Monday, October 22, 2007

Linh tinh

Lâu lắm mới lại xem phim, dạo này khó cảm thấy đủ kiên nhẫn để xem liên tục hết một bộ phim.

Xem Fallen Angels của Vương Gia Vệ, rất thích nhạc và không khí trong phim. Phim này có thể coi là phần kế của Chungking Express. Nhưng Chungking Express nhẹ nhàng hơn, còn phim này buồn và khi xem có cảm giác mất mát. Như vậy là cũng đã xem gần hết phim của ông này, chỉ còn cái Happy Together (về gay nên không hứng xem lắm) và phim mới ra My Bluberry Nights.


Xem Ratatouille, không thấy thực sự thích như nhiều người, mặc dù đúng là hình ảnh đẹp và nội dung sáng tạo. Nhưng mình vốn ghét và sợ chuột nên vẫn cảm thấy hơi kinh kinh khi xem cả đàn chuột lổm ngổm trong hang hay trong bếp. Nội dung thì vẫn quanh quanh giống như bài hát của Backstreet Boys: I don’t care who you are, what you do, where you’re from, as long as...you can cook.

Xem phim này tự nhiên lại nhớ tới ông già James Watson từng được giải Nobel về công trình phát hiện ra cấu trúc vòng xoắn của DNA, mấy hôm trước phát biểu là bi quan về tương lai châu Phi vì các kiểm tra trí tuệ đều cho thấy họ khác người da trắng. Ông này cũng từng có các phát biểu bạt mạng không kém trong quá khứ như cho là phụ nữ có quyền phá thai nếu tìm thấy là thai nhi có mang gene của người đồng tính, hay cho là người da đen và da sẫm màu thì có nhu cầu tình dục mạnh mẽ hơn người da trắng. Ông ta cũng có vẻ là người theo thuyết Darwin cực đoan khi cho rằng genes quyết định tất, ví dụ cho rằng sự ngốc nghếch cũng là do genes.

Tất nhiên là với những phát biểu này thì ông ta bị phê phán mạnh mẽ. Nhưng chắc rằng trong số những người phê phán ông ta như thế, không ít người cũng có ý nghĩ tương tự. Nhà nhân chủng học Jared Diamond từng nhận xét là đa số người phương Tây tuy không nói ra nhưng đều ngầm cho rằng họ thông minh hơn các sắc tộc khác. Chỉ có điều là sau khi các học thuyết giả-khoa học cho rằng người da trắng và cụ thể nữa là người Aryan ưu việt hơn các dân tộc khác đã được sử dụng làm cơ sở cho chủ nghĩa quốc xã thì giờ đây những phát biểu như của James Watson đều bị coi là phân biệt chủng tộc.

Cũng nói về IQ có một công trình của một nhóm tác giả Mỹ về IQ của các sắc tộc, được xuất bản khoảng 20 năm trước trong một cuốn sách dày gần 1000 trang có tên là The Bell Curve. Theo The Bell Curve, chỉ số IQ được đo lường của các sắc dân ở Mỹ theo thứ tự từ cao xuống thấp là người gốc Á, người da trắng Caucasian, người gốc Hispanic và cuối cùng là người da đen. Cũng chú ý là thứ tự này tương tự như kết quả thi SAT của học sinh cuối cấp 3 ở Mỹ, và cũng tương tự như thang bậc thu nhập trung bình của các sắc dân ở Mỹ. Nghiên cứu này cũng bị nhiều nhà nghiên cứu cho là giả khoa học. Nổi tiếng nhất trong số những người phê bình The Bell Curve là nhà cổ sinh học Stephen Jay Gould- ông này đã viết hẳn một cuốn sách (được giải thưởng Pulitzer). Nhiều nghiên cứu đã bác bỏ kết quả của nhóm The Bell Curve, chẳng hạn như có nghiên cứu cho thấy khoảng cách giữa IQ của người da đen và da trắng đã thu hẹp rất lớn trong thế kỷ 20 và không còn khác nhau nữa, sau khi đã loại trừ các yếu tố môi trường xã hội. Hoặc có nhà bình luận nhận định rằng nếu như ngày nay, người Do Thái đạt được kết quả rất cao trong các test về độ thông minh thì hồi đầu thế kỷ 20, khi họ mới sang Mỹ, các kết quả của họ lại thấp hơn đáng kể so với người Mỹ bản xứ.

Cũng về IQ còn có một cuốn sách của hai giáo sư về tâm lý học và chính trị học, tìm tương quan giữa IQ và các quốc gia. Các kết quả cũng bị nhiều người phê phán là thiếu vững chắc về mặt khoa học. Theo nghiên cứu này thì dẫn đầu IQ là 4 lãnh thổ Đông Á: Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Nước Mỹ chỉ đứng thứ 23 trong 81 nước (Anh thứ 15 và Pháp 21). Trong 16 nước cuối bảng thì 15 nước thuộc châu Phi.

Tuy nhiên cần chú ý là IQ không chỉ phụ thuộc vào genes mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố văn hóa- tâm lý-xã hội khác, kể cả động lực của người được điều tra. Người điều tra cũng sẽ dễ tìm cách khiến mình phù hợp vào cái stereotype về họ hơn. Như thế, một người Do Thái hay một người Á Đông có thể sẽ nỗ lực khi làm các test này hơn một người da đen. Với một người da đen thì việc thành công trên sân bóng rổ hay football sẽ có nhiều ý nghĩa với họ và đạt được sự ghi nhận của cộng đồng họ nhiều hơn là thành công trong lớp học.

Có một thí nghiệm nho nhỏ của một cô giáo tiểu học ở một trường tiểu học toàn da trắng thời kỳ phong trào dân quyền những năm 60 ở bang Indiana, Mỹ như thế này: tại lớp học, cô giáo chia học sinh thành hai nhóm, nhóm mắt xanh và nhóm mắt nâu. Cô giáo bảo với học sinh là những người mắt xanh có khả năng trí tuệ cao hơn và dành những ưu tiên cho nhóm này. Kết quả là nhóm mắt xanh trở thành nhóm áp đảo, và các trẻ em mắt xanh có nhiều hành động bắt nạt các bạn mắt nâu. Đồng thời kết quả học và khả năng nhận thức của nhóm mắt xanh cũng khá hơn so với nhóm mắt nâu. Sau một thời gian ngắn, cô giáo lại đổi vị trí hai nhóm này bằng cách nói ngược lại là trẻ em mắt nâu mới thực sự là ưu việt hơn trẻ mắt xanh. Và vai trò hai nhóm lại đổi ngược, nhóm mắt nâu trở thành nhóm được ưu tiên, áp chế ngược lại, bắt nạt nhóm mắt xanh và đạt được các kết quả học tập tốt hơn nhóm mắt xanh. Cũng cần nhớ là màu mắt từng được coi là một cơ sở cho chính sách
chủng tộc của Đức quốc xã: trong các trại tập trung, những người có mắt nâu thường bị đối xử nghiệt ngã và dễ bị giết hơn người mắt xanh.

Đang đọc cuốn Lucifer’s Effect của Phil Zimbardo về thí nghiệm nhà tù Stanford do Zimbardo tiến hành. Thí nghiệm này rất thú vị (nhưng cũng rất gần với khả năng phi đạo đức trong thí nghiệm) về sự tha hóa của con người trong điều kiện nhà tù. Một cậu sinh viên 18 tuổi xuất thân trong một gia đình trí thức trở thành một thứ hung thần trong nhà tù thí nghiệm với biệt danh “John Wayne”. Nhưng trong số tù nhân cũng có những người vẫn giữ được phẩm chất của mình khi bị hạ nhục với cách ứng phó theo tinh thần Ghandi. Thí nghiệm này có tính hiện thực rất cao, nhưng cũng phải nói là nó có nhiều hạn chế, do khả năng can thiệp vào hướng kết quả của người làm thí nghiệm (vai trò của Zimbardo không phải là trung tính, khách quan khi ông vừa là người quan sát vừa là “Chúa ngục”. Bản thân ông cũng trải qua quá trình biến đổi tâm lý và tính cách trong cái môi trường nhà tù đó). Những hạn chế này có lẽ cũng là hạn chế chung của khá nhiều thí nghiệm tâm lý xã hội, nhất là khi chúng được dùng để khẳng định một luận điểm đã được nghĩ tới từ trước. Tuy nhiên, với giả thuyết rằng đây là một nhà tù khắc nghiệt, Giám đốc nhà tù thiếu trách nhiệm và các cai tù được trông đợi là phải cứng rắn với tù nhân thì những tình huống xảy ra rất có tính hiện thực (và dự báo). Tóm lại là nhà tù thật là kinh khủng (hình như Foucalt có viết gì đó về nhà tù, để lúc nào đọc xem sao). Còn bản chất con người? Trong thí nghiệm của Zimbardo, các cai ngục và tù nhân được chọn ngẫu nhiên từ một số sinh viên. Nhưng hành vi của họ nhanh chóng được định hình bởi vai trò họ đảm nhận. Giống như Bob Dylan từng viết trong một bài hát của ông:
“Sometimes I think this whole world
Is one big prison yard.
Some of us are prisoners
The rest of us are guards.”

Giữ được nhân phẩm và lòng nhân đạo trong điều kiện nhà tù (hay những cái tương tự thế), dù là ở vị trí kẻ áp bức hay người bị áp bức đều khó cả.


- Blog public và nhiều người đọc có một hạn chế là khó viết được cái gì riêng tư, hay chỉ cho một ít bạn bè đọc. Blog mình càng ngày càng có dấu hiệu giống báo tường. Hay bắt chước bạn Phanxine (và bạn Lilia) thỉnh thoảng đóng blog lại?.

PS: Có bài này có vẻ hay hay "Language Is a Human Instinct"

No comments: