Mấy hôm trước, tự nhiên thấy nhớ cái giọng văn ngạo nghễ, cay độc, thô bạo, mỉa mai, hằn học, hỡm hĩnh, mặc cảm, ghét đời và ghét người, giận dữ, yếu đuối và hoài cảm của Michel Houellebecq. Trong một tiểu luận của mình, Susan Sontag có viết là theo Sartre, Jean Genet jerk-off với cả thế giới. Câu đó hẳn cũng đúng với Michel Houellebecq, kẻ cô độc, bẩn tính và thù dai, misogony và racist.
Nhưng nước Pháp giờ hẳn là lúc cần tới một kẻ bẩn tính và thù dai như thế. Để y trút những hằn học của cả một thế hệ bế tắc giá trị, hết nghiêng ngửa từ New Left tới Le Point, hứng chịu gánh nặng Đại Pháp của De Gaul tới Đại Pháp của Mitterand, để rồi bối rối và bất lực trước những thanh niên da đen và Arap nhâng nhâng nháo nháo trong thành phố và trong ga xe điện ngầm, nằm dài ăn trợ cấp và đốt xe ngoài ngoại ô. Michel Houellebecq là mặt kia của xã hội trung lưu Pháp với tuyên ngôn tự do, bình đẳng, bác ái, là nước Pháp giận dữ nhưng luôn phải nén giận, là khuôn mặt của một nước Pháp rạo rễ, khi ngay cả sự suy đồi cũng đánh mất tất cả các giá trị có thực hay giả tảng của nó (Sade đã lỗi thời từ lâu), để trở thành một gánh nặng vô hồn và vô ích, một thứ kitsch không chịu được. Một hiện tượng như Michel Houellebecq chỉ có thể của nước Pháp và được nước Pháp đón nhận như thế. Nếu anh ta xuất bản ở Mỹ, chắc chắn sách của anh ta sẽ xếp xó trong các hiệu sách (nếu may mắn được xuất bản). Thế tại sao người Pháp lại đọc Michel Houellebecq? Bởi vì y thông minh, lưỡi y sắc như dao và y dám nói những điều người ta chỉ nghĩ tới mà không dám nói, hay chỉ mơ hồ cảm thấy mà chưa nghĩ tới.
Đang bắt đầu đọc The Possibility of an Island. Ở cuốn này sự hài hước và tàn nhẫn vẫn sắc sảo như trong Hạt cơ bản, nhưng chủ đề khá lặp lại và hình như thiếu vắng một cảm giác đau xót của con người như trong cuốn kia.
No comments:
Post a Comment