Saturday, October 20, 2007

Trịnh Hữu Tuệ vs. Cao Xuân Hạo

Nhân việc bạn Hana và bạn Quốc Anh hỏi về cuộc tranh luận giữa Cao Xuân Hạo và Trịnh Hữu Tuệ về ngôn ngữ học, tớ copy luôn ở đây cho các bạn nào ở Việt Nam không vào được talawas đọc.

Bài 1:

Trịnh Hữu Tuệ

Một cách nhìn tiếng Việt ‚quái gở’?

0.

Mục đích chính của tôi trong bài này là làm một người ‚ngoại đạo’ hiểu hơn một chút về một trong những cách tiếp cận của ngôn ngữ học hiện đại, tức là cách tiếp cận của trường phái ngữ pháp tạo sinh, khởi xướng bởi Noam Chomsky từ những năm 50 và từ đó đến nay đã trở thành gần như một quan niệm tiêu chuẩn về ngôn ngữ mặc dù số người đi theo nó không phải là đa số. Trước hết tôi sẽ nói qua về lý thuyết ngôn ngữ nói chung với tư cách là một lý thuyết khoa học, được xây dựng trên những cách thức và theo đuổi những mục đích bình thường của một khoa học tự nhiên. Sau đó tôi sẽ phân tích một hiện tượng cụ thể trong ngôn ngữ, hiện tượng đề hóa trong tiếng Việt. Xin lưu ý là phân tích của tôi không có gì mới. Nó chỉ có mục đích duy nhất là minh họa một cách cụ thể hơn những gì nói ở phần một. Tôi sẽ đơn giản hóa tối đa những phần động đến lý thuyết chuyên môn, vì vậy nên chắc chắn là sẽ không thể tránh khỏi có những thiếu sót mà tôi hy vọng sẽ bù đắp được phần nào trong phần chú thích.


1.

Những ai đã từng nghe nói về ngôn ngữ học hiện đại đều biết cái tên Noam Chomsky, đều biết đến khái niệm cấu trúc sâu (deep structure), cấu trúc bề mặt (surface structure) và nhất là chuyển vị (movement). Nhiều người còn biết rằng cấu trúc sâu liên quan đến những gì ta nghĩ, cấu trúc bề mặt liên quan đến những gì ta nói, và chuyển vị là thao tác dẫn ta đi từ cấu trúc sâu đến cấu trúc bề mặt.

Thực ra cấu trúc sâu không có gì là sâu sắc cả. Nó chỉ là một phương tiện lý thuyết để giải quyết một số những vấn đề gặp phải trong việc mô tả kiến thức ngôn ngữ mà thôi. Ví dụ cho một câu hỏi như who did John see. Khi nghe câu này, ta biết rằng who là đối tượng của see. Ngoài ra, ta còn biết rằng trong tiếng Anh, đối tượng của động từ thường đứng sau động từ, ví dụ ta biết rằng trong câu John saw Mary, Mary là đối tượng của hành động nhìn, là người bị nhìn. Hai cách giải quyết vấn đề có vẻ hợp lý nhất là (a) nói rằng đối tượng có thể đứng sau hoặc đứng trước động từ, và (b) nói rằng đối tượng luôn luôn đứng sau động từ nhưng trong một vài trường hợp nó được phát âm ở chỗ khác. [1]

Nếu chúng ta chọn (a), chúng ta sẽ mô tả who did John see và John saw Mary bằng hai quy luật khác nhau. Nếu chọn (b), chúng ta sẽ mô tả cả hai câu bằng một quy luật và ngoài ra, đối với câu who did John see, chúng ta sẽ áp dụng một phép chuyển hóa để đưa đối tượng của động từ lên đầu câu. Nếu chọn (a), chúng ta sẽ có hai cấu trúc A và B hoàn toàn không liên quan gì đến nhau. Nếu chọn (b), chúng ta sẽ có một cấu trúc A và một cấu trúc A', và A' chính là A sau khi qua quá trình chuyển hóa. Chomsky đã chọn (b). Có thể thấy rằng nếu theo cách giải quyết (b), câu who did John see, khi chưa qua chuyển hóa, có một cấu trúc giống với câu John saw Mary. Cấu trúc này là cấu trúc sâu, và thao tác chuyển hóa ở đây được gọi là chuyển vị (movement). [2]

Về mặt logic thì không có cơ sở gì để nói rằng (a) hơn hay (b) hơn. Chomsky đã chọn (b) thuần túy vì ông thấy rằng làm như vậy, chúng ta mô tả được kiến thức ngữ pháp chính xác hơn, kinh tế hơn, và hợp với linh cảm của người sử dụng ngôn ngữ hơn. [3]

Những khái niệm cấu trúc sâu, cấu trúc bề mặt, hay chuyển vị, là những khái niệm lý thuyết. Ta chỉ có thể hiểu được chúng, cũng như nói về chúng, trong khuôn khổ của cái lý thuyết trong đó chúng hình thành và đóng một vai trò nhất định. Cũng như khái niệm sức hút chỉ có nghĩa trong khuôn khổ vật lý Newton. Nếu tự nhiên nói trái đất hút mặt trăng thì nghe sẽ rất giống già làng. Có thể coi 'chuyển vị' hay 'sức hút' là những ẩn dụ, những cách diễn đạt tiện lợi nhất cho việc mô tả hay giải thích những hiện tượng nhất định, và một lý thuyết khoa học là một câu chuyện. Ta chỉ hiểu được ẩn dụ khi ta hiểu câu chuyện, hiểu ý của tác giả mà thôi.

Trong khoa học tự nhiên, quá trình bí hiểm nhất là quá trình đi từ các dữ liệu quan sát đến một lý thuyết mô tả và giải thích được chúng. Quá trình này được một số các nhà triết học gọi là context of discovery. Theo họ, context of discovery không thể trở thành mục tiêu tìm hiểu của triết học được bởi đó là một quá trình tâm lý chủ quan không tuân theo một quy luật nhất định nào. [4]
Thật vậy, nếu có thể có những quy luật giúp ta đi từ dữ liệu quan sát đến lý thuyết thì ai cũng có thể trở thành một Einstein nếu chịu khó vào phòng thí nghiệm đọc các số đo. Câu hỏi của khoa học tự nhiên không phải là 'làm thế nào để đi từ dữ liệu D đến một lý thuyết mô tả và giải thích D', mà là 'lý thuyết nào mô tả và giải thích D hay hơn.' Nhà khoa học tự nhiên không có nhiệm vụ nói anh ta đi đến lý thuyết ra sao, anh ta chỉ có nhiệm vụ nói lý thuyết của anh ta mô tả và giải thích các hiện tượng ra sao và nó tốt hơ
n các lý thuyết khác ở điểm nào.


Những điều này vẫn luôn được coi là tất nhiên từ thuở khai sinh của khoa học tự nhiên. Nhưng trong ngôn ngữ học thì lại có một giai đoạn trong đó tình hình khác hẳn. [5] Trong một thời gian, những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng nhất đặt mục tiêu là tìm ra những quy tắc máy móc giúp ta đi từ những dữ liệu quan sát được trong một ngôn ngữ L đến một lý thuyết về L. Những quy tắc này sau được gọi là discovery procedures. Những discovery procedures gồm những phương pháp, hay những trắc nghiệm, giúp ta tìm ra được cấu trúc các câu và cuối cùng là cấu trúc của một tập hợp các câu, i.e. một ngôn ngữ. Nhà ngôn ngữ học có nhiệm vụ cho thấy tại sao anh lại gán cho một chuỗi âm thanh S cấu trúc A, tức là anh phải cho biết anh đã dùng những trắc nghiệm gì đối với S để đi được đến A.

Theo tôi, đóng góp lớn nhất của Chomsky là làm được (phần lớn) các nhà nghiên cứu ngôn ngữ quay trở lại với cách suy nghĩ bình thường của một người làm khoa học. Trong Chomsky (1957), ông lập luận rằng discovery procedures là một mục tiêu quá cao đối với một môn khoa học, và không có lý do gì để nghĩ ngôn ngữ học là một ngoại lệ. [6] Các nhà ngôn ngữ học không nên hỏi 'làm thế nào để tìm ra cấu trúc của câu S'; họ chỉ nên hỏi 'dùng cấu trúc nào cho S thì mô tả và giải thích được các hiện tượng hay hơn.' Khả năng giải thích các hiện tượng của cách phân tích A đối với câu S biện minh cho việc coi A đúng là cấu trúc của S. Đây là một điểm tuy đơn giản nhưng hết sức quan trọng. Nếu không hiểu nó thì sẽ không thể hiểu được ngôn ngữ học hiện đại.

Một điểm quan trọng nữa là sự phân biệt giữa (i) những gì người bản ngữ (native speakers) nói và (ii) những gì người bản ngữ biết là có thể nói được. Tuy (i) rất quan trọng, nhưng (ii) còn quan trọng hơn, vì nó mới là mục tiêu cuối cùng của ngôn ngữ học. (i) giúp chúng ta đoán ra (ii), nhưng để đoán ra (ii) nhiều khi ta phải cho người bản ngữ đối mặt với những câu họ chưa bao giờ nghe hoặc nói trong đời nhưng lại có khả năng đưa ra nhận xét về chúng. Đây là đặc điểm bình thường nhất của cái gọi là thí nghiệm. Một nhà vật lý sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện ra vườn quan sát lá rơi và hy vọng nhìn ra được quy luật về gia tốc rơi tự do. Những hiện tượng thường ngày bị ảnh hưởng của quá nhiều yếu tố mà ta không biết nên nhiều lúc ta phải tạo ra một môi trường nhân tạo không thể có được trong tự nhiên để tìm ra 'sự thật'. Nhiều người không hiểu cái điểm hết sức đơn giản này nên thường phê bình Chomsky là hay dùng những câu 'chẳng nghe ai nói bao giờ', ví dụ như the teachers asked what attitudes about each other the students had. Họ không hiểu rằng những nhận xét của người bản ngữ về những câu như thế này có thể là cái chìa khóa để tìm ra những quy luật sâu sắc của ngôn ngữ.


2.

Sau phần giới thiệu khá dài dòng ở trên, tôi nghĩ chúng ta đã có đủ 'cơ bản' để đi vào vấn đề chính mang tính thuần túy ngôn ngữ học hơn một chút. Trong tiếng Việt, ta có những kiểu câu sau đây.

(1)

  1. cơm thì tôi ăn
  2. về ngôn ngữ học thì tôi đã tìm được hai quyển sách của Cao Xuân Hạo


Ta có thể thấy là trong các câu trên, có một thành phần trong câu được coi là đề của câu, phần còn lại được coi là thuyết. Đề đứng ở đầu câu và được nối với thuyết bằng từ thì. Câu hỏi là liệu ta có nên dùng khái niệm chuyển vị để phân tích các câu trong (1) không. Đối với câu hỏi này, Cao Xuân Hạo (1986) đã có một câu trả lời dứt khoát:

‚[theo] các nhà ngữ pháp tạo sinh [thì] Đề [...] là kết quả của những thao tác chuyển hóa [...] gọi là ‚chuyển vị’ (movement) [...] Đối với một ngôn ngữ như tiếng Anh [...] quan niệm Đề như vậy không phải là hoàn toàn vô lý [...] nhưng làm như vậy đối với một ngôn ngữ [...] như tiếng Việt thì sự vô lý đạt đến mức quái gở.’



Ngược lại với Cao Xuân Hạo, tôi cho rằng có ít nhất một số cấu trúc Đề-Thuyết của tiếng Việt có thể được coi là kết quả của chuyển vị, ví dụ như những câu trong (1). Tôi sẽ lập luận rằng vì những cấu trúc này tuân theo đúng những quy luật mà những cấu trúc được coi là kết quả của chuyển vị trong tiếng Anh cũng tuân theo nên ta có bằng chứng là chúng cũng là kết quả của chuyển vị. Xin lưu ý là đây không phải một lập luận logic, dựa trên diễn dịch và vì vậy nhất thiết phải đúng. Tôi không chứng minh được là những câu trong (1) là kết quả của chuyển vị, tôi chỉ đưa ra bằng chứng cho thấy chúng ta có thể tin như vậy mà thôi. Về điểm này ngôn ngữ học cũng không khác gì các môn khoa học tự nhiên khác. Trong ngành y, nếu một người có đủ các triệu chứng của bệnh lao thì chúng ta sẽ tin anh ta bị bệnh lao và dùng những kiến thức về bệnh lao để chữa, mặc dù về logic thì hoàn toàn có thể có một bệnh khác cũng có những triệu chứng như vậy.


2.1.

Trước khi xem xét bằng chứng thứ nhất, chúng ta cần phải làm quen với một số khái niệm sau: chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, và phụ ngữ. Chủ ngữ thường là chủ thể hành động, đứng trước động từ. Vị ngữ là tất cả những gì không phải chủ ngữ. Bổ ngữ thường chỉ đối tượng của động từ và đứng sau động từ. Phụ ngữ thường nói thêm những thông tin không bắt buộc như nơi chốn, thời gian, phong cách... Ví dụ trong câu dưới đây,

(2)

Sơn hôn My sau khi xem Titanic



Sơn là chủ ngữ, hôn My sau khi xem Titanic là vị ngữ, My là bổ ngữ và sau khi xem Titanic là phụ ngữ. Ta có thể diễn tả những thông tin này bằng cách dùng ngoặc vuông và subscript như sau.

(3)

[câu [chủ ngữ Sơn] [vị ngữ [động từ hôn] [bổ ngữ My] [phụ ngữ sau khi xem Titanic] ] ]



Một quan sát khái quát đúng cho rất nhiều các thứ tiếng là quy luật mang tên CED, viết tắt của conditions on extraction domains. [7] Nôm na thì CED nói rằng trong khi ta có thể chuyển vị một thành phần nằm trong bổ ngữ, ta không thể chuyển vị một thành phần nằm trong chủ ngữ hay phụ ngữ. Ba ví dụ dưới đây sẽ cho thấy điều này. (Tôi sẽ dùng * để đánh dấu một câu không hợp với linh cảm của người bản ngữ, i.e. sai ngữ pháp)

(4)

  1. I wonder [câu who John saw [bổ ngữ a picture of ___ ]]
  2. * I wonder [câu who [chủ ngữ a picture of ___ ] is lying on the table]
  3. * I wonder [câu who John gets angry [phụ ngữ when he sees a picture of ___ ]]



Vậy nên chủ ngữ và phụ ngữ được đặt tên là những hòn đảo (island). Những hiện tượng như trong (4b-c) được gọi là hiệu ứng đảo (island effects). Có thể thấy cái ẩn dụ ‚đảo’ cũng là một hệ quả của việc dùng ẩn dụ ‚chuyển vị’. Những gì nằm trong một chủ ngữ hay một phụ ngữ phải chịu cùng một số phận với Robinson Crusoe, tức là không đi đâu được. Ta có thể coi CED là phép chẩn đoán giúp ta biết liệu một cấu trúc có phải là kết quả của chuyển vị hay không. [8]

Quay lại với tiếng Việt. Chúng ta sẽ thấy là ít nhất một số cấu trúc Đề-Thuyết của tiếng Việt tuân theo CED, tức là cho thấy hiệu ứng đảo. Cụ thể là những trường hợp như sau.

(5)

  1. tôi đã tìm được [bổ ngữ hai quyển sách về ngôn ngữ học của Cao Xuân Hạo]
  2. về ngôn ngữ học thì tôi đã tìm được [bổ ngữ hai quyển sách ___ của Cao Xuân Hạo]

(6)

  1. [chủ ngữ hai quyển sách về ngôn ngữ học của Cao Xuân Hạo] chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi
  2. * về ngôn ngữ học thì [chủ ngữ hai quyển sách ___ của Cao Xuân Hạo] chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi

(7)

  1. tôi rất vui [phụ ngữ khi tìm được hai quyển sách về ngôn ngữ học của Cao Xuân Hạo]

  2. * về ngôn ngữ học thì tôi rất vui [phụ ngữ khi tìm được hai quyển sách ___ của Cao Xuân Hạo]



Những câu (a) là những câu 'bình thường', những câu (b) là những câu có 'đề hóa'. Ta thấy rằng ta chỉ có thể đề hóa một thành phần nằm trong bổ ngữ, nhưng không thể đề hóa một thành phần nằm trong chủ ngữ hay phụ ngữ. [9]

Điểm quan trọng nhất ở đây là nếu ta coi những cấu trúc Đề-Thuyết ở trên là kết quả của chuyển vị thì ta có thể mô tả được hiệu ứng đảo trong (6b) và (7b) bằng CED, một quy luật đằng nào cũng phải có và ngoài ra còn đúng cho rất nhiều các thứ tiếng khác. Nếu ta coi chúng là những cấu trúc cơ bản thì hiệu ứng đảo trong (6b) và (7b) sẽ phải được giải thích bằng cách khác. Cho đến nay tôi chưa thấy có 'cách khác' nào cả.

Vậy coi đề hóa là một thao tác chuyển vị có phải là một sự 'vô lý đạt đến mức quái gở' không? Tôi nghĩ là không. Nếu bảo trái đất hút mặt trăng mà mô tả được chuyển động của các hành tinh thì việc bảo trái đất hút mặt trăng không có gì là quái gở cả. Tại sao lại không coi ít nhất một số trường hợp đề hóa là chuyển vị, nếu nói như vậy có thể mô tả được các hiện tượng trong ngôn ngữ?



2.2.


Bây giờ ta đi đến bằng chứng thứ hai cho thấy một số trường hợp đề
hóa là chuyển vị. Cũng như trên, trước hết ta phải làm quen với một vài khái niệm. Những khái niệm này không có gì khó hiểu nhưng cần kiên nhẫn. Tôi xin bạn đọc hãy chịu khó một chút.

Chắc ai cũng biết rằng câu luôn luôn có một cấu trúc. Nói cách khác, câu không chỉ là một chuỗi các từ đứng cạnh nhau, mà các từ này còn 'túm tụm' lại thành từng nhóm khác nhau. Ví dụ trong câu poor John ran away, [10] poor và John nằm trong nhóm A = chủ ngữ, ran và away nằm trong nhóm B = vị ngữ, A và B nằm trong nhóm C = câu. Dùng ngoặc vuông và subscript như trên để diễn tả, ta có (8).

(8)

[C [A poor John] [B ran away]]



A, B, C là những thành tố của câu poor John ran away. Ta nói A chứa poor và John, B chứa ranaway, C chứa A và B. Chứa là một quan hệ mang tính bắc cầu (transitive), tức là nếu X chứa Y và Y chứa Z thì X chứa Z. Vậy nên C còn chứa cả poor, John, ran và away.

Ta sẽ dùng quan hệ chứa để định nghĩa một quan hệ khác có tên là chỉ huy (command). Ta nói nếu A là thành tố nhỏ nhất chứa X, A chứa Y và X không chứa Y, thì X chỉ huy Y. [11] Ví dụ trong câu (9),
và

(9)

[A tôi [B đọc sách]]



A là thành tố nhỏ nhất chứa tôi, và ngoài ra A còn chứa cả B, đọc, và sách. Vậy nên ta nói tôi chỉ huy B, đọc, và sách. A cũng là thành tố nhỏ nhất chứa B, nên B cũng chỉ huy tôi. Trong câu (10),

(10)

[C [A mẹ tôi] [B đọc sách]]



tôi không chỉ huy B, đọc hay sách, vì thành tố nhỏ nhất chứa tôi là A, và A không chứa B, đọcsách.

Khái niệm chỉ huy là một khái niệm hình thức trừu tượng. Câu hỏi là nó có giúp ta được gì trong việc mô tả kiến thức ngôn ngữ không. Câu trả lời là có. Một trong những việc cần đến khái niệm chỉ huy là việc mô tả sự phân bố (distribution) của các loại danh từ. Trong nhiều ngôn ngữ, có một loại danh từ mang tên 'danh từ đối nghịch' (reciprocals). Tiếng Anh có each other, còn tiếng Việt có nhau. Ví dụ nếu Sơn đánh Hưng và Hưng đánh Sơn, và ta gọi Sơn và Hưng là họ, ta có thể nói (11).
hay

(11)

[A họ [B đánh nhau]]



Cái đặc biệt của một danh từ đối nghịch R là nó bắt buộc phải có 'quan hệ' với một danh ngữ N nào đấy trong câu, và R chỉ có thể 'quan hệ' với một danh ngữ N khi N chỉ huy R. [12] Trong (11), họnhau, vậy nên nhau có thể được hiểu là Sơn và Hưng. Nhưng trong câu (12),
chỉ huy

(12)

[C [A vợ họ] [B đánh nhau]]



họ không chỉ huy nhau, [13] vậy nên ta không thể hiểu câu này là vợ của Sơn đánh Hưng và vợ của Hưng đánh Sơn được. Trong (12), danh ngữ duy nhất chỉ huy nhau là A, vậy nên nhau chỉ có thể có 'quan hệ' với cả cụm từ vợ họ mà thôi. Ta suy ra là (12) chỉ có thể có nghĩa là vợ Sơn đánh vợ Hưng và vợ Hưng đánh vợ Sơn. Dự đoán này hoàn toàn đúng với linh cảm của người bản ngữ.

Bây giờ hãy xem câu sau, tiếp tục dùng đại từ họ để chỉ Sơn và Hưng.

(13)

[sách của nhau] thì chắc chắn họ sẽ đọc



Ta gặp một vấn đề. Trong (13), họ không chỉ huy nhau, [14] nhưng ta vẫn hiểu được là Sơn chắc chắn sẽ đọc sách của Hưng và Hưng chắc chắn sẽ đọc sách của Sơn. Nói cách khác, nhau vẫn quan hệ được với họ. Làm thế nào đây? Hay là ta chấp nhận rằng trong một số trường hợp ngoại lệ, R có thể quan hệ với N mà không cần N phải chỉ huy R?

Hãy xem tiếp ví dụ sau.

(14)

[sách của nhau] thì chắc chắn vợ họ sẽ đọc.




Câu này rất giống với câu (13), và nếu ta chấp nhận rằng trong một số trường hợp ngoại lệ, R có thể quan hệ với N mà không cần N phải chỉ huy R, thì tại sao trong (14) nhau lại không thể quan hệ được với họ? (14) không thể có nghĩa là vợ Sơn sẽ đọc sách của Hưng và vợ Hưng sẽ đọc sách của Sơn, mà chỉ có thể có nghĩa là vợ Sơn sẽ đọc sách của vợ Hưng và vợ Hưng sẽ đọc sách của vợ Sơn. Nói cách khác là trong (14), nhau chỉ có thể quan hệ được với cả cụm từ vợ họ mà thôi. Liệu ta có nên bảo (14) là một trường hợp ngoại lệ của một trường hợp ngoại lệ không?

Câu trả lời là không. Ta có thể giải thích cả (13) lẫn (14) mà không cần đến bất cứ ngoại lệ nào. Cách giải quyết vấn đề khá đơn giản. Hãy xem những câu sau.

(15)

  1. [họ [chắc chắn sẽ đọc sách của nhau]]
  2. [[vợ họ] [chắc chắn sẽ đọc sách của nhau]]



Có thể thấy là (15a) và (15b), về khía cạnh ngữ nghĩa liên quan đến việc xác định sở chỉ (reference) của nhau, giống hệt với (13) và (14). Hơn nữa, (15a) và (15b) hoàn toàn không có gì ngoại lệ cả. Trong (15a) họ chỉ huy nhau, vậy nên nhau có thể chỉ Sơn và Hưng. Trong (15b), không phải họ mà là cả cụm từ vợ họ chỉ huy nhau, vậy nên nhau chỉ có thể chỉ vợ Sơn và vợ Hưng mà thôi. Tại sao ta không nói rằng ở một tầng nào đấy, tầng liên quan đến việc xác định sở chỉ của nhau, (15a) giống hệt (13) và (15b) giống hệt (14), và (13) cũng như (14) là kết quả của một thao tác chuyển vị áp dụng lên (15a) và (15b). Tất nhiên là ta sẽ nói như vậy. Cụ thể hơn, ta nói rằng (15a) và (13), cũng như (15b) và (14), có chung một cấu trúc sâu, và cấu trúc sâu là nơi ta xác định ý nghĩa và sở chỉ của danh từ đối nghịch.

Bạn đọc có thể thấy rằng bằng cách dùng một lý thuyết có các khái niệm như cấu trúc sâu và chuyển vị, chúng ta giải thích được một cách có nguyên tắc những hiện tượng thoạt nhìn có vẻ khá rối loạn của ngôn ngữ. Kết luận cụ thể hơn là trong tiếng Việt, có ít nhất một số cấu trúc Đề-Thuyết có thể được coi là kết quả của thao tác chuyển vị.


3.

Để kết thúc, tôi sẽ nói một chút về cái ý tưởng có lẽ là nổi tiếng nhất của ngôn ngữ học Chomsky, cái vẫn được gọi là 'thuyết bẩm sinh' (innateness hypothesis). Khác với nhiều người nghĩ, Chomsky không hề có một cái thuyết gì như vậy cả. Chomsky đưa ra một lý thuyết về kiến thức ngôn ngữ. Trong cái kiến thức đó, một quy tắc X có bẩm sinh hay không phụ thuộc vào câu hỏi làm thế nào đứa trẻ học tiếng biết được X. Nếu đứa trẻ có thể học X từ những gì nó nghe được thì X không phải bẩm sinh. Nếu đứa trẻ không thể học được X từ những gì nó nghe được thì nó phải tự đoán ra X, và nếu hàng tỉ đứa trẻ khác nhau trên thế giới đều đoán ra X thì rõ ràng là ta có lý do để nói X là một kiến thức bẩm sinh. Ví dụ, đứa trẻ có thể học được từ những gì nó nghe khái niệm bàn là [table] trong tiếng Anh và [tisch] trong tiếng Đức, nhưng nó không thể học được là ngữ pháp có cấu trúc sâu và thao tác chuyển vị. Những dữ liệu trong môi trường ngôn ngữ không thể đủ để giúp nó đi đến kết luận này được. Vậy nên ta nói là khi đứa trẻ học tiếng, nó phải biết trước được là trong ngôn ngữ, có những cấu trúc 'cơ bản' hơn những cấu trúc khác, và người ta có thể dùng các phép 'chuyển hóa' để tạo ra những cấu trúc 'phái sinh', ví dụ như vậy.

Bạn đọc có thể đáp lại rằng ừ thì cứ cho là lý thuyết về kiến thức ngôn ngữ cần phải có khái niệm cấu trúc sâu đi, nhưng đấy cũng chỉ là lý thuyết thôi chứ đâu có phải sự thật. Đồng ý, nhưng thế nào là sự thật? Trái đất hút mặt trăng có phải là sự thật không? Tất nhiên là có, vì sự thật chính là lời giải thích mà lý thuyết hay nhất hiện tại đưa ra. Nếu lý thuyết hay nhất hiện tại nói rằng trong con mắt của một kẻ quan sát đứng tại chỗ, đồng hồ của người ngồi trên tàu hỏa đang di chuyển chạy chậm hơn đồng hồ của người đứng dưới đường, thì sự thật sẽ là như vậy. Còn nếu bảo sự thật là cái ta cảm thấy rõ ràng là phải đúng, thì trái đất sẽ là một cái mâm phẳng và bầu trời sẽ là một cái lồng bàn có gắn những ngôi sao lấp lánh được di chuyển bằng những thiên thần có cánh.

Vì ngôn ngữ là một khả năng bẩm sinh nên chúng ta thấy tất cả những gì chúng ta nói đều rất hợp lý, rất tất nhiên, 'có cái gì đâu', và chúng ta ít khi nghĩ đến câu hỏi tại sao lại nói được thế này mà không nói được thế kia. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về bản chất của ngôn ngữ học hiện đại và nhìn cái khả năng đặc biệt của con người này với một con mắt hơi khác.


Những tài liệu được nhắc đến trong bài:


Bloomfield, L. Language. Motilal Banarsidass.
Cao Xuân Hạo. 1986. Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt. Trong: Tiếng Việt. Mấy Vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp, Ngữ nghĩa. Nhà xuất bản Giáo dục, 2001.
Chomsky, N. 1957. Syntactic Structure. Mouton.
_____. 1981. Lectures on Government and Binding. Mouton de Gruyter.
_____. 1995. The Minimalist Program. MIT Press.
Fanselow, G. & Damir Cavar. 2000. Distributed Deletion. Potsdam Universität.
Huang, C.-T.J. (1982). Logical Relations in Chinese and the Theory of Grammar. MIT Dissertation.
Kayne, R. 1994. The Antisymmetry of Syntax. MIT Press.
Lasnik, H & Myung-Kwan Park. 2003. The EPP and the subject condition under sluicing. Linguistic Inquiry. Volume 34, Issue 4.


© 2004 talawas


[1]Nói đúng hơn là nó phải đứng ở chỗ khác vì như vậy nó mới có thể được phát âm, theo Chomsky (1995), chương 3.
[2]Xin lưu ý là cấu trúc sâu không phải là ý nghĩa, mà cấu trúc bề mặt không phải là âm thanh. Cấu trúc sâu chỉ là đóng góp của phần cú pháp cho ý nghĩa, và cấu trúc bề mặt là đóng góp của nó cho âm thanh, còn bản thân ý nghĩa và âm thanh là kết quả có được sau khi bộ phận ngữ nghĩa và ngữ âm „đọc“ cấu trúc sâu và cấu trúc bề mặt. Khái niệm cấu trúc sâu và cấu trúc bề mặt hiện giờ không còn được dùng nữa, nhưng trong lý thuyết ngữ pháp vẫn có sự phận biệt giữa thao tác xây dựng cấu trúc (structure building) mà kết quả là một cái gì đó từa tựa như cấu trúc sâu ngày xưa, tức là gần với ngữ nghĩa lô-gích (deep semantics), và thao tác thay đổi cấu trúc (structure manipulation) mà kết quả gần giống như cấu trúc bề mặt, tức là gần với âm thanh và ngữ nghĩa giao tiếp (surface semantics).
[3]Xem Chomsky (1957), chương 5 và 8.
[4]‘Các nhà triết học’ ở đây chỉ những người theo trường phái logical positivism, tức Wiener Kreis.
[5]Giai đoạn của trường phái Cấu trúc Mỹ (American Structuralism) trong những năm 30-50. Tất nhiên là đến tận bây giờ vẫn có những nhà nghiên cứu ngôn ngữ bỏ công tìm hiểu những discovery procedures

[6]Xem Chomsky (1957), chương 6. Trong quyển sách này, Chomsky nói rằng lý thuyết ngôn ngữ có nhiệm vụ đưa ra một thước đo để dựa vào đó chúng ta có thể nói ngữ pháp G1 có ‘hay’ hơn ngữ pháp G2 hay không, đối mặt với một tập hợp dữ liệu. Ẩn ý là đứa trẻ có cái thước đo này trong đầu khi chúng tiếp cận với dữ liệu ngôn ngữ và tìm cách đoán ra một ngữ pháp. Quan điểm này bị bác bỏ sau khi mô hình P&P (Principle and Parameter) ra đời.
[7]Xem Huang (1982).
[8]Xin lưu ý là CED chỉ là một khái quát hóa (generalization) chứ không phải một nguyên tắc (principle). Nó chỉ mô tả lại hiện tượng thôi chứ không giải thích được gì cả. Những hiện tượng mà CED mô tả đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Xem chú thích sau.
[9]Ai cũng phải thấy là (6b) hơn hẳn (7b). Thực ra đó là hai hiện tượng khác nhau, tức là (6b) vi phạm một nguyên tắc khác với (7b). Xem Lasnik & Park cho (6b), xem Stepanov cho (7b). Ngoài ra, ai tinh ý sẽ nhận ra rằng mặc dù (6b) là một câu tồi vì có chuyển vị ra khỏi chủ ngữ, nhưng câu (i) sau đây lại tốt hơn hẳn, mặc dù có vẻ là cũng có chuyển vị khỏi chủ ngữ:
- sách về ngôn ngữ học thì [quyển ___ của Cao Xuân Hạo] chắc chắn sẽ gây tranh cãi
- Có thể nói rằng nếu ta di chuyển cả danh từ sách thì CED lại không có tác dụng nữa. Nhưng điều này không đúng, vì (ii) vẫn hoàn toàn không chấp nhận được:
- * sách về ngôn ngữ học thì tôi rất vui khi tìm thấy [quyển ___ của Cao Xuân Hạo]
Fanselow & Cavar đưa ra một cách giải thích hay cho (i). Stepanov giải thích được (ii).
[10]Ví dụ của Bloomfield trong Bloomfield (1933).
[11]Nói một cách khác, nếu ta kết hợp A và B để tạo nên một thành tố [C A B], thì A sẽ chỉ huy B và tất cả những gì chứa trong B.
[12]Xem Chomsky 1981, chÆ°Æ¡ng 3.
[13]Vì thành tố nhỏ nhất chứa họ là A = vợ họ, và A không chứa nhau
[14]‘Chỉ huy’ dẫn đến ‚đi trước’, nhưng không phải ngược lại (xem Kayne). Vậy nên nếu A không đi trước B thì A không thể chỉ huy B.

Bài trả lời của Cao Xuân Hạo

Cao Xuân Hạo

Vài lời nhân bài viết của Trịnh Hữu Tuệ

Tôi rất mừng khi thấy talawas bắt đầu đăng những bài có nội dung Ngôn ngữ học. Ở ta có một hiện tượng lạ (tôi biết câu này rất thừa, bởi vì ở ta chỉ có toàn những hiện tượng lạ mà thôi) là nh
ững người làm văn học (nghiên cứu hay phê bình) chưa bao giờ thèm chú ý đến ngôn ngữ, mặc dầu ngôn ngữ chính là chất liệu của văn học. Làm văn học mà không biết gì về ngôn ngữ chẳng khác nào làm âm nhạc mà không biết gì về âm thanh (cao độ, khoảng cách, âm giai, hòa âm, điệu thức, v.v.) hay làm hội họa mà không biết gì về mầu sắc, hình thể, đường nét, nhãn giác, viễn cận, bố cục, v.v. Ở ta, sự dốt nát về ngôn ngữ (về tiếng Việt) có một lý do tự nhiên: đó là sách và bài vở của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chưa bao giờ viết một câu nào về tiếng Việt: tất cả đều dịch từ sách ngữ pháp tiếng Pháp, và các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chưa bao giờ dành ra một phút để quan sát xem thử người Việt nói năng như thế nào. Lác đác trong sách của vài người như Trương Vĩnh Ký (1883) hay Phạm Duy Khiêm (trong sách của Trần Trọng Kim & Bùi Kỷ 1940) có viết về một vài sự thật không thể chối cãi của tiếng Việt, nhưng chẳng có ai thèm nghe, vì cái định kiến cho rằng tiếng Việt chính là tiếng Pháp được coi là một chân lý thiêng liêng hơn cả sự thật khoa học.

Cho nên ông Trịnh Hữu Tuệ viết bài ấy là chuyện hoàn toàn hiểu được. Trả lời bài ấy mới là việc khó. Muốn trả lời, phải viết lại dăm chục nghìn trang, trong đó có vài nghìn trang của tôi (và của những người đi theo hướng của tôi) và mấy chục nghìn trang của dăm trăm tác giả phương Tây: những tiền giả định (presuppositions) cần thiết cho một cuộc tranh luận, dù là hời hợt, cũng quá nhiều và quá lớn.

Tuy nhiên, trong chừng mực có thể, tôi cũng xin viết ra đây vài điều quan yếu nhất.

N. Chomsky cho rằng trong một câu như Invisible God created the visible world, ở cấu trúc sâu có ba câu là 1. God is invisible; 2. God created the world; 3, The world is visible. Lời khẳng định này đã cho phép tất cả các nhà ngữ học không phải là môn đệ của Chomsky nói rằng ông ta không hề quan tâm chút nào đến ngôn ngữ trong khi tự nhận mình là nhà ngôn ngữ học. Riêng ở đây, ông không thèm biết rằng ta chỉ có một câu duy nhất, còn những cái mà Chomsky gọi là câu tuyệt nhiên không phải là câu, mà là những ngữ đoạn (phrases hay syntagms). Ngôn ngữ nào cũng có những phương tiện bắt buộc phải dùng để phân biệt câu (sentences hay [simple]clauses) với phi câu (“bất thành cú”), mà U.Weinreich gọi là backgrounding devices. Ba phần Invisible God; created the visible world và the visible world đều đã bị đẩy lùi vào hậu cảnh (backgrounded) và do đó không còn là câu nữa mà chỉ là những danh ngữ (noun phrases), hay những vị ngữ (verb phrases) Và đó cũng chính là một sự phân biệt hết sức quan trọng mà ngay người bản ngữ cũng phải “nhập nội” (internalize – Chomsky) ngay từ đầu.

Năm 1976, Ch. Li & Sandra Thompson cho xuất bản cuốn Subject and Topic với sự tham gia của nhiều tác giả cỡ lớn, trình bày “a new typology of languages”, chia các ngôn ngữ thành bốn loại lớn, trong đó sự tương phản lớn nhất là giữa subject-prominent languges (như các ngôn ngữ Ấn Âu) và topic-prominent languages (như các ngôn ngữ đơn lập – isolating languages). Từ đó, hầu hết các tác giả nghiên cứu tiếng Hán và tiếng Việt đều phân tích câu thành hai phần Ðề-Thuyết. [1]

Làm như vậy, họ đi theo một truyền thống đã có từ những năm 20 với trường Prague và với Sapir (và sau này, ở Mỹ, là Ch. F. Hockett (1958). Cách làm này phù hợp với quan niệm về câu của E.Sapir (1921) như là the linguistic expression of a proposition, và mâu thuẫn với lý thuyết của Chomsky. Trong cuốn A Grammar of Vietnamese (1965) L.Thompson là người đầu tiên thấy rằng tiếng Việt không có grammatical subject như tiếng Ấn Âu, mà chỉ có logical subject (sở đề logic) và do đó mà vô hình trung nhất trí với Sapir và C. Li & S.Thompson.

Tôi đi theo các tác giả này không hẳn là vì không tán thành Chomsky. Mặc dầu ngày nay phần lớn giới ngữ học đã thấy rõ rằng cuộc “cách mạng thứ hai” [2] của ông không đem lại một giải pháp gì đáng tin cậy, Chomsky vẫn là một tài năng lớn [3] . Nhưng những thành công quan trọng nhất của ông nằm trong lĩnh vực hình thái học (morphology), mà tiếng Việt thì lại hoàn toàn không có morphology, cho nên không thể dùng bất kỳ cái gì của Chomsky được hết, trong đó có cái gọi là grammatical subject, nhất là khi người ta nhớ kỹ cách định nghĩa khái niệm này trong ngôn ngữ học truyền thống của châu Âu.

Năm 1991 và 1995, khi ở Pháp, nhân dịp báo cáo về cấu trúc của câu tiếng Việt, tôi phản đối khái niệm topicalization của Chomsky, thì tôi đã gặp được một sự đồng tình hoàn toàn hất trí của tất cả các thính giả có mặt.

Lập luận của tôi là như sau:

Cái hậu tố (suffix) -ize/-ization/-ification (tiếng Việt dịch là -hoá) chỉ dùng được khi nào cái được chuyển hóa là một cái gì không được gọi đúng tên của nó. Chẳng hạn, chỉ có thể nhân cách hoá (personification) một cái gì không phải là người (mà là thần hay chó chẳng hạn). Ðàng này trong một câu như Bàn lau rồi đấy, thì bàn chính là topic, làm sao còn topicalized được nữa? Cái sai là ở chỗ Chomsky không hiểu gì về cấu trúc Ðề-Thuyết, cho nên dùng một thuật ngữ có những presuppositions sai trái.

Cũng nên nói rõ: vì yên trí (một cách vô thức) rằng tiếng Việt 100% là tiếng Ấn Âu, cho nên có những tác giả tuyên bố thẳng thừng rằng những câu như Bàn lau rồi hay Tôi tên là Nam đều sai ngữ pháp và thậm chí vô văn hóa. Chẳng qua vì họ thấy không thể phân tích bằng ngữ pháp tiếng châu Âu được mà thôi. Tôi đã từng chứng minh rằng hai câu này không đồng nghĩa với Tôi đã lau bàn rồi và Tên của tôi là Nam, và do đó không thể coi là transforms của nhau, vì hai câu này nói về hai đề tài (topics hay themes) khác. [4]

Nói tóm lại, bài của Trịnh Hữu Tuệ cÅ©ng nhÆ° những bài sau này của tôi chỉ đúng chá»— trong văn cảnh cá
»§a má»™t chuyên mục đã có sẵn những bài cÆ¡ bản hÆ¡n. Ðó là má»™t Ä‘iều mà tôi rất mong là talawas sẽ làm được.

© 2004 talawas


[1]Li Charles and Sandra Thompson. Mandarin Chinese. A Functional Reference Grammar. 1981; Dyvik H. J. J, Subject or Topic in Vietnamese. 1984
[2]Vào thập kỷ 50, các môn đệ của Chomsky gọi sự ra đời của ngữ pháp sản sinh như vậy (cuộc cách mạng ”thứ nhất” là cấu trúc luận của F. de Saussure, “người cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại”.
[3]Cái “lớn” nhất của ông có lẽ là trong quá trình xây dụng lý thuyết của ông, ông luôn luôn tiếp thu những cái mới để bổ sung và uốn nắn quan điểm của mình, đến nỗi những sáng tác gần đây của ông không còn lại bao nhiêu của dạng thức ban đầu (như trong Syntactic structures (1947). Ngay như lời tuyên bố của ông về quan điểm mentalistic (một thứ tội lỗi bất khả dung thứ dưới mắt phái miêu tả đang thống trị nền ngữ học Mỹ hồi ông bắt đầu viết, nhưng lại được ông nhận làm quan điểm của mình), ông cũng từ bỏ nốt như ta có thể thấy rõ qua cách trình bày tuy đơn sơ nhưng đủ chính xác của Trịnh Hữu Tuệ, trong đó ngữ pháp tạo sinh được trình bày như một thứ thủ pháp thực dụng (“hocus-pocus linguistics”), mà nhà ngữ học có thể dùng (nếu thấy thích) chứ không phải một lý thuyết nhằm đi tìm chân lý khoa học (cf. “God’s truth linguistics”, vốn nằm trong vốn tri thức chủ quan và không tự giác của người bản ngữ như trong quan niệm của Saussure, một người mentalist điển hình.
Muốn thấy rõ hơn những vấn đề được tiền giả định trong bài của Trịnh Hữu Tuệ, xin xem On Understanding Grammar của T. Givón 1979, và luôn thể xem những tác giả mà tôi có dẫn trên.
[4]Xem bài Linh hồn tiếng Việt, trong Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt, Nxb Trẻ, 2001



No comments: