Monday, October 08, 2007

Entry for October 08, 2007

- Bạn: Hôm qua em xem truyền hình có phỏng vấn Phạm Thiên Thư. Trông như một ông nông dân, lại còn hâm hâm. Đúng là với nhà thơ thì chỉ nên đọc thơ của họ chứ không nên nghe họ phát biểu. Không thể nào liên hệ được giữa ông nông dân phát biểu lung tung ấy với câu thơ “Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ”.

- Câu nhớ được trong phim Amadeus: Mozart:“I’m a vulgar man but my music is not vulgar”. Mozart từ thần tượng trở thành kẻ thù không đội trời chung với tay nhạc sĩ cung đình cũng bởi vì thế. Trong phim, ông nhạc sĩ này được mô tả như một kẻ thù của Mozart và của Chúa, môn đồ của Lucifer nhưng thực ra ông ta gần gũi với những con người bình thường hơn hết. Sự trú ngụ của tài năng vĩ đại trong một con người tầm thường là thứ dễ gây cảm giác bất lực, hoang mang, ghen tị và đôi khi là muốn phá hủy trong những người bình thường một cách bình thường.

Cái bất hạnh của Mozart có lẽ cũng ở cái câu “I’m a vulgar man but my music is not vulgar” ấy. Không chỉ ngưỡng mộ tài năng, người đời sau sẽ mãi còn ngưỡng mộ cái hình ảnh Beethoven mắt giận dữ, không thèm ngả mũ và nhường đường cho bọn vương công quý tộc (Kundera có khai thác chi tiết này trong cuốn Sự bất tử). Hay một Goethe quý phái và điềm đạm, trước khi chết di ngôn lại cho nhân loại rằng: Hãy mở cửa sổ ra (theo Azit Nezil thì là vì Goethe lúc đó ngột ngạt vì nóng và phòng lắm hơi người quá). (They are anything but vulgar).

Còn Mozart: “I’m a vulgar man but my music is not vulgar”- như một trò đùa của số phận. Người ta sẽ nhớ tới ông như một thần đồng vĩ đại, hay như một kẻ không may mắn phải chết trong nghèo khổ và cô độc- những gì gợi nên một chút ngưỡng mộ, một chút ghen tị và một chút thương hại. Chứ không phải là sự ngưỡng mộ (có thể là) vô điều kiện với các thiên tài khác như Beethoven, như Goethe.

Còn bất hạnh của ông nhạc sĩ cung đình là gì: là tình yêu với âm nhạc và khiếu thưởng thức âm nhạc lại cùng trú ngụ với một tài năng tầm thường.

- Mùa thu vàng và thứ Hai xanh.

No comments: