Friday, October 12, 2007

Nhà báo viết blog

Càng ngày càng thất vọng với báo Thanh Niên. Có cảm giác báo này đang ngày càng trở thành một công cụ của chính quyền. Bài xã luận trên báo Thanh Niên này thực chất là một cuộc chiến với các blogger là nhà báo- có thể đoán được sự ám chỉ của Thanh Niên là những ai.
Blogger Cogaidolong xem ra chỉ là nhát chém thử kiếm trong một chiến dịch có tổ chức đã được mớm từ lâu (nếu chú ý có thể thấy một loạt bài trên Công An Nhân Dân và Thanh Niên lên án các blogger). Anh Nguyễn Công Khế và anh Hữu Ước đã bắt tay nhau trong cuộc thánh chiến "làm trong sạch hóa" blog?

Lần này thì Thanh Niên đã ám chỉ khá rõ ràng những người họ nhằm tới là ai. Đó là những nhà báo "viết bài bình luận chính trị, xuyên tạc tùy tiện về công việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, về đời tư của các chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân và công dân, đồng thời tìm cách quảng bá, tập hợp, thu hút bạn đọc với số lượng lớn"


Các lập luận của Thanh Niên hàm hồ khiên cưỡng. Thanh Niên viết "nước ta không hề có "vùng cấm" đối với báo chí" "các nhà báo có thể viết tất cả những điều mình muốn viết lên báo với trách nhiệm nhà báo, nghĩa vụ công dân và tôn trọng sự thật."

Cả hai ý đều không đúng hoặc không logic. Về ý thứ nhất, chính Bộ Trưởng Thông tin đã nói "báo chí phải đi đúng lề đường bên phải" và Tổng Biên tập báo sẽ là người của Bộ cắm xuống. Chỉ đi đúng lề đường bên phải tức là đã có những "vùng cấm" với báo chí rồi. Ý thứ hai cũng sai vì do tồn tại vùng cấm nên không thể nhà báo muốn viết gì lên báo cũng được kể cả khi họ có trách nhiệm nhà báo, nghĩa vụ công dân và tôn trọng sự thật. Thêm nữa, ngay cả khi họ có thể viết bất cứ cái gì lên báo thì việc họ chọn không viết lên báo mà viết lên blog hoàn toàn là quyền tự do cá nhân của họ. Thanh Niên cũng như nhà nước không thể cấm họ viết lên blog cái mà họ có thể viết và được đăng lên báo. Nếu nhìn ra thế giới thì rất nhiều nhà báo danh tiếng có blog, thậm chí các tờ báo lớn còn có chuyên mục blog nằm trong tờ báo để đăng bài của các blogger này. Ví dụ Anderson Cooper của CNN, Joe Klein của Times hay Thomas Friedman của NY Times. Không thấy có tờ báo nào cạnh tranh với Times, NY Times hay CNN lại lên tiếng là cần "lên án" các nhà báo trên vì họ có thể viết bài trên báo chí mà tại sao họ lại viết trên blog? Ngớ ngẩn và ấu trĩ.

Ngay dưới bài xã luận đó, Thanh Niên đăng ý kiến của một bạn đọc với dòng chữ "Viết nhật ký hay làm chính trị?" và nội dung "Vừa qua bạn bè tôi có cung cấp cho tôi blog của một nhà báo, trong đó đưa một câu nói của một cán bộ cấp Trung ương, bên dưới blog đó là nhiều bình luận khác cũng không kém phần lố bịch... Hay trên blog của một nhà báo khác đã nói xấu một công ty tổ chức sự kiện không có căn cứ…"



Tóm lại theo quan điểm của bạn đọc đó và của báo Thanh Niên (vì các ý kiến bạn đọc đều được chọn lựa -hay sáng tác không biết chừng- theo nguyên tắc lên án Hương Trà và đồng bọn nhà- báo-viết-blog) thì không được trích dẫn và bình luận câu nói của cán bộ cấp Trung Ương trên blog? Cấp địa phương có được không thì không thấy Thanh Niên giải thích?.

Tóm lại nếu nêu tên tuổi của các cán bộ cấp Trung ương thì các tên tuổi ấy phải ở trên báo chứ không phải trên blog. Như trong một lời cảm tạ đăng trên báo Thanh Niên chẳng hạn, chúng ta thấy rất nhiều tên tuổi cấp Trung ương ở trên báo (khi đọc nó, tôi hình dung thấy một người đang xoa xoa tay vào nhau). Chắc Thanh Niên cho rằng chỉ đó mới là những nơi thích hợp cho các tên tuổi đó?

Trong bài xã luận này của Thanh Niên còn có một ý răn đe "Báo Thanh Niên đã từng phanh phui những tiêu cực, phạm pháp của các cán bộ cấp rất cao trong bộ máy Nhà nước với đầy đủ chứng cứ (điển hình là vụ Năm Cam) và chúng tôi được luật pháp bảo vệ.". Ý của câu này là chúng tôi là báo chính thống nên chúng tôi được pháp luật bảo vệ, do đó nếu đăng bài trên báo chúng tôi thì các anh chị cũng sẽ được bảo vệ. Còn nếu đăng bài trên blog thì luật pháp không bảo vệ các anh chị đâu, các anh chị sẽ phải chịu hâu quả nhãn tiền ngay. Cái này thì rõ quá, Hương Trà làm mưa làm gió, viết bài về các nghệ sĩ trên CATPHCM bao nhiêu lâu thì không sao nhưng chỉ viết hơi lệch một tí trên blog là đã có thể phải ra tòa. Giọng điệu nửa ve vuốt mình, nửa đe dọa người khác này của Thanh Niên nghe rất gangster- làm gì cũng phải có hội nghen mầy.

Vụ này có vẻ hấp dẫn đây, nhất là khi các blogger mà Thanh Niên nhằm tới cũng không phải xoàng mà là các tên tuổi khá có thế lực trong giới báo chí ở Sài Gòn.


No comments: