Wednesday, October 17, 2007

Về sự riêng tư của người nổi tiếng.

Tôi đang trao đổi với bạn Grass (Trần Lệ Thùy) quanh bài viết của bạn và anh Huy Đức trên SGTT ở đây. Vì phạm vi của cuộc trao đổi này đề cập tới vấn đề sự riêng tư của người nổi tiếng nên xin copy lại để ở đây. Nếu bạn nào hiểu biết về luật báo chí tham gia góp ý kiến thì sẽ rất hay.

Trong bài viết của bạn Grass (một bài tôi đánh giá cao), có một ý mà tôi không tán thành. Xin trích ở đây:

"Nếu một người bình thường bị báo chí tòan cầu in cảnh bị tốc váy thì có thể kiện đòi hàng triệu đô la đền bù do bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, nhưng nếu người trong ảnh là Britney Spears thì khác. Cô là người nổi tiếng một phần vì những hình ảnh này nên cô khó mà kiện được. Cũng giống như vụ Pamela Anderson bị tung băng sex của cô và chồng. Cô đã kiện ra tòa nhưng không thể ngăn chặn việc phát tán băng này được vì cô nổi tiếng như là một biểu tượng của sex."

Theo tôi, là Britney Spears hay là người bình thường thì họ cũng đều có quyền tự do cá nhân như nhau. Vấn đề là với người bình thường, thì sẽ không có chuyện "báo chí toàn cầu in ảnh bị tốc váy" trong khi với Britney thì có. Các ngôi sao cũng thường xuyên kiện các tờ báo ra tòa và cũng rất nhiều khi họ thắng kiện hay được đền bù các số tiền rất lớn từ các tờ báo. Tức là ở đây không có sự khác biệt về quyền tự do cá nhân giữa người bình thường và người nổi tiếng, chỉ khác nhau trong cách media khai thác thôi.

Comment trả lời của Grass:

@Linh: Là người nổi tiếng và quan chức dân cử thì phải chấp nhận sự giám sát của công chúng nhưng trong lĩnh vực họ nổi tiếng thôi. Họ vẫn có quyền riêng tư. Ví dụ như một nghệ sĩ dương cầm thì có thể kiện ngăn chặn phát tán băng hình riêng tư cá nhân vì không liên quan đến lĩnh vực nổi tiếng của người này, ngược với Pamela Anderson. Báo chí không thể đăng hình một người bình thường có bồ bịch chẳng hạn, vì vi pham quyền nhân thân, nhưng có thể đăng ảnh con trai một vị quan chức đi xe xịn, du lịch xa xỉ với bồ không rõ nguồn tiền vì vị quan chức chịu sự giám sát của công luận về sự liêm chính.

Comment của tôi:

@grass: tớ nghĩ là bạn nói thế vẫn chưa chính xác. Thế theo bạn Pamela Anderson không có quyền kiện phát tán băng hình sex của cô ta à? Cô ta hoàn toàn có quyền đó như với người bình thường và không có tờ báo nào khi ra tòa lại có thể thản nhiên bảo là vì cô ta là người nổi tiếng nên chúng tôi để băng hình thả nổi cũng chả sao. Thế nhưng nếu tòa báo ấy chứng minh là cô ấy cố ý để băng hình thả nổi thì cô ấy lại có thể thua kiện. Vấn đề ở đây là về mặt pháp luật, người bình thường và người nổi tiếng có quyền về sự riêng tư như nhau, và không có luật nào tước của người nổi tiếng cái quyền đó nhiều hơn người bình thường. Cái khác ở đây chỉ là về cơ chế kinh tế: với người nổi tiếng thì nhu cầu của người tiêu dùng về cuộc sống của họ và cả cái động lực (incentive) để người nổi tiếng tiết lộ đời sống riêng tư của họ cũng lớn hơn. Đó là thị trường chứ không phải là luật pháp. Ví dụ của bạn về vị quan chức để so sánh với Pamela Anderson cũng không chính xác. Quan chức chịu sự giám sát của công chúng vì đơn giản, họ là quan chức, là người sử dụng tiền của nhân dân giao cho để làm các nhiệm vụ của nhân dân. Sự giám sát của báo chí trong trường hợp này là check and balance, một thứ quyền lực để kiềm chế cái quyền lực kia thao túng bất hợp pháp. Đó không phải vì vị quan chức đó là người nổi tiếng, mà là vì ông ta là quan chức (hoặc chủ tịch công ty, phải chịu trách nhiệm với tiền của cổ đông chẳng hạn).

Tớ nghĩ điểm thiếu chính xác nhất trong bài viết này của bạn (và anh Huy Đức) là có phần coi quyền riêng tư của người nổi tiếng là ít hơn người thường. Đó là một cái sai về mặt nguyên tắc, dù trên thực tế, đúng là người nổi tiếng không có nhiều sự riêng tư như người bình thường nhưng như tớ nói, đó là do cơ chế cung cầu. Cái sai này theo tớ là khá nghiêm trọng vì nó sẽ dẫn tới ngộ nhận.


Và của Grass:

@Linh: Vụ Pamela Anderson và kết luận của tòa về việc cô ấy không chặn được sự phát tán băng sex do cô ấy nổi tiếng như một quả bom sex có trong giáo trình luật báo chí ở Mỹ. Còn về quan chức thì đúng như bạn nói. Trong bài có thể mình viết không rõ gây hiểu lầm. Nhưng ý của mình là người nổi tiếng và quan chức dân cử, chứ không phải quan chức là người nổi tiếng. Có thể mình sẽ viết thêm về vấn đề này ở SGTT. Đang nhận được đặt bài nhưng bận quá, chưa lục lại được sách về luật báo chí.


Tôi:

@grass: tớ không học báo chí nên tất nhiên không biết gì về luật báo chí. Nếu có thể thì lúc nào bạn nói rõ hơn thì sẽ rất tốt.
Btw, tớ vào entry về cô Pamela trên Wikipedia thì thấy có dòng này:

“A pornographic home video of Anderson and Tommy Lee on their honeymoon was stolen from their home, and made a huge stir on the Internet. Anderson sued the Internet Entertainment Group, the company that was distributing the video. Ultimately the courts awarded Anderson and Lee $1.5 million plus attorney fees for their share of the profits. After this, the company sold copies of the stolen honeymoon tape across the country. It was very popular”

Ngoài ra, cũng cần phân biệt giữa những hiện tượng như Pamela Anderson, những người hoạt động trong ngành giải trí với biểu tượng như là quả bom sex, với các hiện
tượng tuy là celebrity nhưng không hề muốn nổi tiếng như là bom sex (Thùy Linh chẳng hạn). Nói chung những vấn đề này khá phức tạp và thực tế không phải bao giờ cũng như nguyên tắc nhưng cần làm rõ mọi vấn đề.

No comments: