Tuesday, October 23, 2007

Entry for October 23, 2007

Hãy thừa nhận đi, bạn ghét nghệ thuật đương đại!

Bài viết này cực đoan khi cho nghệ thuật đương đại là đồ rởm. Vietimes dịch khá trôi chảy nhưng lại không ghi tên tác giả và tên nguồn là một điều khó chấp nhận.


Sau chiến dịch tấn công các nhà xuất bản và biên tập viên, Vietimes đang mở chiến dịch đòi đóng cửa tất cả các trung tâm môi giới hôn nhân. Tuy nhiên, chỉ kêu gọi như thế thì có ích gì, cái chính là phải đưa ra giải pháp vì nếu cấm các trung tâm môi giới thì sẽ có các trung tâm môi giới chui thôi.

Giải pháp nào để ngăn chặn blog đen, blog bẩn?

Bài xã luận này của VNN rất chuối, câu cú lủng củng và còn sai về ngữ pháp (xã luận của một tờ báo lớn mà như thế thì hơi tệ).

Xã luận này nêu lập trường của VNN về việc “nhà báo viết blog”:

“Bạn đọc Báo Thanh niên còn phản ánh một số nhà báo đã biến blog thành một công cụ báo chí (viết bài bình luận chính trị, xuyên tạc tùy tiện về công việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, về đời tư của các chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân và công dân, đồng thời tìm cách quảng bá, tập hợp, thu hút bạn đọc với số lượng lớn).”


Và đoạn dưới đòi các nhà báo, nhà văn viết blog phải công khai tên:

“Phải chăng để công khai nhận trách nhiệm, trước hết, các nhà báo, nhà văn, những người được quần chúng mến mộ làm blog nên công khai danh tính như các blog của: Dương Trung Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Kim Hạnh, Vũ Mạnh Cường; Nguyễn Thế Thịnh…”


Nếu tớ không lầm thì có không ít phóng viên VNN viết blog và nhiều người cũng không để tên mình trong profile (như hầu hết các blogger khác, công nhận mình ngoan, không phải nhà báo mà cũng công khai danh tính). Thêm nữa, nếu chính xác thì blog của anh Vũ Mạnh Cường có tên là VMC và của ông Dương Trung Quốc có tên là Quốc Xưa Nay, tức là nó không khác gì blog của Huy Đức lấy tên là Osin hay của Đức Hiển với tên Bố Cu Hưng mà Thanh Niên (và giờ là VNN) ngầm phê phán.

Với lại việc các nhà báo biến blog thành công cụ báo chí thì có làm sao??? Chẳng nhẽ là nhà báo thì không có quyền được viết bài trên blog của mình như là một bài báo? Còn việc VNN kết luận một số nhà báo nào đó viết “xuyên tạc” thì cần có dẫn chứng cụ thể vì nói như thế cũng rất có thể là vu khống.


Nói chung về tờ VNN này tớ thấy rất lộn xộn: các tư tưởng cấp tiến, bảo thủ chen chúc nhau, chẳng biết tờ này có định hướng thực sự là gì? Làm báo nghiêm túc hay lá cải, cấp tiến hay phản cấp tiến? Chẳng hạn hôm trước báo này vừa đăng nguyên xi bài của VTV với bài của Đức Hiển kêu gọi đùm bọc thương yêu Vàng Anh thì hôm sau lại đăng mấy bài mắng mỏ chương trình trên VTV về Vàng Anh và cảnh báo suy đồi đạo đức…Chất lượng các bài viết cũng thế, có bài hay, có bài như rác thải (nhưng người Việt được cái cũng yêu rác, gần đây cũng nhập về vô khối rác từ nước ngoài).

Vai trò lập pháp của chính phủ?

Bài này của Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chính phủ cần đảm nhiệm công việc soạn thảo luật còn Quốc hội thì chỉ thẩm định luật thôi. Nhưng như thế thì làm sao có thể coi Quốc hội là cơ quan lập pháp được nhỉ? Các lập luận của ông Dũng có nhiều điểm không chặt chẽ lắm (nhất là ở luận điểm đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân nên không nên soạn luật!) nhưng thôi, có vặn lại cũng chẳng để làm gì. Có điều không thấy ông Dũng nêu kinh nghiệm các nước khác xem ở nước ngoài thì có những nơi nào Chính phủ đảm nhiệm vai trò soạn luật và nơi nào thì vai trò đó là của Quốc hội. Ở Việt Nam, các văn bản dưới luật đều do Chính phủ soạn thảo và các văn bản này chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống kinh tế-xã hội. Nếu các luật cũng do Chính phủ soạn tiếp nữa thì có gì đảm bảo được rằng Quốc hội không gì khác ngoài Quốc hội gật? Vai trò đại diện cho nhân dân rốt cục chỉ dừng lại ở việc một năm đôi ba bận vặn vẹo mấy ông bộ trưởng dăm câu ba điều thôi sao? Mà nếu thế thì cũng nên sửa, không gọi Quốc hội là cơ quan lập pháp mà phải gọi Quốc hội là cơ quan thẩm định pháp thôi.


Có thể vào thời điểm hiện nay và với cơ cấu Quốc hội như hiện nay thì khả năng lập pháp của Quốc hội còn yếu, nhưng cần thấy đó là một hướng đi phù hợp, tránh việc để toàn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều rơi vào tay một nhánh chính quyền duy nhất là Chính phủ (hiện nay lãnh đạo các cơ quan tư pháp cũng đều là thành viên của Chính phủ tức là cũng ở dưới quyền hành pháp).

Tớ nghĩ Quốc hội nên gia tăng số đại biểu chuyên trách và tăng cường vai trò của các tiểu ban trực thuộc Quốc hội như các cơ quan soạn thảo luật. Tất nhiên vai trò soạn thảo luật này có thể có sự tham gia của các nhân sự trực thuộc Chính phủ (trong các ban soạn thảo luật của Quốc hội) nhưng Quốc hội vẫn cần nắm vai trò đầu mối và chịu trách nhiệm.

No comments: