đai, tài nguyên, cũng như các thể chế có sẵn. Hơn nữa, cái mà các nhà phát triển muốn làm là đưa châu Phi vượt qua các vấn đề hiện tại đang đe dọa sự thụt lùi và các hiểm họa của khu vực này (nghèo đói, AIDS, tàn phá tài nguyên…) chứ không phải là cứ để vậy và hy vọng sau 230 năm, các nước này sẽ thịnh vượng như nước Mỹ bây giờ.
Ví dụ về các nước thành công cũng vậy, sự tư vấn và vốn viện trợ của World Bank hẳn giúp Việt Nam hay nhiều nước khác không ít chứ không phải là không có ích gì như Easterly khẳng định. Hơn nữa, ngày nay, các chính sách phát triển cũng thay đổi theo thời gian và hướng nhiều hơn tới việc mở rộng sự tham gia của phía tiếp nhận chứ không phải là một công thức cứng nhắc Washington Consensus hay post-Washington Consensus. Bản thân cái việc các tổ chức quốc tế (mà ảnh hưởng tuyệt đối vẫn là Mỹ) cũn
g luôn tìm kiếm một thứ công thức phát triển kiểu như Washington Consensus không phải tương đồng với CNCS và chủ nghĩa phát xít như Easterly nói. Thực ra nó chỉ phản ánh ý tưởng cho rằng kinh tế học cho các nước đang phát triển có tính khoa học (cũng như kinh tế học nói chung là khoa học) và trong khoa học thì sẽ có câu trả lời đúng và câu trả lời sai trong những bối cảnh và điều kiện nào đó. Đánh đồng kinh tế phát triển với những hệ tư tưởng có tính quyết định luận và tôn giáo như Easterly thì đúng là hơi quá đà.
No comments:
Post a Comment