- Chúng tôi đang cố gắng nhanh nhất, sẽ hoàn thành quy chế quản lý blog trong thời gian sớm nhất."
Như bài phỏng vấn này thì Bộ 4T sẽ sớm cho ra đời quy chế quản lý blog. Điều ngạc nhiên là không thấy ông Thứ trưởng Doãn nói tới quá trình Bộ 4T xây dựng quy chế này thế nào, có sự tham gia của các chuyên gia về pháp luật, về Internet, của cộng đồng blogger hay không.
Kinh nghiệm của Trung Quốc thường được Việt Nam nghiên cứu học tập trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả Internet. Trong một bài trao đổi trên báo Thể thao Văn hóa, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đã đưa thông tin (sai) rằng Trung Quốc yêu cầu người lập blog xuất trình chứng minh thư. Gần đây, chuyên gia an toàn thông tin Nguyễn Tử Quảng cũng đề nghị chính quyền Việt Nam noi gương Trung Quốc, bắt tay với Google, Yahoo và Youtube trong việc kiểm soát Internet ở Việt Nam. Nhưng ngay cả trong việc xây dựng quy chế quản lý blog, dù với thể chế chính trị tương tự nhưng người Trung Quốc cũng đã có những sự thận trọng nhất định mà chưa thấy những nhà quản lý Việt Nam có.
Trước hết, khi Trung Quốc dự kiến quản lý Internet, họ giao cho một hiệp hội là Hiệp hội Internet Trung Quốc (Internet Society of China), một tổ chức tuy chịu sự quản lý của Bộ thông tin nhưng có tính chất ngành nghề và chuyên nghiệp, thực hiện nghiên cứu về tính khả thi của vấn đề cùng các ưu nhược điểm trong việc quản lý Internet. Hiệp hội Internet Trung Quốc lập ra một nhóm nghiên cứu gồm đại diện các nhà cung cấp dịch vụ blog và các chuyên gia trong ngành để làm công việc này. Sau 7 tháng nghiên cứu (từ tháng 10/2006 tới tháng 5/2007) thì Hiệp hội Internet Trung Quốc công bố một bản dự thảo quy tắc tự kiểm soát (self-discipline code) dành cho cả các nhà cung cấp dịch vụ blog và người sử dụng, nhưng chủ yếu là nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ. Dự thảo này loại trừ khả năng bắt người sử dụng phải đăng ký tên thật mặc dù khuyến khích việc này, cũng như khuyến khích các trách nhiệm xã hội và đạo đức của người sử dụng (bloggers) khi viết. Bản dự thảo này lại được công bố công khai để lấy ý kiến các blogger trước khi được chính thức thông qua.
Như vậy, chúng ta có thể thấy vẫn có một sự độc lập tương đối trong việc xây dựng quy chế quản lý Internet của Trung Quốc, và có sự tham gia tích cực của các chuyên gia công nghệ thông tin cũng như đại diện các công ty cung cấp dịch vụ blog. Kết quả của bản quy tắc là một văn bản có tính cam kết đối với các công ty cung cấp dịch vụ (gần đây MSN và Yahoo đã ký vào văn bản này), còn với người sử dụng (bloggers), nó mang tính khuyến nghị chứ không ràng buộc về mặt pháp lý, và cũng không có chế tài áp dụng với blogger.
Trái lại quá trình quản lý blogger ở Việt Nam được thực hiện hoàn toàn từ trên xuống, mập mờ và thiếu tính hệ thống. Ban đầu là việc báo Lao Động tổ chức hội thảo và lấy ý kiến của mọi người về quy chế hành xử trên blog. Sau đó chúng ta thấy một loạt các bài tố cáo blog đen và nhờ nhờ trên một số tờ báo nhằm tạo ra một dư luận cho sự cấp thiết của quản lý blog. Gần đây nhất là một vụ kiện một blogger nổi tiếng (và cũng là nhà báo) ra tòa vì tội vu khống. Và giờ đây là việc ông Thứ trưởng Bộ 4T khẳng định sắp có quy chế quản lý blog. Không rõ là quá trình soạn thảo quy chế quản lý này diễn ra như thế nào, có sự tham gia của những ai, bắt đầu nghiên cứu từ bao giờ…- tất cả các thông tin này đều mù mịt. Về mặt thông tin và sự độc lập trong nghiên cứu soạn thảo quy chế blog thì rõ ràng chúng ta còn thua nước láng giềng Trung Quốc, vốn là một quốc gia có truyền thống chuyên chế nặng nề.
Không những thế, chúng ta còn bị nhiễu về thông tin, bị tung hỏa mù khi phải đọc những bài với những cái tên na ná kiểu kiểu như Thùy Linh- nạn nhân của blog (xem bài trên báo Thanh Niên), hay Những hiểm họa từ blog…trên các báo. Đó còn chưa kể các thông tin sai một cách vô tình hay cố ý, ví dụ như khi VNN đưa tin về bản quy tắc ứng xử (Codes of Conduct) cho blogger mà một blogger là Tim O’Reilly soạn thảo như là một tài liệu tham chiếu cho blogger, đã dịch nó thành “dự thảo bộ luật về vấn đề đạo đức trên blog”. Nếu đọc bài báo này trên VNN, người đọc dễ nhầm rằng đây là một dự luật- tức là có giá trị pháp lý- chứ không phải một dự thảo quy tắc về thái độ ứng xử do một cá nhân đưa ra cho các blogger khác tham khảo. Những ngộ nhận ấy (với sự tiếp tay của báo chí Việt Nam) sẽ dẫn tới các kết luận sai như sau:
- Ở Mỹ người ta cũng quản lý nội dung blog và đang xây dựng dự luật về việc này.
- Ở Trung Quốc, ai muốn lập blog phải xuất trình chứng minh thư.
- Blog đen là hiểm họa với an ninh quốc gia, tuyên truyền lối sống trụy lạc.
- Thùy Linh- Vàng Anh là nạn nhân của blog.
- Vụ kiện Trà- Chanh cho thấy các blogger đen và bẩn cần phải được quản lý.
…
Ngược lại mặt tích cực của blog chỉ là các hoạt động từ thiện, nhân đạo mang tính cộng đồng, rồi một số báo ca tụng blogger chia sẻ tình thương mến thương với Vàng Anh (trong khi một số khác thì lại lên án Vàng Anh là nạn nhân của blog!)…Nếu đọc về các mặt tích cực của blog, người ta sẽ dễ liên tưởng tới việc cần phải tổ chức hoạt động tập thể của blog như một hoạt động của thanh niên tình nguyện, của Đoàn Thanh niên…Nếu thế có lẽ Bộ 4T nên mời đại diện của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên hay Hội chữ thập đỏ để phối hợp soạn thảo quy chế blog mới phải.
Sự méo mó của báo chí không chỉ ở chỗ lên án một cách vô lối các blog, choàng cho nó cái mũ blog đen mà còn ở chỗ khen ngợi mặt tích cực của blog theo lối tư duy của cán bộ Đoàn. Trên một số tờ báo mạng đã có những mục về blog nhưng đọc các bài trên đó chúng ta thấy gì? Gần như tất cả chỉ là các tâm sự hồng hồng tuyết tuyết, các bài tản văn nhạt nhẽo, cảm xúc thu sang, hè về, xuân đến, anh nhớ em, chiều nay đẹp quá…Nếu đọc các bài được giới thiệu là blog hay đấy, người ta cũng phải ngạc nhiên về sự sến đến thế nào của các blog Việt Nam. Tất nhiên sến không phải là cái tội (trên blog của tớ cũng không ít) nhưng thực
ra thế giới blog Việt muôn hình muôn vẻ hơn nhiều so với những thứ sên sến trên. Nhưng có lẽ những thứ sên sến đó là thứ duy nhất được phép tồn tại trên các bài trên báo chí về blog. Nó ẽo ợt nhưng vô hại. Nó không bàn tới chính trị, tới những người nổi tiếng, cũng không nói xấu đồng nghiệp, không bức xúc xã hội…khỏi lo động chạm tới cái gì. Liệu sắp tới nó có phải là thứ duy nhất được Bộ 4T cho phép tồn tại trên blog trong quy chế quản lý blog của họ không?.
2. Hay quá, báo Sài Gòn Tiếp Thị có bài cho rằng VNN đã vi phạm pháp luật khi đưa lên mạng đoạn video kia. Bravo Sài Gòn Tiếp Thị .
Tớ copy lại nguyên văn:
"
Sổ tay: Báo chí có quyền quay phim về hành vi tình dục?
Thật ngạc nhiên đến không ngờ khi sáng qua một đường link trên tờ báo điện tử thuộc hàng lớn nhất nước đưa một video clip cà phê giường ở Hà Nội với lời dẫn “Người vào quán uống cà phê không phải ngồi trên ghế mà... nằm trên giường và thoải mái từ A đến... ”.
Đó là một đoạn video clip thật, chứ không phải bài viết hay tin. Có nghĩa là những người xem được nhìn hình ảnh thật chứ không phải đọc chữ.
“Tác phẩm” này được giới thiệu “là những hình ảnh buổi tối thường ngày tại quán cà phê M. ngay giữa Hà Nội do nhóm phóng viên vô tình ghi lại...”.
Khoan nói đến hành vi của đối tượng trong đoạn clip ở quán cà phê có phạm luật và đáng phê phán hay không, thì việc một cơ quan truyền thông phổ biến clip đó cho công chúng là điều sai trái.
Nếu tờ báo điện tử kia (một cơ quan văn hoá) định phê phán một hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục (theo họ), thì cách làm của họ cũng hoàn toàn phản văn hoá.
Thậm chí, theo luật gia Nguyễn Văn Chương (Hội luật gia TP.HCM), tờ báo đó đã vi phạm Điều 31 Bộ luật Dân sự: “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác khi không được phép và xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ”.
Còn theo luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Công ty Sài Gòn Luật), tờ báo trên đã vi phạm khoản 2 điều 10 Luật Báo chí “Cấm thông tin, đưa hình ảnh kích động dâm ô, đồi truỵ…” và điều 5 Nghị định 51 ngày 26.4.2002 “mô tả tỉ mỉ những hành vi thiếu thẩm mỹ, có tính chất kích dâm…”.
Cao Lê
Theo thạc sĩ luật Nguyễn Văn Chương, đứng trên quan điểm đạo đức, chắc chắn sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về chuyện sex trong quán cà phê này. Thế nhưng, trên góc độ pháp luật, việc đó không hề phạm luật. Luật pháp không có quy định buộc người ta phải quan hệ tình dục ở nhà riêng hay trong phòng khách sạn mới là hợp pháp. Việc này cũng không thể so sánh với quan hệ tình dục trong công viên hay trên đường phố, là những không gian hoàn toàn công cộng. Chủ quán chỉ có thể bị phạt hành chính vì những lý do xa xôi như sử dụng đèn không đủ sáng… thế thôi! Còn theo luật sư Nguyễn Bảo Trâm, việc xác định ranh giới không gian công cộng trong trường hợp này khá nhập nhằng. Quy định ngầm ở những nơi này ai cũng hiểu: chỉ có một cặp khách vào đó, người phục vụ đưa nước xong là không vào nữa cho đến khi khách có yêu cầu khác. Không gian trong quán cà phê trong clip đã được che chắn, tuy không hoàn toàn là phòng khép kín (nếu là phòng khép kín thì không có gì phải nói) nhưng có thể thấy nó như một phòng thô sơ. Việc xác định hành vi sex trong không gian này là phạm luật hay không là điều cần nghiên cứu thêm. |
No comments:
Post a Comment