Bài này của Vietimes khá tốt, chủ đề cũng hay: về công việc biên tập viên ở các nhà xuất bản. (Tờ Vietimes này có khả năng sẽ hay, biết cách khai thác chủ đề và có nhiều mối quan hệ - phỏng vấn được nhiều nhân vật nổi tiếng, dù vẫn có cái leng keng, khoa trương xì tai NAT ).
Việc các nhà xuất bản lớn như NXB Thanh Niên xuất bản tới 200 cuốn sách dịch mà chỉ có hai biên tập viên thì quả là đáng lo ngại.
Nhưng cuối bài vẫn thể hiện tư duy quen thuộc, nhà nước là mẹ là cha.
“Điều đáng nói, cách làm ăn chụp giật, cẩu thả, vô trách nhiệm này lại không bị xử lý nghiêm khắc từ chính cơ quan quản lý. Ông Lý Bá Toàn, Cục phó Cục Xuất bản, cho biết: Cục Xuất bản chỉ xử lý những cuốn sách có sai phạm về nội dung như tuyên truyền chống phá Nhà nước, truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy… Còn quy chế xử lý những cuốn sách be bét lỗi chính tả, câu cú lủng củng, bản dịch tối nghĩa, sai địa danh, tên riêng… vẫn đang trong thời gian nghiên cứu, xây dựng(???). Trong điều kiện được “nở bung” phát triển, lại không bị ràng buộc, thúc ép, giám sát bởi những chế tài nghiêm khắc, các nhà xuất bản tha hồ “tự tung tự tác” chà đạp lên quyền được hưởng thụ những sản phẩm tinh thần có chất lượng của độc giả. “
Trong khá nhiều bài báo, chúng ta dễ gặp các câu tương tự, mỗi khi có sự việc gì đó xảy ra là các nhà báo lại nêu câu hỏi: vậy cơ quan quản lý ở đâu, và lại đòi phải có các chế tài nghiêm khắc. Blog đen? Cần có chế tài, cần có quản lý. Thảm họa dịch thuật? Lại cần có chế tài, cần có quản lý….Báo chí cũng nên thay đổi tư duy, không phải nhà nước là vị Chúa toàn năng, việc gì cũng phải có mặt, phải ra tay thưởng phạt. Với những bản dịch lỗi, bản dịch sai, bạn đọc sẽ lên tiếng (với sự ủng hộ của báo chí) và đó sẽ là những tín hiệu yêu cầu các nhà xuất bản phải nghiêm túc hơn. Ví dụ sau vụ Mật mã Da Vinci mà người đầu tiên lên tiếng là Trần Tiễn Cao Đăng thì NXB Văn hóa Thông tin giờ hẳn mất uy tín trầm trọng. Hay ngược lại, gần đây, sách của Nhã Nam nổi lên như tín hiệu tốt trên thị trường, thể hiện sự chuyên nghiệp từ khâu chọn sách cho tới biên tập, in ấn và tiếp thị, những cái đó bản thân người đọc cũng tự nhận ra, đâu cần phải có cơ quan quản lý nào ra tay thưởng phạt?
Nói chung, từ báo chí cho tới mọi người, nên thay đổi cái tư duy con đòi mẹ cho bú ấy đi. Vai trò kiểm duyệt của các nhà quản lý cần bớt đi chứ không phải là tăng lên.
Monday, October 08, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment