Saturday, October 20, 2007

Người Việt duy tình?

Bài phỏng vấn này của ông Vương Trí Nhàn hay. Ông Vương Trí Nhàn vẫn luôn sắc sảo, thẳng thắn và rành mạch trong tư duy. Nói chung tớ đồng ý với hầu hết những gì ông nói.

Trong một post về vụ Vàng Anh trên blog bạn Paris by 9, một bạn phóng viên của báo Tuổi trẻ có nói rằng khác với phương Tây, nơi báo chí thường duy lý, báo chí Việt Nam cần phải duy tình. Tớ phản đối quan điểm đó và cho rằng báo chí Việt Nam về cơ bản chả duy gì cả (và có một số thì duy những cái không trong sáng lắm), nhưng cái báo chí Việt Nam rất thiếu, đó là một sự duy lý lành mạnh, thực chất cũng không có gì khác ngoài việc đó là một thái độ làm việc chuyên nghiệp, dựa trên lý trí, và lấy khách thể làm trung tâm. Theo ông Nhàn, cái thái độ của người Việt được gọi là “duy tình” ấy chẳng qua chỉ thể hiện sự bồng bột và thói quen tư duy bằng xúc cảm nhất thời.

Trích một đoạn ông Nhàn nói về sự kém duy lý và kém duy ý chí của người Việt “Cả sự kém duy lý (vận dụng đến cùng trí tuệ) và kém duy ý chí (sự thôi thúc của tham vọng) đều góp phần kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Kém lý trí dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình rút lại là đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, nhất là trong xã hội hiện đại.”

Nhìn vào vụ Vàng Anh và cách ứng xử từ báo chí cho tới xã hội, chúng ta thấy rất rõ vấn

đề này trong cách tư duy của người Việt khi họ để xúc cảm lấn át quá nhiều tới tư duy. Trong những bài báo hỷ nộ ái ố của các tờ báo về vụ này mà tớ đọc, chỉ thấy duy nhất có bài báo của Huy Đức và Trần Lệ Thùy là vượt ra được những xúc cảm dù là yêu hay ghét, bênh hay chống, để bình luận với một khoảng cách cần thiết như là về một hiện tượng trong đời sống văn hóa. Và không chỉ trong báo chí, nếu đọc trên các blog chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều phán xét hay tranh luận về đạo đức.

Một đoạn khác ông Nhàn nói về tính cách của người Việt:


“Người Việt ít đặt vấn đề dụng công nghiên cứu cái gì cho sâu, cho kỹ. Chúng ta tự cho phép sống theo thói quen, nếu như có nói đến các lý thuyết, các định hướng nọ kia thì chủ yếu là đi thừa hưởng các kết quả nghiên cứu từ các dân tộc khác. Thêm nữa, chỉ treo lý thuyết lên gọi là có, chứ vẫn sống theo cách của mình.”

Ông Nhàn cũng nói việc việc Việt Nam vẫn tự hào là hiếu học, thông minh, có sức chịu đựng… hoàn toàn là một sự tự ve vuốt bản thân. Nói chung những nhận định này của ông Nhàn cũng không hẳn là mới, người ta vẫn nhắc tới chúng theo cách này hay cách khác (trong quán bia hay trên các forum chẳng hạn) nhưng phát biểu của ông Nhàn vẫn rất đáng chú ý vì đó là phát biểu của một nhà nghiên cứu văn hóa sắc sảo và được đăng tải một cách chính thống.


Có một điểm có vẻ mới là nhận định của ông “Nhìn vào nhiều mặt đời sống, tôi cảm thấy so với trước chiến tranh, có một bước lùi. Con người ít tham vọng hơn, dễ dãi với mình hơn mà lại buông thả hơn.”. Tuy nhiên ông chưa khai triển rõ ràng ý này của ông nên cũng không rõ ý ông lắm.

Để chờ phần sau xem ông Nhàn nói gì thêm.

Một tin không hoàn toàn liên quan đưa trên SGTT: Theo nghiên cứu của Research International về sự tập trung của thanh thiếu niên thì Việt Nam xếp cuối bảng trong 8 nước châu Á về độ tập trung trong công việc và học hành. Chỉ có 8% là tập trung trong giờ học và 28% là tập trung được trong công việc hàng ngày.

Bên cạnh sự nhàm chán và thiếu sáng tạo của chương trình giáo dục ở Việt Nam thì có lẽ còn một nguyên nhân nằm ở tính cách con người Việt, chúng ta dễ xuề xòa và không thực sự cố gắng trong mọi việc. Sự thiếu tập trung này khi đi học ở nước ngoài hẳn nhiều người sẽ thấy. Như tớ đi học cảm thấy mình rất khó tập trung trong giờ học trong khi khả năng tập trung của các bạn nước ngoài có vẻ tốt hơn hẳn.


“Kết quả đo lường “Chỉ số tập trung Wrigley” do Research International vừa công bố, được thực hiện trên 3.048 người từ 15- 22 tuổi ở 8 nước châu Á với bảng câu hỏi dài gần 15 phút đã cho thấy: chỉ 28% trong hơn 300 người được phỏng vấn ở Việt Nam có thể tập trung hoàn toàn trong những hoạt động hàng ngày, 72% còn lại cho biết họ cảm thấy khó khăn khi phải tập trung vào các việc như học hành và ngay cả trong giao tiếp… Công trình nghiên cứu này cũng cho thấy rằng đối với thanh thiếu niên Việt Nam, chỉ 8% cảm thấy không bị xao lãng trong giờ học. Đây là tỷ lệ thấp nhất ở các nước châu Á. “

No comments: