Saturday, October 06, 2007

Từ chức

Bài viết của Huy Đức trên blog Osin: Thủ Tướng


Trong bài viết này, Huy Đức cho rằng Thủ tướng nên yêu cầu ông Hồ Nghĩa Dũng từ chức. Việc yêu cầu ông Dũng từ chức cũng được sự hưởng ứng khá đông đảo của nhân dân, mà có thể thấy qua việc đọc một số blog. Nguyên nhân là sự sốt ruột và bực tức của mọi người khi hiếm khi thấy có ai đó thực sự phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong ngành của mình phụ trách. Gần đây có nhiều người đã nói tới văn hóa từ chức, và cho rằng trong các trường hợp tương tự, những người có trách nhiệm ở các nước khác sẽ từ chức.

Nhưng có thực vậy không? Liệu ở nước ngoài có đúng là khi xảy ra bê bối gì, các quan chức sẵn sàng từ chức ngay lập tức, trước khi có kết quả điều tra? Tớ không nghĩ như vậy. Còn nếu quả thực có thì việc đó dễ xảy ra ở một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hơn là ở các nước phương Tây.
Ví dụ ở Mỹ ít khi thấy có ai đó từ chức bởi các lý do tương tự. Có những ai từ chức sau vụ khủng bố 11/9 hay thảm họa cứu trợ cơn bão Katrina ? Donald Rumfeld cuối cũng cũng từ chức nhưng là sau một chuỗi những thất bại và các phê phán cùng tổn thất chính trị nặng nề. Cựu chủ tịch World Bank Wolfowitz cũng chỉ từ chức sau khi trách nhiệm cá nhân của ông bị làm rõ. Có ai từ chức ngay lập tức sau khi thảm họa hay bê bối xảy ra ngay cả khi họ không có hay có rất ít trách nhiệm liên quan? Tớ không muốn nói là ông Dũng không có trách nhiệm mà là hiện tại, trách nhiệm của ông chưa được làm rõ.

Việc dư luận đòi ông Hồ Nghĩa Dũng từ chức ngay lập tức, tớ cảm thấy mang nặng tính cảm tính, mà hình như ông Dũng cũng chỉ nhận chức giữa năm 2006. Cái đó là gì nếu không phải là việc chúng ta muốn tìm ai đó để trút trách nhiệm, để hứng chịu. Miễn là ai đó có chức to. Việc này là hậu quả của sự bất công kéo dài và là sự phản ứng trước bộ máy quan liêu nặng nề, tham nhũng và kém hiệu quả. Nhưng đó không phải là một yêu cầu khách quan, tỉnh táo và công bằng.

Trong bài của mình, anh Huy Đức có nhắc tới trường hợp Tào Tháo chém đầu quan coi lương Vương Hậu. Huy Đức cũng cho rằng Thủ tướng nên yêu cầu Hồ Nghĩa Dũng từ chức với mục đích tương tự. Theo tớ,
việc Tào Tháo chém Vương Hậu có thể có hiệu quả trong nền chính trị chuyên chế, nhưng không phải một thủ đoạn chính trị đáng để người đời sau khâm phục và học tập. Nói theo ngôn ngữ của Thương Ưởng thì đó là hành vi bá đạo chứ không phải vương đạo. Trong lịch sử chúng ta đã có quá nhiều thủ đoạn bá đạo trong chính trị của các nhà phong kiến và tân-phong kiến rồi, việc tiếp tục một hành vi bá đạo, thí tướng để yên lòng quân dân, bất chấp có tội hay không có tội ấy có lẽ là không nên. Tại sao lại không tiến tới xây dựng một nền chính trị trên cơ sở dân chủ và công bằng, thay vì tiếp tục truyền thống Khổng giáo, khi dân bất an thì vua chém đầu tướng để yên dân?

(Có lẽ cũng vì truyền thống Khổng giáo này mà ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc mới hay có chuyện các Bộ trưởng chịu hy sinh để cứu lấy Thủ tướng, hay Đảng của mình khi bê bối xảy ra. Và cái văn hóa từ chức vẫn hay được một số báo ca ngợi ấy, liệu đằng sau nó còn là cái gì, có phải là một sự thí tướng, một sự thỏa hiệp hay một nguyên tắc bất thành văn trong các thể chế mang nặng tính Khổng giáo hay không?. Và rất có thể những hành vi từ chức đó còn để che khuất các ung nhọt nặng nề hơn trong hệ thống)

Tớ thấy việc Thủ tướng xử lý thế là hợp lý. Nếu kết quả điều tra cho thấy ông Dũng có trách nhiệm thì Thủ tướng có thể yêu cầu ông từ chức hay chịu trách nhiệm hơn nữa về mặt hành chính hay hình sự. Còn giờ chỉ để yên lòng dân mà bắt ông Dũng từ chức thì không hay gì, không những là thiếu tín nghĩa với người dưới quyền mà còn có bóng dáng của sự mị dân và thỏa mãn những yêu cầu nặng tính cảm tính của quần chúng. Mà lúc đó có khi nhiều người sẽ lại tiếp tục mỉa mai là ông Dũng 1 thí ông Dũng 2 như người ta thỉnh thoảng vẫn nhắc tới vụ đường dây 500 kv và bộ trưởng Hải trước kia.


Nhân tiện làm một cái poll cho vui, xem dư luận bloggers thế nào?
Theo bạn, ông Hồ Nghĩa Dũng nên làm gì?
1. Nên từ chức ngay
6
2. Nên đợi kết quả điều tra và từ chức nếu có nhiều trách nhiệm liên quan.
21
3. Đợi kết quả điều tra và từ chức ngay sau đó dù kết quả điều tra là gì
1
4. Không việc gì phải từ chức
11
5. Làm ngay một cái blog, viết blog giải thích cho nhân dân về công việc và trách nhiệm của mình.
4
6. Ý kiến khác
1

No comments: