Thursday, October 11, 2007

The Geography of Thought

Tớ đang đọc cuốn The Geography of Thought: How Asians and Westerners Think Differently and Why của Richard Nisbett. Cuốn này đọc thú vị, bàn về psychology của người châu Á và người phương Tây, có nhiều ví dụ hay. Các bạn nào làm xuất bản ở Việt Nam có thể xem xét việc dịch cuốn này, thay vì cuốn Can Asians think được giới thiệu gần đây (tớ chưa đọc nhưng chỉ cái tên đã thấy bias rồi, lại do một nhà ngoại giao chứ không phải một học giả viết).

Một ví dụ trong cuốn The Geography of Thought kia: Người ta chia những đối tượng nghiên cứu gồm người Hàn và người Mỹ thành 3 nhóm gọi là nhóm A, B, và C. Nhà tâm lý học nêu ra một trường hợp sau: có một sinh viên thần học rất tốt bụng đang đi giảng bài thì giữa đường gặp một người muốn được giúp đỡ. Nếu giúp anh ta thì sinh viên này sẽ đến chậm bài giảng của mình. Nghiên cứu viên hỏi các đối tượng hai câu hỏi: 1. xác suất để sinh viên giúp người kia và 2. bạn có ngạc nhiên không nếu anh ta không giúp.

Trong 3 nhóm thì nhóm A không được biết là sinh viên có giúp hay không. Người ta nói với nhóm B là sinh viên đó đã giúp và với nhóm C là sinh viên đó không giúp trước khi đặt hai câu hỏi trên.

Kết quả thế nào?

Với người Mỹ thì kết quả trong cả ba nhóm giống nhau: Xác suất để sinh viên đó giúp là 80% và họ đều rất ngạc nhiên khi sinh viên đó không giúp.

Với người Hàn thì kết quả của nhóm A và B giông với người Mỹ. Xác suất để sinh viên đó giúp được họ ước lượng là 80% và họ sẽ ngạc nhiên nếu sinh viên đó lại không giúp. Nhưng với nhóm C người Hàn tức là nhóm được cho biết rằng trên thực tế, sinh viên đó không giúp thì kết quả lại khác. Nhóm này cho rằng xác suất để sinh viên đó giúp chỉ là 50% và họ không ngạc nhiên mấy khi sinh viên đó không giúp.

Kết quả này nói lên gì: đó là người Mỹ có tư duy ổn định và nhất quán hơn, họ có strong opinion về sự vật và ít bị tác động bởi bối cảnh. Người Hàn, trái lại, coi trọng tính động và bối cảnh hơn. Do thế giới quan có tính động (chú ý là nguyên cái tên của Kinh Dịch đã phản ánh triết lý này rồi, cả Đạo giáo nữa) nên người Hàn cũng tỏ ra ít ngạc nhiên trước các thay đổi không như dự kiến ban đầu của họ, và họ cũng nhanh chóng điều chỉnh dự kiến của mình cho phù hợp với những gì xảy ra trong quá khứ (update các belief của họ). Thế nên về mặt nguyên tắc lẽ ra nhóm C người Hàn sẽ không khác gì các nhóm khác cả Hàn cả Mỹ nhưng việc được biết trước là sự việc xảy ra theo chiều hướng anh sinh viên không giúp đã tác động tới niềm tin trước đó của họ. Ở đây có thể còn một yếu tố nữa là giữ thể diện. Người châu Á thường không muốn tỏ ra bất ngờ khi sự việc xảy ra không như ý nghĩ ban đầu của họ. Với họ, một người khôn ngoan là một người biết trước và không ngạc nhiên trước những gì sẽ đến.

Trong một thí nghiệm khác, người châu Á và người Mỹ đều được đưa ra một số biểu đồ thể hiện nền kinh tế đang tăng trưởng liên tục trong vài năm và được yêu cầu dự đoán triển vọng kinh tế trong vài năm tới bằng cách vẽ tiếp biểu đồ. Với người Mỹ, xu hướng chung là lạc quan, các biểu đồ kinh tế được người Mỹ vẽ theo chiều hướng tiếp tục tăng. Ngược lại với người châu Á, các biểu đồ được vẽ theo xu hướng tốc độ tăng chậm dần cho tới một ngưỡng, sau đó có thể là đi xuống. Đó là thế giới quan châu Á là thế giới quan vòng tròn, và theo đó sự thay đổi là nguyên tắc chứ không phải sự ổn định. Vật cùng tất biến, cực đại thì sẽ thành tiểu…Còn người Mỹ thì lại có tư duy tịnh tiến, lấy kết quả của những gì đã qua để tiếp tục dự đoán cho tương lai. Nếu ai học kinh tế thì sẽ thấy các mô hình kinh tế hầu hết đều là các mô hình tuyến tính.

Yếu tố tâm lý có ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi kinh tế. Chẳng hạn tại sao kinh tế Nhật lại trì trệ trong suốt thập kỷ 1990. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng tôi nghĩ có thể có nguyên nhân là do chính tư duy Á Đông. Bất chấp các nỗ lực của chính phủ, tâm lý người Nhật vẫn tin là trì trệ kinh tế là tất yếu xảy ra vào lúc này hay lúc khác (cái này không phải vì họ học về chu kỳ kinh tế mà với quan điểm phương Đông thì có thịnh tất phải có suy), và khi nó đã rơi vào trì trệ rồi thì nó phải đi tới cùng thì mới ra được. Do đó họ không tin tưởng vào tương lai kinh tế của Nhật trong ngắn hạn, khiến cho các biện pháp kích cầu của chính phủ trở nên không có mấy tác dụng. Ngược lại, ở Mỹ chẳng hạn, các cuộc trì trệ kinh tế hầu hết đều ngắn, với tư duy tịnh tiến, người Mỹ thường có một sự lạc quan về kinh tế hơn người Á Đông – ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp luôn lo lắng, dự phòng tới những trường hợp xấu nhất.

Việc nhanh chóng update niềm tin và chuẩn bị cho các tình huống xấu của người châu Á có thể còn dễ dẫn tới các hiện tượng khủng hoảng tự thực hiện (self-fulfiling crises) hơn. Ví dụ khi thị trường chứng khoán xấu, người châu Á sẽ dễ đổ xô rút tiền của họ do họ trù bị cho trường hợp xấu và họ tự justify hành vi của mình bằng thay đổi trên thị trường (thị trường chứng khoán suy yếu-> tôi vẫn tin là nó suy yếu-> tôi không ngạc nhiên nếu nó sụp đổ-> tôi cần rút ra để tránh khỏi sự sụp đổ đó). Hành vi của người châu Á chịu ảnh hưởng phức tạp bởi bối cảnh nhiều hơn người phương Tây. Điều này có cả điểm hay và điểm dở. Điểm hay vì nó có thể giúp họ linh hoạt hơn với cuộc sống và có thể điều chỉnh mình cho phù hợp với hoàn cảnh một cách dẻo dai (Lão Tử hình như có ví người quân tử với nước và cho rằng không có gì cao quý bằng nước). Nhưng điểm dở là họ cũng dễ có tâm lý bầy đàn và tự bào chữa cho mình, và bị ảnh hưởng nhiều bởi ngoại cảnh trong việc theo đuổi các mục tiêu của mình.

No comments: